Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong sản xuất nông nghiệp
Tập trung mở rộng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Thách thức của biến đổi khí hậu đối với sản xuất nông nghiệp |
Theo báo cáo của Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ NN&PTNT), tại Việt Nam, trí tuệ nhân tạo tham gia vào phân tích dữ liệu đất, theo dõi và dự báo thời tiết, sử dụng robot nông nghiệp,điều khiển tự động, dự báo sản lượng, tối ưu hóa chuỗi cung ứng, xử lý ảnh kỹ thuật số và cả cải thiện chất lượng sản phẩm.
Tại Việt Nam, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nông nghiệp vẫn còn khá mới mẻ nhưng đang thu hút được sự quan tâm của Chính phủ cũng như của các doanh nghiệp sản xuất vì những ưu thế mà nó mang lại so với nông nghiệp truyền thống.
Thời gian qua, một số các đơn vị doanh nghiệp đã đẩy mạnh triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nông nghiệp, có thể kể đến Giải pháp ánh sáng và điều khiển ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp thông minh. Ứng dụng công nghệ phổ ánh sáng đối với cây ăn quả, dược liệu, giúp nâng cao chất lượng, độ ngọt của cây…Một số doanh nghiệp không chỉ ứng dụng trí tuệ nhân tạo giám sát sức khỏe vật nuôi trong tưới, pha dinh dưỡng tự động cho cây trồng mà công nghệ robotic cùng hệ thống camera cảm biến còn điều khiển máy móc phục vụ thu hoạch và chăm sóc, thay thế các tác vụ nặng cho con người tại các dự án nông nghiệp triển khai tại Việt Nam, Australia, Lào và Hàn Quốc.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 5/11/2016 về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị-xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, nhấn mạnh những định hướng về phát triển nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao như: “Hiện đại hóa, thương mại hóa nông nghiệp, chuyển mạnh sang phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, sản xuất lớn, dựa vào khoa học-công nghệ, có năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và giá trị gia tăng cao. Chuyển nền nông nghiệp từ sản xuất lương thực là chủ yếu sang phát triển nền nông nghiệp đa dạng phù hợp với lợi thế của từng vùng”.
Ngày 26/1/2021 Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Quyết định số 127/QÐ-TTg về việc Ban hành chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030; trong đó có nội dung: “Thúc đẩy và phát triển các ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhằm cải tiến thông minh hóa, tự động hóa quy trình sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, bảo đảm quy trình sản xuất, xuất xứ minh bạch, cung cấp thực phẩm sạch cho người tiêu dùng”.
Ảnh minh họa |
Ngày nay, những loại thiết bị máy móc ứng dụng AI dần phổ biến trong thời đại công nghệ phát triển. Những loại máy móc này được sáng tạo và ứng dụng trong nhiều lĩnh vực đời sống, trong đó có sản xuất nông nghiệp. AI giúp tăng năng suất cây trồng, kiểm soát dịch bệnh và các điều kiện trong trồng trọt, tổ chức dữ liệu, giúp giải quyết khối lượng công việc và cải thiện một loạt các công việc trong sản xuất nông nghiệp mà cách làm truyền thống không làm được hoặc làm kém hiệu quả. Việc thúc đẩy và phát triển các ứng dụng AI trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nhằm cải tiến thông minh hóa, tự động hóa quy trình sản xuất, đảm bảo quy trình sản xuất, xuất xứ minh bạch, cung cấp thực phẩm sạch cho người tiêu dùng .
Những tiến bộ trong chế tạo người máy điều khiển bằng AI cũng đang giúp nhà nông trong việc tăng gia sản xuất sử dụng ít đất và ít nhân công hơn. Cụ thể, trí tuệ nhân tạo giúp năng suất cây trồng được tăng lên, cây trồng được khỏe mạnh hơn, kiểm soát sâu bệnh và các điều kiện trồng trọt; tổ chức dữ liệu cho nông dân, giúp giải quyết khối lượng công việc và cải thiện một loạt các nhiệm vụ liên quan đến nông nghiệp trong toàn bộ chuỗi cung ứng thực phẩm.
Định hướng lớn của Chính phủ Việt Nam về chuyển đổi số nông nghiệp, tập trung đến các nội dung: Phát triển nông nghiệp công nghệ cao; Xây dựng hệ thống dữ liệu lớn; Thúc đẩy phát triển nông dân số; Thúc đẩy ứng dụng công nghệ số; Tự động hóa quy trình sản xuất; Giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm; Phát triển thương mại điện tử trong ngành nông nghiệp; và Chuyển đổi số trong quản lý, điều hành.
Để triển khai hiệu quả các định hướng nêu trên, cần nâng cao được nhận thức, thể chế về chuyển đổi số trong quản lý, điều hành, ứng dụng số chưa toàn diện; chưa xây dựng được Kiến trúc dữ liệu ngành nông nghiệp; hạ tầng thiết bị cũ, thiếu đồng bộ và còn phân tán; nguồn lực đầu tư manh mún. Cùng với đó, trong thời gian tới, một số hạn chế của việc ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp còn là chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu lớn về truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, vùng nuôi, dữ liệu chuỗi ngành hàng; phần mềm phục vụ chỉ đạo điều hành chưa có liên kết chia sẻ dữ liệu cũng cần được tháo gỡ để nông nghiệp Việt Nam tiến xa hơn trên con đường chuyển đổi số.