Tỷ giá biến động 1%, Vietnam Airlines thiệt hại 300 tỷ đồng
Vietnam Airlines mong muốn tỷ giá ổn định, ở mức thấp nhất có thể do đặc thù ngành hàng không, 1% thay đổi tỷ giá cũng mất 300 tỷ, nếu 5% thì chi phí một năm tăng lên 1.500 tỷ.
Tỷ giá biến động 1%, Vietnam Airlines thiệt hại 300 tỷ đồng
Sáng 14/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chủ trì Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.
Tại Hội nghị, ông Đặng Ngọc Hòa - Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines (mã HVN) chia sẻ ngành hàng không, trong giai đoạn vừa qua, giai đoạn COVID-19, hậu COVID-19, chịu ảnh hưởng rất lớn. Tuy nhiên, Vietnam Airlines đã từng bước phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh. Vietnam Airlines xác định đây là vai trò của ngành vận tải đi trước mở đường để đưa phát triển kinh tế - xã hội, địa phương, du lịch, đầu tư… đưa kinh tế Việt Nam ra thế giới và đưa kinh tế thế giới tới Việt Nam.
Trong thời gian vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước có những giải pháp hết sức quyết liệt hỗ trợ cho các ngành chịu ảnh hưởng của COVID-19 như: Nghị định 31/2022/NĐ-CP, các Thông tư số 01, 02 của NHNN. Qua đó giúp ngành hàng không nói chung và Hãng hàng không Quốc gia từng bước phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
Trong năm 2023, phục hồi của ngành hàng không vẫn chưa được như trước đại dịch. Tuy nhiên, nhờ có sự hỗ trợ quyết liệt của Chính phủ như chính sách visa cũng đã giúp Vietnam Airlines phục hồi khoảng 80-90% so với trước dịch năm 2019.
Ông Đặng Ngọc Hòa Chủ tịch HĐQT Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam: Đề nghị hỗ trợ lãi suất vay trung, dài hạn. |
Trong năm 2023, 2024 và những năm tiếp theo, Vietnam Airlines vẫn đang tiến tới mở rộng sản xuất, kinh doanh, mở lại các đường bay cũ cũng như mở các đường bay mới, đặc biệt những đường bay xuyên lục địa.
Mặt khác, ngành hàng không cũng bị ảnh hưởng rất lớn bởi vấn đề chính trị, đặc biệt là vấn đề Trung Đông cũng như là Nga và Ukraine làm cho chi phí tăng lên rất cao. Song ông Đặng Ngọc Hòa cho biết hãng rất quyết tâm, phấn đấu mở rộng mảng bay, cân đối thu chi, hoặc tiệm cận được cân đối thu chi vào năm 2024.
Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines cũng nếu lên một số kiến nghị đối với chính sách tiền tệ và các chính sách chung.
Thứ nhất, lãi suất vay vẫn cao và cũng rất khó tiếp cận. Vietnam Airlines rất mong muốn có thể hỗ trợ được lãi suất cho vay, đặc biệt là lãi suất cho vay trung và dài hạn.
Thứ hai, đối với tỷ giá, như Vietnam Airlines là ngành hàng không thì 1% thay đổi tỷ giá cũng mất 300 tỷ, nếu mà 5% thì chi phí một năm tăng lên 1.500 tỷ.
"Vietnam Airlines rất mong muốn tỷ giá ổn định, ở mức thấp nhất có thể", ông Hòa nói.
Ngoài ra, Vietnam Airlines cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng tăng hạn mức tín dụng cho Vietnam Airlines. Và đặc biệt trong đề án tái cơ cấu, Vietnam Airlines có giải pháp tăng vốn điều lệ. Ông Đặng Ngọc Hòa bày tỏ rất mong Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các định chế tài chính để hỗ trợ Vietnam Airlines phần tăng vốn này.
Về hoạt động kinh doanh năm 2023, HVN lỗ sau thuế 5.516,8 tỷ đồng, đánh dấu năm thứ 4 thua lỗ liên tục. Tại ngày 31/12/2023, quy mô tài sản của HVN là 57.616,6 tỷ đồng. Tài sản trên được hình thành từ 74.561,7 tỷ đồng nợ phải trả và vốn chủ sở hữu âm 16.945,1 tỷ đồng.
Với việc âm vốn chủ sở hữu và kinh doanh thua lỗ liên tục 4 năm liên tiếp, cổ phiếu HVN đối mặt nguy cơ hủy niêm yết theo quy định tại khoản 1 Điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP.
Tuy nhiên, vào tháng 1/2024, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước bắt đầu lấy ý kiến để sửa đổi luật này, trong đó có bổ sung nội dung về việc hủy niêm yết bắt buộc: "Trường hợp đặc biệt cần duy trì niêm yết do Chính phủ xem xét, quyết định."
Giảm tỷ giá sẽ tạo thuận lợi cho xuất khẩu
Ổn định tỷ giá cũng là đề nghị được ông Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nêu. Dư nợ vay ngoại tệ của tập đoàn này hiện là 38.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 1,5 tỷ USD. Do đó, biến động và rủi ro tỷ giá ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn, theo ông Hùng.
"Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành tỷ giá ổn định, giúp doanh nghiệp giảm thiểu ảnh hưởng của biến động ngoại tệ. Chúng tôi hy vọng có giải pháp duy trì tỷ giá ổn định tới đây", Chủ tịch PVN nói.
Gần đây, tỷ giá ngoại tệ bật tăng mạnh, nhất là sau Tết Nguyên đán. Từ đầu năm đến nay, tỷ giá trên thị trường chính thức tăng 1,8% trong khi giá USD tự do tăng 3,75%. Trong khi giá đồng bạc xanh trong ngân hàng hạ nhiệt khi tiến gần mốc 25.000 đồng, nó vẫn tăng mạnh trên thị trường tự do, lên mức kỷ lục 25.700 đồng.
Nguyên nhân diễn biến này đến từ chênh lệch lãi suất USD/VND kéo dài và xu hướng chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), khiến nhu cầu về USD hấp dẫn trong nửa đầu năm 2024.
Từ 11/3, Ngân hàng Nhà nước chào thầu tín phiếu trở lại, hút về gần 30.000 tỷ đồng trên thị trường liên ngân hàng. Đây là động thái gián tiếp ổn định tỷ giá qua kiểm soát lãi suất liên ngân hàng, thu hẹp chênh lệch lãi suất VND/USD.
Giảm tỷ giá sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu cạnh tranh về giá. |
Tuy nhiên, khác với những doanh nghiệp có dư nợ vay hay chi phí bằng ngoại tệ, nhóm ngành xuất khẩu lại có quan điểm ngược lại. Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho hay, giai đoạn 2022 - 2023, các quốc gia xuất khẩu dệt may lớn Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh hay Thổ Nhĩ Kỳ đều có xu hướng giảm giá đồng nội tệ để kích thích xuất khẩu.
Đồng tiền của Thổ Nhĩ Kỳ giảm 50%, Bangladesh hạ 21%, nhân dân tệ của Trung Quốc cũng thấp hơn 11% hai năm qua. Điều này khiến hàng dệt may Việt Nam đắt hơn 15% so với các quốc gia này, nếu chỉ xét riêng về biến động tỷ giá.
"Với tỷ giá giảm khoảng 5% hai năm qua, các ngành xuất khẩu Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn so với các nước khác. Chúng tôi không dám nói nên giảm đi bao nhiêu, nhưng có lẽ 5% vẫn thấp và khó cho xuất khẩu phục hồi", ông Trường nói, và thêm rằng tỷ giá là một trong những nguyên nhân xuất khẩu dệt may giảm 10% trong hai năm.
Nguồn: Tỷ giá biến động 1%, Vietnam Airlines thiệt hại 300 tỷ đồng