Việt Nam đang ở đâu trong thị trường nhựa sinh học thế giới
Đẩy mạnh phát triển sản xuất nhựa phân hủy sinh học |
Biến đổi khí hậu đang làm thay đổi nhận thức và xu hướng tiêu dùng toàn cầu, cũng đã có quy định, yêu cầu đối với các sản phẩm từ nhựa theo hướng xanh, bền vững hơn, trong đó có nhựa sinh học. Điều này đòi hỏi các nhà sản xuất nhựa phải chuyển đổi để thích ứng và phục vụ nhu cầu thị trường vốn đang tăng trưởng nhanh này.
Nhựa sinh học phân huỷ đang có tiềm năng phát triển nhiều hứa hẹn trên thị trường nhựa sinh học |
Trong báo cáo nghiên cứu của mình, Mordor Intelligency, một tổ chức nghiên cứu về thị trường có quy mô toàn cầu, cho rằng, quy mô thị trường nhựa sinh học toàn cầu sẽ tăng từ 1,78 triệu Kiloton vào năm 2023 lên 3,95 triệu Kiloton vào năm 2028, với tốc độ tăng trưởng kép bình quân mỗi năm là 17,25% trong giai đoạn từ 2023-2028. Theo Mordor Intelligency, yếu tố quan trọng thúc đẩy thị trường hướng nghiên cứu phát triển nhựa sinh học là các vấn đề môi trường, điều này đang khuyến khích thế giới thay đổi mô hình để thúc đẩy sản xuất nhựa sinh học. Ngoài ra, nhu cầu ngày càng tăng về bao bì xanh, bền vững cũng là động lức chính thúc đẩy thị trường nhựa sinh học… Có thể thấy, cơ hội cho ngành nhựa tăng tốc nhờ sản phẩm bền vững có lẽ rất nhiều, song để đáp ứng tốt các yêu cầu về tiêu chuẩn xanh cũng như hợp túi tiền của người dùng thì vẫn còn nhiều việc phải làm.
Khi thế giới tăng tốc phát triển nhựa sinh học
Có một thực tế rằng, hầu hết các sản phẩm nhựa mà cộng đồng sử dụng hiện nay đều ít nhiều gây hại đến môi trường, do tính chất lâu phân huỷ, kéo dài hàng trăm năm. Theo báo cáo của Liên hợp quốc, mỗi năm cả thế giới thải ra khoảng 300 triệu tấn rác thải nhựa, trong đó có khoảng 13 triệu tấn bị đổ ra biển. Điều này có nghĩa là, mỗi phút có khoảng 1 triệu chai nhựa và 5000 tỷ túi nilon được tiêu thụ. Trong số rác thải nhựa được thải ra có tới 79% là bị chôn lấp hoặc vứt ra môi trường, 12% là bị đốt, chỉ có 9% trong số đó được tái chế.
Sự thật ấy đã khiến trong nhiều thập kỷ, giới khoa học, chính trị gia và doanh nghiệp trên toàn thế giới đã nỗ lực tìm cách giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa. Đó cũng chính là con đường đưa nhựa sinh học trở thành lĩnh vực có quy mô toàn cầu, thu hút sự quan tâm không chỉ của nhiều quốc gia mà còn với các doanh nghiệp ngành nhựa.
Theo Vantage Market Research, thị trường nhựa sinh học đã sẵn sàng cho sự tăng trưởng khi người tiêu dùng và doanh nghiệp ngày càng ưu tiên tính bền vững và trách nhiệm với môi trường. Thị trường dự kiến sẽ chứng kiến những đổi mới trong sản xuất nhựa sinh học và tăng cường hợp tác giữa nhà sản xuất và người dùng cuối để tạo ra nền kinh tế tuần hoàn cho nhựa. Cũng theo ước tính của Vantage Market Research, thị trường nhựa sinh học toàn cầu trị đạt giá trị 8,4 tỷ USD khi khép lại năm 2022, và dự báo sẽ đạt 19,2 tỷ USD vào năm 2030.
Các nhà phân tích cho rằng, nhựa sinh học đang đóng vai trò then chốt trong việc chuyển đổi ngành nhựa từ nền kinh tế tuyến tính lãng phí sang nền kinh tế tuần hoàn bền vững hơn. Việc sử dụng mở rộng hứa hẹn mang lại kết quả thuận lợi, bao gồm cả các khía cạnh môi trường và kinh tế. Điều này càng khẳng định rõ ràng khả năng tồn tại của sản phẩm, khiến người tiêu dùng tìm kiếm chúng khi mua hàng, kích thích nhu cầu một cách tích cực.
Bản thân người tiêu dùng cũng ngày càng nhận ra mối nguy hiểm của nhựa làm từ dầu mỏ và thừa nhận lợi ích của các giải pháp thay thế bền vững. Chính vì thế, các nhà sản xuất cũng đang nỗ lực nhiều hơn để đáp ứng yêu cầu này. Chẳng hạn, hãng Coca-Cola đã ra mắt Plant Bottle, một loại bao bì chai nhựa cải tiến bao gồm 30% nguyên liệu có nguồn gốc từ thực vật. Ngoài ra, các nhà sản xuất nhựa sinh học đang tích cực tạo ra các công thức mới đáp ứng hoặc vượt qua các tiêu chuẩn hiệu suất do nhựa truyền thống đặt ra.
Mới đây, các nhà nghiên cứu tại Anh đang phát triển công nghệ enzyme nhằm sản xuất nhựa sinh học. Giải pháp này hứa hẹn sẽ giúp ngành công nghiệp hóa chất toàn cầu chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch để bảo vệ môi trường. Theo ông Grant Aarons, CEO FabricNano cho biết: “Một sự thật hiển nhiên đó là loài người đang có vấn đề nghiêm trọng với những vật liệu được sử dụng hàng ngày. Chúng ta có hàng tỉ mét khối rác thải nhựa đang tích tụ tại các đại dương. Tại FabricNano chúng tôi đang cố gắng giải quyết vấn đề này bằng cách cung cấp giải pháp nhựa sinh học thay thế và các vật chất bền vững có thể sử dụng rộng rãi và an toàn với môi trường. Chúng tôi đang đặc biệt tập trung vào lĩnh vực sản xuất hóa chất công nghiệp”.
Còn tại Nhật Bản, nhiều công ty hóa chất lớn của nước này cũng đang chuyển hướng sản xuất sản phẩm nguyên liệu nhựa bằng hoạt chất ethanol sinh học, có nguồn gốc từ đường thực vật. Đây được xem là nỗ lực của ngành hóa chất Nhật trong cuộc chiến giảm lượng khí thải carbon. Cụ thể, Công ty Asahi Kasei có trụ sở tại Tokyo đã lên kế hoạch bắt đầu sản xuất nhựa sinh học từ năm 2027, với quy mô khoảng 10.000-20.000 tấn. Nguyên liệu đầu vào chủ yếu là mía trồng tại Brazil. Còn công ty Sumitomo Chemical đã thành lập một cơ sở thử nghiệm vào năm 2022, sử dụng ethanol sinh học làm nguyên liệu để sản xuất các loại nhựa cơ bản. Dự kiến, công ty này sẽ chính thức thương mại hóa sản phẩm mới vào năm 2025.
Tại Hoa Kỳ, cái tên Danimer Scientific, có trụ sở tại bang Georgia đang đặt cược lớn vào nhựa sinh học khi dồn lực vào thử nghiệm sản xuất loại nhựa sinh học có tên gọi polyhydroxyalkanoates (PHA) bằng cách sử dụng các vi sinh vật để lên men dầu của hạt cải, đây cũng được xem là nhà sản xuất nhựa sinh học PHA lớn nhất trên thế giới. Các sản phẩm của Danimer Scientific hiện đang được sử dụng ở hệ thống cửa hàng cà phê của Starbucks và Dunkin ‘Donuts. Theo doanh nghiệp này, các sản phẩm làm từ nhựa PHA có thể tự phân hủy sinh học trong 5 tháng trong môi trường biển và 2 năm trong đất.
Cùng với nhựa PHA, một loại nhựa sinh học khác cũng được tiêu thụ rộng rãi hiện nay là PLA (polylactic acid), thường được sản xuất bằng cách lên men đường từ ngô và mía. NatureWorks, nhà sản xuất nhựa PLA, có trụ sở ở bang Minnesota, là một liên doanh của Cargill, một trong những tập đoàn nông nghiệp lớn thế giới và Công ty PTT Global Chemical của Thái Lan. Đây là công ty sản xuất nhựa PLA lớn nhất trên thế giới, có khả năng sản xuất 150.000 tấn viên nhựa sinh học hàng năm. Thị trường tiềm năng lớn nhất của NatureWorks là các đồ dùng trong ngành dịch vụ ăn uống và thực phẩm có thể phân hủy được như dao nĩa nhựa, ly nhựa, hộp đựng, bao bì gói thực phẩm. Cùng với rác thực phẩm nhà hàng, những đồ dùng nhựa sinh học có thể được chuyển đổi thành các vật liệu hữu cơ để làm giàu chất dinh dưỡng cho đất trong vườn và ở các trang trại…
Có thể thấy, sự ra đời của các nguồn tài nguyên tái tạo, sinh khối và các vật liệu dựa trên sinh học như tinh bột và các dẫn xuất từ cây rau đang thúc đẩy quá trình phát triển toàn cầu đối với ngành nhựa sinh học. Việc kết hợp nhựa sinh học trong nhiều ứng dụng, bao gồm bao bì và sản phẩm gia dụng, đã cho phép các nhà sản xuất nhựa giảm bớt sự phụ thuộc vào nhựa có nguồn gốc từ dầu mỏ. Trong khi nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng về bao bì thân thiện với môi trường đang thúc đẩy sự thay đổi đáng kể trong ưu tiên của các nhà sản xuất nhựa và nhà cung cấp bao bì lớn đối với các giải pháp đóng gói nhựa sinh học. Và sự cần thiết phải tuân thủ các quy định của các chính phủ đang buộc các nhà cung cấp này phải chuyển sự chú ý sang sản xuất nhựa sinh học, một thị trường có giá trị tới gần 600 tỷ USD mỗi năm.
Việt Nam vẫn cần mẫn với nhựa truyền thống
Ngành nhựa là một ngành kinh tế quan trọng, là mắt xích trong nhiều chuỗi giá trị sản xuất. Không thể phủ nhận tầm quan trọng của nhựa trong sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, ta cũng cần nhận thức rõ tác hại của nhựa và ngành nhựa đối với môi trường. Đặc biệt là rác thải nhựa vẫn luôn là vấn nạn của cả thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Để hướng tới sự phát triển bền vững của kinh tế Việt Nam, ngành nhựa cũng đặt mình vào trong nền kinh tế tuần hoàn, hướng tới sự phát triển xanh.
Cùng với xu hướng phát triển của ngành nhựa thế giới, việc nghiên cứu ứng dụng nhựa sinh học cũng đang là mối quan tâm của các doanh nghiệp nhựa trong nước. Với quan điểm phát triển ngành nhựa Việt Nam phải đạt hiệu quả cao và bền vững, gắn liền với bảo vệ môi trường, một số doanh nghiệp trong nước đã bắt tay nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm nhựa sinh học, nhựa phân huỷ sinh học. Trong đó, nổi bật là An Phát bioplastics, doanh nghiệp này đã phát triển thành công nhựa phân huỷ sinh học có thể phân hủy hoàn toàn (100% compostable) mang nhãn hiệu AnEco, gồm các sản phẩm như: túi nilon, găng tay, dao, nĩa, ống hút, màng nông nghiệp… được sử dụng trong nước và xuất khẩu. Năm 2022, An Phát Holdings đã hợp tác với Nexeo Plastics, nhà phân phối hạt nhựa hàng đầu thế giới để đưa nguyên liệu nhựa phân hủy sinh học vào thị trường Mỹ, Canada, Mexico. Và gần đây hơn, Bộ Công Thương đã nghiệm thu đề tài "Nghiên cứu tạo chế phẩm sinh học từ phụ phẩm chế biến thủy sản" do Viện Công nghệ sinh học chủ trì thực hiện.
Các nhà bán lẻ trong nước cũng đã giảm dần việc sử dụng túi nhựa một lần, thay thế bằng các loại bao bì thân thiện môi trường. Tuy nhiên, tỷ trọng sử dụng sản phẩm nhựa sinh học và nhựa phân huỷ sinh học so với tổng lượng nhựa sử dụng ở Việt Nam vẫn còn thấp. Nhìn vào thực tế ngành nhựa, chúng ta đều thấy rằng phần lớn các mô hình kinh doanh và sản xuất của ngành nhựa vẫn đang nằm trong các mô hình truyền thông, tuyến tính. Theo ông Hồ Đức Lam – Chủ tịch Hiệp hội Nhựa, ngành nhựa Việt Nam được ví như một ngành gia công vì phụ thuộc phần lớn vào nhập khẩu, khoảng 70-80%, mặc dù máy móc thiết bị được nhập khẩu 100% và năng lực sản xuất cũng được cải thiện.
Trong khi đó, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, hiện nay Việt Nam có khoảng 4.000 doanh nghiệp hoạt động trong ngành nhựa, phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm gần 90%, với hơn 25.000 lao động. Trong đó, các doanh nghiệp sản xuất trong ngành nhựa bao bì chiếm tỷ trọng lớn nhất với 38%. Tiếp theo là các doanh nghiệp nhựa gia dụng và nhựa xây dựng chiếm lần lượt 30% và 23% trong cơ cấu ngành nhựa Việt Nam.
Với nền kinh tế đang dần chuyển mình, ngành nhựa cần có những thay đổi tiên phong nhằm bắt kịp xu hướng thời đại. Như vậy, ngành nhựa mới có thể có những đóng góp cho sự phát triển bền vững của kinh tế Việt Nam và đem lại lợi nhuận lâu dài cho doanh nghiệp. Để tân dụng xu hướng này, bên cạnh bám sát các chủ trương, quy định của Chính phủ, các nhà sản xuất trong nước cần đặc biệt đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn, quy định của thị trường thế giới theo hướng sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường. Trong đó, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam lưu ý một số điểm sau:
Thứ nhất, tăng trưởng sản xuất và tiêu thụ của ngành nhựa thế giới và Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng sản xuất và tiêu thụ nhựa trong tương lai, do nhu cầu sử dụng nhựa trong nhiều lĩnh vực như đóng gói, ô tô, điện tử, y tế, và nông nghiệp vẫn đang tăng lên.
Thứ hai, xu hướng chuyển đổi sang các sản phẩm thân thiện với môi trường. Do tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, ngành nhựa thế giới và Việt Nam sẽ hướng tới chuyển đổi sang sản xuất các loại sản phẩm thân thiện với môi trường, như nhựa tái chế, nhựa sinh học, nhựa tái sử dụng.
Thứ ba, tăng cường nghiên cứu và phát triển. Ngành nhựa thế giới và Việt Nam sẽ tăng cường đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ mới về nhựa, nhằm tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, tiết kiệm nguyên liệu và năng lượng, và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.
Thứ tư, cạnh tranh khốc liệt. Do cạnh tranh ngày càng khốc liệt trong ngành, các doanh nghiệp sản xuất nhựa sẽ phải nỗ lực để tăng năng suất, cải thiện chất lượng sản phẩm, giảm tiêu thụ điện năng và giảm chi phí sản xuất để cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Thứ năm, chính sách hỗ trợ từ Chính phủ. Chính phủ Việt Nam sẽ đưa ra các chính sách hỗ trợ cho ngành nhựa nhằm thúc đẩy sản xuất, đầu tư và xuất khẩu, đồng thời hướng dẫn các doanh nghiệp sản xuất nhựa thực hiện các quy định về môi trường và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng cũng như xây dựng các tiêu chuẩn sản phẩm ngành nhựa để bảo vệ nhà sản xuất Việt Nam và người tiêu dùng.
Quy mô của ngành nhựa Việt Nam cũng đã có những bước tiến mạnh mẽ, năm 2022 có giá trị trên 25 tỷ USD, trong đó, chiếm tỷ trọng lớn nhất là nhựa bao bì và nhựa xây dựng. Ngoài phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước, sản phẩm của ngành nhựa Việt Nam hiện đang có mặt trên 160 quốc gia trên thế giới. Kim ngạch xuất khẩu của ngành nhựa trong năm 2022 ước tính đạt 5,5 tỷ USD, tăng trưởng 11,4% so với năm 2021 và chiếm 1,2% trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Nguồn:Việt Nam đang ở đâu trong thị trường nhựa sinh học thế giới