Hà Nội: 23°C
Thừa Thiên Huế: 22°C
Hải Phòng: 22°C
TP Hồ Chí Minh: 27°C
Quảng Ninh: 20°C

Vay tiền thời AI: Robot duyệt hồ sơ và những lý do từ chối khó đỡ

Dù công nghệ giúp tăng tốc độ xét duyệt khoản vay, không ít khách hàng vẫn gặp khó khăn khi vay vốn trực tuyến mà không rõ lý do bị từ chối. Liệu thuật toán có thực sự mở rộng cơ hội tiếp cận tín dụng, hay vô tình tạo thêm rào cản cho người vay?

Chị M.V.V (TP.HCM), một nhân viên thiết kế tự do, chia sẻ trên một diễn đàn tài chính về trải nghiệm vay vốn không thành công của mình.

Cần vay 50 triệu đồng để tất toán các khoản nợ nhỏ lẻ và sắm sửa Tết, chị nộp hồ sơ vay qua một ứng dụng tài chính với đầy đủ thông tin, bao gồm sao kê ngân hàng. Dù thu nhập dao động từ 15 - 30 triệu đồng mỗi tháng, chị vẫn nhận được thông báo: “Hiện không có khoản vay phù hợp.”

Chị băn khoăn không rõ nguyên nhân là do không có hợp đồng lao động dài hạn hay vì đơn vị cho vay đang siết chặt tiêu chí xét duyệt. Đáng chú ý, theo chính sách của ứng dụng này, phải sau ba tháng kể từ khi bị từ chối, chị mới có thể đăng ký lại khoản vay.

Vay tiền thời AI: Robot duyệt hồ sơ và những lý do từ chối khó đỡ
(Ảnh minh hoạ)

Những câu chuyện như của chị M.V.V không phải hiếm trên các diễn đàn tài chính tiêu dùng, nơi nhiều người chia sẻ về khó khăn khi vay tiền qua ứng dụng dù những quảng cáo như “chỉ 10 phút duyệt hồ sơ” tràn lan khắp nơi. Một số người tiêu dùng thậm chí tìm đến nhân viên hỗ trợ hoặc trực tiếp đến chi nhánh của công ty tài chính để được hướng dẫn làm hồ sơ nhằm tăng khả năng xét duyệt khoản vay.

Điều này đặt ra câu hỏi lớn khi công nghệ ngày càng thay thế con người trong quy trình xét duyệt tín dụng. Liệu thuật toán có thực sự giúp việc tiếp cận tài chính trở nên thuận lợi hơn, hay vô tình tạo ra những rào cản mới, khiến nhiều người dù có khả năng trả nợ vẫn bị từ chối vay?

Khi robot xét duyệt khoản vay

Trao đổi với VietnamFinance, ông Đoàn Hữu Hậu, Giám đốc Tư vấn chuyển đổi số của FPT Digital, cho biết hiện nay các tổ chức tài chính đang từng bước ứng dụng công nghệ mới, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI) với khả năng phân tích dữ liệu lớn và đa chiều trong hoạt động xét duyệt khoản vay.

Cụ thể, các tổ chức này không chỉ thu thập dữ liệu từ hệ thống tác nghiệp nội bộ và hệ thống tương tác trực tiếp với khách hàng, mà còn tận dụng thông tin từ mạng xã hội và các dịch vụ liên kết để xây dựng chân dung khách hàng toàn diện hơn.

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng đang dần thay thế phương pháp đánh giá chuyên gia (expert judgement) truyền thống bằng các thuật toán hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả chấm điểm tín dụng. Điều này giúp xác định hạn mức vay sát với tình hình tài chính thực tế, thói quen tiêu dùng và năng lực tín dụng của khách hàng. Đồng thời, đây cũng là công cụ hỗ trợ nhận diện rủi ro nhanh chóng và chính xác hơn, giúp tối ưu hóa quyết định cho vay theo khẩu vị rủi ro của tổ chức tài chính.

Hệ thống quy trình xét duyệt ngày càng được tinh giản và tự động hóa với tốc độ xử lý nhanh hơn, chất lượng ra quyết định cao hơn. Các công nghệ như chatbot, callbot tích hợp AI giúp tư vấn và hướng dẫn khách hàng thực hiện các bước đăng ký khoản vay dễ dàng hơn. Đặc biệt, công nghệ sinh trắc học được nhúng vào quy trình giúp khách hàng có thể mở tài khoản, đăng ký vay vốn và thực hiện giao dịch từ xa một cách tiện lợi, an toàn. Đây là một bước tiến lớn, giúp mở rộng cơ hội tiếp cận tín dụng cho nhiều đối tượng khách hàng hơn trước đây.

Vay tiền thời AI: Robot duyệt hồ sơ và những lý do từ chối khó đỡ
Ông Đoàn Hữu Hậu, Giám đốc Tư vấn chuyển đổi số của FPT Digital

Tuy nhiên, theo ông Đoàn Hữu Hậu, việc ứng dụng công nghệ AI trong xét duyệt tín dụng vẫn tồn tại những ràng buộc nhất định. Chất lượng dữ liệu thu thập, mô hình phân tích và cách thức huấn luyện AI đều ảnh hưởng trực tiếp đến độ chính xác của kết quả đề xuất. Mặc dù AI có thể hỗ trợ quá trình ra quyết định, nhưng các tổ chức tài chính vẫn cần kiểm duyệt kỹ lưỡng thay vì hoàn toàn phụ thuộc vào hệ thống tự động. Bên cạnh đó, yếu tố tương tác giữa con người vẫn đóng vai trò quan trọng trong quy trình xét duyệt tín dụng.

Nhìn chung, ông Đoàn Hữu Hậu đánh giá các hệ thống mới được tích hợp AI không thay thế hoàn toàn con người mà đóng vai trò hỗ trợ, cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác hơn để nâng cao hiệu quả ra quyết định. Công nghệ giúp tăng tốc độ xét duyệt, giảm thiểu rủi ro, nhưng bài toán cân bằng giữa tự động hóa và yếu tố con người vẫn là một thách thức lớn đối với các tổ chức tài chính.

“Nếu khách hàng bị từ chối khoản vay trực tuyến hay bất cứ dịch vụ nào mà không biết rõ lý do thì theo tôi có thể thấy năng lực thiết kế hệ thống của tổ chức đó còn hạn chế, chưa thật sự tư duy theo hành trình trải nghiệm khách hàng, chưa hướng tới giá trị cho khách hàng. Việc ứng dụng công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ AI cần hướng tới sự thuận tiện, minh bạch cho khách hàng”, ông Hậu nhấn mạnh.

Theo ông, việc sử dụng công nghệ cao là để đem đến sự tiện dụng, an toàn cho khách hàng, hiệu quả cho tổ chức; trao cơ hội tiếp cận dịch vụ tới nhiều khách hàng hơn và chất lượng dịch vụ tốt hơn. Nếu chưa đạt được những giá trị này, tổ chức tài chính nên tham khảo ý kiến các chuyên gia để có sự cải tổ, sự chuyển đổi về hệ thống trải nghiệm dịch vụ tốt hơn để duy trì năng lực cạnh tranh cho mình.

Rào cản đối với khách hàng vay mới

Việc khách hàng bị từ chối hồ sơ vay vốn trực tuyến không còn là chuyện hiếm gặp, đặc biệt đối với những người lần đầu tiếp cận tín dụng tiêu dùng. Đây là nhóm khách hàng thường gặp khó khăn trong việc vay vốn qua nền tảng trực tuyến do thiếu dữ liệu đánh giá, dẫn đến nguy cơ bị loại ngay từ vòng xét duyệt ban đầu.

Theo ông Đoàn Hữu Hậu, trong mô hình xét duyệt tín dụng truyền thống, việc thiếu lịch sử tín dụng là một rào cản lớn. Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ tài chính, yếu tố này không còn là trở ngại tuyệt đối đối với khách hàng mới.

“Các công nghệ hiện đại cho phép thu thập và phân tích dữ liệu đa chiều, không chỉ giới hạn ở lịch sử tín dụng mà còn bao gồm thông tin về công việc, tiêu dùng, lịch sử tư pháp… Nhờ các thuật toán thông minh, tổ chức tín dụng có thể xây dựng bức tranh toàn diện hơn về năng lực tài chính của khách hàng, thay vì chỉ dựa vào dữ liệu tín dụng truyền thống,” ông Hậu cho biết.

Bên cạnh đó, các phương thức xác thực hiện đại như căn cước công dân gắn chip, VNeID và eKYC (định danh điện tử) cũng đang góp phần mở rộng cơ hội tiếp cận tài chính cho nhóm khách hàng này. Việc ứng dụng công nghệ không chỉ giúp khách hàng có thêm cơ hội tiếp cận tín dụng chính thống, mà còn tạo điều kiện để các tổ chức tài chính mở rộng hoạt động một cách bền vững, giảm thiểu nguy cơ khách hàng tìm đến các kênh tín dụng phi chính thức với nhiều rủi ro tiềm ẩn.

Theo ông Hậu, trí tuệ nhân tạo (AI) không chỉ giúp tự động hóa quy trình xét duyệt, mà còn có khả năng tự học và cập nhật hồ sơ tín dụng theo thời gian thực, thay vì dựa vào các chỉ số cố định như trước đây. Điều này mở ra cơ hội tiếp cận vốn cho nhiều nhóm khách hàng trước đây bị hạn chế, đồng thời giúp tổ chức tài chính quản lý rủi ro hiệu quả hơn.

Ngoài ra, để đảm bảo tính minh bạch trong xét duyệt, nhiều ngân hàng đã triển khai trợ lý ảo AI nhằm hỗ trợ khách hàng hiểu rõ các điều kiện vay, lý do hồ sơ bị từ chối, cũng như hướng dẫn cách cải thiện điểm tín dụng để tăng khả năng được duyệt vay trong tương lai.

Nguồn: Vay tiền thời AI: Robot duyệt hồ sơ và những lý do từ chối khó đỡ

Hải Đường
vietnamfinance.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin mới nhất

Hà Nội đặt mục tiêu năm 2025 trồng mới hơn 700.000 cây xanh các loại

Hà Nội đặt mục tiêu năm 2025 trồng mới hơn 700.000 cây xanh các loại
Để đạt được mục tiêu trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025, TP. Hà Nội phấn đấu riêng trong năm 2025 trồng mới hơn 700.000 cây xanh các loại. Trong đó khoảng 320.000 cây bóng mát, cây lấy gỗ; khoảng 350.000 cây ăn quả…

Kinh tế xanh: Khai thác, nâng cao giá trị sản phẩm từ rong biển

Kinh tế xanh: Khai thác, nâng cao giá trị sản phẩm từ rong biển
Rong biển là một trong những nguồn lợi thuỷ sản mang lại nguồn thu ổn định cho người dân tỉnh Quảng Nam. Tuy nhiên, việc khai thác, chế biến sâu rong biển tại Quảng Nam hiện nay chưa được đẩy mạnh, và chưa phát huy được hết tiềm năng từ nguồn tài nguyên thiên nhiên này.

Gia tăng giá trị nông sản từ sản phẩm OCOP

Gia tăng giá trị nông sản từ sản phẩm OCOP
Để giải bài toán giúp người nông dân phát triển kinh tế, cùng với các nghị quyết về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, trong quá trình xây dựng NTM, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP). Theo đó, việc phát triển sản phẩm OCOP của tỉnh đã khơi dậy tiềm năng, lợi thế của khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp, gắn với phát triển và xây dựng NTM.

Đắk Lắk: Động lực mới cho sự phát triển

Đắk Lắk: Động lực mới cho sự phát triển
Năm 2025 đánh dấu một bước tiến quan trọng trong hành trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Lắk. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, tỉnh đã đạt được những kết quả khả quan trong công tác thu hút đầu tư, tạo tiền đề vững chắc cho sự tăng trưởng và phát triển bền vững.

Hà Nội xây dựng hệ thống đa kênh hỗ trợ thành lập doanh nghiệp

Hà Nội xây dựng hệ thống đa kênh hỗ trợ thành lập doanh nghiệp
Trung tâm Phục vụ hành chính công TP. Hà Nội vừa ban hành Đề án Thí điểm xây dựng hệ thống đa kênh hỗ trợ khách hàng trong lĩnh vực thành lập doanh nghiệp trên địa bàn.