Vụ Vạn Thịnh Phát gây thiệt hại lớn, VN-Index giảm 15 điểm, cầu bắt đáy tăng
Vụ án Vạn Thịnh Phát: Kê biên hàng nghìn bất động sản, siêu xe, du thuyền Bộ Công an: Vạn Thịnh Phát lừa đảo 30.000 tỷ đồng của 42.000 nhà đầu tư |
Ảnh minh họa |
Cổ phiếu Vietcombank (VCB) có lúc quay đầu tăng sau khi giảm vào đầu giờ sáng phiên giao dịch ngày 20/11. Cổ phiếu VietJet (VJC) của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo cũng có thời điểm ghi nhận màu xanh tăng giá.
Vincom Retail (VRE) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đảo chiều từ giảm vào đầu phiên sang tăng 500 đồng lên 23.200 đồng/cp sau khi mở cửa khoảng 10 phút. Cổ phiếu Xăng dầu Petrolimex (PLX) cũng có lúc xanh sau 30 phút giao dịch.
Tới 9h26 sáng 20/11, chỉ số VN-Index còn giảm khoảng 10 điểm xuống 1.090 điểm, thay vì mức giảm khoảng 15 điểm sau khi mở cửa phiên giao dịch.
Tới 9h40, cổ phiếu Vinhomes (VHM) bất ngờ đảo chiều tăng nhẹ, từ mức vùng đáy lịch sử, quanh 39.000 đồng/cp. Cụ thể, VHM tăng 250 đồng lên 39.200 đồng/cp. Trước đó, có lúc VHM xuống mức thấp lịch sử 38.300 đồng/cp.
Đến 10h22, chỉ số VN-Index chỉ còn giảm hơn 3 điểm.
Thông tin Vạn Thịnh Phát gây ra khoản thiệt hại quá lớn đã ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý của các nhà đầu tư cho dù vụ việc đã phản ánh nhiều vào giá khoảng cùng thời gian này năm ngoái khi bà Trương Mỹ Lan bị bắt.
Cụ thể, theo cáo buộc của cơ quan điều tra, từ tháng 2/2018 đến tháng 10/2022, bà Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập khống cả nghìn hồ sơ vay 545.000 tỷ đồng từ Ngân hàng SCB và chiếm đoạt khoảng 304.000 tỷ đồng (khoảng 12,4 tỷ USD). Ngoài ra, bà Lan còn bị cáo buộc gây thiệt hại tiền lãi phát sinh gần 130.000 tỷ đồng.
Quy mô thiệt hại tương đương 2,4% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế (12,75 triệu tỷ đồng) tính tới cuối quý III/2023.
Các thông tin liên quan tới Vạn Thịnh Phát và đề nghị khởi tố bà Trương Mỹ Lan cũng như ước tính thiệt hại đã được công bố và khiến không ít nhà đầu tư chứng khoán lo lắng.
Tuy nhiên, vụ việc cũng đã được tìm hướng giải quyết trong cả năm qua. Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ phương án tái cơ cấu Ngân hàng SCB. Trong khi Vạn Thịnh Phát gấp rút bán tài sản để khắc phục hậu quả.
Hồi giữa tháng 9, NHNN cho biết đã trình Chính phủ phương án cho Ngân hàng SCB để Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương cơ cấu lại SCB.
Đầu tháng 10, NHNN thông tin cơ quan này đang tìm kiếm nhà đầu tư tham gia cơ cấu lại Ngân hàng SCB. Ngân hàng này được đặt vào diện kiểm soát đặc biệt từ tháng 10/2022. Sau đó, NHNN đã phối hợp với các bộ, ngành triển khai các giải pháp để bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng và bảo đảm quyền, lợi ích của người gửi tiền.
Theo Chính phủ, việc tìm kiếm, đàm phán ngân hàng thương mại đủ điều kiện nhận chuyển giao bắt buộc (năng lực tài chính, quản trị, kinh nghiệm cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém) kéo dài, khó khăn do phụ thuộc lớn vào việc tự nguyện tham gia của các ngân hàng. Các ngân hàng cũng cần thời gian để thuyết phục cổ đông, nhất là cổ đông lớn, cổ đông chiến lược nước ngoài đồng thuận tham gia nhận chuyển giao bắt buộc.
Hiện, theo nhiều báo cáo đánh giá, số liệu kinh tế vĩ mô dần cải thiện và tỷ giá USD/VND cũng đã hạ nhiệt.
Áp lực tỷ giá trong nước đã hạ nhiệt đáng kể trong bối cảnh thị trường tin rằng Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ ngừng tăng lãi suất điều hành. Tỷ giá hạ nhiệt đã cho phép chính sách tiền tệ bớt áp lực.
Trên thực tế, kể từ hôm 16/11 tỷ giá trung tâm đã chính thức rời khỏi mốc 24.000 đồng/USD. Tỷ giá bán USD của Vietcombank cũng đã về mức 24.410 đồng/USD vào sáng 20/11, thay vì mức 24.750 đồng/USD hồi đầu tháng.
Nguồn:Vụ Vạn Thịnh Phát gây thiệt hại lớn, VN-Index giảm 15 điểm, cầu bắt đáy tăng