Vì sao nhiệt độ ở châu Á cao bất thường trong mùa hè năm nay?
El Nino quay trở lại, Thế giới có thể hứng chịu nhiệt độ cao kỷ lục vào năm 2023 Mùa hè 2023: Chuyên gia cảnh báo nắng nóng khốc liệt hơn mọi năm |
Khi mùa hè bắt đầu, nhiều kỷ lục về nhiệt độ đã bị xô đổ ở một loạt các quốc gia thuộc châu Á. Một đợt nắng nóng gay gắt đã bùng phát trên một vùng rộng lớn của châu Á.
Cơ quan khí tượng đánh giá, xét theo nhiều tiêu chí, châu Á vừa trải qua tháng 4 nóng nhất trong lịch sử được ghi nhận. Còn trên phạm vi toàn cầu, 8 năm qua là 8 năm nóng nhất kể từ khi bắt đầu thu thập các dữ liệu quan trắc.
Đợt nắng nóng và khô hạn vừa qua ở Đông Nam Á được cho là có liên quan đến biến đổi khí hậu. Khi sự thay đổi trong chu trình thủy văn dẫn đến lượng mưa vào mùa đông vừa qua bị hạn chế. "Đất khô sẽ nóng lên nhanh hơn đất ẩm, vậy nên hiện tượng nóng bất thường tất yếu sẽ diễn ra khi mùa xuân đến", Koh Tieh Yong, nhà khoa học khí hậu tại Đại học Khoa học Xã hội Singapore, phát biểu trên tờ Bloomberg.
Đối với hầu hết thế giới, đặc biệt là với nhiều quốc gia châu Á, những tháng nắng nóng này là chỉ dấu về những bất thường còn có thể tiếp diễn trong tương lai. Không chỉ nhiệt độ ban ngày mà cả các con số được đo về nhiệt độ sau khi mặt trời lặn cũng đang xô đổ các kỷ lục.
Cuối tuần đầu tiên của tháng 5, một số khu vực tại Đông Nam Á đã trải qua những ngày nóng nhất từng được ghi nhận. (Ảnh minh họa) |
Từ Ấn Độ đến Philippines, các quan chức ở nhiều thành phố thuộc khu vực đã phải quyết định đóng cửa các trường học, kêu gọi người dân ở nhà và đề phòng các dấu hiệu say nắng, say nóng. Nhiệt độ cao đã làm một vài con đường ở Bangladesh chảy nhựa.
Cuối tuần đầu tiên của tháng 5, một số khu vực tại Đông Nam Á đã trải qua những ngày nóng nhất từng được ghi nhận – với nhiệt độ đạt đến ngưỡng 44,2 độ C như tại Việt Nam là khu vực huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An; 44,1 độ c ở Thọ Xuân tỉnh Thanh Hóa và 43,5 độ C tại thành phố Luông Pha Băng của Lào.
Nghiên cứu của Nhóm Phân bổ Thời tiết Thế giới (WWA) cho thấy, biến đổi khí hậu đã làm tăng khả năng xảy ra các đợt sóng nhiệt nghiêm trọng phá vỡ kỷ lục ở Bangladesh, Ấn Độ, Lào và Thái Lan vào tháng trước ít nhất 30 lần.
Ấn Độ, quốc gia đông dân nhất thế giới, cũng là một trong những quốc gia dễ bị ảnh hưởng nhất bởi biến đổi khí hậu, đã trải qua một đợt nắng nóng kỷ lục vào năm ngoái, còn năm nay tại đây ghi nhận tháng 2 nóng nhất trong 122 năm trở lại. Nhiệt độ cũng đã gần chạm ngưỡng kỷ lục trong những tuần gần đây, với hàng chục người chết vì nắng nóng.
Trước đó, một số quốc gia Đông Nam Á đã công bố nhiệt độ cao nhất được ghi nhận hồi đầu tháng 4. Đặc biệt, tiểu lục địa Ấn Độ trở thành "chảo lửa", nắng nóng tới 45 độ C khiến hàng chục người thiệt mạng. Theo nghiên cứu, các khu vực của Ấn Độ đã trải qua nhiệt độ trên 44 độ C vào giữa tháng 4/2023 và ghi nhận ít nhất 11 trường hợp tử vong gần thành phố Mumbai chỉ trong 1 ngày do say nắng.
Tại Bangladesh, thủ đô Dhaka cũng đã trải qua ngày nóng nhất trong gần 60 năm.
Tương tự, thành phố Tak ở Thái Lan đã trải qua nhiệt độ 45,4 độ C, mức nhiệt cao nhất từ trước đến nay; tỉnh Sainyabuli tại Lào ghi nhận nhiệt độ 42,9 độ C, mức kỷ lục mọi thời đại về nhiệt độ quốc gia.
Các nhà khoa học và nhà nghiên cứu khí hậu đang chỉ ra bằng chứng ngày càng rõ ràng về tác động của biến đổi khí hậu do con người gây ra đối với hành tinh của chúng ta. Các chuyên gia cảnh báo rằng nhiệt độ ngày càng tăng đang khiến các đợt nắng nóng gây chết người diễn ra thường xuyên hơn và kéo dài hơn.
Bên cạnh đó, các hiện tượng cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra có thể đang tăng tốc. Một nghiên cứu được công bố đầu tháng 5 cho thấy một sông băng lớn ở Greenland (khu vực Bắc cực) đang tan chảy nhanh hơn nhiều so với dự đoán, làm dấy lên suy đoán rằng các dự báo hiện tại về mực nước biển dâng có thể đang đánh giá thấp mức độ nghiêm trọng của tình hình.
Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) vừa công bố báo cáo cho thấy nhiệt độ toàn cầu có thể sẽ tăng lên mức kỷ lục trong 5 năm tới do khí nhà kính giữ nhiệt và hiện tượng tự nhiên El Nino xảy ra. Có 66% khả năng là nhiệt độ toàn cầu gần bề mặt trung bình hàng năm từ năm 2023 đến năm 2027 sẽ cao hơn 1,5 độ C so với mức ở thời kỳ tiền công nghiệp trong ít nhất một năm trong 5 năm tới. Ngoài ra, có 98% khả năng là ít nhất một trong 5 năm tới, và cả giai đoạn 5 năm nói chung, sẽ nóng nhất từng được ghi nhận. WMO dự báo nhiệt độ bề mặt trung bình toàn cầu hàng năm cho mỗi năm từ năm 2023 đến năm 2027 cao hơn từ 1,1 độ C đến 1,8 độ C so với mức trung bình của những năm 1850-1900. Có 98% khả năng ít nhất một trong 5 năm tới sẽ phá vỡ kỷ lục nhiệt độ được thiết lập vào năm 2016, khi có hiện tượng El Nino cực kỳ mạnh. |
Nguồn:Vì sao nhiệt độ ở châu Á cao bất thường trong mùa hè năm nay?