Về Tây Ninh…trốn nóng
Tây Ninh: Tạo lập nhãn hiệu chứng nhận “Bò Tây Ninh”, nâng cao giá trị, vị thế sản phẩm Tây Ninh: Các nhà sư danh tiếng núi Bà Đen |
Cáp treo là con đường nhanh nhất lên đỉnh núi. |
Về Tây Ninh trốn nóng, nghe có vẻ nghịch lý, bởi nhiều người ở phương xa cứ hễ nhắc tới miền đất biên giới này là nhớ ngay câu “Tây Ninh nắng cháy da người”. Thế nhưng, thực tế, nhiều du khách lại đang chọn về đây trốn nóng những ngày đầu hè.
Băng rừng, lội suối, vượt núi, xuống hồ. Đó cũng là những trải nghiệm của nhiều người chọn về Tây Ninh trốn nóng ngày hè.
Thời tiết của các tỉnh, thành phía Nam những ngày qua khá oi bức, nóng nực. Riêng Tây Ninh, nhiệt độ luôn ở mức 30 - 31 độ C. Nhưng có một nơi tại Tây Ninh lại luôn có mây mù bao phủ quanh năm, không khí se se lạnh. Đó là trên đỉnh Bà Đen.
Cách TP. Hồ Chí Minh hơn 100km, núi Bà Đen được mệnh danh “nóc nhà Nam bộ” bởi sở hữu độ cao 986m so với mực nước biển. Vùng núi được bao phủ bởi tán rừng nguyên sinh trải dài tạo nên khí hậu mát mẻ quanh năm cho nơi này.
Nhiệt độ ở núi Bà Đen thường thấp hơn thành phố Tây Ninh và các tỉnh lân cận khoảng 8-10 độ C. Vào buổi tối, không khí trên đỉnh núi se lạnh và có gió lộng. Đó chính là lý do, nhiều du khách phương xa chọn nơi này để trốn cái oi bức rát thịt của thành thị. Thậm chí, có mặt trên đỉnh núi Bà Đen vào chiều tối, nhiều người sẽ chợt nhận ra là mình quên mang theo một chiếc áo khoác…
Có nhiều cách vượt núi để ngâm mình trong biển mây ở độ cao 986m. Với người không có thể lực tốt, không có quỹ thời gian dài, hoặc ngại nắng nóng, hoàn toàn có thể chinh phục “nóc nhà Nam bộ” dễ dàng bằng những tuyến cáp treo được đầu tư hiện đại ở ngọn núi này. Thay vì phải vượt núi 3-4 tiếng bằng đường bộ thì chỉ cần mất 8 phút đi cáp treo.
Nhưng với những người thể lực tốt, thích khám phá, yêu thích bộ môn thể thao leo núi thì không dễ gì bỏ qua cảm giác tự mình chinh phục những con dốc, vượt qua những tảng đá để chạm tay vào biển mây luồn qua người mát rượi trên độ cao 986m.
Trên đỉnh núi Bà Đen ở độ cao 986m nhiệt độ luôn mát mẻ. |
Núi Bà Đen có hình dạng như một chiếc nón lá úp, do đó, đường lên đỉnh núi cũng khá dốc. Có nhiều cung đường để lên đỉnh núi như đường chùa Bà, đường cột điện, đường Ma Thiên Lãnh… Mỗi cung đường đều có những thử thách khác nhau, riêng đường cột điện được nhiều du khách lựa chọn vì dốc thoai thoải, dễ leo.
Từ chân núi, phượt thủ chỉ cần đi theo đường dây điện, đếm khoảng hơn 100 cột điện là đến nơi, thời gian chinh phục khoảng 2-3 tiếng với người khoẻ, 3-4 tiếng với người chưa quen địa hình.
Giữa đoạn núi này có một khe nước như dòng suối nhỏ mát rượi, du khách thường dừng chân để lấy thêm nước sạch, rửa mặt và nghỉ ngơi. Cái thú vị của leo núi là dân phượt được ngắm nhìn toàn cảnh Tây Ninh từ trên cao, cảm nhận hơi lạnh của sương mù khi leo lên đến gần đỉnh núi.
Là người thường xuyên trekking tại núi Bà Đen, du khách Trần Nhật Nam (32 tuổi, ngụ TP. Hồ Chí Minh) hào hứng cho biết, thay vì trốn mình trong phòng tập gym thì anh chọn cách đi trải nghiệm, khám phá và chinh phục bản thân.
“Mỗi bước chân của mình đều có những điều mới mẻ chờ đợi. Riêng leo núi lại là những thử thách luôn mới. Đặc biệt, núi Bà Đen lại càng lý tưởng những ngày đầu hè bởi dọc bên đường phượt, mình được cảm nhận cảm giác len trong những hàng cây giữa bốn bề thiên nhiên đẹp, tiếng chim kêu vượn hú. Mệt mỏi cũng tan nhanh, thậm chí nó như một liều dopping giải nhiệt tinh thần”, anh Nam cười nói.
Vẻ đẹp hồ Dầu Tiếng chiều về. |
Đứng từ đỉnh núi, thu vào tầm mắt du khách là những cánh đồng lúa trải dài xen kẽ mái nhà của người dân Tây Ninh. Xa xa là những vạt rừng xanh ngát cạnh hồ Dầu Tiếng rộng lớn như một chiếc máy điều hoà khổng lồ cho vùng đất Tây Ninh. Bao nhiêu đó cũng đã khiến du khách mát rượi tấm lòng…
Vào mùa này, đừng vội rời khỏi Tây Ninh khi chưa thử cảm giác đến lòng hồ Dầu Tiếng, khám phá những vẻ đẹp đáng kinh ngạc trong những ngày đầu hè. Nằm trải dài trên địa bàn 3 tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước, hồ Dầu Tiếng nổi tiếng là hồ nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á, diện tích đến 27.000 ha.
Những ngày này, nắng nóng kéo dài khiến mực nước hồ Dầu Tiếng xuống thấp, lộ ra vẻ đẹp khó cưỡng. Đặc biệt, khi ở trong lòng hồ Dầu Tiếng lại rất khác, không khí ở đây mang hơi thở nhè nhẹ của gió, nước và cỏ cây.
Để khám phá trọn vẻ đẹp của lòng hồ Dầu Tiếng, du khách có thể men theo những con đường mòn nhỏ do người dân địa phương đi đánh cá hoặc đi làm rẫy. Tại đây, những đồng cỏ, rẫy mì xanh mướt sẽ dần hiện lên.
Du khách có thể ngắm những đàn trâu tung tăng gặm cỏ ven bờ nước. Hồ Dầu Tiếng đẹp nhất là vào lúc bình minh và hoàng hôn. Đây là thời điểm sắc trời và nước dường như hoà quyện vào nhau, tạo nên gam màu ấn tượng.
Sông Vàm Cỏ Đông cũng là điểm lý tưởng trốn nóng cho du khách thích khám phá. |
Đến hồ Dầu Tiếng vào mùa khô, bạn sẽ bất ngờ với trảng cỏ xanh như thảo nguyên trải rộng dọc đường đi. Nhiều bạn trẻ cắm trại qua đêm, đốt lửa, sinh hoạt nhóm, tổ chức trò chơi cùng nhau bên lòng hồ và có cảm giác như đang ở bãi biển. Tại đây, du khách có thể xem người dân trực tiếp đi đánh bắt cá, trải nghiệm cảm giác mò bắt chem chép…
Đó là chưa kể bạn tìm về cánh rừng nguyên sinh mát rười rượi của Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát, hay cảm giác hơi nước phả vào người khi đi xuồng lướt trên sông Vàm Cỏ Đông. Về Tây Ninh trốn nóng giờ đã không còn là điều nghịch lý.