Ứng dụng công nghệ số trong quảng bá du lịch
Theo thống kê từ ngành văn hóa, thể thao và du lịch, doanh thu du lịch trên địa bàn tỉnh Bình Dương trong 9 tháng của năm 2024 ước đạt khoảng 1.790 tỷ đồng, đạt 89,5% so với kế hoạch năm, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023.
Tổng lượt khách đến Bình Dương ước khoảng 2,8 triệu lượt, so với kế hoạch năm đạt 93,3%, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, hoạt động lữ hành phục vụ 38.000 lượt khách, khách quốc tế là 5.000 lượt, khách trong tỉnh là 33.000 lượt đi tham quan các địa phương như: Đà Lạt, Phan Thiết, Vũng Tàu, Nha Trang, Phú Quốc…
Đối với hoạt động lưu trú, tỉnh đã phục vụ cho khoảng 447.000 lượt khách (khách trong nước lưu trú là 392.000 lượt và khách quốc tế lưu trú là 85.000 lượt). Riêng khách tham quan các khu, điểm du lịch, các di tích - danh thắng trên địa bàn tỉnh là khoảng 2 triệu lượt khách.
Để tiếp tục phát triển ngành du lịch, mang lại sự hấp dẫn cho du khách tham quan, tỉnh Bình Dương cũng như các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch đã chú trọng ứng dụng công nghệ số trong quản lý, vận hành. Theo Lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến du lịch (XTDL) tỉnh Bình Dương, trong lĩnh vực du lịch, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) nói chung, các nền tảng công nghệ số nói riêng đang trở thành xu hướng tất yếu.
Trong 9 tháng năm 2024, tổng doanh thu du lịch của Bình Dương ước đạt khoảng 1.790 tỷ đồng. (Ảnh minh hoạ: NLĐ). |
Đây được coi là giải pháp đột phá, tạo lợi thế để thu hút du khách, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế của ngành du lịch. Những năm qua, Trung tâm XTDL tỉnh Bình Dương đã tập trung đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch thông qua các phương tiện, nền tảng ứng dụng công nghệ số. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách, Trung tâm XTDL tỉnh đã sử dụng nhiều công nghệ hiện đại.
Đơn cử như công nghệ 360 độ thực hiện số hóa các di sản văn hóa, các khu di tích lịch sử, văn hóa trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở dữ liệu số hóa của gần 50 địa điểm du lịch tiêu biểu trên địa bàn tỉnh mà trung tâm đã phối hợp triển khai thực hiện từ năm 2020 đến năm 2023, đến năm 2024, trung tâm tiếp tục phối hợp với Thành đoàn Thủ Dầu Một ra mắt công trình bản đồ số “Địa điểm tham quan Thủ Dầu Một 360 độ” nhằm giới thiệu, quảng bá các địa điểm du lịch, văn hóa trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một trên không gian số. Nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân và khách du lịch, từ năm 2015, Trung tâm XTDL tỉnh đã đưa vào sử dụng website (https:// dulichbinhduong.org.vn) để giới thiệu, quảng bá rộng rãi thông tin, hình ảnh du lịch của tỉnh Bình Dương đến với nhiều người.
Bên cạnh việc thực hiện bảo trì server, nâng cấp về giao diện cũng như các tính năng, tiện ích của website, trong thời gian qua, đơn vị còn thường xuyên cập nhật thông tin nhằm đáp ứng tốt nhu cầu tìm kiếm, tra cứu thông tin, phát huy vai trò của kênh truyền thông tuyên truyền, quảng bá du lịch. Mỗi năm, website của trung tâm thu hút hàng trăm lượt du khách truy cập để tìm hiểu thông tin du lịch Bình Dương. Ngoài trang website đã phát huy được những hiệu quả nhất định, từ tháng 8/2022, trung tâm còn tham mưu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng, ra mắt ứng dụng (app) Du lịch Bình Dương.
Từ khi đưa vào sử dụng, app Du lịch Bình Dương đã phát huy vai trò về mặt cung cấp thông tin, quảng bá du lịch, hỗ trợ du khách, doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trong tỉnh tham gia quảng bá hình ảnh đơn vị, mở rộng liên doanh, liên kết để hình thành các tour, tuyến du lịch mới đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.
Tính đến tháng 10/2024, app Du lịch Bình Dương do trung tâm quản lý, vận hành đã có 3.918.452 lượt truy cập và gần 5.000 lượt cài đặt từ người dùng trong và ngoài nước. Cùng với việc phát triển các nền tảng số, để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin của du khách, công tác xây dựng hệ thống thông tin quảng bá du lịch thông qua các phương tiện, kênh truyền thông… cũng được Trung tâm XTDL tỉnh chú trọng thực hiện.
Theo đó, trung tâm đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện quảng bá du lịch trên màn hình led và các bảng thông tin (pano) có tích hợp mã QR chứa hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin, hình ảnh về du lịch Bình Dương; giới thiệu, quảng bá thông tin du lịch trên hệ thống ấn phẩm, các sản phẩm quà tặng du lịch Bình Dương và trên hệ thống xe buýt Tokyu… Không dừng lại ở đó, từ tháng 7/2024, trung tâm tiếp tục phối hợp với Thư viện tỉnh xây dựng và triển khai kế hoạch quảng bá thông tin về du lịch Bình Dương trên nền tảng thư viện số.
Khám phá điểm du lịch bằng công nghệ thực tế ảo là xu hướng mới trong thời kỳ 4.0 hiện nay. |
Đây được xem là một trong những kênh mới trong quảng bá, giới thiệu thông tin du lịch, góp phần xây dựng, lưu trữ nguồn cơ sở dữ liệu thông tin về du lịch Bình Dương. Theo đó, trung tâm đã thực hiện cung cấp các ấn phẩm, cơ sở dữ liệu (file mềm) của các ấn phẩm thông tin du lịch Bình Dương cho Thư viện tỉnh. Các ấn phẩm được bảo đảm về nội dung, chất lượng, tính xác thực về nguồn thông tin và các quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề bản quyền.
Đến nay, đã có 155 ấn phẩm/35 loại (đính kèm với 35 file dữ liệu) ấn phẩm đã được giới thiệu trên nền tảng thư viện số. Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục thực hiện cung cấp các bài trích, địa chỉ, các văn bản, kế hoạch, đề án về phát triển du lịch của tỉnh cũng như những thông tin liên quan về lĩnh vực du lịch Bình Dương cho Thư viện tỉnh để xử lý, tích hợp trên nền tảng tài liệu số của thư viện.
Trong những năm gần đây, làn sóng giao thoa giữa du lịch và công nghệ, thường được gọi là công nghệ du lịch, đang tạo ra những đổi mới đối với ngành du lịch Việt Nam nói chung và của tỉnh Bình Dương nói riêng. Việc sử dụng công nghệ trong du lịch đã nâng cao đáng kể trải nghiệm của khách du lịch theo nhiều cách khác nhau.
Để thúc đẩy du lịch chuyển đổi số, tại Kế hoạch số 926/KH-UBND ngày 4/3/2024 về Kế hoạch chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Bình Dương năm 2024 đã nêu rõ, đối với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cần chú trọng triển khai Cổng thông tin du lịch và hệ thống thông tin quản lý liên quan đến du lịch. Triển khai số hoá các di sản văn hóa, các khu di tích lịch sử, văn hóa trọng điểm trên địa bàn tỉnh kết hợp ứng dụng công nghệ thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường (VR/AR) tăng sức hấp dẫn, trải nghiệm của người dân, khách du lịch.
Đồng thời tăng cường xây dựng, quảng bá hình ảnh, văn hóa con người Bình Dương, các sản phẩm văn hóa, lịch sử, thành tựu phát triển trên không gian mạng. Triển khai hệ thống Bảo tàng số tỉnh Bình Dương, ứng dụng công nghệ xây dựng thư viện thông minh.
Trước đó vào tháng 7/2023, UBND tỉnh Bình Dương cũng đã ban hành Kế hoạch số 3472/KH-UBND triển khai thực hiện Đề án ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 phát triển du lịch thông minh trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Kế hoạch được ban hành nhằm thực hiện Quyết định số 3570/QĐ-BVHTTDL ngày 21/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt Đề án “Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”. Với mục tiêu phát triển du lịch thông minh theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiện đại, đáp ứng yêu cầu đổi mới; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh Bình Dương.
Mục tiêu đến năm 2025, tỉnh Bình Dương sẽ phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong phát triển đô thị thông minh, thúc đẩy ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Hoàn thiện nền tảng ứng dụng công nghệ hiện có phục vụ khách du lịch, cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước về du lịch.
Hoàn thiện Cổng Thông tin du lịch, App Du lịch đảm bảo cung cấp đầy đủ các thông tin về điểm đến, sản phẩm dịch vụ du lịch và thông tin cần thiết khác; tích hợp các ứng dụng tiện ích hỗ trợ khách du lịch, các chủ thể khác liên quan đến du lịch. Xây dựng và hoàn thiện các sản phẩm được ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để nâng cao trải nghiệm và phù hợp với hành vi tiêu dùng của khách du lịch khi đến tham quan trên địa bàn tỉnh…/.
Nguồn:Ứng dụng công nghệ số trong quảng bá du lịch