Ứng dụng công nghệ trong giám sát các mỏ khoáng sản
Ứng dụng công nghệ cao, nông dân Bình Định thu triệu USD từ nuôi tôm Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học trong phát triển kinh tế-xã hội |
Tỉnh Quảng Ngãi hiện có khoảng 65 mỏ khoáng sản được cấp phép cho doanh nghiệp khai thác. Thời gian qua, việc chấp hành quy định của một số doanh nghiệp chưa nghiêm túc; đồng thời, sự thiếu hỗ trợ về khoa học và công nghệ, dẫn đến công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh chưa được chặt chẽ. Một số sự việc được phát hiện, phản ánh thời gian quan, đã tạo dư luận không tốt trong xã hội, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.
Trước thực trạng trên, cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp trong tăng cường quản lý, giám sát hoạt động khai thác khoáng sản, nhiều ý kiến cho rằng, tỉnh Quảng Ngãi cần ứng dụng phần mềm để số hóa giấy phép khai thác, vùng khai thác khoáng sản, định vị phương tiện, tự động phát hiện các dấu hiệu vi phạm và có cảnh báo kịp thời. Bên cạnh đó, đơn vị chuyên môn cũng triển khai áp dụng phân hệ quản lý và giám sát (VMS) để theo dõi hình ảnh từ camera, tích hợp công nghệ phân tích thông minh bằng AI.
Dữ liệu sau đó sẽ được đưa về trung tâm giám sát điều hành tập trung để quản lý. Giải pháp đề nghị triển khai trong năm 2024 và 2025. Trong đó, năm 2024, đơn vị sẽ đầu tư các hệ thống ưu tiên, gồm: số hóa và quản lý hoạt động khai thác mỏ; hệ thống quản lý và giám sát video (VMS); hạ tầng máy chủ lưu trữ và đảm bảo an toàn thông tin, kênh truyền kết nối.
Theo đánh giá của UBND tỉnh Quảng Ngãi, giải pháp đề xuất trên là phù hợp với chủ trương, định hướng phát triển chuyển đổi số của tỉnh hiện nay. Đó là số hóa, chuyển đổi số trong công tác quản lý nhà nước; chuyển đổi số cần tập trung, lựa chọn giải quyết những vấn đề khó khăn mà Nhà nước, xã hội quan tâm, mang lại sự thuận lợi, hiệu quả cho cơ quan quản lý, doanh nghiệp, người dân trong quá trình thực hiện để từ đó cho thấy được ý nghĩa, giá trị, hiệu quả của công tác chuyển đổi số.
Lãnh đạo UBND tỉnh đề nghị đơn vị chuyên môn tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện sản phẩm để đảm bảo phù hợp với thực tiễn của tỉnh Quảng Ngãi. Cụ thể, đối với địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, công tác quản lý khai thác khoáng sản cát làm vật liệu xây dựng là khó khăn và cần được chú trọng hơn. Vì vậy, trong quá trình nghiên cứu, ngoài quy định của Luật Khoáng sản năm 2010, Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ, Viettel Quảng Ngãi cần căn cứ các quy định tại Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24/2/2020 của Chính phủ.
Quảng Ngãi thực hiện thí điểm giám sát hoạt động khai thác khoáng sản bằng ứng dụng công nghệ số (Ảnh: NV). |
Giải pháp sản phẩm cần đảm bảo có sự tham gia quản lý, giám sát của nhiều cấp (tỉnh, huyện, xã); giải quyết bài toán về công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản của các địa phương (là đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý theo quy định của pháp luật, UBND tỉnh đã giao UBND cấp huyện xây dựng phương án và bố trí kinh phí, trong đó có sử dụng nguồn kinh phí từ tiền trúng đấu giá tiền cấp quyền khai thác khoáng sản để phục vụ công tác quản lý.
Đồng thời phù hợp với thực tiễn của Quảng Ngãi, nhất là vị trí mỏ, phương pháp, phương tiện, thiết bị khai thác; công tác quản lý được thường xuyên, liên tục; tính kết nối, liên thông, chia sẻ thông tin, dữ liệu của các địa phương, sở, ngành và truyền về Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Quảng Ngãi; đúng định hướng của Bộ Thông tin và Truyền thông về tính mở, tính kết nối, tính phổ thông, có thể kết nối chung với hệ thống của Bộ Tài nguyên và Môi trường, cả nước…
Sản phẩm phải có giá trị thiết thực, phù hợp tình hình thực tế, đáp ứng nhu cầu của địa phương, nhất là trong quá trình quản lý, giám sát hoạt động khai thác, chống thất thoát tài nguyên khoáng sản, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong quá trình khai thác. Đơn vị chuyên môn cần tiếp thu tối đa ý kiến của các sở, ngành, địa phương tại cuộc họp và trong quá trình tham vấn (nếu có) để hoàn thiện sản phẩm và triển khai thực hiện thí điểm trên địa bàn tỉnh; phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường trong quá trình hoàn thiện sản phẩm; lựa chọn vị trí mỏ khoáng sản để thực hiện thí điểm…
UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Tư Nghĩa và thành phố Quảng Ngãi và các đơn vị có liên quan nghiên cứu, lựa chọn 1 mỏ cát làm vật liệu xây dựng thông thường (đang hoạt động) để đề xuất UBND tỉnh xem xét, thống nhất chọn thực hiện thí điểm. Thời gian hoàn thành trước ngày 15/1/2024. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, đơn vị chuyên môn tham mưu tổ chức Đoàn công tác của UBND tỉnh đi nghiên cứu thực tế việc ứng dụng sản phẩm trong quản lý giám sát hoạt động khai thác khoáng sản tại các tỉnh phía Nam.
Nguồn:Ứng dụng công nghệ trong giám sát các mỏ khoáng sản