Ưu tiên nguồn lực khẩn cấp chống sạt lở, xâm thực bờ biển
Tây Ninh: Đẩy nhanh tiến độ thi công dự án bờ kè chống sạt lở suối Cần Đăng Nỗ lực xây dựng hệ thống đê, kè phòng chống sạt lở ven biển |
Theo đó, UBND tỉnh Thanh Hóa sẽ dành 130 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh, ngân sách huyện Hoằng Hóa xây dựng tuyến kè tường đứng dài khoảng 1,5 km và đoạn vuốt nối với công trình hiện tại có chiều dài khoảng 120m. Công trình là tường chắn đất kết hợp tường bê tông cốt thép dạng Console liên kết mảng mềm chống xói lở bằng các cấu kiện bê tông cốt thép; chân kè được gia cố bằng hàng ống buy.
Biện pháp hình thức công trình là đỉnh kè được bổ trí bằng hệ thống kè chắn bê tông cốt thép M250 dày 50cm, chiều rộng mỗi tấm là 1m; tường chắn đất là tường bê tông cốt thép dạng Console liên kết mảng mềm chống xói bằng các cấu kiện bê tông cốt thép, chân kè được gia cố bằng hàng ống buy, chiều dài tuyến kè 1,62km.
Sau khi hoàn thành, công trình này sẽ giúp xử lý khẩn cấp chống sạt lở, xâm thực bờ biển khu vực bờ biển khu vực cửa Lạch Hới, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, đồng thời tạo cảnh quan phát triển du lịch phù hợp với quy hoạch chung Quần thể đô thị du lịch nghỉ dưỡng Hải Tiến. UBND tỉnh Thanh Hóa giao UBND huyện Hoằng Hóa làm chủ đầu tư quản lý, thực hiện xây dựng công trình trong thời gian hai năm (2022 - 2023).
Tình trạng sạt lở, xâm thực bờ biển khu vực cửa Lạch Hới thời gian gần đây đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân. Ảnh: T. Minh |
Trước đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đã Công bố tình huống khẩn cấp sạt lở, xâm thực bờ biển khu vực cửa Lạch Hới thuộc thôn Tân Xuân, xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa. Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân huyện Hoằng Hóa, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và kết quả kiểm tra, chỉ đạo của lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa: Khu vực bờ biển tiếp giáp cửa sông Mã thuộc thôn Tân Xuân, xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa đã xảy ra hiện tượng sạt lở, xâm thực bờ biển.
Thời gian gần đây, nhất là vào khoảng tháng 6, tháng 7 và ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4 kết hợp với triều cường, gió mạnh gây sóng lớn, dòng chảy diễn biến phức tạp nên bờ biển phía bắc cửa Lạch Hới bị sạt lở, xâm thực rất mạnh, làm mất đất sản xuất, đất ở của một số hộ dân với chiều dài khoảng 1,5km, chiều rộng trung bình khoảng 75m. Đáng chú ý, nước biển xâm thực đã sạt lở đất ở của 3 hộ dân và trụ sở, khuôn viên làm việc của Trạm Kiểm soát Biên phòng Lạch Hới. Tiếp đó, đợt ảnh hưởng bão số 6 và không khí lạnh gây gió mạnh khiến cho tình trạng sạt lở diễn biến rất nghiêm trọng, phức tạp. Dự báo trong thời gian tới hiện tượng sạt lở, xâm thực có khả năng còn diễn biến phức tạp, khó lường.
Ngay sau khi công bố tình huống khẩn cấp, UBND tỉnh đã giao huyện Hoằng Hóa theo dõi chặt chẽ diễn biến của sạt lở, xâm thực, báo cáo kịp thời tình huống nguy hiểm xảy ra; cắm mốc, biển cảnh báo nguy hiểm trong phạm vi sạt lở, xâm thực và thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng; không cho người, phương tiện đi vào khu vực nguy hiểm, nhất là khi xảy ra triều cường.
Nguồn: Ưu tiên nguồn lực khẩn cấp chống sạt lở, xâm thực bờ biển