Tuần này mua cổ phiếu gì? (từ 3 đến 7/6)
Nhận định phiên giao dịch ngày 31/5: Thị trường sẽ sớm cân bằng Nhận định phiên giao dịch ngày 30/5: VN Index gặp khó quanh vùng 1.280 - 1.290 điểm |
Dòng cổ phiếu điện bất ngờ có một tuần giao dịch khởi sắc |
Bluechip bị bán tháo - điểm sáng Điện, Dệt may, Bán lẻ
Kết thúc tuần giao dịch từ 27 đến 31/5 chỉ số VNIndex dừng ở mức 1261.72 điểm, tương đương giảm 0,21 điểm (0.02%) so với tuần trước. Nhìn vào chỉ số, có thể nhiều người lầm tưởng rằng đây là một tuần giao dịch “bình yên". Song trái lại, với các nhà đầu tư đang nắm giữ những cổ phiếu có vốn hoá lớn trong ngành tài chính thì lại là tuần giao dịch "đáng quên".
Dòng ngân hàng với những đại diện như cổ phiếu VCB của Ngân hàng Ngoại thương giảm hơn 3%, song đã là tuần giảm thứ 4 liên tiếp. Nếu tính từ đỉnh được thiết lập vào cuối tháng 2/2024 thì cổ đông của ngân hàng này đã bị "âm" khoảng 13%. Cổ phiếu BID của Ngân hàng Đầu tư và phát triển sau một tuần giao dịch còn giảm mạnh hơn, với mức giảm 4,27%. Tính từ mức đỉnh vào giữa tháng 3/2024 thì cổ phiếu này đã giảm đến 16%.
Tương tự với các cổ phiếu thuộc rổ VN30 như: HDB, SSB, MBB, VRE, VIC… đều có mức điều chỉnh từ 2-4%. Dòng ngân hàng còn lại các cổ phiếu TCB, ACB, OCB giữ được mức tăng nhẹ. Bất ngờ nhất là cổ phiếu LPB và EIB. Trong khi LPB có tuần tăng thứ ba liên tiếp, thị giá chạm mốc 25 ngàn 800 đồng, thì EIB đã có 4 tuần tăng liên tiếp với mức tăng 13%. Nếu như tính từ đầu năm, cổ đông của LPB đã có mức sinh lời lên đến 130%.
Bên cạnh đó những dòng cổ phiếu thường xuyên hút tiền như Chứng khoán, Bất động sản… cũng có một tuần giao dịch đáng thất vọng. Bởi sau nhịp giảm sâu hồi giữa tháng 4, dòng cổ phiếu này hồi phục chậm hơn thị trường. Và xu hướng hiện tại chủ yếu đi ngang tích luỹ. Nhóm bất động sản cổ phiếu VHM (Công ty Vinhomes) giảm hơn 2%, tiếp tục "dò đáy". Tính từ đỉnh ngắn hạn thiết lập vào tháng 2/2024 cổ phiếu này đã giảm khoảng 17%.
Tuần giao dịch qua cũng chứng kiến khối ngoại bán ròng với mức kỷ lục - hơn 8000 tỷ đồng gây sức ép rất lớn lên thị trường chung.
Dù vậy, vẫn có những nhóm cổ phiếu giao dịch khởi sắc - dù có vốn hoá nhỏ và tác động không lớn đến thị trường chung - gồm: Điện, Dệt may và Bán lẻ.
Các cổ phiếu REE, HDG, TV2, GEG, PPC, QTP, … đều có một tuần giao dịch tốt khi tích luỹ từ 2-10%. Trong đó nổi bật có TV2 của Tư vấn xây dựng điện 2 tăng hơn 10%, PPC của Nhiệt điện Phả Lại tăng gần 9%, GEG của CTCP Điện Gia lai tăng 6,4%.
Nhóm Dệt may với các đại diện GIL của Xuất nhập khẩu Bình Thạnh tăng 7%, TCM của Dệt may Thành Công tăng gần 6%, VGT của Tập đoàn Dệt may Việt Nam tăng gần 4%.
Bán lẻ có các đại diện MWG, DGW hay MSN trở thành “lá cờ đầu" dẫn dắt để thị trường không bị điều chỉnh sâu. Nổi bật có MWG (Thế giới di động) tăng hơn 5%, FRT (Công ty FPT Retail) tăng gần 6%, MSN (Công ty Masan) tăng 4,22%.
Nhóm cổ phiếu dầu khí với các đại diện thượng nguồn, trung nguồn (như PVS, PVD, PVB...) có một tuần đi ngang. Dù vậy cũng có nhiều cổ phiếu có tuần giao dịch rất tốt khi POW (Điện lực dầu khí) bật tăng đến 11%, NT2 (Nhơn Trạch 2) tăng gần 2%. Cổ phiếu PET của Petrosetco cũng giao dịch “quật khởi” khi tăng hơn 8,4%. Đây cũng là tuần tăng thứ 4 liên tiếp của cổ phiếu này.
Tuần giao dịch đầu tháng 6 sẽ chứa đựng nhiều bất ngờ với các "chứng sỹ"? |
Sẽ có bất ngờ?
Chuyên gia Hồ Hữu Tuấn Hiếu của CTCK SSI nhận xét, tuần qua nhiều nhà đầu tư có thể “thở phào" khi nỗi lo về một tuần điều chỉnh mạnh đã không thành sự thật. Trong tuần có lúc VNIndex đã “nhúng” xuống 1250 điểm nhưng nhanh chóng bật lên, tạm thời cân bằng ở vùng 126x.
Bên cạnh đó sự suy yếu ở nhóm cổ phiếu Bluechip với đại diện là VCB, CTG, VIC, VHM… chỉ dừng lại ở mức ghìm chỉ số xuống, mà không lan toả ra các dòng cổ phiếu khác để khiến cho tâm lý thị trường yếu đi. Đặc biệt cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hoà Phát sau 5 tuần tăng liên tiếp thì tuần này chỉ bị chỉnh nhẹ 1,04%.
Cũng theo chuyên gia này, nhìn vào bức tranh chung vĩ mô tháng 5, điểm sáng là nền kinh tế vẫn ổn định, lạm phát được kiểm soát. Mặc dù tại thời điểm nhất định, một số mặt hàng tăng nóng như giá thịt lợn, chi phí điện sinh hoạt… tạo mức CPI tăng 4,4% so với cùng kỳ. Song đây chỉ là áp lực mang tính ngắn hạn.
Thời điểm quý 3, quý 4 tới những áp lực trên kỳ vọng sẽ "nguội" đi và mục tiêu kiểm soát lạm phát được bảo đảm. Bên cạnh đó kỳ vọng tăng lương vào tháng 7/2024 và chính sách giảm thuế VAT hết năm sẽ là động lực cho ngành bán lẻ.
Chuyên gia Ngô Minh Đức, Giám đốc LCTV Invesment cho rằng sau một quãng thời gian dài bán ròng mạnh mẽ, thì bước sang quý 3/2024 khối ngoại sẽ giảm cường độ. Chỉ số VNIndex có thể sẽ đi ngang trong hai tuần đầu, trước khi bật mạnh vào các tuần cuối tháng 6. "Trong kịch bản tích cực, không loại trừ khả năng VNIndex có thể bứt phá vào tháng 7/2024 chạm mốc 1300 điểm" - ông Đức chia sẻ.
Còn theo Chuyên gia tư vấn chứng khoán Hoàng Tuấn, thị trường trong tuần đã co hẹp sự biến động và có thể khởi động cho một trend mới trong tương lai. Bối cảnh hiện tại thị trường vẫn có tích cực trở của các cổ phiếu mạnh của nhóm bank như TCB, ACB, OCB... Những cổ phiếu này không chỉ “đỡ” thị trường trong giai đoạn rung lắc, mà đang có vùng tích luỹ khá đẹp.
Đặc biệt thị trường cũng đang trong sự phân hoá mạnh, bên cạnh những cổ phiếu bị khối ngoại xả mạnh thì vẫn có những lớp cổ phiếu tăng tốt, tạo nền tốt. Chỉ cần chờ dòng tiền lớn vào đánh lên là nhà đầu tư có thể giải ngân.
Với chiến lược tuần tới, chuyên gia này khuyến nghị nhà đầu tư có thể giữ tỷ trọng cổ phiếu và tiền mặt ở mức cân bằng 50-50, hạn chế sử dụng margin. Nhà đầu tư cũng có thể chú ý theo dõi một số cổ phiếu lớn đã đi vào vùng quá bán như VCB, VHM, CTG… Rất có thể khi nhóm cổ phiếu này được đỡ bởi dòng tiền lớn thị trường có thể bật tăng trở lại.
Khi đó nhà đầu tư có tỷ trọng tiền mặt cao có thể giải ngân vào một số cổ phiếu thuộc nhóm ngân hàng, logistic, xây dựng, dệt may, với các đại diện như: TCB, ACB, OCB, GMD, CTD, GIL…
Nguồn: Tuần này mua cổ phiếu gì? (từ 3 đến 7/6)