Ứng dụng công nghệ hiện đại trong nuôi trồng thuỷ sản
TP. Hà Nội đã và đang áp dụng khoa học công nghệ trong nuôi trồng thuỷ sản góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, hạn chế ô nhiễm môi trường. Những đột phá trong công nghệ nuôi trồng thuỷ sản đã từng bước đối phó với biến đổi khí hậu, kiểm soát dịch bệnh, cho tỷ lệ thành công cao. Việc phát triển nhiều mô hình thủy sản ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả và giá trị cho người dân. Thông tin từ Lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Nội, thời gian qua, Thành phố đã tập trung phát triển thủy sản theo hướng bền vững, có năng suất, chất lượng cao, gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường sinh thái.
Đồng thời chủ động ứng phó với khí hậu, phòng chống dịch bệnh thủy sản, giám sát môi trường, giám sát an toàn thực phẩm ngay trong quá trình nuôi. Áp dụng khoa học kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, nâng cao thu nhập, đảm bảo phát triển hài hòa giữa các vùng.
Năm 2024, diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn Thành phố ước đạt 24,7 nghìn ha. Tổng sản lượng thủy sản năm 2024 ước đạt 132.344 tấn, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước (năm 2023 là 127.625 tấn). Trong đó, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 130.669 tấn, tăng 3,75% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thủy sản khai thác 1.675 tấn, giảm 0,59% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng giống đạt 1.443 triệu cá bột các loại, tăng 0,84% so với cùng kỳ năm trước trước.Hiện Hà Nội đã phát triển nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao và mang lại hiệu quả.
Tính đến nay, trên địa bàn Thành phố có khoảng 9.700 ha sử dụng chế phẩm sinh học, máy quạt nước vào nuôi trồng thủy sản và các mô hình ứng dụng công nghệ biofloc tại 2 huyện: Ba Vì, Ứng Hòa với xu hướng ngày càng nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản áp dụng công nghệ sinh học để hạn chế thay nước, giảm thiểu tác động của ô nhiễm môi trường và một số mô hình nuôi cá ứng dụng công nghệ cao, mô hình sông trong ao với hệ thống tạo dòng chảy và sục khí, nuôi cá với mật độ cao như ở xã Đại Áng, huyện Thanh Trì; xã Trầm Lộng, huyện Ứng Hòa; xã Ngọc Hòa, huyện Chương Mỹ,...
Ứng dụng công nghệ mang lại năng suất tăng 6-8 lần so với nuôi thông thường, chất lượng cá thịt ngon hơn, giá cao hơn. Năng suất đạt 80 tấn/ha, giá trị 3,5 tỷ đồng/ha.Một số huyện đã xây dựng dự án phát triển thủy sản ứng dụng công nghệ cao tại huyện Phú Xuyên (xã Tri Trung, diện tích quy hoạch 122,7 ha, giai đoạn 2021-2030); huyện Ứng Hòa xây dựng đề án "Phát triển sản xuất nông nghiệp huyện Ứng Hòa theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hiệu quả bền vững giai đoạn 2020-2025, định hướng đến 2030".
Mô hình nuôi trồng thuỷ sản ứng dụng kỹ thuật "sông trong ao" tại huyện Thanh Trì (TP.Hà Nội). (Ảnh minh hoạ: TT). |
Theo đó nhiệm vụ ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản theo hướng phát triển bền vững, hiệu quả, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, nuôi tiết kiệm nước, bảo vệ môi trường sinh thái, phù hợp với yêu cầu thị trường và đạt chuẩn VietGAP. Lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, để phát triển nuôi trồng thủy sản hiệu quả, thời gian tới, ngành cần ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, đưa máy móc, thiết bị hiện đại vào hoạt động nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện môi trường, giảm thiểu chất thải.
Đây cũng là phương pháp để phát triển kinh tế tuần hoàn trong nuôi trồng thủy sản. Đồng thời kết hợp với các địa phương đẩy mạnh chuyển giao công nghệ phát triển nông nghiệp tuần hoàn, gồm: Xây dựng chương trình khuyến nông chuyển giao ứng dụng hệ thống sản xuất liên kết, tuần hoàn giữa các lĩnh vực nông, lâm, ngư như: trồng trọt, thủy sản luân canh, chăn nuôi, thủy sản kết hợp. Tăng cường công tác theo dõi, giám sát hoạt động bảo vệ môi trường thủy sản tại cơ sở; chủ động, kịp thời xử lý, giải quyết các vấn đề phát sinh về môi trường trong hoạt động thủy sản.
Thông qua đó sẽ từng bước xây dựng, áp dụng mô hình doanh nghiệp, hợp tác nuôi trồng thủy sản; chế biến, khai thác, kinh doanh thủy sản theo hướng sản xuất xanh, sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường... Ngoài ra, ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, sơ chế, chế biến và tiêu thụ thủy sản; đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ tại vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, vùng nuôi trồng thủy sản trọng điểm của Thành phố.
Đồng thời hỗ trợ các chủ trang trại tham gia chương trình xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm thủy sản ứng dụng kinh tế tuần hoàn; xây dựng thương hiệu, cấp giấy chứng nhận sản phẩm thủy sản an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và đưa vào các kênh phân phối hiện đại. Với tổng diện tích mặt nước lên tới gần 31.000ha, Hà Nội có dư địa lớn để phát triển lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản, đặc biệt là nuôi trồng thuỷ sản ứng dụng công nghệ cao, theo hướng hữu cơ. Cùng với chính sách khuyến khích, hỗ trợ của TP, một số huyện đã xây dựng dự án phát triển thủy sản ứng dụng công nghệ cao. Trong giai đoạn 2022 - 2025, TP định hướng đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản công nghệ cao, theo hướng hữu cơ. Trước mắt sẽ tập trung phát triển tại 6 huyện: Mỹ Đức, Ba Vì, Quốc Oai, Phú Xuyên, Chương Mỹ và Phúc Thọ.
Bên cạnh đó Nghị quyết số 08/NQ-HĐND của HĐND TP Hà Nội ban hành tháng 7/2023 đã đề cập đến nhiều nội dung, mức chi hỗ trợ cụ thể đối với các dự án nuôi trồng thuỷ sản công nghệ cao và xử lý môi trường ao nuôi. Do đó, đề nghị các huyện, thị xã phổ biến và triển khai các bước nhằm hỗ trợ các chủ thể tiếp cận nguồn lực phát triển nuôi trồng thuỷ sản.
Nguồn: Ứng dụng công nghệ hiện đại trong nuôi trồng thuỷ sản