Tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi và những giá trị vượt thời đại
Tư tưởng Hồ Chí Minh về chữa bệnh “khinh lý luận” trong cán bộ, đảng viên Bước phát triển trong quy định của Đảng về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên |
1. Ý niệm về tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi
Nguyễn Trãi là nhà tư tưởng lớn của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ XV. Với Nguyễn Trãi, “nhân nghĩa” đã vươn lên, mở rộng thành mối quan hệ “Nước với Dân” và “Dân với Nước”, nghĩa là, phải chiến đấu kiên cường, sẵn sàng xả thân vì hạnh phúc của Dân, yêu thương và chăm lo hạnh phúc của Dân.
Với Nguyễn Trãi, “nhân nghĩa” trở thành nền tảng ứng xử, nguyên tắc trị nước, bản chất của kháng chiến, nhân nghĩa với mọi người, nhất là với Dân. Đặc biệt hơn, với kẻ thù bại trận thì nhân nghĩa trong tư tưởng của Nguyễn Trãi trở thành lòng khoan dung để giữ hoà hiếu vững bền. Có thể thấy, tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi đã bao trùm toàn bộ cuộc đời ông, thể hiện ở các ý niệm:
(1) Nhân nghĩa là an dân, thương dân, lo cho dân.
Với Nguyễn Trãi, nhân nghĩa trước hết là an dân: “việc nhân nghĩa cốt ở an dân/ Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”1. Như vậy, Nguyễn Trãi đã coi an dân là mục đích của nhân nghĩa; trừ bạo là đối tượng, là phương tiện của nhân nghĩa. Muốn dân được yên bình, no ấm thì phải yêu cầu chấm dứt mọi bạo ngược, bóc lột Nhân dân. Đồng thời, có an dân, dân có mạnh thì nước mới thanh bình, thịnh vượng. Vì vậy, ông luôn luôn nghĩ đến Nhân dân, để tâm trí vào Nhân dân: “Ức tích Lam Sơn ngoạn võ kinh/ Đương thời chí dĩ tại thương sinh” (Dịch nghĩa: Lam Sơn ngày ấy đọc binh thư/ Lòng quyết vì dân dạ chẳng rời)2.
An dân được thể hiện trước hết ở mục đích, lý tưởng thực hành đạo nhân nghĩa của ông. Trong một bức thư gửi tướng nhà Minh, ông đã chỉ rõ: “dùng quân nhân nghĩa cứu dân khổ, đánh kẻ có tội”3; “Ta nghe đức trời hiếu sinh, sức thần bất sát. Cất quân nhân nghĩa cốt để yên dân”4. Như vậy, trong tư tưởng của Nguyễn Trãi, chữ “nhân”, chữ “nghĩa” quyện với chữ “dân” làm một. Cuộc sống của dân, hạnh phúc của dân là tiêu chuẩn và cũng là cơ sở của việc thực hành nhân nghĩa.
Tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi cũng có nghĩa là thương dân, lo cho dân. Khi đất nước bị xâm lược, ông đã thể hiện sự bất bình với hành động của quân xâm lược: “Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn/ Vùi con đỏ dưới hầm tai vạ”5. Đây cũng là bản cáo trạng đanh thép tố cáo những tội ác “Trời không dung, đất không tha” đối với giặc Minh xâm lược.
(2) Nhân nghĩa là sự khoan dung, độ lượng.
Tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi không chỉ thể hiện ở sự yêu dân, thương dân mà nhân nghĩa còn thể hiện ở lòng khoan dung, độ lượng với cả kẻ thù. Tha cho kẻ thù là nhân nghĩa, trong đó cũng thể hiện mục đích cuối cùng là an dân: “Nghĩ kế nước nhà trường cửu, tha cho mười vạn hùng binh. Gây lại hòa hảo cho hai nước, dập tắt chiến tranh cho muôn đời”6.
Một điều đặc biệt chưa từng xảy ra trong lịch sử chiến tranh là khi nghĩa quân Lam Sơn đã giành thắng lợi, bắt được tù binh nhưng Nguyễn Trãi không những không giết mà còn mở cho chúng một đường sống: mở lối, xây dựng cầu đường, cấp lương thực, phương tiện cho chúng hồi hương, vì nghĩ rằng: “Thần vũ không giết ta thể lòng trời để tỏ lòng hiếu sinh/ Ta lấy toàn quân làm cốt mà cho dân được nghỉ”7. Như vậy, tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi là lòng nhân từ, trở thành nguyên tắc ứng xử với con người, cả với những kẻ đã từng có tội. “An dân” là mục đích trung tâm, cốt lõi trong tư tưởng, trở thành nền tảng chiến lược chính trị nhất quán và xuyên suốt của ông.
(3) Nhân nghĩa là xây dựng đất nước thái bình.
Tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi còn thể hiện rõ mong muốn xây dựng một đất nước thái bình, bên trên có vua thánh tôi hiền, bên dưới không còn tiếng giận oán sầu, đất nước phồn vinh, hạnh phúc, hòa thuận, yên vui: “Thánh tâm dục dữ dân hưu túc/ Văn trị chung tu chí thái bình” (nghĩa là: lòng vua chỉ muốn dân yên nghỉ, xếp võ theo văn, nước trị bình)8; “Vua Nghiêu Thuấn, dân Nghiêu Thuấn/ Dường ấy ta đà phỉ sở nguyền”9. Có thể thấy, lý tưởng chính trị – xã hội của Nguyễn Trãi phù hợp với nguyện vọng, khát vọng của dân tộc, Nhân dân, vì thế, đây là một quan niệm tích cực và đầy tinh thần nhân bản.
(4) Nhân nghĩa là dùng người hiền tài.
Sử dụng người hiền tài để giúp nước, giúp dân là tầm nhìn chiến lược trong tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi. Nguyễn Trãi quan niệm rằng: “Người tài trong dân không ít, nên triều đình phải cầu hiền bằng nhiều đường, nhiều cách như học hành thi cử; hoặc tiến cử “văn võ đại thần, công hầu, đại phu từ tam phẩm trở lên, mỗi người đều cử một người, hoặc ở triều đình, hoặc ở thôn dã, bất cứ là đã xuất sĩ hay chưa, nếu có tài văn võ, có thể trị dân coi quân, thì… tùy tài trao chức”; hoặc ứng cử “người có tài ở hàng kinh luân bị khuất ở hàng quân nhỏ”, “người hào kiệt náu ở nơi đồng nội, lẫn ở hàng binh lính” phải tự mình đề đạt để gánh vác việc dân, việc nước10. Như vậy, Nguyễn Trãi đã rất chú trọng đến việc đào tạo, bồi dưỡng, phát triển và sử dụng nhân tài vào việc trị quốc, an dân. Có thể nói, chiến lược “dùng người” của Nguyễn Trãi cho đến nay vẫn mang tính thời sự đối với việc xây dựng đất nước ta hiện nay.
2. Giá trị thời đại trong tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi
Tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi có giá trị lịch sử rất lớn, đặc biệt có ý nghĩa thiết thực đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay. Việt Nam đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa nên việc vận dụng tư tưởng nhân nghĩa là vấn đề quan trọng.
Thứ nhất, Đảng và Nhà nước luôn phấn đấu và bảo đảm để Nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, không ai bị bỏ lại phía sau. Điều này thể hiện ở việc thực hiện tốt công tác an sinh xã hội nhằm phòng ngừa, giảm thiểu, khắc phục rủi ro và bảo đảm các dịch vụ xã hội cơ bản cho Nhân dân. Chính phủ đã đầu tư ngày càng nhiều cho việc thực hiện các chính sách xã hội, thông qua việc điều chỉnh các mức hưởng, diện đối tượng hưởng và cả số lượng chính sách11. Các kết quả đạt được từ công tác an sinh xã hội hiện nay, như:
(1) Tỷ trọng chi ngân sách cho an sinh xã hội tăng dần, từ 2,85% GDP năm 2005 lên 4,14% GDP năm 2010 và 4,67% GDP năm 2011 và khoảng 6,7% GDP năm 202112.
(2) Bên cạnh vốn ngân sách nhà nước, nhiều nguồn lực khác (ODA, tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân) đã được huy động cho công cuộc giảm nghèo13.
(3) Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam vận động được 110 tỷ đồng; hỗ trợ trực tiếp cho 68.011 lượt trẻ em với kinh phí 50,605 tỷ đồng; hỗ trợ gián tiếp (hàng hóa) cho 57.489 lượt trẻ em với kinh phí 48,485 tỷ đồng; Việt Nam hiện xếp hạng 72 trong danh sách này với tiến độ bình đẳng giới đạt 71,1%, tăng 11 bậc so với vị trí năm 202214.
(4) Chăm lo đời sống, việc làm cho người lao động: Tết Quý Mão 2023, đã có hơn 8,6 triệu lượt đoàn viên, người lao động được thụ hưởng các hoạt động chăm lo Tết của các cấp Công đoàn với tổng kinh phí hơn 6.110 tỷ đồng, tăng 260 tỷ đồng so với Tết Nhâm dần 202215; các chỉ số về lực lượng lao động, tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ lao động qua đào tạo, lao động có việc làm, thu nhập của người lao động cơ bản ổn định; quỹ bảo hiểm thất nghiệp phát huy vai trò hỗ trợ doanh nghiệp duy trì việc làm bền vững cho người lao động; chú trọng đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp, nâng cao hiệu quả tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động thất nghiệp và chi trả trợ cấp thất nghiệp. Trong đại dịch Covid-19, hơn 38.000 tỷ đồng từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp đã được chi để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động16.
Thứ hai, luôn giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Phương châm đối ngoại của Đảng là thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, bao gồm đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân. Đưa các mối quan hệ đối ngoại đi vào chiều sâu, thực chất, thiết thực; huy động và kết hợp có hiệu quả các nguồn lực bên ngoài với nguồn lực trong nước để phục vụ sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước17.
Trong các hoạt động đối ngoại, lấy hòa bình, hòa hiếu và hữu nghị làm cốt lõi, đề cao lòng nhân ái, vị tha và bao dung, tạo dựng nên những truyền thống và bản sắc độc đáo của nền ngoại giao Việt Nam đầy hào khí, giàu tính nhân văn, hình thành nên một trường phái đối ngoại, ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo, mang đậm bản sắc cây tre Việt Nam: “Gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam”. Đó là vừa kiên định về nguyên tắc, vừa uyển chuyển về sách lược; mềm mại, khôn khéo nhưng cũng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức, vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân; đoàn kết, nhân ái nhưng luôn luôn kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia – dân tộc18. Trên cơ sở đường lối đối ngoại đó, Việt Nam chủ trương mở rộng quan hệ hợp tác song phương, đa phương với các nước và vùng lãnh thổ, góp phần củng cố môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thứ ba, thu hút, trọng dụng nhân tài, tiến cử hiền tài đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. Việc thu hút người tài không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với xây dựng nguồn nhân lực quốc gia, mà còn góp phần quan trọng vào công tác phát triển đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh: “Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam, bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước19. Bên cạnh đó, Đại hội XIII của Đảng xác định: “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục và đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài”20. Như vậy, cơ chế phát hiện, thu hút và trọng dụng nhân tài của Đảng, Nhà nước sẽ tạo điều kiện để nhân tài khẳng định mình, nỗ lực không ngừng đổi mới, phấn đấu bền bỉ, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.
Chú thích:
1, 5. Bình Ngô Đại Cáo. https://www.thivien.net, ngày 25/11/2023.
2. Hạ quy Lam Sơn kỳ 2. https://www.thivien.net, ngày 03/9/2018.
3, 4, 7. Nguyễn Quốc Liên. Nguyễn Trãi Tân biên. Tập 1. H. NXB Văn hoá, 2022, tr. 54, tr. 655, tr. 117.
6. Nguyễn Trãi toàn tập. Phú núi Chí Linh. Viện Sử học sưu tầm và in. H. NXB Khoa học xã hội, 1976, tr. 87.
8. Nguyễn Trãi toàn tập. Quan duyệt thủy trận.Viện Sử học sưu tầm và in. H. NXB Khoa học xã hội, 1976, tr. 87, tr. 288.
9. Nguyễn Trãi toàn tập. Tự thán. Viện Sử học sưu tầm và in. H. NXB Khoa học xã hội, 1976, tr. 81.
10. Nguyễn Trãi toàn tập. Chiếu cầu hiền tài. Viện Sử học sưu tầm và in. H. NXB Khoa học xã hội, 1976, tr. 195.
11, 12, 13, 14, 15, 16. Những dấu ấn bảo đảm an sinh xã hội năm 2023. https://baochinhphu.vn,ngày 01/01/2024.
17, 18. Nhìn lại hoạt động đối ngoại năm 2023: quan hệ giữa quốc hội việt nam với nghị viện các nước ngày càng được củng cố, thúc đẩy, đi vào chiều sâu, thực chất. https://quochoi.vn, ngày 31/12/2023.
19, 20. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập 1. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 110, 203 – 204.
Nguồn: Tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi và những giá trị vượt thời đại