Trọng trách của sự nghiệp 'trồng người'
Chính sự tôn vinh của cả xã hội với sự nghiệp giáo dục đã tạo ra những giá trị văn hoá tốt đẹp của Việt Nam ngàn đời văn hiến.
Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến sự nghiệp giáo dục, đào tạo, chủ trương giáo dục và đào tạo cùng với khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước. Cùng với việc đề cao vị trí, vai trò, trách nhiệm xã hội của sự nghiệp giáo dục và đào tạo, Đảng và Nhà nước ban hành nhiều chính sách thoả đáng nhằm tôn vinh, đãi ngộ, chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách và giải pháp để cải thiện mức sống, nâng cao trình độ và chất lượng đội ngũ nhà giáo.
Thực hiện chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước, sự nghiệp giáo dục của nước ta thời gian qua đạt được nhiều thành tựu to lớn. Chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo được tích cực triển khai, ban đầu có hiệu quả tốt đẹp. Quy mô và mạng lưới giáo dục, đào tạo phát triển nhanh, chất lượng giáo dục được tăng lên, quản lý giáo dục có nhiều tiến bộ. Giáo dục và đào tạo ở những vùng khó khăn và đồng bào các dân tộc thiểu số được quan tâm hơn. Chương trình sách giáo khoa, giáo dục phổ thông mới được ban hành; phương pháp giảng dạy và học tập có bước đổi mới; hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo ngày càng mở rộng và có hiệu quả tích cực. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được chú trọng cả về số lượng và chất lượng. Chi đầu tư cho giáo dục và đào tạo được tăng cường. Cơ chế, chính sách cho giáo dục và đào tạo từng bước được đổi mới, đời sống của đội ngũ nhà giáo có phần được cải thiện.
Bên cạnh những thành tựu đáng ghi nhận, sự nghiệp giáo dục và đào tạo vẫn bộc lộ những yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của xã hội. Dư luận cho thấy, ở những khâu quan trọng của công tác giáo dục và đào tạo còn những vấn đề nổi cộm. Một biểu hiện đáng quan tâm là hầu như con em các gia đình có điều kiện kinh tế, trong đó có cả các nhà giáo thường cho con đi học ở nước ngoài. Theo thống kê sơ bộ, số sinh viên đại học và học viên trên đại học ở nước ta đang học tại nước ngoài lên tới cả trăm ngàn, chi phí cho việc du học lên tới hàng tỉ USD. Đây đúng là hiện tượng không bình thường có liên quan đến niềm tin của xã hội về công tác giáo dục, đào tạo trong nước.
Vấn đề hệ trọng nhất cần xem xét là tư duy về giáo dục đào tạo, là triết lý giáo dục và mô hình giáo dục. Hiện nay chúng ta chưa định hình một cách bài bản mô hình giáo dục đặc thù của Việt Nam cũng như phương pháp giáo dục mang tính khoa học và hiệu quả của Việt Nam. Từ giáo dục mầm non đến giáo dục ở cấp học phổ thông, học sinh của ta chỉ thấy học và học, kiến thức thu được còn ít nhưng sách vở học trò thường quá nhiều, đeo nặng trên vai. Trẻ nhỏ phải được vừa học, vừa chơi, không nên bắt phải học ngày, học đêm, bài tập về nhà quá nhiều, làm mất cả những hoạt động, vui chơi thường xuyên của tuổi thơ hiếu động.
Chương trình và nội dung sách giáo khoa cũng đang là vấn đề cần được xem xét. Cần áp dụng mọi giải pháp kiên quyết nhất để xóa bỏ tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan như gánh nặng đối với cả học sinh và các bậc phụ huynh. Cần tránh sự áp đặt những bài giảng mẫu, những khuôn sáo mẫu của giáo viên làm mất tư duy sáng tạo của các em nhỏ.
Công tác đào tạo đại học và sau đại học cũng xuất hiện nhiều vấn đề đáng quan tâm. Trong khi một số trường đại học nước ta đã sánh vai với các trường tiên tiến trên thế giới, thì có không ít trường đại học chất lượng đào tạo kém. Dư luận vừa qua đã phê phán mạnh mẽ về một số cơ quan đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ với cách làm cẩu thả, thiếu khoa học.
Để khắc phục những hạn chế đó, giải pháp căn cơ là phải đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đổi mới từ quan điểm tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục, đổi mới ở tất cả các cấp học, ngành học, sao cho sau hành trình qua các cấp học, học sinh của chúng ta phát huy được tố chất thông minh của người Việt, tự tin, năng động, sáng tạo, đáp ứng nhu cầu về nguồn lực chất lượng cao cho công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Khi giáo dục và đào tạo được xác định là quốc sách hàng đầu, thì việc “tôn sư trọng đạo” cần được phát huy và thực hiện bằng những cơ chế, quyết sách cụ thể và được cả xã hội quan tâm như một lẽ đương nhiên.
Thấm đượm lời dạy của Bác Hồ vĩ đại “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người” càng cho thấy rõ “trồng người” là sự nghiệp rất vinh quang, cao cả và trọng trách của các nhà giáo là vô cùng lớn lao.
Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, chúng ta dành sự tôn vinh và tri ân sâu sắc đối với các nhà giáo, đội ngũ tiên phong trong “sự nghiệp trồng người”.
Nguồn: Trọng trách của sự nghiệp 'trồng người'