Vietnam Airlines hủy chốt danh sách họp đại hội cổ đông, nguy cơ hủy niêm yết
Vải thiều Thanh Hà từ Hải Dương vươn tầm quốc tế: Xuất khẩu đến Nhật Bản, Mỹ, Australia và châu Âu Vietnam Airlines nguy cơ bị hủy niêm yết do liên tiếp thua lỗ |
Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (HVN) vừa bất ngờ thông báo huỷ việc chốt danh sách cổ đông để tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm 2023.
Vietnam Airlines đưa ra lý do là cần thêm thời gian để chuẩn bị cho đại hội và chưa công bố ngày họp chính thức.
Trước đó, Vietnam Airlines dự kiến ngày 11/7 sẽ là ngày đăng ký cuối cùng của cổ đông để tham dự ĐHCĐ. Đại hội dự kiến sẽ được tổ chức trước ngày 30/8.
Vietnam Airlines gặp khó khăn trong việc tổ chức ĐHCĐ trong bối cảnh hơn 2,2 tỷ cổ phiếu (trị giá khoảng 1,3 tỷ USD) bị đưa vào diện hạn chế giao dịch kể từ ngày 12/7 và vào diện cảnh báo từ ngày 11/7.
HVN chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 quá 45 ngày so với thời hạn quy định và chưa tổ chức ĐHCĐ thường niên trong vòng 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính 2022.
Theo quy định, báo cáo tài chính kiểm toán của một doanh nghiệp niêm yết phải nộp trong vòng 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính, tức chậm nhất vào ngày 31/3. Tuy nhiên, vào gần sát thời hạn công bố, tức cuối tháng 3, Vietnam Airlines đã có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) và HOSE xin tạm hoãn công bố thông tin báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022.
Vietnam Airlines nêu lý do là bởi doanh nghiệp có quy mô lớn hoạt động trên toàn cầu, cộng thêm việc đang sắp xếp ổn định lại hoạt động sản xuất kinh doanh, khắc phục các hậu quả của đại dịch Covid-19 nên cần thêm thời gian cho việc đối chiếu báo cáo, xác nhận báo cáo, tổng hợp số liệu tuân thủ chuẩn mực kiểm toán.
Tuy nhiên, UBCK thông báo không chấp nhận lý do xin tạm hoãn và đề nghị Hãng Hàng không Quốc gia khẩn trương khắc phục công tác kế toán để hoàn thành việc công bố thông tin theo quy định.
Vietnam Airlines gặp nhiều khó khăn. (Ảnh: HVN) |
Thêm khả năng hủy niêm yết
Hồi tháng 2, HOSE đưa ra cảnh báo cổ phiếu HVN có thể bị hủy niêm yết nếu lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ âm hoặc vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines âm. Theo báo cáo tự lập, Vietnam Airlines lỗ khoảng 10.400 tỷ đồng.
Đến hết năm 2022, lợi nhuận lũy kế của cổ đông công ty mẹ Vietnam Airlines âm xấp xỉ 32.000 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của công ty âm hơn 10.000 tỷ đồng.
Trong 2 năm 2020 và 2021, Vietnam Airlines lỗ lần lượt gần 11.000 tỷ đồng và 13.000 tỷ đồng.
Nếu báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022 tiếp tục âm, HVN sẽ bị hủy niêm yết do lỗ 3 năm liên tiếp.
Trong năm 2022, Vietnam Airlines báo lỗ cho dù doanh thu tăng vọt gấp hơn 2,5 lần so với năm 2021, lên gần 70.960 tỷ đồng. Cũng như VietJet, Vietnam Airlines có doanh thu tăng mạnh nhờ hoạt động vận chuyển khách nội địa và quốc tế hồi phục sau đại dịch. Tuy nhiên, Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam gặp khó khăn do giá nhiên liệu cao, lãi suất tăng mạnh và tỷ giá ở mức cao.
Trong năm 2022, Vietnam Airlines ghi nhận chi phí tài chính tăng thêm hơn 2.200 tỷ đồng lên 3.767 tỷ đồng (trong đó chi phí lãi vay là hơn 1.163 tỷ đồng). Thua lỗ vì chênh lệch tỷ giá cũng lớn.
Đại diện Vietnam Airlines gần đây cho biết, hoạt động khai thác của hãng vẫn diễn ra ổn định với gần 400 chuyến bay mỗi ngày và sẽ tiếp tục tăng cao hơn nữa trong giai đoạn cao điểm hè. Trong quý I, doanh thu hợp nhất cao gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái và chính thức có lãi trở lại kể từ đầu năm 2020 - thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát.
Đến hết quý I/2023, Vietnam Airlines đã khôi phục gần như hoàn toàn mạng bay quốc tế của hãng so với giai đoạn trước đại dịch.
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu HVN mới đây tiếp tục trong danh sách không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ trong quý III/2023.
Chốt phiên 11/7, cổ phiếu HVN giảm 150 đồng xuống 13.150 đồng/cp, so với mức gần 15.000 đồng/cp hôm 26/6.
Nguồn: Vietnam Airlines hủy chốt danh sách họp Đại hội cổ đông, nguy cơ hủy niêm yết