Vì sao tỉ lệ người dân nông thôn Thanh Hóa sử dụng nước sạch còn thấp?
Khoảng cách lớn giữa mục tiêu và thực tế
Huyện Nga Sơn, với đặc điểm của huyện ven biển, nên nguồn nước bị nhiễm mặn, nhiễm phèn diễn biến khá phức tạp từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, sau khi địa phương nỗ lực kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư các nhà máy nước sạch cung cấp cho bà con, thì lại xảy ra nghịch lý khi tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch lại không được như kỳ vọng.
Nước nhiễm mặn, phèn khiến máy móc và nhiều vật dụng của người dân huyện Nga Sơn nhanh hư hỏng |
Ghi nhận từ số liệu tính đến tháng 11/2023 do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nga Sơn rà soát, cung cấp, cho thấy còn nhiều xã có tỷ lệ sử dụng nước sạch thấp dưới 50%. Cụ thể các xã như: Nga Bạch (tỷ lệ sử dụng từ công trình cấp nước tập trung 0,5%); Nga Điền (35,1%); Nga Phượng (18,5%); Nga Phú (44,5%); Nga Thủy (2,2%); Nga Thành (27,4%); Nga Thạch (15,5%); Nga Trung (8,2%); Nga Giáp (17,5%); Nga Thắng (36,8%)...
Nhà máy nước sạch Hoằng Hóa (đóng tại thôn 1 Hồng Thái, xã Hoằng Đồng) là một trong những công trình nước sạch tập trung có công suất thiết kế 6.500m3/ngày, đêm (giai đoạn 1), hệ thống vận hành tự động 100%, mạng lưới tuyến ống phủ kín đến 95% các xã trong vùng dự án. Sau gần 3 năm đi vào vận hành, đến năm 2023, số lượng khách hàng của nhà máy mới chỉ đạt 5.500 hộ gia đình, cá nhân trên tổng số khoảng 14.000 hộ dân của các xã trong vùng dự án; xã trong vùng dự án đăng ký sử dụng nước sạch hiện nay còn thấp, đơn cử như ở xã Hoằng Châu chỉ có hơn 400 hộ/2.000 hộ; xã Hoằng Phong có 450 hộ/1.600 hộ; xã Hoằng Tân có 560 hộ/1.032 hộ; xã Hoằng Trạch có 500 hộ/1.200 hộ... Công suất khai thác chỉ mới đạt 1.800m3/ngày, đêm…
Qua tìm hiểu đươc biết, tính đến tháng 4 năm 2023, toàn tỉnh Thanh Hóa có 19 công trình cấp nước sạch tập trung khu vực nông thôn đang hoạt động, với tổng công suất thiết kế là 85.020 m3/ngày/đêm do 16 đơn vị quản lý, khai thác (đơn vị cấp nước), trong đó: Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn quản lý 7 công trình, UBND cấp xã quản lý 02 công trình, hợp tác xã quản lý 01 công trình, doanh nghiệp quản lý 09 công trình. Bên cạnh đó, Thanh Hóa đang triển khai 05 dự án công trình cấp nước sạch do các doanh nghiệp đầu tư với tổng công suất 43.000 m3/ngày.đêm, bao gồm: Nhà máy sản xuất và cung cấp nước sạch tại xã Thọ Ngọc, huyện Triệu Sơn; Nhà máy nước sạch Sông Chu tại xã Thiệu Phúc, huyện Thiệu Hóa; Nhà máy nước sạch cho 06 xã Thiệu Hợp, Thiệu Duy,Thiệu Nguyên, Thiệu Thịnh, Thiệu Quang, Thiệu Giang, huyện Thiệu Hóa; Nhà máy nước sạch khu vực Kiểu huyện Yên Định; Nhà máy nước sạch Đại Dương Xanh tại xã Hoằng Thái, huyện Hoằng Hóa.
Chi nhánh nước sạch Hoằng Hóa, công ty CP cấp nước Thanh Hóa |
Mặc dù các công trình nước sạch được chú trọng đầu tư, thu hút được nhiều tổ chức, cá nhân tham gia, nhưng hiệu quả thì vẫn chưa đáp ứng được so với kỳ vọng. Theo kết quả công bố Bộ chỉ số theo dõi - đánh giá nước sạch nông thôn năm 2022 được UBND tỉnh Thanh Hóa công bố tại Quyết định số 834/QĐ-UBND ngày 14/3/2023, thì tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 97%, tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn Việt Nam chiếm 60,2%, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung chỉ là 25,2%.
Lý giải đằng sau tỷ lệ dùng nước sạch còn thấp
Theo tìm hiểu của phóng viên từ phía người dân ở các địa phương có tỷ lệ dùng nước sạch thấp cho thấy, nguyên nhân một phần được cho là do chi phí lắp đặt sử dụng nước sạch cao, nên dù “khát” nước sạch, nhiều hộ dân vẫn nhất quyết không tham gia. “Nếu tham gia sử dụng nước sạch, gia đình tôi phải đóng hơn 5 triệu đồng. Mức đóng góp này cao hơn nhiều so với các địa phương khác” – bà Lê Thị T., người dân xã Hoằng Tân, huyện Hoằng Hóa, cho biết. Ngoài ra, nguyên nhân phổ biến nhất khiến tỷ lệ dùng nước sạch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa còn thấp, là nhận thức của người dân đối với việc dùng nước sạch còn hạn chế, hoặc chủ quan với nguồn nước đang dùng; thêm nữa là tâm lý ngại thay đổi, chưa sẵn sàng bỏ chi phí để dùng nước sạch,… “Nước sạch tập trung rất bảo đảm, nhưng nhiều hộ đã đầu tư giếng khoan, bể lọc nước, bể đựng nước mưa, thậm chí là hệ thống lọc nước... nếu dùng nước sạch thì lại bỏ phí các công trình này. Hơn nữa, nếu muốn dùng nước sạch phải đầu tư vài triệu đồng chi phí ban đầu đóng cho công ty, mua téc nước và đóng tiền sử dụng nước hàng tháng... thì quả là một trở ngại với người dân nghèo chúng tôi” – một người dân xã Nga Bạch (Nga Sơn) bộc bạch. Bên cạnh việc số tiền đầu tư cao, tâm lý ngại thay đổi, chưa nhận thức được hết việc cần thiết phải dùng nước sạch; thêm một nguyên nhân nữa được phóng viên ghi lại đến từ hoàn cảnh của nhiều gia đình, như việc có một bộ phận hộ ít khẩu, hộ đơn thân... không có đủ điều kiện tham gia.
Chi nhánh cấp nước Nghi Sơn, công ty CP cấp nước Thanh Hóa, vượt khó, nỗ lực nâng cao tỷ lệ nười dân sử dụng nước sạch tập trung trên địa bàn thị xã Nghi Sơn |
Việc số lượng người dân nông thôn sử dụng nước sạch tập trung trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa còn thấp, không những khiến tiêu chí môi trường khó hoàn thành trong chương trình xây dựng nông thôn mới, mà còn kéo theo nhiều hệ lụy đối với chất lượng sống và sức khỏe của người dân. Đây không còn là vấn đề hoài nghi hay dự báo. Bởi theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh tỉnh Thanh Hóa chia sẻ, do tác động của môi trường, nguồn nước ngầm ở một số khu vực trong tỉnh đã có dấu hiệu bị ô nhiễm; nước ngầm có dấu hiệu bị ô nhiễm mangan tại một số nơi như ở các huyện Thiệu Hóa, Yên Định; nhiễm asen ở một số khu vực của huyện Thiệu Hóa...
Việc tuyên truyền để người dân nông thôn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiểu và đồng ý sử dụng nước sạch, là một bài toán vừa nan giải vừa cấp thiết, đặc biệt trong bối cảnh nguồn nước ngầm tại một số địa phương, đang có dấu hiệu bị ô nhiễm từng ngày. |
Vì vậy, để nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch tập trung, điều quan trọng nhất là công tác tuyên truyền, vận động để người dân thấy rõ lợi ích của việc sử dụng nước sạch tập trung và những nguy cơ từ việc sử dụng nước ngầm, từ đó thay đổi nhận thức, thói quen sử dụng nước sạch nhằm bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống. Ngoài ra, cũng rất cần có giải pháp để mức đóng góp đầu tư ban đầu của người dân hợp lý hơn, mà vẫn đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp đầu tư công trình nước sạch.
Nguồn: Vì sao tỉ lệ người dân nông thôn Thanh Hóa sử dụng nước sạch còn thấp?