Vì sao hoạt động phân loại rác sinh hoạt vẫn chưa hiệu quả?
Thùng rác công nghệ do Công ty GODA triển khai có thật sự hiệu quả? Xử lý rác thải: Vấn nạn toàn cầu |
Rác thải sinh hoạt được tập kết tại một khu vực trước khi chuyển về địa điểm xử lý rác. (Nguồn: Vietnam+) |
Khái niệm phân loại rác không còn xa lạ ở Việt Nam. Từ những năm 2011-2012, chiến dịch kêu gọi người dân phân loại rác đã diễn ra mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông phổ biến thời đó là truyền hình, đài phát thanh, trong đó điển hình là ca khúc cổ động “Hãy phân loại rác” với khẩu hiệu “Ta cùng bên nhau là những bàn tay thông minh đấy. Hãy phân loại rác vì đó là tài nguyên quý giá.”
Vào năm ngoái, Chính phủ đã ban hành Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt và không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định có thể bị phạt tiền từ 500.000- 1.000.000 đồng, có hiệu lực thi hành từ ngày 25/8/2022.
Tuy nhiên, đã hơn 10 năm kể từ khi chiến dịch ra đời, hơn 1 năm kể từ khi Nghị định 45 ra đời, chiến dịch phân loại rác này vẫn hầu như “dậm chân tại chỗ,” bất chấp hệ thống thùng rác phân loại đã được cập nhật khắp nơi, với rất nhiều chiến dịch, khẩu hiệu tuyên truyền.
Những ngộ nhận trong phân loại rác
Điều khó khăn nhất hiện nay vẫn là việc nhận diện các loại rác thải. Chị Thanh Tr., nhân viên đồ họa tại một công ty lớn, cho biết đoàn thanh niên bên chị có chiến dịch phân loại rác sinh hoạt ngay tại công ty.
Chị được giao nhiệm vụ thiết kế những chiếc bảng với các hình ảnh minh họa giúp mọi người dễ dàng nhận diện được đâu là rác tái chế và đâu là rác hữu cơ, rác vô cơ. Nhưng khi tìm kiếm trên Google về rác vô cơ, chị nhận được rất nhiều kết quả khác nhau, từ đồ chơi trẻ em cho đến vỏ lon nhôm, nhưng chưa tìm thấy một tài liệu nào là chuẩn nhất để phân loại loại rác này.
Cuối cùng, chị đành lựa chọn biên pháp an toàn nhất là dựa trên những hướng dẫn chung chung trên mạng Internet, để các đồng nghiệp khác tự tìm hiểu nếu còn băn khoăn, thắc mắc.
Sự thiếu tuyên truyền cũng khiến nhiều người ngộ nhận đối với bất cứ sản phẩm nào có chữ “giấy” rằng đó là rác hữu cơ.
Trên thực tế, những chiếc cốc, hộp giấy đựng thức ăn thường được tráng thêm một lớp màng bọc nylon chống thấm, khiến sản phẩm này vừa khó phân hủy vừa không thể tái chế. Nhưng sự hiểu lầm này đã khiến cốc giấy, ly giấy bùng nổ thay thế những sản phẩm từ nhựa đơn thuần, gây khó khăn cho việc phân loại và tái chế rác sau này.
Ngay cả những sản phẩm nhựa thuần túy cũng có sự khác biệt. Chị H. (Đội Cấn, Hà Nội) thường hay đặt những thứ đồ cũ, vỏ chai lọ, đồ tái chế tại một góc trước cửa nhà để những người thu gom đồng nát thu nhặt về.
Một ngày, chị bỏ ra đó những khay ươm rau mầm bằng nhựa màu đen to và nặng, tuy nhiên cả ngày hôm đó không ai tới thu nhặt. Sau đó, chị trò chuyện với một người chuyên thu gom phế liệu thì mới biết nhựa màu đen là loại không tái chế, nên họ không sử dụng.
Chị rất bất ngờ vì chưa từng nghe ai đề cập tới vấn đề này. Sau khi tìm hiểu trên mạng Internet, chị H. biết được rằng do cách thức nhuộm màu, về cơ bản nhựa đen không thể được tái chế theo cách thông thường. Màu sắc này cũng khiến hệ thống phân loại rác tư động khó nhận diện.
Mặt khác, nhựa khi đã được nhuộm màu đen thì sẽ không thể chuyển đổi thành các loại nhựa màu khác được sau khi đã tái chế.
Nhựa màu đen thường hay sử dụng làm bao bì, khay đựng trong ngành công nghiệp thực phẩm vì chi phí rẻ, và đặc biệt là màu đen bóng khiến cho thức ăn được nổi bật, bắt mắt.
Bản thân chị H. cho biết chị có kinh doanh thực phẩm được chế biến tại nhà. Trước đây chị cũng thường lựa chọn các khay hộp có nền đen để đóng gói thức ăn trước khi giao cho khách.
Sau khi tìm hiểu được thông tin này, chị đã chuyển sang các loại nhựa trắng hoặc không màu. Chị cũng hy vọng thông tin này sẽ được phổ biến hơn nữa để những người kinh doanh nhỏ như chị có thể hiểu và chung tay góp sức vào những hoạt động giúp giảm rác thải nhựa, bảo vệ môi trường.
Bỏ qua những chi tiết nhỏ
Hiện tại, hình thức thu gom rác gia đình phổ biến nhất vẫn là bằng xe đẩy tại từng khu vực dân cư. Rác thải được gom chung vào xe đẩy trước khi đưa ra bãi tập kết.
Do đó, nhiều người dân vẫn cho rằng việc phân loại rác sinh hoạt tại gia đình là vô ích, bởi sau đó rác sẽ được thu gom về cùng một nơi.
Lực lượng "đồng nát" thu gom rác đóng vai trò quan trọng trong chuỗi xử lý rác thải. (Nguồn: Vietnam+) |
Tuy nhiên, dù không phải là những chiến dịch có quy mô lớn, với những hoạt động có tính chất tuyên truyền sâu rộng, thì trên thực tế hoạt động phân loại rác sinh hoạt trực tiếp từ hộ dân đã diễn ra từ rất lâu trước đó với nhiều hình thức khác nhau.
Thông thường, ngay khi thu gom rác, những công nhân môi trường cũng thường lựa chọn, để riêng những loại rác thải tái chế kích cỡ lớn, dễ nhận biết. Sau đó, khi rác thải được tập kết tại bãi, có thêm một lượng lớn những người lao động tự do đến tìm kiếm, lựa chọn, phân loại và thu gom lại tất cả những gì có thể tái chế được trước khi rác được chất lên xe tải thu gom đến những địa điểm xử lý rác thải.
Những năm gần đây, nhờ những chiến dịch tuyên truyền tích cực, nhiều hộ gia đình đã chủ động phân loại rác tại gia đình, để riêng những vỏ lon, hộp, thùng carton sạch giúp hoạt động thu gom rác được thuận lợi hơn.
Tuy nhiên, chị P. (Thanh Trì, Hà Nội) cho biết khi phân loại rác tại gia đình, chị thường vứt bỏ những túi nylon, hộp, cốc nhựa đựng thức ăn chưa được làm sạch bởi cho rằng không ai muốn lấy. Tuy nhiên, một lần khi mang rác trực tiếp ra bãi tập kết, chị nhận thấy những người thu gom rác đang nhặt từng chiếc cốc nhựa dùng một lần vẫn còn sót lại đồ uống, những túi nylon, hộp nhựa vẫn còn sót lại đồ ăn, cẩn thận đổ sạch phần rác bẩn trong đó rồi thu gom lại.
Kể từ đó, chị tạo cho người thân trong gia đình một thói quen, theo đó, những túi, cốc nhựa sau khi đựng thức ăn sẽ được tráng qua nước cho hết chất bẩn rồi gom riêng vào một túi, bởi chị cho rằng như thế sẽ giúp những người lao động đỡ vất vả hơn khi thu gom rác.
Chủ động hơn trong hỗ trợ lực lượng “đồng nát”
Những người lao động tự do mưu sinh bằng việc thu gom rác tái chế thường đường gọi bằng cái tên “đồng nát” hay “ve chai” đóng một vai trò hết sức quan trọng đối với việc xử lý rác.
Bên cạnh việc tìm kiếm, phân loại tại các bãi tập kết rác, họ cũng đi tới từng ngõ phố trong các khu dân cư, thu gom hoặc mua lại rác thải tái chế từ các hộ gia đình, sau đó bán cho các đơn vị tái chế lớn hơn.
Theo một thống kê của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố ngày 17/6/2021, ước tính 30% lượng rác thải của Việt Nam được thu gom qua kênh này.
Theo ước tính của UNDP, vào năm 2021, có khoảng 10.000 đến 16.000 làm công việc nhặt rác này tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, phần lớn trong số họ là phụ nữ.
Như vậu, có thể nói rằng mạng lưới lao động phi chính thức này đóng vai trò rất lớn trong hệ thống quản lý rác thải của Việt Nam, đặc biệt là kênh phân loại rác trực tiếp từ hộ gia đình trước khi tới các nhà máy xử lý rác.
Tuy nhiên, dù đặc thù công việc độc hại, vất vả, nhưng là lực lượng lao động không chính thức, cho đến nay họ vẫn gặp nhiều khó khăn, bị phụ thuộc vào thời tiết, cũng như sự lên xuống của giá phế liệu.
Trong một nỗ lực nhằm hỗ trợ trực tiếp cho những người lao động không chính thức làm nghề thu gom rác thải, vào năm 2021, Đại sứ quán Na Uy và UNDP đã ký thỏa thuận thực hiện Dự án “Mở rộng các mô hình quản lý chất thải tổng hợp và toàn diện thông qua trao quyền cho khu vực phi chính thức và thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn.”
Dự án này kỳ vọng giúp nâng cao năng lực cộng đồng về quản lý chất thải, đồng thời thực hiện các mô hình quản lý rác thải bền vững nhằm thúc đẩy sinh kế và sự tham gia chính thức vào chuỗi kinh tế tuần hoàn của những người lao động tự do làm nghề thu gom xử lý rác thải, đặc biệt là phụ nữ.
Điều này vừa có thể tạo ra cơ hội, nhưng cũng là thách thức đối với nhưng người lao động tự do làm nghề thu gom rác thải, khi tham gia và chuỗi kinh tế một cách chính thức và phải tuân thủ nghiêm túc những quy định của pháp luật./.
Nguồn:Vì sao hoạt động phân loại rác sinh hoạt vẫn chưa hiệu quả?