Việt Nam thải 0,28 - 0,73 triệu tấn rác thải nhựa ra đại dương mỗi năm
Phát biểu khai mạc Diễn đàn thường niên về rác thải nhựa đại dương ngành thủy sản năm 2024, ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản cho biết: “Như chúng ta biết, bên cạnh sự tăng trưởng nhanh và phát triển mạnh mẽ với nhiều thành tựu trong sản xuất, xuất khẩu và cung ứng hàng hóa nội địa, ngành thủy sản Việt Nam cũng đang phải đối mặt với không ít vấn đề môi trường. Rác thải nhựa đại dương là một vấn đề môi trường nóng của Việt Nam hiện nay, do đó ngành thủy sản cũng đã và đang có nhiều hành động thiết thực trong quản lý, nhằm chung tay giảm các tác động của nhựa tới môi trường”.
“Cùng với nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang quyết tâm đẩy lùi vấn nạn ô nhiễm rác thải nhựa nói chung, rác thải nhựa đại dương nói riêng. Mong muốn rằng, không chỉ riêng ngành thủy sản mà tất cả các lĩnh vực đều sẽ có những giải pháp để giảm thiểu rác thải nhựa. Diễn đàn hy vọng được lắng nghe những cách làm hay, sáng kiến hay, giải pháp hữu hiệu để giúp công tác quản lý rác thải nhựa trong hoạt động thủy sản được tốt hơn thời gian tới”, Cục trưởng Trần Đình Luân nói.
Bà Nguyễn Thị Phương Dung, Trưởng phòng Khoa học Công nghệ và Hợp tác Quốc tế (Cục Thủy sản) chia sẻ, Bộ NN-PTNT đã ban hành Quyết định số 687/QĐ-BNN-TCTS ngày 5/2/2021 phê duyệt “Kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa đại dương ngành thủy sản, giai đoạn 2020 - 2030” với mục tiêu hướng đến giảm thiểu rác thải nhựa trong sản xuất ngành thủy sản, từng bước quản lý rác thải nhựa đại dương theo tiếp cận từ đầu nguồn tới đại dương, kinh tế tuần hoàn và phát triển kinh tế xanh; nâng cao ý thức, trách nhiệm xã hội của cộng đồng nông, ngư dân, các doanh nghiệp về rác thải nhựa, góp phần thực hiện thành công mục tiêu của Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn.
Mục tiêu cụ thể: Giai đoạn 2021 - 2025: Nâng cao nhận thức của các bên liên quan về việc giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành thủy sản. Giảm thiểu sử dụng loại vật tư, dụng cụ chuyên dùng bằng nhựa dùng một lần. Nâng cao tỷ lệ thu gom, phân loại, tái sử dụng, xử lý rác thải nhựa từ các hoạt động sản xuất thủy sản. 100% Khu bảo tồn biển xây dựng kế hoạch giám sát và tổ chức thu gom, phân loại rác thải nhựa chuyển các đơn vị có chức năng xử lý. Xây dựng cơ sở dữ liệu về rác thải nhựa đại dương ngành thủy sản.
Rác thải nhựa là một vấn đề lớn và đang gia tăng đối với môi trường biển. Ảnh: Alamy Stock |
Giai đoạn 2026 - 2030: Nâng cao nhận thức của các bên liên quan về việc giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành thủy sản: Giảm thiểu sử dụng loại vật tư, dụng cụ chuyên dùng bằng nhựa dùng một lần. Nâng cao tỷ lệ thu gom, phân loại, tái sử dụng, xử lý rác thải nhựa từ các hoạt động sản xuất thủy sản. Hoàn thiện cơ sở dữ liệu về rác thải nhựa đại dương ngành thủy sản.
“Quyết định cũng đặt ra 5 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, gồm: Nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm và thay đổi thói quen của cộng đồng ngư dân và các bên có liên quan. Xây dựng và hoàn thiện văn bản quản lý Nhà nước về quản lý rác thải nhựa đại dương trong ngành thủy sản. Giảm thiểu rác thải nhựa, thu gom, phân loại từ nguồn, tái sử dụng, tái chế và từng bước thay thế sử dụng vật tư chuyên dùng bằng nhựa trong ngành thủy sản. Nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển, chuyển giao công nghệ liên quan đến quản lý rác thải nhựa đại dương trong ngành thủy sản. Và tăng cường hợp tác quốc tế”, bà Dung cho biết.
Thời gian qua nhiều địa phương, các tổ chức trong nước và quốc tế đã rất tích cực trong việc chung tay giảm thiểu rác thải nhựa đại dương ngành thủy sản.
Đại diện Sở NN-PTNT Bình Định cho hay, Sở đang xây dựng mô hình thí điểm thu gom rác thải nhựa sinh hoạt trên tàu cá đưa vào bờ tại cảng cá Quy Nhơn. Thí điểm khoảng 100 tàu cá và mở rộng khoảng 100 tàu cá tại cảng cá Quy Nhơn, thời gian thực hiện từ tháng 11/2023 - 11/2024.
Bình Định cũng đã ban hành Quyết định 89/QĐ-SNN Ngày 28/2/2024 về quy trình kiểm soát, quản lý đối rác thải nhựa tàu cá. Theo đó, tỉnh này trở thành địa phương đi đầu trong công tác quản lý chất thải nhựa từ hoạt động khai thác thủy sản. Quy định này áp dụng với các tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên tại các Cảng cá Quy Nhơn, Đề Gi, Tam Quan bắt buộc phải thu gom và khai báo về chất thải nhựa sử dụng trong mỗi chuyến biển; các tàu cá có chiều dài từ 12-15 m được khuyến khích áp dụng.
Bà Nguyễn Thị Diệu Thúy, Giám đốc Chương trình giảm nhựa, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) đã chia sẻ nhiều hoạt động của WWF-Việt Nam trong thời gian vừa qua với nỗ lực giảm thiểu rác thải nhựa đại dương như: Trong 5 năm 2019 - 2023, đã hỗ trợ 3 Khu bảo tồn biển/Vườn Quốc gia Phú Quốc, Côn Đảo và Cù Lao Chàm thực hiện chương trình giám sát và đánh giá rác thải nhựa trên bờ biển và rạn san hô tại 11 Khu bảo tồn biển trên toàn quốc.
Đồng thời, WWF-Việt Nam cũng đã triển khai một số mô hình quản lý rác thải nhựa đại dương tại địa phương như: Mô hình đoàn tàu cá chống rác thải nhựa đại dương ở Phú Quốc; Mô hình thí điểm quản lý rác thải nhựa cho tàu cá, cảng cá thực hiện Phụ lục V Công ước Marpol tại Đà Nẵng; Thí điểm mô hình ngư dân thu gom rác về bờ tại Đồng Hới (Quảng Bình)…
Tỷ lệ rác nhựa thủy sản có xu hướng giảm nhưng vẫn còn cao
Bà Nguyễn Ngọc Hoàn, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) thông tin, tại Việt Nam, ước tính lượng rác thải nhựa ra đại dương hằng năm là từ 0,28 - 0,73 triệu tấn (theo UNEP, 2018). Chỉ số tiêu dùng nhựa bình quân trên đầu người ở Việt Nam tăng từ 3,8kg năm 1990 lên 54kg năm 2018.
“10 loại rác thải nhựa hàng đầu tại các địa điểm sông và ven biển ở Việt Nam là: Mảnh nhựa mềm, ngư cụ 1, ngư cụ 2, túi nhựa 0-5 kg, hộp xốp đựng thức ăn, ống hút, bao bì thực phẩm khác, nhựa khác, mạnh nhựa cứng, bao bì bim bim, kẹo”, bà Hoàn cho biết thêm.
Cũng theo bà Hoàn, một báo cáo hiện trạng môi trường biển và hải đảo cho hay, trong rác thải nhựa, loại chiếm tỷ trọng nhiều nhất về số lượng là phao xốp và dây thừng, lưới nhỏ. Tổng số lượng các sản phẩm này chiếm đến 47% về số lượng rác và 46% về khối lượng rác thải. Tiếp đến là các loại rác thải nhựa dùng một lần như hộp xốp đựng thức ăn, túi nilon.
Còn theo bà Bùi Thị Thu Hiền, Phụ trách Chương trình biển và vùng bờ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) tại Việt Nam, hiện nay 25/34 bãi biển đang bị ô nhiễm nhựa. Số lượng và khối lượng rác thải nhựa trung bình tại các bãi biển khu vực phía Nam đều cao hơn đáng kể so với tại khu vực miền Trung và phía Bắc. Các bãi biển tại Phú Quốc, Nha Trang và Côn Đảo có số lượng và khối lượng rác thải nhựa cao nhất và thấp nhất là tại Cù Lao Chàm và Núi Chúa.
“Tỷ lệ rác nhựa thủy sản có xu hướng giảm trong tổng rác thải nhựa trên bãi biển. Tuy nhiên, các loại rác thải nhựa có nguồn gốc từ hoạt động thủy sản vẫn chiếm ưu thế trong tổng số rác thải nhựa trên các bãi biển, chiếm 47% về số lượng và 46% về khối lượng”, bà Hiền nhấn mạnh.
Nhiều kế hoạch hoạch và giải pháp để cùng hành động
Theo đại diện Cảng cá An Thới (Phú Quốc, Kiên Giang), trong thời gian qua, Cảng cá An Thới thường xuyên tuyên truyền đến người dân tham gia hoạt động trong khu vực cảng bỏ rác đúng nơi quy định, cho rác vào thùng đảm bảo vệ sinh môi trường và vận động chủ tàu, thuyền trưởng tuyên truyền, hướng dẫn cho thuyền viên thu gom, phân loại rác trên tàu và mang rác về bờ sau mỗi chuyến ra khơi.
Thời gian tới, Cảng cá An Thới sẽ tiếp tục vận động, tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trong khu vực cảng phân loại rác và bỏ rác đúng nơi quy định, đặc biệt là vận động chủ tàu, thuyền trưởng các tàu tham gia ký cam kết, đóng bảng tuyên truyền trên tàu, phổ biến cho các thuyền viên nghiêm túc thực hiện thu gom và phân loại toàn bộ rác thải phát sinh trên tàu vào túi lưới đã được Trạm Biên phòng Cửa khẩu Cảng An Thới phát cho tàu. Đồng thời, vận động hướng dẫn sau khi mang rác về bờ, phân loại và bỏ rác đúng nơi quy định.
Bà Thúy chia sẻ những kế hoạch của WWF-Việt Nam trong năm 2024 - 2025, sẽ tập trung triển khai thí điểm mô hình thực nghiệm công cụ kinh tế nhằm thu gom rác thải nhựa từ tàu cá tại Cảng cá An Thới; Tiếp tục hỗ trợ các địa phương WWF đang triển khai các dự án về rác thải nhựa; Thúc đẩy việc kết nối, chia sẻ các sáng kiến, kinh nghiệm về quản lý, giảm thiểu rác thải nhựa tại các địa phương ven biển qua các hình thức truyền thông, giáo dục, hội thảo, tham quan học tập...; Lồng ghép hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa vào các dự án bảo tồn biển.
Còn bà Hiền đưa ra một số khuyến nghị nhằm giảm rác thải nhựa đại dương như: Vườn Quốc gia, Khu Bảo tồn biển tiếp tục thực hiện giám sát rác thải nhựa trên biển và rạn san hô; tổ chức hoạt động tuyên truyền; thành lập nhóm tình nguyện tuyên truyền và thu gom rác thải lưu động (1 tháng/1 lần), tổ chức tập huấn cho cán bộ, công nhân viên trong Vườn Quốc gia, Khu Bảo tồn biển. Phối hợp với Ban Quan lý cảng để tuyên truyền trực tiếp với ngư dân neo đậu tàu trong cảng; có sự phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên để nâng cao hiệu quả hoạt động.
Cục Thủy sản có chương trình truyền thông lâu dài đối với hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa, đặc biệt là ở các Khu bảo tồn biển; Chính phủ và địa phương sớm có các chính sách để chuyển đổi vật liệu thân thiện với môi trường cho ngành thủy sản…
Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Điều phối viên quốc gia Chương trình tài trợ các dự án nhỏ, Quỹ môi trường toàn cầu, Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) cho rằng, những tồn tại trong quản lý rác thải và rác thải nhựa là sự rời rạc, không khoa học; thiếu nguồn lực, thiếu kết nối; thiếu sự tham gia của cộng đồng... Giải pháp là phải huy động, kết nối nhiều bên tham và quản lý rác từ nguồn, theo con đường đi của rác...
Nguồn: Việt Nam thải 0,28 - 0,73 triệu tấn rác thải nhựa ra đại dương mỗi năm