Xây dựng tinh thần đoàn kết của giai cấp nông dân Việt Nam hiện nay – Nhìn từ góc độ kinh tế
Vun đắp tình đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc Đoàn kết, bình đẳng, kỷ luật để xây dựng một Việt Nam vững mạnh |
Từ khóa: Giai cấp nông dân; kinh tế; tinh thần đoàn kết; Việt Nam; xây dựng.
1. Đặt vấn đề
Đại hội Đại biểu toàn Quốc lần thứ X của Đảng đã khẳng định: “Đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng, là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam; là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”1. Thực tiễn lịch sử đã chứng minh sự đoàn kết luôn đem đến một sức mạnh to lớn để Nhân dân ta đánh thắng mọi kẻ thù, hoàn thành sự nghiệp cách mạng. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”.
Ngày nay, sự nghiệp cách mạng nước ta đang chuyển sang một giai đoạn mới, giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ thành quả phát triển nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nhiệm vụ phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm trong sự nghiệp cách mạng nước ta hiện nay. Trong mặt trận kinh tế, mặc dù được vận hành theo cơ chế thị trường dưới sự quản lý của Nhà nước, các chủ thể kinh tế, các tầng lớp và giai cấp trong nước có sự cạnh tranh, nhưng hợp tác, đoàn kết vẫn là yếu tố chủ yếu để các các chủ thể kinh tế, các tầng lớp và giai cấp trong nước tồn tại và phát triển.
Đối với giai cấp nông dân Việt Nam hiện nay, là lực lượng lao động đông đảo của xã hội, chịu tác động to lớn của cơ chế thị trường, những biến động kinh tế trong nước và thế giới. Giai cấp nông dân Việt Nam hoạt động trong sự cạnh tranh gay gắt ở cả phạm vi trong nước và quốc tế. Xây dựng tinh thần hợp tác và đoàn kết ở giai cấp nông dân Việt Nam hiện nay có ý nghĩa to lớn để phát huy những tiềm năng và lợi thế, đồng thời hạn chế những khó khăn đối với giai cấp nông nhân Việt Nam.
Xây dựng tinh thần đoàn kết của giai cấp nông dân bao gồm tinh thần đoàn kết trong nội bộ giai cấp nông dân và tinh thần đoàn kết giữa giai cấp nông dân với các giai cấp và tầng lớp lao động khác. Tinh thần đoàn kết đó được tiến hành trên nhiều lĩnh vực khác nhau, như: tư tưởng, chính trị, văn hóa, kinh tế… Trong đó, đoàn kết của giai cấp nông dân dưới góc độ kinh tế đóng vai trò to lớn và có tính quyết định.
2. Cơ sở kinh tế trong việc xây dựng tinh thần đoàn kết của giai cấp nông dân Việt Nam
Thứ nhất, trong thời đại ngày nay, việc sản xuất trong nông nghiệp nói riêng và trong toàn bộ nền kinh tế nói chung đều hướng tới một nền sản xuất hàng hóa lớn, tập trung, ứng dụng khoa học và công nghệ ngày càng hiện đại, chuỵên môn hóa rất cao. Điều này đòi hỏi có sự phận công và hợp tác chặt chẽ giữa các chủ thể kinh tế trong quá trình sản xuất, sự phân công, hợp tác trong sản xuất nông nghiệp của giai cấp nông dân và giữa giai cấp nông dân với các giai cấp, tầng lớp lao động khác là một tất yếu. Sự phân công hợp tác đó đòi hỏi một bộ phận giai cấp nông dân phải chuyển đổi sản xuất, phải thay đổi phong tục tập quán của mình và thậm chí phải hy sinh một số quyền lợi riêng rất nhỏ trước mắt để đạt một lợi ích chung lâu dài. Nó đòi hỏi sự hợp tác, sự đoàn kết cao độ trong bản thân giai cấp nông dân, giữa giai cấp nông dân Việt Nam với các giai cấp và tầng lớp lao động khác.
Thứ hai, nước ta là một nước nông nghiệp nhiệt đới gió mùa, diện tích đất canh tác không lớn nhưng lại có tính đa dạng rất cao về chủng loại đất, giống vật nuôi, cây trồng. Cùng với những hạn chế do lịch sử để lại nên nền nông nghiệp nước ta chủ yếu sản xuất với trình độ rất thấp, nhỏ lẻ, manh mún, tính hàng hóa chưa cao. Sự phối hợp, hợp tác, đoàn kết giữa các chủ thể kinh tế trong nội bộ giai cấp nông dân và các chủ thể kinh tế của giai cấp nông nhân với các giai cấp, tầng lớp khác là rất hạn chế. Điều này dẫn đến sự lãng phí rất lớn trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Tình trạng mất mùa được giá và mất giá thì được mùa diễn ra phổ biến. Sự lãng phí trong khâu thu hoạch, chế biến và vận chuyển là rất lớn. Nhiều vùng đất tốt bị bỏ hoang hoặc người dân canh tác chỉ để giữ đất chứ không mặn mà với sản xuất nông nghiệp. Để tránh sự lãng phí đó nhất thiết cần có sự phối hợp, hợp tác trong nội bộ giai cấp nông dân và giữa giai cấp nông dân với các giai cấp tầng lớp lao động khác.
Thứ ba, hiện nay do yêu cầu của việc bảo vệ môi trường và sức khỏe của Nhân dân. Xu hướng phát triển nông nghiệp là tiến tới một nền nông nghiệp sạch, bền vững và an toàn. Để thực hiện điều này, ngoài ý thức tự giác của người nông dân còn có vai trò quyết định trong việc quản lý của Nhà nước để kiểm soát quá trình sản xuất nông nghiệp của người nông dân thì còn vai trò của các nhà khoa học trong việc nghiên cứu, chuyển giao những thành tựu khoa học – công nghệ hiện đại trong sản xuất nông nghiệp; vai trò của các doanh nghiệp trong việc chế biến và bao tiêu sản phẩm. Nhưng muốn kiểm soát có hiệu quả thì việc sản xuất, trao đổi, phân phối các sản phẩm nông nghiệp của người nông dân phải có sự tập trung, thống nhất và quy mô lớn. Nếu sản xuất manh mún, nhỏ lẻ như hiện nay thì việc kiểm soát chất lượng sản phẩm, việc chuyển giao thành tựu khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp là rất khó khăn và tốn kém thậm chí là không kiểm soát và chuyển giao được. Khi chất lượng nông phẩm không kiểm soát được thì việc bán sản phẩm nông nghiệp của người nông dân, việc chế biến, bao tiêu và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp của các doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí ảnh hưởng đến cả uy tín quốc gia.
Thứ tư, trong nền sản xuất hàng hóa hiện đại, những sản phẩm làm ra luôn mang một thương hiệu nhất định. Nhưng khác với các thương hiệu của sản phẩm công nghiệp, thương hiểu sản phẩm trong nông nghiệp hoặc có nguồn gốc nông nghiêp thường do nhiều chủ thể khác nhau tạo ra và gắn với một vùng sản xuất nhất định như cá tra đồng bằng sông Cửu long, cà phê Buôn Ma Thuột, nho Ninh Thuận… Chính vì vậy, việc kiểm soát chất lượng sản phẩm và giữ vững thương hiệu là rất khó khăn. Điều đó đòi hỏi tinh thần trách nhiệm cao, sự đoàn kết và hợp tác của người nông dân để giữ vững một thương hiệu chung, bảo đảm cùng nhau phát triển.
Như vậy, từ những lý do trên, yêu cầu của việc tập trung sản xuất hướng tới một nền sản xuất lớn và hiệu quả là vấn đề sống còn của giai cấp nông dân Việt Nam hiện nay. Việc tập trung sản xuất trong nông nghiệp hiện nay có thể theo hai hướng:
(1) Tập trung tư liệu sản xuất nông nghiệp với số lượng lớn trong tay một số ít người để sản xuất một hoặc một số ít sản phẩm nào đó nhưng với số lượng và quy mô lớn. Điều này ở nước ta hiện nay là khó thực hiện bởi tư liệu sản xuất nông nghiệp của các hộ nông dân Việt Nam là nhỏ, lẻ, phân tán, nhiều người coi đó là tài sản bảo đảm của gia đình tích trữ qua nhiều thế hệ.
(2) Tập trung ý chí của nhiều người nông dân sở hữu nhiều tư liệu sản xuất khác nhau nhưng gần nhau thành một ý chí chung để cùng sản xuất một sản phẩm nhất định nhưng với quy mô lớn, tạo ra các vùng chuyên canh cây trồng và vật nuôi quy mô lớn. Điều này ở nước ta hiện nay có thể thực hiện được, tuy nhiên gặp phải một số khó khăn. Đó là thói quen sản xuất nhỏ, ý thức tổ chức kỷ luật và tinh thần phối hợp, hợp tác của người nông dân rất kém. Hơn nữa, diện tích đất nông nghiệp mà mỗi hộ nông dân được giao quyền sử dụng là rất ít, địa hình lại không bằng phằng nên mỗi hộ lại có rất nhiều thửa ruộng trên rất nhiều khu vực khác nhau, phân tán và nhỏ lẻ, điều này dẫn đến việc tập trung sản xuất là rất khó. Để thực hiện được việc tập trung sản xuất cần có sự nỗ lực hợp tác rất cao của người nông dân. Bên cạnh đó, việc tập trung sản xuất với quy mô lớn cần phải có một thị trường tiêu thụ ổn định. Điều này đòi hỏi cần có sự tham gia của những doanh nghiệp và bảo đảm có lãi. Muốn vậy, sản phẩm nông nghiệp phải bảo đảm chất lượng và có tính cạnh tranh, điều này cần có sự giúp đỡ của các nhà khoa học.
Như vậy ở nước ta hiện nay, việc tập trung sản xuất với quy mô lớn không chỉ đòi hỏi sự nỗ lực hợp tác rất cao trong bản thân giai cấp nông nhân mà còn đòi hỏi sự phối hợp, hợp tác giữa giai cấp nông dân và các tầng lớp khác, như: nhà quản lý, doanh nhân và nhà khoa học. Hầu hết người nông dân đều hiểu được điều này nhưng bản thân họ không thể tự mình thực hiện được mà cần có cơ chế, chính sách và sự can thiệp của Nhà nước.
3. Giải pháp xây dựng tình thần đoàn kết trong giai cấp nông dân Việt Nam hiện nay
Một là, Nhà nước cần đẩy mạnh hơn nữa chính sách dồn điền đổi thửa, khuyến khich bằng cả lợi ích vật chất và tinh thân và nếu có thế thì can thiệp bằng công cụ pháp lý đề thực hiện triệt để việc dồn điền đổi thửa, mỗi hộ chỉ nên có tối đa một thửa ruộng. Để cho việc dồn điền đổi thửa thành công ngoài việc tuyên truyền cho người dân hiểu, nâng cao tinh thần đoàn kết, nhường nhịn lẫn nhau trong giai cấp nông dân, Nhà nước cần quy hoạch vùng nông nghiệp, công nghiệp, cơ sở hạ tầng một cách rõ ràng và công bố cho người dân để họ an tâm thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước. Nếu việc quy hoạch vùng nông nghiệp, công nghiệp, khu dân cư, mạng lưới giao thông và hệ thống cơ sở hạ tầng khác không rõ ràng sẽ tạo ra những nghi ngờ và biến động tâm lý rất lớn đối với người nông dân. Tâm lý hy vọng mảnh đất sau này của mình có giá diễn ra phổ biến trong người nông dân nên họ không muốn dồn điền đổi thửa, nhất là người dân ở ven các thành phố lớn, các khu công nghiệp. Điều này sẽ gây khó khăn rất lớn trong việc dồn điền đổi thửa.
Hai là, nâng cao vai trò của hợp tác xã trong việc quản lý, tổ chức sản xuất của người nông dân. Có chính sách và phương pháp khuyến khích và tạo điều kiện để người nông dân tham gia vào hợp tác xã. Đồng thời, khuyến khích nông dân trong hợp tác xã tham gia sản xuất một sản phẩm nhất định và tạo thương hiệu cho sản phẩm đó. Ví dụ: hợp tác xã rau muống, hợp tác xã khoai lang, hợp tác xã cà chua, hợp tác xã rau cải,… Điều này sẽ rất thuận lợi cho việc hướng dẫn của nhà khoa học và kiểm soát của cơ quan chức năng. Vì càng ít sản phẩm trên một diện tích lớn thì sự hỗ trợ của nhà khoa học và các cơ quan chức năng càng dễ dàng hơn. Thương hiệu này phải được quản lý chặt để tranh bị làm nhái hoặc làm giả. Khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp và các đơn vị kinh tế khác tiêu thụ một cách ổn định và lâu dài sản phẩm.
Việc hợp tác sản xuất này có thể tiến hành trên tất cả các sản phẩm nông nghiệp kể cả phục vụ trong nước và xuất khẩu. Hoạt động hợp tác sản xuất có thể do tất cả các chủ thể kinh tế tiến hành tuy nhiên vai trò của nhà nước là hết sức quan trọng. Nhà nước cần xác định mục tiêu, xây dựng chương trình và kế hoạch triển khai. Đồng thời, có thái độ ủng hộ tất cả những đơn vi kinh tế chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai hành động.
Để bảo đảm sự hợp tác giữa các bên được ổn định, lâu dài các hợp tác xã cần xây dựng các quy định ràng buộc các hộ gia đình nông dân, doanh nghiệp với hợp tác xã. Thông qua các quy định chặt chẽ giữa các bên sẽ hạn chế tối đa cho cả người nông dân và doanh nghiệp bị thiệt hại khi có bất cứ vấn đề gì xảy ra ảnh hưởng đến chất lượng, thương hiệu của sản phẩm nông sản đang được xây dựng. Các quy định cần vừa là ràng buộc đồng thời cũng là hướng dẫn để theo đó người nông dân thực hiện, giúp thay đổi dần tư duy canh tác manh mún, chạy theo trào lưu.
Hoạt động hợp tác này sẽ rất khó khăn trong điều kiện có sự cạnh tranh gay gắt như hiện nay và đặc biệt là ý thức của người nông dân còn kém. Chính vì vậy, cần tập trung đầu tư làm thí điểm ở một vài nơi trên một số sản phẩm mà việc tiến hành là thuận lợi. Tiếp đó thực hiện theo hình thức cuốn chiếu, nơi nào, sản phẩm nào đã làm phải cố gắng làm bằng được, sau đó chuyển sang làm nơi khác, sản phẩm khác, không nên làm nhiều thứ một lúc và dẫn đến thất bại, sẽ làm mất lòng tin cho người dân. Chỉ cần một hoặc một vài mô hình thành công, nó sẽ tác động rất lớn tới tâm lý và cách làm việc của người nông dân. Khi đó việc nhân rông mô hình sẽ chỉ là vấn đề thời gian.
Ba là, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý trợ giúp cho các mô hình sản xuất nông nghiệp của người dân theo hướng khuyến khích sự tham gia đông đảo của giai cấp nông dân, cùng sự giúp đỡ của các nhà khoa học, doanh nghiệp tiến tới xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam chất lượng, xanh, hiện đại, đáp ứng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Các văn bản quy phạm pháp luật cần định hướng xây dựng mối quan hệ cùng có lợi đối với các đối tượng tham gia vào hoạt động hợp tác, trong đó giai cấp nông dân vừa có thu nhập ổn định, bảo đảm sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, tránh lãng phí.
Bốn là, Hội Nông dân Việt Nam với tư cách là tổ chức chính trị – xã hội của giai cấp nông dân cần phát huy tốt vai trò và nhiệm vụ chăm lo, bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của giai cấp nông dân. “Một đặc trưng cơ bản, một thuộc tính quan trọng của định hướng xã hội chủ nghĩa trong kinh tế thị trường ở Việt Nam là phải gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển”2. Cơ chế vận hành của nền kinh tế thị trường là cạnh tranh giữa các chủ thể của nền kinh tế, tuy nhiên, hợp tác cùng phát triển cũng là một yếu tố quan trọng. Do đó, Hội cần cùng với các cơ quan quản lý nhà nước, hợp tác xã tham gia giúp đỡ, hướng dẫn, bảo đảm quyền và các lợi ích hợp pháp của giai cấp nông dân. Để các quan hệ hợp tác giữa giai cấp nông dân và các giai cấp khác là định hướng cùng phát triển.
4. Kết luận
Trong nền kinh tế thị trường, cạnh tranh là không thể tránh khỏi nhưng đồng thời hợp tác cũng là một yếu tố tất yếu. Sự hợp tác trên lĩnh vực kinh tế sẽ là cơ sở để xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, đồng thời việc củng cố khối đại đoàn kết dân tộc sẽ góp phần tăng cường sự hợp tác kinh tế. Trong nền kinh tế hiện đại, nếu chỉ giai cấp nông dân rất khó có thể tự mình phát triển mà cần có sự hợp tác trong bản thân giai cấp nông dân và giữa giai cấp nông dân với các giai cấp và tầng lớp lao động khác vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Chú thích:
1. Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng. https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-x/bao-cao-chinh-tri-cua-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-ix-tai-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-x-cua-dang-1537.
2. Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. https://www.tapchicongsan.org.vn/media-story/-/asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/content/mot-so-van-de-ly-luan-va-thuc-tien-ve-chu-nghia-xa-hoi-va-con-duong-di-len-chu-nghia-xa-hoi-o-viet-nam.
Tài liệu tham khảo:
1. Xây dựng giai cấp nông dân gắn với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa nông thôn hiện nay. https://www.quanlynhanuoc.vn/2023/02/15/xay-dung-giai-cap-nong-dan-gan-voi-qua-trinh-cong-nghiep-hoa-do-thi-hoa-nong-thon-hien-nay/.
2. Xây dựng người nông dân Đồng Tháp đoàn kết, năng động, sáng tạo góp phần phát triển kinh tế – xã hội hiện nay. https://www.quanlynhanuoc.vn/2023/05/11/xay-dung-nguoi-nong-dan-dong-thap-doan-ket-nang-dong-sang-tao-gop-phan-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-hien-nay/.
Nguồn: Xây dựng tinh thần đoàn kết của giai cấp nông dân Việt Nam hiện nay – Nhìn từ góc độ kinh tế