Vì đâu các dự án khí tự nhiên Việt Nam ‘đắp chiếu’ nhiều năm?
Theo Bộ Công thương, đến năm 2030, dự kiến Việt Nam sẽ phát triển khoảng 7.240MW nhiệt điện khí trong nước, bao gồm cụm nhà máy điện sử dụng khí Lô B, cụm nhà máy điện sử dụng khí Cá Voi Xanh, và nhà máy điện sử dụng mỏ Báo Vàng.
Tuy nhiên, trừ mỏ Báo Vàng hiện vẫn còn nhiều khó khăn trong xác định trữ lượng, hai mỏ khí lớn trong nước là Lô B và Cá Voi Xanh đã chậm trễ tiến độ khai thác nhiều năm qua, sau khi các nhà đầu tư nước ngoài rút đi, hoặc chần chừ với việc tiếp tục.
Phần lớn dự án LNG không khả thi |
Năm 2009, Chevron và ba đối tác đã cho thấy sự quan tâm với việc phát triển mỏ khí Lô B, và đã ký các hợp đồng thiết kế tiền cơ sở với PVN vào năm 2009. Dù vậy, vào năm 2015, Chevron đã bán lại cổ phần và quyền điều hành cho PVN, và nguyên nhân được cho là bởi hai bên không thể thống nhất về mức giá khí.
Hiện giai đoạn tiếp theo của dự án đang được phát triển bởi một đối tác của PVN, Mitsui Oil Exploration (Nhật Bản) và PTTEP (Thái Lan).
Theo đánh giá tổng thể về nguồn nhiệt điện khí trong nước nằm trong chương trình phát triển nguồn điện và tác động tới khả năng cung ứng điện giai đoạn tới 2030, Bộ Công thương cho biết với cụm mỏ khí Lô B, vướng mắc chính ở phía thượng nguồn là vấn đề bảo lãnh Chính phủ.
Bộ Công thương đã đàm phán xong, và phía Nhật Bản đã ký thư chính thức bỏ yêu cầu có bảo lãnh Chính phủ. Hiện đang thỏa thuận với phía Thái Lan (chiếm 5%) để bỏ yêu cầu này.
Tại dự án khai thác mỏ khí Cá Voi Xanh, ExxonMobil sở hữu 64% cổ phần, nhưng nhà đầu tư này đã bày tỏ nhiều lo ngại, xem xét lại vấn đề đầu tư tại đây, và dự án này hiện không nằm trong danh sách ưu tiên bởi sự phức tạp cả về kinh tế lẫn chính trị. Công tác đàm phán các thỏa thuận thương mại và bảo lãnh chính phủ chậm đã ảnh hưởng đến quá trình triển khai các công việc khác.
Theo phân tích từ Viện Kinh tế năng lượng và phân tích tài chính (IEEFA), dù sở hữu tiềm năng lớn về khí tự nhiên, Việt Nam lại đang “dậm chân tại chỗ” trong việc phát triển các dự án khai thác khí, mà nguyên nhân đáng kể liên quan đến vấn đề bảo lãnh chính phủ.
Nếu không có bảo lãnh, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ thận trọng hơn khi phải đối mặt với rủi ro cao hơn từ bản chất biến động và yêu cầu vốn lớn của quá trình khai thác khí tự nhiên.
Nhiệt điện khí LNG không dễ bùng nổ ở Việt Nam như điện mặt trời |
Bên cạnh đó, một số quy định khác cũng khiến dòng đầu tư nước ngoài “ngần ngại” với lĩnh vực này.
Đơn cử, theo Điều 97 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư năm 2020 (Luật PPP) có hiệu lực vào đầu năm ngoái, tranh chấp giữa cơ quan có thẩm quyền, cơ quan ký kết hợp đồng với nhà đầu tư nước ngoài hoặc với doanh nghiệp dự án PPP do nhà đầu tư nước ngoài thành lập được giải quyết tại trọng tài Việt Nam, hoặc tòa án Việt Nam, trừ trường hợp có thỏa thuận khác theo hợp đồng hoặc điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thanh viên có quy định khác.
Điều này có nghĩa rằng luật phát Việt Nam sẽ quản lý các tranh chấp trong trường hợp doanh nghiệp nhà nước không thanh toán cho nhà đầu tư nước ngoài.
“Sự thay đổi này đồng nghĩa với việc các nhà tài trợ dự án sẽ phải chịu nhiều rủi ro hơn về thị trường và quy định, cũng như thời gian đàm phán các dự án sẽ kéo dài hơn”, nhà phân tích tài chính năng lượng Sam Reynolds và Grant Hauber nhận định trong báo cáo của IEEFA.
Không chỉ vậy, Luật Đầu tư mới có hiệu lực vào đầu năm 2021 hiện không rõ ràng về khả năng chuyển đổi ngoại hối, khiến các nhà đầu tư có thể bị thiệt hại nếu VND mất giá so với đồng USD, và bất cứ sự hạn chế nào về lượng USD có sẵn trong nước cũng sẽ gây ra thách thức về chuyển đổi tiền tệ.
Rào cản này càng trở nên rõ ràng hơn khi Ngân hàng Thế giới từng ước tính rằng nhu cầu ngoại tệ trong lĩnh vực năng lượng của Việt Nam có thể lên tới khoảng 23 tỷ USD năm 2030, tăng đáng kể từ mức 2 tỷ USD của năm 2019.
Nguồn: Vì đâu các dự án khí tự nhiên Việt Nam ‘đắp chiếu’ nhiều năm?