USAID tăng cường hợp tác giải quyết vấn đề môi trường Việt Nam
Tới làm việc tại Bộ TN&MT, bà Aler Grubbs, Giám đốc Cơ quan Phát triển Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam, đánh giá quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã trải qua nhiều dấu mốc đặc biệt, nhất là sau khi hai bên nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện vào năm 2023.
Theo bà Aler Grubbs, Việt Nam đã đưa ra cam kết mạnh mẽ và khẳng định quyết tâm thực hiện mục tiêu net-zero vào năm 2050 tại các Hội nghị COP26 và COP28. Giám đốc quốc gia của USAID đồng thời ghi nhận những nỗ lực của phía Việt Nam trong việc giảm thiểu ô nhiễm nhựa, hiện đang là một thách thức lớn toàn cầu.
Qua đó, bà Alerr Grubbs đề nghị phía Bộ TN&MT hỗ trợ thúc đẩy quá trình phê duyệt, thông qua dự án hợp tác mới giữa USAID và Bộ TN&MT về giảm thiểu rác thải nhựa; đồng thời bày tỏ mong muốn lắng nghe ý kiến, đề xuất từ phía Bộ TN&MT về các lĩnh vực mà phía USAID có thể tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đã tiếp và làm việc với bà Aler Grubbs, Giám đốc Cơ quan Phát triển Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam |
Trân trọng những chia sẻ từ phía USAID, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành đánh giá cao phía USAID đã kịp thời hỗ trợ Bộ TN&MT triển khai, xây dựng, cập nhật những quy định về bảo vệ môi trường thông qua Dự án về giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Cụ thể, phía Bộ TN&MT đã hoàn thiện dự thảo sửa đổi Nghị định 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ Môi trường 2020. Đồng thời, Bộ đang tiếp tục chỉnh sửa các văn bản dưới luật khác bao gồm Thông thư 02/TT-BTNMT, Quy chuẩn chất thải...
Trong thời gian tới, Thứ trưởng Lê Công Thành hoan nghênh dự án hợp tác sắp tới với USAID liên quan tới giảm thiểu ô nhiễm nhựa. Theo đó, phía Bộ TN&MT đang tích cực phê duyệt văn kiện dự án để đảm bảo dự án được thông qua càng sớm càng tốt.
Trong buổi trao đổi, Thứ trưởng Lê Công Thành đã nêu ý kiến liên quan tới vấn đề Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) mà Việt Nam đang nỗ lực triển khai. Dù vậy, đây vẫn là một vấn đề mới, do đó còn tồn tại nhiều thách thức, khó khăn, như vấn đề quỹ EPR.
Do đó, Thứ trưởng Lê Công Thành mong muốn USAID hỗ trợ chia sẻ kinh nghiệm, bài học từ các quốc gia khác có điều kiện phát triển tương đồng giống Việt Nam trong việc thiết lập EPR để Việt Nam có thể tham khảo, học hỏi.
Trong khuôn khổ hợp tác giữa hai nước, Việt Nam – Hoa Kỳ đã thành lập một nhóm công tác khí hậu. Theo đó, Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị hai bên sẽ cùng nhau thúc đẩy các hoạt động của nhóm để đạt được những kết quả tốt đẹp, thiết thực.
Thứ trưởng Lê Công Thành cũng hy vọng nhận được sự hỗ trợ từ phía USAID trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Địa chất & Khoáng sản, bao gồm: Hỗ trợ xây dựng các quy định liên quan đến bảo vệ môi trường trong Luật Địa chất – Khoáng sản, và các văn bản dưới luật; đào tạo, tập huấn kỹ năng thanh tra chuyên ngành khoáng sản, xây dựng các hướng dẫn kỹ tuật về đánh giá môi trường chiến lược phục vụ quy hoạch thăm dò, khai thác khoảng sản; xây dựng hướng dẫn đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường các dự án khoáng sản, xây dựng tiêu chí bền vững để xem xét cấp phép khai thác khoảng sản, đóng cửa mỏ…
Theo Thứ trưởng Lê Công Thành, các vấn đề khác như kiểm soát động đất, sóng thần cũng là một trong những lĩnh vực được hai bên Chính phủ quan tâm. Hiện nay, việc quản lý động đất ở Việt Nam vẫn chưa rõ ràng và còn thiếu thiếu sót. Trong khi đó, về phía Hoa Kỳ, Cơ quan Địa chất Hoa Kỳ (USGS) là cơ quan hoạt động nổi trội trên thế giới trong lĩnh vực này. Do đó, Bộ TN&MT kỳ vọng có thể hợp tác chặt chẽ với USGS về tăng cường thể chế quản lý động đất, sóng thần, đồng thời triển khai các hoạt động trao đổi kỹ thuật, chuyên gia, kinh nghiệm.
Ghi nhận những chia sẻ từ phía Bộ TN&MT, đại diện USAID cho biết cơ quan sẽ tích cực phối hợp với Việt Nam trong việc chia sẻ thông tin liên quan tới EPR và hỗ trợ thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam với USGS. Đồng thời, USAID cũng gợi mở thêm về một vài lĩnh vực khác có thể hợp tác với phía Việt Nam bao gồm vấn đề đại dương và phòng chống ô nhiễm đại dương.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết Bộ TN&MT cũng rất coi trọng vấn đề ô nhiễm đại dương. Trong đó, Thứ trưởng Lê Công Thành đã chỉ đạo Cục Kiểm soát Ô nhiễm Môi trường, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam tiến hành kiểm kê nhựa, cả trên đất liền và ngoài biển. Do đó, Thứ trưởng kỳ vọng USAID sẽ tham gia hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này để thế giới hiểu hơn và đánh giá đúng mức hơn về mức độ ô nhiễm nhựa trên biển ở Việt Nam.
Nguồn: USAID tăng cường hợp tác giải quyết vấn đề môi trường Việt Nam