WWF- Việt Nam cam kết đồng hành cùng du lịch Côn Đảo trong hành trình giảm thiểu rác thải nhựa
Trong các huyện đảo đẹp của Việt Nam, Côn Đảo là một trong những “điểm nóng” về rác thải nhựa. Với khoảng 17-20 tấn rác phát sinh hàng ngày, lượng rác tồn đọng chưa được xử lý hiện nay là trên 70.000 tấn tại bãi Nhát (số liệu ghi nhận tháng 7/2020). Chỉ tính riêng lượng rác thải nhựa từ hoạt động du lịch tại Côn Đảo đã lên đến 221,4 tấn/năm với tỉ lệ phần trăm rác thải nhựa phát sinh tại các cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch chiếm 33,3% so với tổng lượng phát sinh toàn huyện (WWF, 2021). Tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa là một trong những vấn đề đáng quan tâm trong quá trình phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường của chính quyền địa phương.
Rác thải nhựa ở Côn Đảo |
Chính vì vậy, chiến dịch “Côn Đảo - Điểm đến giảm nhựa" nhằm tập trung nâng cao nhận thức của khách du lịch để mỗi du khách trở nên có trách nhiệm hơn khi đến thăm Côn Đảo. Được WWF-Việt Nam nghiên cứu và triển khai với nhiều hoạt động thực tiễn và giàu ý nghĩa, chiến dịch “Côn Đảo – Điểm đến giảm nhựa” đã mang lại một số kết quả ấn tượng.
Về chủ trương, ngày 26/3, tại huyện Côn Đảo, WWF-Việt Nam và UBND huyện Côn Đảo tổ chức Lễ ký cam kết “Côn Đảo – Điểm đến giảm nhựa”, đặt nền móng vững chắc cho giảm rác thải nhựa trên đảo, hướng đến môi trường sống xanh, sạch đẹp, an toàn cho người dân huyện đảo một cách bền vững.
WWF – Việt Nam và UBND huyện Côn Đảo có cam kết lâu dài trong việc giảm thiểu rác thải nhựa. |
Song hành với đó, chương trình đã tiếp cận tới người dân và khách du lịch Côn Đảo thông qua nhiều hoạt động sáng tạo và có ý nghĩa như: Phát động tuần lễ giảm nhựa từ ngày 21 - 27/3 cho đối tượng khách sạn và quán cà phê, quán nước trên địa bàn huyện. Sau khi phát động, đã có nhiều đơn vị hưởng ứng tham gia. Trong đó, 15 khách sạn tiêu biểu được lựa chọn cung cấp sổ tay hướng dẫn Du lịch giảm nhựa phục vụ cho công tác tuyên truyền khách du lịch tại đảo. Bên cạnh đó, 15 quán cà phê/quán nước/quán chè đã được hỗ trợ ly giấy và ống hút giấy nhằm trải nghiệm các sản phẩm thân thiện môi trường thay thế cho các sản phẩm nhựa dùng 1 lần đang được sử dụng. Đây là những bước đi đầu tiên giúp các đơn vị kinh doanh quan tâm hơn đến vấn đề môi trường tại đảo và hướng tới các giải pháp sử dụng sản phẩm thay thế đồ nhựa dùng 1 lần. Cùng với hoạt động hưởng ứng của các cơ sở kinh doanh tại đảo, chiến dịch truyền thông Du lịch giảm nhựa được thực hiện rộng rãi qua các kênh online như facebook, youtube… với nhiều thông tin, nội dung bằng các hình thức tương tác đa dạng như hình ảnh, video, trò chơi mini games… giúp tiếp cận rộng rãi đến các đối tượng khách du lịch đã và sắp đến Côn Đảo. Bên cạnh đó, triển lãm “Du hí biển nhựa" kết hợp “Ngày hội Đổi rác lấy quà" tại trụ sở Phòng Tài nguyên và Môi trường từ 25 - 26/3/2022 được đông đảo người dân và khách du lịch quan tâm. Triển lãm nổi bật với các sản phẩm tái chế làm từ rác thải nhựa của các trường mầm non trên địa bàn huyện và nhóm tình nguyện viên Trash2Art, tranh ảnh về môi trường và ô nhiễm rác thải nhựa, cũng như một số sản phẩm thân thiện môi trường thay thế đồ nhựa dùng 1 lần. Các trò chơi tìm hiểu thông tin về rác thải nhựa cũng thu hút được nhiều đối tượng tham gia là khách du lịch, người dân và trẻ em. Chương trình đổi rác lấy quà tuy còn mới mẻ với người dân địa phương nhưng cũng thu hút được 18 lượt tham gia với tổng số 49.09kg rác nhựa sạch được đổi.
Nhiều hoạt động được WWF triển khai nhằm khuyến khích người dân giảm thiểu rác thải nhựa, dùng các sản phẩm thân thiện với tự nhiên |
Bà Nguyễn Thị Mỹ Quỳnh, Quản lý hợp phần bảo tồn biển, Dự án Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương, WWF-Việt Nam chia sẻ: “Song song với các hoạt động của địa phương, chúng tôi cũng muốn thu hút sự tham gia chung tay của doanh nghiệp cùng với các cộng đồng địa phương trở thành các đại sứ tích cực để truyền tải thông điệp bảo vệ Côn Đảo và thúc đẩy thái độ tôn trọng của khách du lịch đối với môi trường, văn hoá của Côn Đảo khi đến du lịch nơi đây”.
WWF đặt mục tiêu đến năm 2030, xây dựng Côn Đảo trở thành điểm đến không rác thải nhựa đầu tiên của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Cụ thể, từ năm 2020 đến 2023, Côn Đảo phấn đấu giảm 30% lượng rác thải nhựa thất thoát tại huyện đảo này so với năm 2020; giai đoạn 2024 – 2025 giảm 50% lượng rác thải nhựa thất thoát; giai đoạn 2026 – 2030 giảm 75% số còn lại.
Chính quyền và người dân Côn Đảo đã và đang có nhiều nỗ lực để giảm thiểu rác thải nhựa |
Để hiện thực hóa mục tiêu này, WWF-Việt Nam và UBND huyện Côn Đảo sẽ thực hiện song song giữa việc tuyên truyền và các hành động cụ thể để giảm thiểu lượng rác thải nhựa như: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức hướng tới thay đổi hành vi và ứng xử với các sản phẩm nhựa và rác thải nhựa thông qua mạng lưới truyền thông và các chương trình đào tạo tại địa phương; Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý rác với địa phương; Ngăn ngừa, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương từ nguồn thải trên đất liền và trên biển thông qua việc từng bước xóa bỏ các điểm nóng rác thải nhựa, đưa các mô hình giảm thiểu rác vào kinh doanh và đời sống sinh hoạt; Thúc đẩy các hoạt động tái sử dụng và tái chế rác thải tại địa phương, thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý chất thải ở khu vực ven biển và trên biển; kết hợp quản lý, giám sát và giảm thiểu ô nhiễm rác nhựa trong khu bảo tồn biển thông qua hoạt động làm sạch bãi biển, rạn san hô…
Hai bên đã thống nhất cùng xây dựng kế hoạch mục tiêu giảm thiểu rác thải nhựa và cam kết hành động đến năm 2030.
Nguồn: WWF- Việt Nam cam kết đồng hành cùng du lịch Côn Đảo trong hành trình giảm thiểu rác thải nhựa