Vì sao sai phạm tại dự án The Panorama Đà Lạt vẫn chưa được giải quyết?
Theo tìm hiểu, The Panorama Đà Lạt có vị trí khá đẹp khi nằm ngay ngã tư giữa các đường Trần Hưng Đạo, Khe Sanh (dẫn xuống đèo Mimosa), Hùng Vương, Phạm Hồng Thái. Nơi này chỉ cách Quảng trường Lâm Viên hay hồ Xuân Hương trong tầm 2 km.
Tuy tên gọi dự án là "Trung tâm thương mại và dịch vụ giải trí" nhưng trên nhiều trang mạng chuyên về bất động sản, tòa nhà hiện nay được nhiều người rao bán căn hộ hoặc cho thuê căn hộ du lịch. Cách đây vài ngày, trên một chuyên trang mua bán bất động sản, đã đăng thông tin rao bán căn hộ 78m2 với giá 2,9 tỉ đồng và căn 85m2 được rao gần 3,9 tỉ đồng.
Dự án The Panorama Đà Lạt |
Theo Kết luận thanh tra số 929/KL-TTCP ngày 12-6-2020 của Thanh tra Chính phủ, nguồn gốc khu đất dự án 4.644m2 này là của Công ty cổ phần Cơ khí Giao thông Lâm Đồng thuê vào năm 1998. Sau đó doanh nghiệp này cùng Công ty Dệt Phong Phú (sau đổi tên thành Công ty Phong Vân) lập Dự án Trung tâm thương mại và dịch vụ giải trí. Năm 2004, Công ty cổ phần Cơ khí Giao thông rút khỏi dự án, chỉ còn Công ty Phong Vân.
Ban đầu dự án dự kiến hoàn thành vào năm 2010 nhưng chậm tiến độ kéo dài nhưng được UBND tỉnh "gia hạn lần cuối, nếu không sẽ thu hồi dự án" đến 5 lần vào các thời điểm tháng 5/2011, tháng 4/2012, tháng 1/2014, tháng 4-/2015 và tháng 3/2017.
Qua thanh tra cho thấy chủ đầu tư đã thay đổi công năng sử dụng theo giấy chứng nhận đầu tư. Sở Xây dựng cho phép điều chỉnh thiết kế từ 36 căn lên 64 căn để cho thuê. Tại đây có nhiều căn hộ cho thuê dài hạn trong khi giá đất thuê là đất sản xuất kinh doanh. Như vậy, dự án được xây dựng và hoạt động không đúng với mục tiêu ban đầu là Trung tâm thương mại và dịch vụ giải trí.
Bên cạnh đó, việc Sở Tài chính và Hội đồng thẩm định giá đất đề xuất giá đất sản xuất kinh doanh năm 2018 để thu tiền một lần cho cả thời gian thuê với số tiền hơn 53 tỉ đồng cũng chưa đúng với quy định tại Luật Đất đai 2013.
Trước đó, cuối năm 2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng đã lấy ý kiến các đơn vị liên quan về đề nghị điều chỉnh Dự án Trung tâm thương mại và dịch vụ giải trí của Công ty Phong Vân.
Trong đó, đề nghị các đơn vị cho ý kiến về sự phù hợp của việc bổ sung mục tiêu dự án (bổ sung căn hộ du lịch) với quy hoạch chuyên ngành xây dựng tại khu vực dự án; sự phù hợp của việc bổ sung công năng căn hộ du lịch với các chỉ tiêu kiến trúc, mật độ xây dựng của dự án.
Ngoài ra, Sở Kế hoạch và Đầu tư Lâm Đồng còn đề nghị các ngành cho ý kiến về sự phù hợp giữa quy mô dự án đầu tư, công suất thiết kế khi bổ sung công năng căn hộ du lịch với thiết kế cơ sở, giấy phép xây dựng, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Về phía chính quyền TP Đà Lạt nhận định, căn cứ Quy hoạch 704 của Thủ tướng, khu đất dự án là đất du lịch hỗn hợp và quy chuẩn QCVN 01/2021/TT-BXD của Bộ Xây dựng, việc bổ sung căn hộ du lịch vào mục tiêu dự án là phù hợp với định hướng quy hoạch chung.
Tuy nhiên, theo Điều 48 của Luật Du lịch, thì "căn hộ du lịch" thuộc loại cơ sở lưu trú du lịch. Do đó, việc quản lý, kinh doanh loại hình căn hộ du lịch và biệt thự du lịch phải tuân thủ theo quy định của Luật Du lịch và Quy chế quản lý, kinh doanh của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Từ cơ sở trên, UBND TP Đà Lạt đề nghị việc bổ sung kinh doanh căn hộ du lịch tại dự án này phải tuân thủ quy định Luật Du lịch cũng như Luật Kinh doanh bất động sản.
Nguồn: Vì sao sai phạm tại dự án The Panorama Đà Lạt vẫn chưa được giải quyết?