Xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả đáp ứng yêu cầu kỷ nguyên phát triển mới của đất nước
Cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong kỷ nguyên mới của đất nước Đối ngoại Việt Nam trong kỷ nguyên phát triển mới |
Từ khóa: Kỷ nguyên mới, nền quản trị quốc gia, hiện đại, hiệu quả.
1. Bối cảnh kỷ nguyên mới tác động tới quản trị quốc gia ở Việt Nam
Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, thế giới đang chứng kiến sự phát triển vượt bậc của công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data),… Điều này, một mặt, mang lại những cơ hội chưa từng có để các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng cường bảo đảm an sinh xã hội, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; mặt khác, cũng đặt ra những thách thức to lớn và không kém phần phức tạp, như biến đổi khí hậu, bất bình đẳng toàn cầu, an ninh mạng và các mối đe dọa phi truyền thống khác.
Hơn 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội (2011 – 2020), mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực. Trong đó, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, chất lượng tăng trưởng kinh tế từng bước được cải thiện, cơ cấu kinh tế bước đầu dịch chuyển sang chiều sâu, hiệu quả sử dụng các yếu tố đầu vào cho nền kinh tế được cải thiện đáng kể; khu vực tư nhân đóng góp ngày càng lớn và trở thành một động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước. Chính trị – xã hội ổn định, các lĩnh vực văn hóa – xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại được quan tâm và có sự chuyển biến tích cực; đời sống mọi mặt của người dân không ngừng được cải thiện. “Khát vọng vì một Việt Nam thịnh vượng, ý chí tự lực, tự cường là sức mạnh nội sinh cho đất nước phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới1.
Bên cạnh kết quả đạt được, nền kinh tế nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, khó khăn, thách thức và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đảng ta đã nhận định: “Mục tiêu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đạt yêu cầu, chưa thu hẹp được khoảng cách phát triển và bắt kịp các nước trong khu vực. Năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao. Môi trường kinh doanh ở một số lĩnh vực, địa phương còn hạn chế, chưa thực sự thông thoáng. Các đột phá chiến lược chưa có bứt phá. Chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu; khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự trở thành động lực phát triển… Mô hình tăng trưởng chưa dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; tính tự chủ của nền kinh tế còn thấp; vẫn còn phụ thuộc lớn vào bên ngoài…”2.
Ghi nhận những thành quả đạt được và nhận diện đầy đủ những hạn chế, khó khăn, thách thức đối với sự phát triển của đất nước, Đảng cũng yêu cầu: Với niềm tin và khát vọng vươn lên mạnh mẽ của toàn dân tộc, Việt Nam cần nhanh chóng bứt phá, rút ngắn khoảng cách phát triển với khu vực và thế giới, nỗ lực phấn đấu hướng tới mục tiêu sớm trở thành nước thu nhập trung bình cao3.
Bối cảnh mới đang đặt ra yêu cầu cấp thiết về đổi mới mạnh mẽ, toàn diện mọi lĩnh vực của đất nước, trong đó có đổi mới nền quản trị quốc gia hiện đại nhằm thích ứng với những thay đổi nhanh chóng của môi trường thế giới đầy biến động. Một trong những quan điểm phát triển được nêu trong Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030, đó là: “Phải đổi mới tư duy và hành động, chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với quá trình hội nhập quốc tế để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế số, xã hội số, coi đây là nhân tố quyết định để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh”4.
Với quan điểm, định hướng nêu trên, Việt Nam đang thúc đẩy mạnh mẽ cải cách hành chính, chuyển đổi số và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tuy nhiên, các thách thức nội tại như bộ máy cồng kềnh, hiệu quả quản trị chưa cao và khả năng ứng phó với các thách thức toàn cầu vẫn đang đặt ra bài toán cần giải quyết. Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: “Thế giới đang trong thời kỳ thay đổi có tính thời đại, từ nay đến năm 2030 là giai đoạn quan trọng nhất để xác lập trật tự thế giới mới, đây cũng là thời kỳ cơ hội chiến lược quan trọng, giai đoạn nước rút của cách mạng Việt Nam để đạt mục tiêu đến năm 2045 là nước phát triển”5.
Bối cảnh mới nêu trên đòi hỏi chúng ta phải phân tích các yếu tố cần thiết để xây dựng một nền quản trị quốc gia hiện đại đáp ứng yêu cầu kỷ nguyên phát triển mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; trên cơ sở đó, cung cấp cơ sở lý luận và đề xuất các giải pháp chính sách nhằm thúc đẩy quá trình đổi mới nền quản trị quốc gia hiện đại, thực hiện khát vọng phát triển bền vững, hiện thực hóa một trong những đột phá chiến lược mà Đảng đã xác định: “Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, nhất là quản lý phát triển và quản lý xã hội”6; hướng tới mục tiêu “Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao”7.
2. Một số quan niệm và đặc trưng của quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả
a. Quan niệm về quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả
“Quản trị” (governance) có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp cổ đại là “kubernân”, nghĩa là điều khiển hay chèo lái. Trong tác phẩm “Nhà nước lý tưởng”, nhà triết học Platôn đã sử dụng từ “kubernân” với hàm ý “thiết kế một hệ thống cai trị” mà điểm nhấn là điều khiển hay cai trị thông qua pháp luật. Hiện nay có hai cách tiếp cận về quản trị: đề cao vai trò của nhà nước và đề cao vai trò của xã hội. Theo cách tiếp cận thứ nhất, quản trị là khả năng hoạch định và thực thi chính sách, pháp luật của bộ máy nhà nước. Cách tiếp cận thứ hai về quản trị lại đề cao vai trò của xã hội, coi trọng nhu cầu và năng lực của các chủ thể ngoài nhà nước, nhấn mạnh khả năng tự tổ chức và tự chèo lái của các mạng lưới đa chủ thể.
Như vậy, quản trị là cách thức quản lý xã hội, cách thức dung hòa và giải quyết các lợi ích cạnh tranh nhau giữa các nhóm xã hội khác nhau. Hệ thống quản trị bao gồm các thể chế chính quyền cũng như các trật tự thể chế tồn tại bên ngoài chính quyền. Hàm ý rõ nhất của khái niệm “quản trị” là nhấn mạnh tính chất đa chủ thể và đề cao sự hợp tác giữa các chủ thể, cả công và tư, cả trong nước và quốc tế để giải quyết các vấn đề mang tính tập thể. Do đó, khái niệm quản trị nhấn mạnh các quy trình chính thức nhằm tạo ra các cam kết đa chủ thể có thể thực thi, trong đó nhà nước sẽ hoạt động như một nhà điều phối sự khác biệt về mong đợi và lợi ích của các chủ thể đa dạng. Với các đặc điểm nêu trên, tư duy quản trị nhấn mạnh việc xây dựng mối quan hệ hợp tác giữa các chủ thể, giải quyết hài hòa các lợi ích, hướng đến và hiện thực hóa các giá trị cùng được chia sẻ bởi các chủ thể.
Nội hàm khái niệm “quản trị quốc gia” đề cập đến hệ thống chính trị trong phạm vi không gian lãnh thổ có chủ quyền và quyền lực được phân bố cho các chủ thể cả ở bên trong và bên ngoài nhà nước, hướng đến gia tăng hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật trên quy mô toàn quốc. Quản trị quốc gia còn bao hàm sự thay đổi vai trò của nhà nước và nhu cầu hợp tác giữa các thành tố tạo nên nhà nước với các chủ thể mới (tư nhân, các tổ chức phi lợi nhuận, liên quốc gia…) xuất hiện trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Với nền quản trị quốc gia hiện đại, bên cạnh vai trò chủ đạo của hệ thống hành chính nhà nước và các thế mạnh của cơ chế thị trường, các nhà lãnh đạo đất nước sẽ có thêm mạng lưới các chủ thể đa dạng, phong phú để có thể huy động họ tham gia giải quyết các vấn đề chung của cộng đồng, thúc đẩy sự phát triển đất nước. Đồng thời, hệ thống quản trị quốc gia cũng đòi hỏi nhà nước phải từng bước thích ứng thực sự với vai trò điều phối sự khác biệt về mong đợi và điều tiết, dung hòa lợi ích giữa các chủ thể trong nền quản trị; tránh được sự áp đặt ý chí chủ quan của mình cho các bên liên quan như trong mô hình quản lý nhà nước truyền thống trước đây.
Đối với đất nước Việt Nam xây dựng một nền quản trị quốc gia hiện đại phải hướng tới quản trị trên nhiều mặt, nhiều lĩnh vực của đời sống đất nước, từ quản trị quốc gia về xây dựng và thực thi hệ thống thể chế; về vận hành, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; về xây dựng, phát triển nguồn nhân lực; về phát triển giáo dục – đào tạo, khoa học và công nghệ; về giữ vững quốc phòng – an ninh; về phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu cho đến quản trị quốc gia về bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Trước hết và trên hết, quản trị quốc gia về mọi mặt, mọi lĩnh vực của đời sống đất nước kể trên, suy cho cùng, đều phải hướng tới mục tiêu tối thượng – quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả.
Như vậy, quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả là hoạt động quản trị, trong đó nhà nước thực hành có vai trò vừa với tư cách chủ thể quản trị xã hội, vừa với tư cách đối tượng chịu sự quản trị bởi công dân và các thiết chế xã hội khác dựa trên sự minh bạch, đáp ứng, đồng thuận, công bằng, hiệu lực, hiệu quả và trách nhiệm giải trình cũng như hệ quả hậu giải trình của nhà nước trước công dân và xã hội.
Quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả là xu hướng quản trị các mặt, các khía cạnh của hoạt động thực thi hệ thống quyền lực thông qua thể chế chính thức (nhà nước) hoặc phi chính thức (các thiết chế xã hội khác) nhằm quản trị mọi nguồn tài nguyên từ nhân lực cho đến vật lực đã giao cho nhà nước sao cho hiệu quả và bền vững đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong cả hiện tại và tương lai.
Quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả có các đặc trưng cơ bản sau: sự tham gia rộng rãi của người dân và trách nhiệm, bổn phận công dân; sự đề cao tính pháp quyền và trách nhiệm của nhà nước; sự bảo đảm tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động của khu vực công; sự đáp ứng kỳ vọng của người dân và xã hội ở mức cao; sự bảo đảm đồng thuận xã hội; công bằng xã hội; sự gia tăng trách nhiệm quốc gia trong tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu; sự đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững; tính hiện đại, hiệu lực và hiệu quả.
Để phù hợp trong bối cảnh kỷ nguyên số, các nguyên tắc được bổ sung bởi yêu cầu về khả năng thích nghi với công nghệ, bảo đảm an ninh mạng và quản trị thông minh dựa trên dữ liệu lớn. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số đã thúc đẩy các mô hình quản trị quốc gia mới nổi, tiêu biểu.
(1) Quản trị số (Digital Governance): Quản trị số sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) để cải thiện việc ra quyết định, cung cấp dịch vụ công và thúc đẩy sự tham gia của công dân (Heeks, 2006). Mô hình này đặc biệt thành công ở các quốc gia, như: Singapore, UAE, Hàn Quốc, nơi các hệ thống chính phủ điện tử và thành phố thông minh đã tối ưu hóa hiệu quả quản lý.
(2) Quản trị thông minh (Smart Governance): Quản trị thông minh kết hợp dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo để tạo ra các chính sách dựa trên bằng chứng (evidence-based policy) và cung cấp các dịch vụ công cá nhân hóa (Meijer & Bolívar, 2016).
(3) Quản trị thích ứng (Adaptive Governance): Trong bối cảnh nhiều thách thức không lường trước, quản trị thích ứng nhấn mạnh vào tính linh hoạt, khả năng hợp tác giữa các bên liên quan và phản ứng nhanh trước những thay đổi (Folke et al., 2005).
Như vậy, có rất nhiều các quan niệm khác nhau về quản trị nhà nước tốt. Nội hàm về quản trị nhà nước, quản trị quốc gia không phải là nói tới mô hình hay kiểu nhà nước mới. Mà là tập hợp nguyên tắc, các chuẩn mực mang tính phổ quát để quản trị quốc gia hiệu quả, hiện đại, văn minh thích ứng với quá trình vận động và phát triển của xã hội. Các nguyên tắc, đặc trưng phổ quát của quản trị nhà nước theo hướng hiện đại, hiệu quả mà các quốc gia hướng tới, đó là: tính pháp quyền, có sự tham gia của nhiều chủ thể, đồng thuận xã hội, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, hiệu lực, hiệu quả, linh hoạt, thích ứng, trách nhiệm của quốc gia trong giải quyết các vấn đề toàn cầu, phát triển bền vững và hiện đại.
b. Những yếu tố cốt lõi của quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả
(1) Thể chế chính trị và pháp luật: một thể chế chính trị mạnh mẽ với hệ thống pháp luật vận hành theo nguyên tắc dân chủ, pháp quyền minh bạch là nền tảng để bảo đảm quyền lực nhà nước được thực thi công bằng, hiệu quả. Đồng thời, tạo dựng thể chế kiến tạo sự phát triển, ở đó mọi chủ thể trong xã hội chủ động tham gia.
(2) Công nghệ và dữ liệu: công nghệ số và dữ liệu lớn đóng vai trò cốt lõi trong việc tinh gọn bộ máy quản trị, cải thiện quy trình ra quyết định và nâng cao hiệu quả quản trị.
(3) Nhân lực và năng lực lãnh đạo: phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng, năng lực đổi mới, sáng tạo và nâng cao năng lực lãnh đạo nhằm thích nghi với bối cảnh toàn cầu hóa và công nghệ số.
(4) Sự tham gia của người dân và xã hội: sự tham gia tích cực của công dân, các tổ chức xã hội và doanh nghiệp không chỉ giúp cải thiện tính minh bạch mà còn nâng cao trách nhiệm giải trình trong quản lý công.
3. Thực trạng nền quản trị quốc gia ở Việt Nam trong kỷ nguyên mới
Trong những thập kỷ qua, nhất là từ sau đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc xây dựng nền quản trị quốc gia. Điều này được Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: “Những thành tựu vĩ đại đạt được sau 40 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, giúp Việt Nam tích lũy thế và lực cho sự phát triển bứt phá trong giai đoạn tiếp theo. Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, trình độ thấp, bị bao vây, cấm vận, Việt Nam đã trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình, hội nhập sâu rộng vào nền chính trị thế giới, nền kinh tế toàn cầu, nền văn minh nhân loại, đảm nhiệm nhiều trọng trách quốc tế, phát huy vai trò tích cực tại nhiều tổ chức, diễn đàn đa phương quan trọng. Độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; lợi ích quốc gia, dân tộc được bảo đảm.
Quy mô nền kinh tế năm 2023 tăng gấp 96 lần so với năm 1986. Việt Nam trong nhóm 40 nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới và 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài; có quan hệ ngoại giao với 193 nước là thành viên Liên Hợp quốc; xây dựng các mối quan hệ đối tác, hợp tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện với tất cả các cường quốc trên thế giới và khu vực. Đời sống người dân được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh; hoàn thành về đích sớm các mục tiêu Thiên Niên kỷ. Tiềm lực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học – công nghệ, quốc phòng, an ninh không ngừng nâng cao; tham gia đóng góp tích cực duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới”8.
Tuy nhiên, trong bối cảnh kỷ nguyên số và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, hệ thống quản trị hiện nay vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức lớn, bao gồm:
Thể chế chính trị và pháp lý: hệ thống thể chế pháp lý của Việt Nam đã có những cải cách mạnh mẽ nhằm phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. “Vai trò của pháp luật và thực thi pháp luật ngày càng được chú trọng trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước và đời sống xã hội. Cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp ngày càng rõ hơn và có chuyển biến tích cực. Bộ máy nhà nước bước đầu được sắp xếp lại theo hướng tinh gọn gắn với tinh giản biên chế, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”9.
Tuy nhiên, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình vẫn là những vấn đề cần cải thiện. Theo Chỉ số nhận thức tham nhũng (CPI, 2022) của Tổ chức Minh bạch quốc tế (Transparency International), Việt Nam xếp thứ 77/180 quốc gia, qua đó cho thấy, cần tăng cường các biện pháp chống tham nhũng và cải cách quản trị công theo hướng công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình. Đảng ta đã đánh giá: “Hệ thống pháp luật còn một số quy định chưa thống nhất, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn. Chấp hành pháp luật nhìn chung chưa nghiêm; kỷ cương, phép nước có nơi còn bị xem nhẹ, xử lý vi phạm pháp luật chưa kịp thời, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe. Cải cách hành chính, cải cách tư pháp chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu phát triển đất nước”10. Những hạn chế này cho thấy tính pháp quyền và trách nhiệm của Nhà nước chưa thực sự được đề cao, chưa đáp ứng tiêu chí của nền quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả.
Ứng dụng công nghệ số trong quản trị: Việt Nam đã đạt được một số tiến bộ trong phát triển chính phủ điện tử và chuyển đổi số, thể hiện qua việc triển khai các cổng dịch vụ công quốc gia. Tuy nhiên, việc đồng bộ dữ liệu, hạ tầng công nghệ và năng lực số vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Theo Báo cáo Chính phủ điện tử của Liên Hợp quốc năm 2022, Việt Nam xếp hạng 86/193 quốc gia cho thấy, cần đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ và dữ liệu lớn.
Nhân lực quản trị quốc gia: nguồn nhân lực trong hệ thống quản lý công của Việt Nam chưa theo kịp các yêu cầu mới của nền quản trị hiện đại. Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI, 2023) của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), chất lượng đào tạo và phát triển kỹ năng lãnh đạo tại Việt Nam còn hạn chế, đặc biệt là kỹ năng quản lý trong môi trường số. Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo Toàn cầu (GII) của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) năm 2024, cho thấy Việt Nam hiện chỉ xếp hạng 44/133 quốc gia vẫn duy trì vị trí dẫn đầu trong nhóm các nước thu nhập trung bình thấp.
Sự tham gia của người dân và tổ chức xã hội: bảo đảm sự tham gia của người dân vào quản lý nhà nước đã được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm với quan điểm: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng. Các luật về khiếu nại, tố cáo, về trưng cầu ý dân, về quyền tiếp cận thông tin; về tiếp công dân, thực hiện dân chủ ở cơ sở… là cơ sở pháp lý cho việc tham gia của người dân và các tổ chức xã hội.
Mặc dù vai trò của công dân và các tổ chức xã hội ngày càng được chú trọng, nhưng sự tham gia này vẫn chủ yếu mang tính hình thức, chưa thực chất. Việc thu hút và khuyến khích người dân tham gia vào quá trình hoạch định và giám sát chính sách còn nhiều hạn chế. Kết quả cho thấy xu hướng sụt giảm trong việc tham gia vào quá trình ra quyết định tại địa phương. Việc tiếp cận thông tin chính sách pháp luật và sự minh bạch trong các quyết định vẫn là thách thức lớn. Theo báo cáo PAPI năm 2023, tỷ lệ người dân tham gia hoặc tiếp cận thông tin về các quyết định quan trọng như lập danh sách hộ nghèo, kế hoạch sử dụng đất hay thu chi ngân sách giảm đáng kể qua các năm. Chỉ 38,9% người dân cho biết đã thấy công khai bảng thu chi ngân sách, thấp hơn nhiều so với giai đoạn 2018-202211.
4. Một số định hướng và giải pháp xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả
Một là, phải đổi mới tư duy quản trị
Xác định rõ chức năng của ba khu vực: nhà nước, thị trường và xã hội. Trong bối cảnh hiện đại, việc xác định ranh giới và vai trò của ba khu vực nhà nước, thị trường và xã hội là nền tảng để xây dựng nền quản trị quốc gia hiệu quả. Theo đúng phương châm “Nhà nước nhỏ – xã hội lớn”, Nhà nước chỉ làm những gì mà người dân, xã hội, doanh nghiệp không làm. Theo đó, Nhà nước chuyển trọng tâm từ kiểm soát sang hỗ trợ và định hướng. Nhà nước cần tạo môi trường pháp lý minh bạch, xây dựng chính sách công dựa trên nhu cầu xã hội và bảo đảm công bằng. Thị trường đóng vai trò động lực kinh tế, sáng tạo và đổi mới. Nhà nước cần giảm thiểu can thiệp hành chính, thay vào đó là khuyến khích cạnh tranh lành mạnh và đầu tư công nghệ. Xã hội là đối tác trong phát triển. Các tổ chức xã hội cần được trao quyền tham gia giám sát, phản biện và cung cấp dịch vụ cộng đồng; đồng thời đóng vai trò là cầu nối giữa người dân và chính quyền.
Chuyển từ tư duy quản lý sang tư duy quản trị, từ vai trò kiểm soát sang vai trò hợp tác và định hướng. Trong đó, Chính phủ cần xây dựng các cơ chế hợp tác với khu vực tư nhân và xã hội dân sự để cùng giải quyết các vấn đề phức tạp như biến đổi khí hậu, phát triển bền vững và chuyển đổi số. Mô hình này yêu cầu thiết lập các thể chế hợp tác công – tư (Public-Private Partnerships – PPP) và mạng lưới đối tác liên khu vực. Đồng thời, cần phải chuyển từ tư duy kiểm soát sang quản trị linh hoạt, tạo điều kiện cho các sáng kiến địa phương. Điều này cần gắn liền với đào tạo cán bộ quản lý về kỹ năng lãnh đạo, đàm phán và hợp tác.
Thực hành tư duy quản trị dựa trên dữ liệu, ra quyết định dựa trên bằng chứng, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo. Nhà nước cần xây dựng hạ tầng dữ liệu quốc gia tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung trong hệ thống quản trị. Việc sử dụng dữ liệu lớn (Big data) và trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ giúp phân tích xu hướng, dự đoán rủi ro để tối ưu hóa nguồn lực.
Hai là, hoàn thiện thể chế, pháp luật kiến tạo sự phát triển
Để nâng cao năng lực quản lý quản trị quốc gia, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện thể chế. Trước hết là tư duy thể chế kiến tạo sự phát triển, chấm dứt tư duy “không quản được là cấm”. Thể chế, chính sách, pháp luật được ban hành để tạo lập, bảo vệ quyền tự do, hạnh phúc, khơi nguồn sáng tạo cho công dân, xã hội. Do đó, cần rà soát, sửa đổi các quy định pháp luật để bảo đảm tính thống nhất, giảm thiểu mâu thuẫn giữa các luật, như: Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Quy hoạch, Luật Doanh nghiệp… Phát triển môi trường pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thông qua các chính sách minh bạch và dễ tiếp cận. Đồng thời, thúc đẩy các biện pháp minh bạch hóa quy trình ra quyết định và tăng tính trách nhiệm giải trình của các bên liên quan, nhất là khu vực công. Việc công khai thông tin chính sách, ngân sách và các hoạt động của chính quyền sẽ tạo niềm tin cho người dân và doanh nghiệp.
Song song với đó, trong quá trình xây dựng thể chế, chính sách cần thực hiện thật tốt việc tham vấn các bên liên quan và chú trọng khâu đánh giá tác động của chính sách trong quá trình xây dựng luật. Bảo đảm, việc ban hành luật phải xuất phát từ thực tiễn, không được chủ quan, duy ý chí và lợi ích nhóm trong xây dựng chính sách, pháp luật. Cần xây dựng thể chế phân quyền, phân định thẩm quyền rõ ràng, hiệu quả hơn giữa trung ương và địa phương. Các cơ chế kiểm tra, giám sát cần được thiết kế để tránh tình trạng chồng chéo hoặc lạm quyền. Việc áp dụng các công cụ quản lý hiện đại như quản trị dựa trên kết quả sẽ giúp cải thiện năng suất và hiệu quả.
Trong bối cảnh chuyển đổi số, chú trọng việc tạo lập hành lang pháp lý trong việc quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, quản lý sử dụng dữ liệu lớn trong quản trị quốc gia. Xây dựng và hoàn thiện khung thể chế cho phép thử nghiệm, khuyến khích thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ AI, chuỗi khối, các mô hình kinh tế mới kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ…
Ba là, thúc đẩy sự tham gia của người dân và các bên liên quan vào quản trị quốc gia
Trong nền quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả, một trong những đặc trưng cơ bản là phải bảo đảm sự tham gia rộng rãi của người dân vào hoạt động quản lý nhà nước, quản lý xã hội và nâng cao trách nhiệm, bổn phận của công dân. Bảo đảm sự tham gia rộng rãi của người dân vào hoạt động quản lý nhà nước, quản lý xã hội đồng nghĩa với việc xây dựng, thực hành nền dân chủ một cách thực chất. Đây là vấn đề được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Chính phủ cần xây dựng các kênh đối thoại hiệu quả giữa cơ quan nhà nước và người dân, bảo đảm tiếng nói của công dân được lắng nghe, phản hồi trong quá trình hoạch định, thực thi chính sách. Áp dụng công nghệ số để gia tăng tiện ích, sự thuận tiện và dễ dàng cho người dân và các bên liên quan trong việc phản ánh, kiến nghị và đề xuất sáng kiến với cơ quan công quyền (có thể phát triển các mô hình đang làm khá tốt hiện nay như ở tỉnh Thừa Thiên Huế,…).
Các tổ chức xã hội, phi chính phủ và cộng đồng dân cư cần được khuyến khích tham gia vào việc giám sát và đánh giá các chương trình, dự án phát triển. Thúc đẩy các sáng kiến cộng đồng, như các mô hình tự quản ở địa phương trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, hoặc môi trường. Điều này không chỉ nâng cao tính minh bạch mà còn gia tăng hiệu quả thực thi.
Tăng cường trách nhiệm giải trình thông qua việc áp dụng những hình thức công khai các báo cáo định kỳ, áp dụng các phiên giải trình, điều trần công khai và sử dụng các chỉ số đánh giá độc lập, như: PAPI, PCI, chỉ số cảm nhận tham nhũng, chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân đối với các cơ quan công quyền,…
Các bộ, ngành, địa phương có thể áp dụng sáng kiến để người dân, doanh nghiệp, tổ chức chịu tác động bởi chính sách, pháp luật của chính quyền bình chọn 10 chính sách, văn bản pháp luật tốt nhất; 10 sáng kiến, văn bản pháp luật tồi nhất để làm cơ sở nâng cao năng lực và cải thiện chất lượng hoạch định, thực thi chính sách, pháp luật.
Bốn là, đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản trị quốc gia
Cần phát triển hạ tầng kỹ thuật số, các trung tâm dữ liệu và hệ thống an ninh mạng làm nền tảng xây dựng chính phủ số, quốc gia số. Đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng kỹ thuật số, bao gồm mạng 5G, trung tâm dữ liệu và hệ thống an ninh mạng làm nền tảng để xây dựng chính phủ số, quốc gia số. Chính phủ số, quốc gia số chỉ có thể vận hành được trên nền tảng dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”. Do đó, Chính phủ phải chú trọng xây dựng hệ sinh thái dữ liệu công. Chính phủ cần thiết lập các nền tảng dữ liệu tích hợp, kết nối giữa các bộ ngành và địa phương, bảo đảm khả năng truy cập nhanh chóng và minh bạch. Các nền tảng này cũng cần hỗ trợ AI và học máy (machine learning) để nâng cao hiệu quả phân tích và ra quyết định.
Song song với đó, cần chú trọng phát triển năng lực số cho cán bộ, công chức, viên chức cũng như người dân. Vì vậy, đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng số cho cán bộ, công chức và người dân là yêu cầu cấp thiết. Tạo môi trường làm việc năng động, khuyến khích đổi mới sáng tạo và áp dụng các phương pháp quản lý linh hoạt để tăng cường động lực làm việc cho cán bộ, công chức, viên chức trong môi trường số.
5. Kết luận
Đất nước ta đang trong quá trình đổi mới toàn diện, thúc đẩy phát triển bền vững và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Điều đó đặt ra yêu cầu cấp bách về xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả với trọng tâm là thúc đẩy thực thi các loại quyền lực kinh tế, chính trị và hành chính để có thể quản lý tốt nhất mọi vấn đề của đất nước ở tất cả các cấp chính quyền một cách hiệu lực, hiệu quả. Đổi mới thực chất quản trị quốc gia chính là sự bổ trợ đặc biệt quan trọng cho sự phát triển và hiện đại hóa quản lý công. Đó cũng là lý do Đại hội XIII của Đảng đề cập vấn đề “quản trị quốc gia” với việc nhân mạnh yêu cầu: “Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả”12.
Chú thích:
1, 2, 3, 4, 5, 6, 9, 10, 12. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 210, 211, 213, 214, 220, 112, 71-72, 89, 203.
7. Tổng Bí thư Tô Lâm trao đổi chuyên đề đặc biệt quan trọng định hướng phát triển đất nước. https://nhandan.vn/tong-bi-thu-to-lam-trao-doi-chuyen-de-dac-biet-quan-trong-dinh-huong-phat-trien-dat-nuoc-post846881.html.
8. Nội dung chuyên đề của Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình. https://www.vietnamplus.vn/noi-dung-chuyen-de-cua-tong-bi-thu-to-lam-ve-ky-nguyen-moi-ky-nguyen-vuon-minh-post988670.vnp.
11. https://papi.org.vn/wp-content/uploads/2024/04/PAPI 2023_OfficialLaunch_MasterFile_VIE-1.pdf
Tài liệu tham khảo:
1. Bass, B. M., & Riggio, R. E (2006). Transformational Leadership. Psychology Press.
2. Folke, C., Hahn, T., Olsson, P., & Norberg, J (2005). Adaptive governance of social-ecological systems. Annual Review of Environment and Resources, 30 (1), 441-473.
3. Fung, A (2006). Varieties of participation in complex governance. Public Administration Review, 66 (S1), 66-75.
4. Heeks, R (2006). Implementing and Managing eGovernment: An International Text. SAGE Publications.
5. Meijer, A., & Bolívar, M. P. R (2016). Governing the smart city: a review of the literature on smart urban governance. International Review of Administrative Sciences,82 (2), 392-408.
6. North, D. C (1990). Institutions, Institutional Change and Economic Performance. Cambridge University Press.
7. OECD (2020). Digital Government in the Decade of Action for Sustainable Development: Digital Government in the Public Sector.
8. OECD (2021). Engaging Citizens in Policy Making: Best Practices from OECD Countries.
9. OECD (2023). Digital Government Strategies: Trends and Best Practices. Paris: OECD Publishing.
10. UNDP (1997). Governance for Sustainable Human Development.
11. UNDP (2023). PAPI 2022 Report: Public Administration Performance Index.
12. World Bank (1994). Governance: The World Bank’s Experience.
13. World Bank (2022). Enhancing Citizen Engagement in Policy Development.
14. World Bank (2022). Governance and Public Sector Modernization. Washington, D.C: World Bank.
15. Diễn đàn Kinh tế Thế giới (2023). Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu. Geneva: WEF.
16. Liên hiệp quốc (2022). Báo cáo Chính phủ Điện tử. New York: United Nations.
17. Transparency International (2022). Corruption Perceptions Index. Berlin: Transparency International.
18. McKinsey & Company (2022). The future of digital government: Challenges and opportunities.
19. Ngân hàng Thế giới (2023). Infrastructure Development and PPP Models. Washington, D.C.: World Bank.
20. Mahatma Gandhi National Rural Employment Guarantee Act (MGNREGA), India. Annual Report 2022.
21. GovTech Singapore (2023). Annual Report on Digital Engagement.
Có thể bạn quan tâm
Tin mới nhất
Đắk Lắk: Chiến thắng Đức Lập - trận thắng mở màn cho mùa Xuân đại thắng ở Tây Nguyên

Đạ Huoai (Lâm Đồng): Đồng loạt ra quân Ngày Chủ nhật xanh vì môi trường

Tử vi vòng quay công nghệ ngày 24/2/2025: Tuổi Dậu lao đao công việc, tuổi Tý lộc ăn uống

Đà Nẵng: Doanh nghiệp xả khí thải phải kê khai, nộp phí bảo vệ môi trường

Tăng cường quản lý, bảo vệ môi trường nước
