Vì sao cá nuôi lồng bè trên sông Krông Ana chết hàng loạt?
Tây Ninh: Làm giàu từ nghề nuôi cá giống Tây Ninh: Nuôi cá trên ruộng lúa hiệu quả, nhưng vẫn lo |
Những ngày đầu tháng 5, hiện tượng cá chết hàng loạt xảy ra tại khu vực nuôi cá lồng bè trên sông Sêrêpốk đoạn qua xã Ea Na, H.Krông Ana (Đắk Lắk) gây thiệt hại nặng cho người nuôi.
Khu vực này có khoảng 20 hộ nuôi với hàng trăm lồng bè nuôi cá trên đoạn sông dài hơn 1 km. Theo các hộ nuôi, lượng cá chết trong những ngày qua tổng cộng ước vài chục tấn. Ông Nguyễn Ngọc Hà, hộ nuôi bị chết hơn 4 tấn cá, cho rằng cá chết nhiều đột ngột là do thời tiết quá nóng; nhiệt độ đo vào lúc 15 giờ hằng ngày luôn ở mức 37 độ C. Ngoài ra, nước sông Sêrêpốk không chảy do các nhà máy thủy điện đầu nguồn không xả nước khiến cá thiếu ô xy.
Bà Nay H'úy, Phó chủ tịch UBND xã Ea Na, cho biết xã đã nắm thông tin cá nuôi chết bất thường số lượng lớn và đề nghị các hộ nuôi vớt cá chết, có thể xử lý ủ làm phân vi sinh hoặc chôn vào gốc cây để tránh gây ô nhiễm môi trường; đồng thời báo cáo các cơ quan chức năng để xác định nguyên nhân, hỗ trợ người nuôi cá triển khai các biện pháp nhằm giảm thiệt hại.
Ngày 8.5, Phòng NN-PTNT H.Krông Ana (Đắk Lắk) cho biết đã thông báo đến UBND TT.Buôn Trấp và UBND xã Ea Na về kết quả quan trắc mới đây và khuyến cáo về môi trường nguồn nước đầu dòng trong khu vực nuôi trồng thủy sản trên sông Krông Ana của Chi cục Thủy sản tỉnh Đắk Lắk.
Theo kết quả quan trắc này, hàm lượng tổng chất rắn lơ lửng TSS đạt 98,1 mg/l, vượt ngưỡng so với giới hạn cho phép là 20 mg/l. Hàm lượng phốt phát (P-PO43-) đạt 0,25mg/l, vượt ngưỡng so với giới hạn cho phép: ≥0,1mg/l. Xuất hiện tảo độc Ceralium sp. với mật độ 1.000 tế bào/lít, tảo này có nguy cơ bám vào mang cá, gây hiện tượng nghẽn mang, ảnh hưởng đến quá trình hô hấp của cá khiến cá chết do ngộp thở.
Cá chết hàng loạt trong các lồng bè nuôi trên sông Krông Ana |
Với các thông số trên, Chi cục Thủy sản tỉnh Đắk Lắk nhận định nguồn nước tại vùng nuôi trồng thủy sản lồng, bè sông Krông Ana có hàm lượng phốt phát (P-PO4 3-) vượt mức giới hạn cho phép 2,5 lần, cùng với hàm lượng tổng chất rắn lơ lửng rất cao (4,9 lần) và sự tồn tại của tảo độc Ceritium sp. với mật độ cao báo hiệu vùng nuôi có nguy cơ thiếu ô xy, dễ phát sinh bệnh trong quá trình nuôi.
Hộ nuôi cho rằng cá chết nhiều do ảnh hưởng thời tiết nắng nóng, trong khi cơ quan thủy sản nhận định môi trường nuôi thiếu an toàn |
Từ đó, Chi cục Thủy sản Đắk Lắk khuyến cáo các hộ nuôi cá cần di chuyển lồng bè ra khu vực có dòng nước lưu thông tốt hơn, nuôi mật độ vừa phải và thực hiện các biện pháp phòng bệnh và quản lý chất lượng nước để ngăn chặn khả năng phát sinh bệnh trên thủy sản nuôi.
Nguồn: Vì sao cá nuôi lồng bè trên sông Krông Ana chết hàng loạt?