Tuyên Quang: Tăng cường quản lý và xử lý CTR sinh hoạt
Theo đó, Quyết định quy định rõ CTR sinh hoạt sẽ thực hiện phân loại tại nguồn thành 3 nhóm chính: Nhóm CTR có khả năng tái sử dụng, tái chế như: Giấy, thủy tinh, kim loại…; Nhóm chất thải thực phẩm gồm: Thức ăn thừa, thực phẩm hỏng hết hạn sử dụng, các loại rau, củ, quả, trái cây và các phần thải bỏ sau khi sơ chế, chế biến món ăn… và Nhóm CTR sinh hoạt khác như: Chất thải nguy hại, cồng kềnh…
Kinh phí thực hiện được bố trí từ ngân sách địa phương theo phân cấp hiện hành hoặc huy động từ các nguồn xã hội hóa, nguồn vốn ODA, các nguồn vốn hợp pháp khác (từ các chương trình, dự án, tài trợ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân...).
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Tuyên Quang, Quyết định chính thức đi vào đời sống sẽ tạo cơ sở pháp lý để cả hệ thống chính trị vào cuộc cùng tham gia và có trách nhiệm quản lý, xử lý CTR sinh hoạt hiệu quả hơn.
Được biết, UBND tỉnh Tuyên Quang đã yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố có trách nhiệm tổ chức thực hiện sâu rộng. Định kỳ hàng năm báo cáo kết quả thực hiện về Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 31/1 của năm tiếp theo (lồng ghép trong báo cáo công tác bảo vệ môi trường hàng năm) để tổng hợp báo cáo theo quy định.
Người dân tích cực phân loại rác thải tại nguồn |
Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu về quản lý chất thải trên địa bàn tỉnh, định kỳ hàng năm tham mưu UBND tỉnh báo cáo HĐND tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc quản lý chất thải trên địa bàn tỉnh trước ngày 15/2 của năm tiếp theo (lồng ghép trong báo cáo công tác bảo vệ môi trường hàng năm).
Trong Quyết định còn nêu rõ: Kể từ ngày 1/1/2025, cơ sở thu gom, vận chuyển CTR sinh hoạt có quyền từ chối thu gom, vận chuyển CTR sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân không phân loại tại nguồn; không đóng nộp hoặc đóng nộp không đầy đủ giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTR sinh hoạt; không sử dụng bao bì đúng quy định. Khi phát hiện hộ gia đình, cá nhân không phân loại hoặc phân loại CTR sinh hoạt không đúng quy định, cơ sở thu gom, vận chuyển có trách nhiệm thông báo kịp thời cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo pháp luật hiện hành.
Trong khi, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định, từ 1/1/2022, các tổ chức, cá nhân phải phân loại rác thải tại nguồn, đơn vị thu gom có quyền từ chối nếu không thực hiện. Do đó để việc quản lý và xử lý hiệu quả CTR sinh hoạt ở Tuyên Quang đi vào thực tế vẫn còn là câu chuyện dài. Việc phân loại rác tại nguồn chỉ có hiệu quả khi có hệ thống hạ tầng từ thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng được đầu tư đồng bộ. Việc thay đổi này cần lộ trình thực hiện, chứ không phải một sớm một chiều là thành công.
Để bắt nhịp, được biết Công ty CP Dịch vụ Môi trường và Quản lý đô thị đã lắp đặt nhiều thùng rác 2 ngăn tại các điểm công cộng và khu dân cư. Tiến tới, sẽ lắp đặt hơn 5.000 thùng rác 2 ngăn tại các khu dân cư, đồng thời đầu tư thêm xe chở rác để ép rác sinh hoạt riêng và ép rác thải hữu cơ riêng.
Thùng rác 2 ngăn đang được Tuyên Quang lắp đặt trong khu dân cư - ảnh baotuyenquang.com.vn |
Về lâu dài, theo ông Phùng Thế Hiệu, Trưởng phòng Môi trường, Nước, Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, Sở Tài nguyên và Môi trường, tỉnh cần có cơ chế thu hút các doanh nghiệp xử lý rác thải vào tỉnh. Trong đó, ưu tiên các doanh nghiệp xử lý, tái chế rác thải vào sản xuất điện, phân bón hay tái chế rác thải nhựa, giảm thiểu tối đa việc chôn lấp rác thải như hiện nay.
Gần đây, việc đẩy mạnh tuyên truyền tác hại của CTR sinh hoạt được tỉnh Tuyên Quang quán triệt sâu rộng thông qua nhiều hình thức hoạt động tuyên truyền, đưa và lồng ghép vào các chương trình giáo dục học sinh ở nhiều cấp học, các tổ chức đoàn thể: Hội phụ nữ, người cao tuổi, thanh niên… quan trọng hơn đã huy động được cả hệ chính trị cùng bắt tay vào cuộc thực hiện giám sát, quản lý, phân loại và xử lý CTR sinh hoạt.
Nguồn: Tuyên Quang: Tăng cường quản lý và xử lý CTR sinh hoạt