Việt Nam là một trong số ít các quốc gia có kế hoạch hành động ngay lập tức nhằm hiện thực hóa các cam kết tại COP26
Thúc đẩy công trình xanh: Hướng tới mục tiêu hiện thực hóa cam kết của Việt Nam tại COP26 Tăng trưởng xanh và hiện thực hóa cam kết của Việt Nam tại COP26 |
Ông Phạm Văn Tấn – Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu – Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết như vậy, tại Hội thảo: “Hiện thực hóa cam kết phát thải ròng bằng 0: Cơ hội và thách thức với các doanh nghiệp” do Tạp chí Kinh tế và Dự báo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức vào sáng nay (ngày 11/10/2022).
Hội thảo nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 55 năm ngày Tạp chí Kinh tế và Dự báo phát hành số đầu tiên (tháng 10/1967).
Ông Phạm Văn Tấn – Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu – Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại Hội thảo: “Hiện thực hóa cam kết phát thải ròng bằng 0: Cơ hội và thách thức với các doanh nghiệp” |
Sự quyết liệt của Chính phủ trong hiện thực hóa cam kết phát thải ròng bằng 0 tại COP26
Theo ông Phạm Văn Tấn, từ năm 2011, nhiều luật, chiến lược, chính sách về biến đổi khí hậu đã được ban hành. Các chương trình hành động quốc gia, cấp ngành, địa phương cũng từng bước được xây dựng và triển khai thực hiện.
Đặc biệt, tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIII đã xác định mục tiêu: đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Sự tham gia của Việt Nam trong các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu đã được thực hiện từ rất sớm. Theo đó, từ năm 1994, chúng ta đã phê chuẩn UNFCCC; năm 2015 và 2016, Việt Nam lần lượt phê duyệt Doha và PA; năm 2020 chúng ta duyệt NAP; đưa NDC vào Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và thực hiện bắt buộc từ năm 2021.
Đặc biệt, ông Tấn thông tin, các cam kết chủ yếu của Việt Nam tại COP26, đó là: Đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050; không xây mới điện than từ năm 2030 và loại bỏ dần điện than từ năm 2040; tuyên bố về rừng và sử dụng đất; tham gia Liên minh thích ứng toàn cầu; giảm 30% khí thải metan vào năm 2030 so với mức năm 2020.
Cuối tháng 10, đầu tháng 11/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị COP26 được tổ chức tại Glassgow (Scotland, Vương quốc Anh). Tại hội nghị, Việt Nam đã cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ; cùng với hơn 100 quốc gia đã tham gia cam kết giảm phát thải khí metan toàn cầu vào năm 2030; cùng 140 quốc gia tham gia Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất; cùng 48 quốc gia tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; cùng 150 quốc gia tham gia Liên minh hành động thích ứng toàn cầu… |
Đặc biệt, trong gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ tại Hội nghị COP26, thì Việt Nam là quốc gia gần như ngay lập tức ngay sau khi Hội nghị ở Glasgow kết thúc, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo và thành lập ngay Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26; ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo cùng với quy chế làm việc của Tổ công tác.
Chính phủ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, đồng thời, đưa ra một lộ trình tổng thể nhằm hiện thực hóa các mục tiêu khí hậu đã cam kết bằng việc tạo hành lang pháp lý, thúc đẩy và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, các ngành, các địa phương cùng có trách nhiệm giảm phát thải ròng…
Nhiều khó khăn, thách thức đặt ra khi thực hiện cam kết COP26
Theo Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, việc thực hiện các cam kết tại COP26, đặc biệt là cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược. Việc triển khai thực hiện kịp thời các cam kết này sẽ mang lại lợi ích lớn và lâu dài cho đất nước. Việt Nam cần tận dụng cơ hội này để thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng carbon thấp.
Việc thực hiện những cam kết tại COP26 có nhiều thuận lợi và thách thức đan xen, trong đó khó khăn, thách thức là chủ yếu.
Theo đó, thực hiện giảm phát thải khí nhà kính đòi hỏi phải chuyển đổi việc khai thác, sử dụng năng lượng hóa thạch sang năng lượng ít phát thải và tăng hấp thụ khí nhà kính.
Nhiều vấn đề đặt ra như: các quyết định đầu tư mới trong Quy hoạch điện VIII, các nhà máy sử dụng công nghệ cũ sẽ hoạt động như thế nào, làm thế nào bảo đảm thực hiện đúng cam kết với doanh nghiệp; vấn đề nông dân trồng lúa, chăn nuôi ra sao trong bối cảnh giảm phát thải khí nhà kính; hạn chế sử dụng năng lượng ít phát thải. Trong đó, riêng chuyển đổi công nghệ, thách thức đặt ra là cần đầu tư thêm ít nhất 400 tỷ USD từ nay đến năm 2050 (theo giá 2020), điều này sẽ tác động đến mục tiêu khác.
Ngoài ra, các vấn đề xã hội liên quan đến việc chuyển đổi năng lượng là rất lớn. Chuyển đổi công bằng nhằm đưa ra và thực hiện các giải pháp cần thiết để bảo đảm quyền và sinh kế của người lao động khi nền kinh tế chuyển dần sang sản xuất bền vững, nhằm mục tiêu chống biến đổi khí hậu và bảo vệ đa dạng sinh học.
Huy động toàn dân trong hiện thực hóa cam kết phát thải ròng bằng 0
Ông Phạm Văn Tấn đưa ra mô hình Nam Phi để Việt Nam có thể tham khảo, đó là “Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng”. Đây là mô hình mà Vương quốc Anh cùng với Pháp, Đức, Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu ký kết với Nam Phi tại COP26.
Theo đó, Nam Phi sẽ được các nước này cam kết hỗ trợ huy động 8,5 tỷ USD cho giai đoạn 3-5 năm tới để thực hiện việc loại bỏ điện than, chuyển sang năng lượng tái tạo theo phương thức công bằng.
Bên cạnh đó, để hiện thực hóa cam kết của Chính phủ về phát thải ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ, đại diện đến từ Bộ Tài nguyên và Môi trường khuyến nghị, chúng ta phải thống nhất về nhận thức, thông về tư tưởng, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, xác định trọng tâm trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó.
Phải kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa chuyển đổi xanh với chuyển đổi số và các nhiệm vụ chính trị trọng tâm khác; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, nguồn lực trong nước và ngoài nước, nguồn lực nhà nước và tư nhân, truyền tải được tinh thần chuyển đổi xanh tới các bộ, ngành, địa phương và người dân.
Đồng thời, phải tận dụng, tranh thủ, phát huy sự quan tâm, ủng hộ của các quốc gia, đối tác, tổ chức tài chính quốc tế trong việc hỗ trợ, đồng hành với Việt Nam thực hiện các cam kết tại COP26.
Đặc biệt, ông Tấn nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của các doanh nghiệp trong việc thực hiện cam kết này, đồng thời sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp và góp phần tăng lợi thế cạnh tranh về mặt dài hạn.
Theo đó, ông Tấn khuyến nghị, các doanh nghiệp cần sẵn sàng, trong đó cần chuẩn bị về con người có đủ năng lực thực hiện kiểm kê khí nhà kính, xây dựng kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của doanh nghiệp.
Cần tránh hoặc rút nhanh ra khỏi các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh sử dụng nhiều năng lượng, phát thải nhiều khí nhà kính. Các doanh nghiệp cũng cần chuẩn bị để tham gia thị trường carbon. Đồng thời, cần hợp tác với các cơ quan chính phủ để xây dựng và thực hiện các biện pháp giảm phát thải hoặc xây dựng tiêu chuẩn/hệ số phát thải đối với sản phẩm kinh doanh của mình./.