VNZ lỗ ròng thêm 117 tỷ đồng trong quý 3
CTCP VNG (UPCoM: VNZ) công bố BCTC quý 3/2023 với khoản lỗ ròng gần 117 tỷ đồng. Tuy vậy, mức lỗ này đã giảm đáng kể so với cùng kỳ.
Nguồn: VietstockFinance |
Quý 3, “kỳ lân công nghệ” của Việt Nam đạt 2.3 ngàn tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 11% so với cùng kỳ. Khấu trừ giá vốn, lợi nhuận gộp còn 978 tỷ đồng, tăng nhẹ 4%.
Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp chiếm phần lớn chi phí của VNZ trong quý 3 nhưng chỉ đi ngang hoặc giảm so với cùng kỳ, lần lượt ghi nhận 718 tỷ đồng và 335 tỷ đồng. Chi phí tài chính tăng mạnh lên 53 tỷ đồng (cùng kỳ chỉ khoảng 700 triệu đồng).
Kết quả, VNZ lỗ ròng 117 tỷ đồng. Dù vậy, mức lỗ này đã giảm mạnh so với cùng kỳ (lỗ 141 tỷ đồng). Theo Doanh nghiệp, nguyên nhân giảm lỗ đến từ việc quản lý hiệu quả các mảng chi phí.
Việc quý 2 chuyển từ lãi thành lỗ gần 200 tỷ đồng sau soát xét đã góp phần kéo kết quả lũy kế của VNZ giảm sâu. Sau 9 tháng, VNZ đạt hơn 6.4 ngàn tỷ đồng doanh thu thuần, hơn cùng kỳ 12%, thực hiện được 69% kế hoạch năm; lỗ ròng 311 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 423 tỷ đồng).
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, VNZ đặt mục tiêu hạ mức lỗ ròng năm nay về 378 tỷ đồng, nên kết quả trên vẫn nằm trong dự báo của “kỳ lân công nghệ”.
Thời điểm cuối tháng 9, giá trị tổng tài sản của VNZ đạt gần 9.8 ngàn tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm. Doanh nghiệp nắm giữ lượng tiền gần 3.8 ngàn tỷ đồng (bao gồm tiền mặt, các khoản tương đương và tiền gửi kỳ hạn dưới 1 năm), hơn đầu năm 23%.
Dự phòng phải thu ngắn hạn tăng lên 81 tỷ đồng (đầu năm chỉ 2.8 tỷ đồng). Hàng tồn kho giảm nhẹ, còn 76 tỷ đồng. Chi phí xây dựng cơ bản dở dang giảm mạnh 83%, còn 173 tỷ đồng, do đã hoàn tất dự án xây dựng VNG
Data Center. Các khoản đầu tư tài chính dài hạn giảm 14% còn gần 1.26 ngàn tỷ đồng.
Theo BCTC riêng quý 3, trích lập dự phòng tăng lên 3.1 ngàn tỷ đồng (đầu năm 2.7 ngàn tỷ đồng). Công ty không thuyết minh chi tiết khoản dự phòng này kể từ quý 4/2022, nhưng theo BCTC quý 3/2022, ít nhất 2.27 ngàn tỷ đồng là dành cho CTCP Zion (đơn vị sở hữu ZaloPay).
Đối với các công ty liên kết, ngoại trừ Dayone có lãi nhỏ (khoảng 3.4 tỷ đồng), các khoản đầu tư dài hạn của VNZ hầu hết đều đang thua lỗ. Trong đó, Tiki Global lỗ lũy kế hơn 510 tỷ đồng, bằng giá trị đầu tư ghi nhận đầu năm.
Nguồn: VNZ |
Phía nguồn vốn, nợ ngắn hạn tăng 36% so với đầu năm lên gần 3.8 ngàn tỷ đồng. Nợ vay ngắn hạn tăng mạnh lên 729 tỷ đồng (đầu năm chỉ 44 tỷ đồng). Nợ vay dài hạn lên 619 tỷ đồng (tăng 55%). Các khoản vay đến từ Vietcombank, MSB, với mục đích tài trợ cho dự án Trung tâm dữ liệu và sản xuất phần mềm ( VNG Data Center).
Gần đây, cổ phiếu VNZ bị Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đưa vào diện hạn chế giao dịch từ ngày 25/10 với lý do chậm nộp BCTC bán niên 2023 đã được soát xét quá 45 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn phải công bố thông tin theo quy định, qua đó chỉ được giao dịch vào phiên thứ 6 hàng tuần. Bên cạnh đó, Doanh nghiệp còn đối mặt án phạt 14.3 tỷ đồng - mức cao nhất về vi phạm quyền sở hữu trí tuệ - đối với 3 bộ phim của Công ty TK-L.
Nguồn:VNZ lỗ ròng thêm 117 tỷ đồng trong quý 3