Hà Nội: 25°C
Thừa Thiên Huế: 34°C
TP Hồ Chí Minh: 32°C
Quảng Ninh: 32°C
Hải Phòng: 31°C

Xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị kiến tạo và phục vụ trong kỷ nguyên vươn mình

Bài viết phân tích vai trò và nội dung của Kết luận số 126-KL/TW ngày 14/02/2025 của Bộ Chính trị về nội dung, nhiệm vụ tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị năm 2025 và Kết luận số 127-KL/TW ngày 28/02/2025 của Bộ Chính trị triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Trên cơ sở đánh giá thực trạng, bài viết đề xuất một số định hướng cải cách, đặc biệt nhấn mạnh đến yêu cầu xây dựng bộ máy kiến tạo và phục vụ trong bối cảnh “kỷ nguyên vươn mình” của đất nước. Các giải pháp thực tiễn được đề xuất nhằm bảo đảm thực hiện hiệu quả các kết luận nêu trên.
Từ đại thắng mùa xuân 1975 đến kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Giáo dục quyền con người cho thanh niên Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Từ khóa: Tinh gọn bộ máy, Kết luận 126-KL/TW, Kết luận 127-KL/TW, cải cách hành chính, hệ thống chính trị, Nhà nước pháp quyền, kiến tạo và phục vụ.

1. Đặt vấn đề

Những năm gần đây, Việt Nam đang đứng trước vận hội phát triển mới với khát vọng vươn lên mạnh mẽ nhằm hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2045. Bối cảnh đó đòi hỏi sự chuyển mình toàn diện của hệ thống chính trị, bộ máy nhà nước, trong đó việc xây dựng một tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Mô hình quản trị quốc gia hiện đại đòi hỏi bộ máy không chỉ đảm nhiệm vai trò quản lý hành chính thuần túy mà còn phải kiến tạo động lực phát triển, phục vụ nhân dân một cách chủ động, hiệu quả.

Từ năm 2017, Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) đã khởi động quá trình đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Sau hơn 5 năm thực hiện đến năm 2025, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành hai văn kiện quan trọng, đó là Kết luận số 126-KL/TW ngày 14/02/2025 và Kết luận số 127-KL/TW ngày 28/02/2025 với mục tiêu thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy từ trung ương đến địa phương. Hai kết luận này không chỉ kế thừa tinh thần cải cách từ Nghị quyết số 18 mà còn mở ra những định hướng mới có tính đột phá, trong đó nổi bật là chủ trương bỏ cấp hành chính trung gian (cấp huyện), sáp nhập một số tỉnh, hoàn thiện mô hình tổ chức Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị – xã hội, hệ thống tư pháp, quốc phòng – an ninh.

Qua phân tích vai trò, ý nghĩa và nội dung cốt lõi của Kết luận 126-KL/TW và Kết luận 127-KL/TW, bài viết làm rõ tính cấp thiết của việc xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả trong bối cảnh mới, đồng thời, đề xuất những định hướng và giải pháp thực tiễn nhằm triển khai hiệu quả tinh thần hai kết luận, hướng đến mô hình bộ máy kiến tạo và phục vụ thực chất, phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay và tương lai.

2. Cơ sở chính trị và thực tiễn cải cách tổ chức bộ máy

Cải cách tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị luôn là một trong những trọng tâm then chốt trong quá trình đổi mới hệ thống chính trị của Việt Nam nhằm hướng đến xây dựng một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa tinh gọn, hiện đại và hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Từ những năm đầu đổi mới, vấn đề tổ chức bộ máy đã được Đảng đặt ra trong nhiều nghị quyết, tuy nhiên, phải đến Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) với việc ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW, vấn đề này mới thực sự được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách và mang tính chiến lược lâu dài. Nghị quyết đã xác định rõ yêu cầu phải tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, trong đó đặt trọng tâm vào việc giảm đầu mối, giảm tầng nấc trung gian, tinh giản biên chế và đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý.

Sau hơn 5 năm thực hiện Nghị quyết số 18 -NQ/TW với nhiều kết quả bước đầu tích cực, đầu năm 2025, Bộ Chính trị đã ban hành hai kết luận quan trọng nhằm tiếp tục đẩy mạnh cải cách tổ chức bộ máy: Kết luận số 126-KL/TW về tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Kết luận số 127-KL/TW về việc tổ chức lại hệ thống chính trị, chính quyền, tư pháp, quốc phòng – an ninh theo mô hình tổ chức mới. Hai kết luận này đánh dấu một giai đoạn phát triển mới trong tư duy cải cách bộ máy, phản ánh quyết tâm chính trị cao của Đảng trong việc chuyển đổi mô hình quản trị quốc gia phù hợp với bối cảnh phát triển và hội nhập hiện nay.

Trong Kết luận số 126-KL/TW, Bộ Chính trị xác định một trong những định hướng có tính đột phá là “Không tổ chức cấp hành chính trung gian (tức cấp huyện), tiến tới xây dựng mô hình chính quyền tinh gọn, hai cấp (tỉnh và cơ sở), đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững”1. Đây là một chủ trương có tính bước ngoặt, phản ánh sự thay đổi căn bản trong cách tiếp cận vấn đề tổ chức hành chính nhà nước – từ mô hình quản lý phân tầng truyền thống sang mô hình tinh gọn, phân quyền, linh hoạt và tăng cường tự chủ cho cấp địa phương. Đồng thời, kết luận này cũng chỉ rõ: “Tập trung sắp xếp, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp xã và cấp tỉnh không còn đáp ứng tiêu chí về quy mô dân số, diện tích, bảo đảm tinh gọn, phù hợp đặc điểm vùng, miền”2.

Kết luận số 127-KL/TW tiếp nối định hướng cải cách trên bằng việc đưa ra những yêu cầu cụ thể về tổ chức lại hệ thống chính trị một cách toàn diện. Cụ thể, Bộ Chính trị chỉ đạo: “Khẩn trương xây dựng đề án tổng thể tổ chức lại hệ thống chính trị, các cơ quan Đảng, chính quyền, tư pháp, quốc phòng – an ninh theo mô hình mới, bảo đảm đồng bộ, thống nhất từ trung ương đến địa phương”3. Đây là lần đầu tiên trong các văn kiện chính trị cấp cao, yêu cầu cải cách không chỉ tập trung vào bộ máy hành chính mà bao trùm toàn bộ hệ thống chính trị, từ tổ chức Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Tòa án, Viện kiểm sát đến các tổ chức chính trị – xã hội.

Điểm đáng chú ý trong Kết luận số 127-KL/TW là việc đặt vấn đề phải thể chế hóa toàn bộ nội dung cải cách tổ chức bộ máy trong hệ thống pháp luật hiện hành. Kết luận chỉ rõ: “Rà soát, sửa đổi các quy định pháp luật liên quan, trình Quốc hội và cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi Hiến pháp nếu cần thiết, để tạo cơ sở pháp lý cho việc tổ chức lại bộ máy đồng bộ và hiệu quả”4. Đây là một bước tiến mới trong tư duy cải cách thể chế, cho thấy sự gắn kết chặt chẽ giữa cải cách tổ chức và cải cách pháp luật, đồng thời thể hiện rõ quan điểm của Đảng về tính hợp hiến, hợp pháp, hợp lý trong mọi quyết sách cải cách.

Thực tiễn đã chứng minh, việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy là hoàn toàn khả thi nếu có quyết tâm chính trị đủ lớn và phương pháp triển khai đồng bộ. Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, tính đến hết năm 2024, cả nước đã giảm được 9 đơn vị hành chính cấp huyện và 561 đơn vị hành chính cấp xã; số lượng cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện giảm đáng kể thông qua việc hợp nhất, sáp nhập; hàng chục ngàn biên chế được tinh giản; chi ngân sách thường xuyên được tiết kiệm đáng kể. Các mô hình thí điểm, như: không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, phường tại Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh đã chứng minh hiệu quả quản trị hành chính được nâng cao, tốc độ giải quyết công việc được rút ngắn, tính chủ động, linh hoạt của chính quyền địa phương được tăng cường.

Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai. Việc phân định lại chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan sau hợp nhất còn thiếu đồng bộ; công tác điều chuyển, bố trí cán bộ dôi dư gặp nhiều khó khăn, tâm lý e ngại cải cách vẫn tồn tại trong một bộ phận cán bộ, công chức; ở nhiều nơi, việc tinh gọn mới chỉ dừng lại ở việc sáp nhập về mặt tổ chức hành chính, trong khi cơ cấu bên trong vẫn cồng kềnh, thậm chí phát sinh thêm trung gian quản lý. Những vấn đề này cho thấy tính chất phức tạp và yêu cầu cao về trình độ hoạch định, tổ chức thực hiện trong cải cách bộ máy.

Cùng với yêu cầu nội tại, bối cảnh quốc tế và khu vực đang thay đổi nhanh chóng cũng đặt ra yêu cầu cấp bách phải đổi mới mô hình quản trị quốc gia. Trong thời đại số hóa, chuyển đổi số và toàn cầu hóa mạnh mẽ, mô hình tổ chức hành chính truyền thống không còn phù hợp. Một bộ máy cồng kềnh, thiếu tính phản ứng nhanh sẽ làm chậm trễ quá trình ra quyết định, làm mất cơ hội phát triển như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nhấn mạnh: “Muốn phát triển nhanh, bền vững thì không thể duy trì một bộ máy kém hiệu quả, thiếu liên kết và trách nhiệm chồng chéo như hiện nay”5.

Từ những cơ sở chính trị và thực tiễn nêu trên, có thể khẳng định việc triển khai các nội dung cải cách trong Kết luận 126-KL/TW và Kết luận 127-KL/TW là bước đi cần thiết, cấp bách và có tính định hướng lâu dài, mở đường cho việc xây dựng mô hình tổ chức bộ máy nhà nước hiện đại – tinh gọn – hiệu quả – phục vụ, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

3. Một số định hướng cải cách

Thứ nhất, tổ chức lại đơn vị hành chính theo hướng tinh gọn, hợp lý và hiệu quả.

Việc không tổ chức cấp hành chính trung gian (tức cấp huyện) là một bước đi có tính đột phá chưa từng có trong lịch sử tổ chức bộ máy nhà nước ở Việt Nam. Trong suốt nhiều thập niên, mô hình hành chính ba cấp (tỉnh – huyện – xã) đã vận hành và phát huy vai trò nhất định. Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển mới, mô hình này ngày càng bộc lộ nhiều bất cập: tầng nấc trung gian khiến cho hệ thống hành chính bị kéo dài, chồng chéo về chức năng, phân tán nguồn lực và làm chậm tốc độ xử lý công việc hành chính. Trong khi đó, cấp huyện hiện nay không còn là cấp chính quyền có tính tự chủ cao, nhiều chức năng đã bị trung ương hóa hoặc chuyển thẳng về cấp xã – cấp cơ sở gần dân nhất.

Theo định hướng trong Kết luận số 126-KL/TW, mô hình hành chính hai cấp (tỉnh – cơ sở) sẽ là bước tiến phù hợp với xu thế hiện đại hóa bộ máy, tăng cường hiệu quả quản trị, phân cấp và phát huy vai trò chủ động của địa phương. Việc tổ chức lại hệ thống đơn vị hành chính cần được thực hiện bài bản, theo quy hoạch tổng thể quốc gia gắn với điều kiện tự nhiên, dân số, đặc điểm kinh tế – xã hội của từng vùng miền. Các đơn vị hành chính không đáp ứng tiêu chí về diện tích, dân số, hiệu quả hoạt động cần được sắp xếp lại một cách khoa học, có lộ trình cụ thể và sự tham gia, giám sát của người dân tại địa phương.

Thứ hai, tổ chức lại hệ thống chính trị gắn với đổi mới phương thức lãnh đạo và quản lý.

Khi bỏ cấp huyện, không chỉ bộ máy chính quyền mà toàn bộ hệ thống chính trị – bao gồm tổ chức Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội cũng phải được cơ cấu lại cho phù hợp. Việc này không chỉ dừng ở việc sáp nhập đơn thuần mà đòi hỏi phải tư duy lại toàn bộ mô hình tổ chức, xác định rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ và mối quan hệ phối hợp giữa các cấp trong hệ thống chính trị.

Đặc biệt, yêu cầu đặt ra là phải xây dựng một hệ thống chính trị thực sự tinh gọn, vận hành theo nguyên tắc: một đầu mối lãnh đạo – một đơn vị chịu trách nhiệm – một hệ thống vận hành hiệu quả. Muốn vậy, phải đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng theo hướng linh hoạt, sâu sát, gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị; đồng thời, cải cách hành chính nội bộ các tổ chức Đảng, giảm hội họp hình thức, tăng cường trách nhiệm chính trị cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu.

Ngoài ra, cần thiết lập các cơ chế phối hợp liên thông giữa các cấp chính quyền, bảo đảm tính đồng bộ trong điều hành, phân cấp rõ ràng nhưng không chia cắt, tăng cường tính chịu trách nhiệm và cơ chế giám sát lẫn nhau giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị.

Thứ ba, cải cách tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội.

Trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội không thể đứng ngoài. Hiện nay, hệ thống đoàn thể còn mang nặng tính hành chính hóa, hoạt động dàn trải, chồng chéo chức năng và hiệu quả xã hội chưa cao. Vì vậy, cải cách các tổ chức này theo hướng tinh gọn, chuyên sâu và thực chất là yêu cầu cấp thiết.

Có thể tính tới phương án hợp nhất một số tổ chức đoàn thể có chức năng tương đồng, đưa một số tổ chức về trực thuộc Mặt trận Tổ quốc để thống nhất đầu mối, giảm trùng lặp về tổ chức, biên chế và kinh phí. Quan trọng hơn, cần chuyển hướng hoạt động của các tổ chức này từ hành chính sang hoạt động đại diện, phản biện và vận động nhân dân, đúng với vai trò là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân. Chức năng giám sát và phản biện xã hội phải trở thành trụ cột chính của các đoàn thể trong mô hình tổ chức mới.

Thứ tư, cải cách hệ thống tư pháp theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp và hiện đại.

Kết luận số 127-KL/TW xác định rõ: không tổ chức Tòa án và Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện. Đây là chủ trương có tính cải cách sâu rộng, nhằm tổ chức lại hệ thống tư pháp theo hướng hai cấp (tỉnh và cơ sở), bảo đảm tinh gọn nhưng không làm suy giảm hiệu quả xét xử và kiểm sát. Thực hiện mô hình này đòi hỏi một cuộc tái cấu trúc toàn diện về cơ sở pháp lý, tổ chức bộ máy, biên chế, quy trình tố tụng, cơ sở vật chất và đặc biệt là năng lực của đội ngũ cán bộ tư pháp.

Việc không còn cấp huyện sẽ kéo theo yêu cầu xây dựng lại hệ thống tòa án cấp cơ sở đủ năng lực xét xử sơ thẩm hầu hết các vụ việc phát sinh tại địa phương. Hệ thống Viện kiểm sát cũng phải được tổ chức lại theo hướng chuyên nghiệp hóa, hiện đại hóa, gắn chặt với cải cách tư pháp và ứng dụng công nghệ số. Bên cạnh đó, cần rà soát, điều chỉnh lại phạm vi thẩm quyền, thủ tục tố tụng, bảo đảm không làm gián đoạn hoạt động tư pháp, đồng thời, tăng cường công khai, minh bạch, niềm tin của người dân đối với hoạt động tư pháp.

Thứ năm, tổ chức lại lực lượng vũ trang phù hợp với mô hình hành chính mới.

Việc tổ chức lại lực lượng vũ trang, đặc biệt là các cơ quan quân sự và công an địa phương, phải gắn liền với mô hình tổ chức hành chính hai cấp. Theo định hướng, lực lượng Quân đội nhân dân cần tổ chức lại các ban chỉ huy quân sự cấp huyện theo hướng tinh gọn, có thể chuyển giao nhiệm vụ về cấp tỉnh hoặc cấp xã tùy theo đặc thù địa phương. Cần bảo đảm việc thay đổi mô hình tổ chức không làm suy giảm hiệu quả lãnh đạo, chỉ huy, sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang.

Đối với Công an nhân dân, mô hình ba cấp (bộ – tỉnh – xã) sẽ tiếp tục được giữ vững, đồng thời, đẩy mạnh xây dựng công an xã chính quy, đủ khả năng nắm tình hình, giải quyết các vấn đề an ninh – trật tự ngay từ cơ sở. Việc này cần đi kèm với tăng cường đầu tư hạ tầng, trang bị, nhân sự và chế độ chính sách để bảo đảm lực lượng an ninh luôn giữ vững vai trò nòng cốt trong thế trận an ninh nhân dân.

Thứ sáu, thể chế hóa đầy đủ và đồng bộ nội dung cải cách bằng hệ thống pháp luật.

Một trong những điều kiện tiên quyết để thực hiện thành công cải cách tổ chức bộ máy là phải sửa đổi, bổ sung đồng bộ hệ thống pháp luật hiện hành. Việc bỏ cấp huyện, tổ chức lại hệ thống chính trị, cải cách tư pháp và sáp nhập đơn vị hành chính đều liên quan trực tiếp đến Hiến pháp và nhiều đạo luật quan trọng, như: Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Cán bộ, công chức, Luật Bầu cử, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,…

Kết luận số 127-KL/TW chỉ rõ: “Rà soát, sửa đổi các quy định pháp luật liên quan, trình Quốc hội và cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi Hiến pháp nếu cần thiết…”6. Đây là yêu cầu bắt buộc nếu muốn cải cách bộ máy một cách hợp hiến, hợp pháp và hợp lý. Việc sửa đổi Hiến pháp cần được cân nhắc kỹ lưỡng, theo đúng quy trình, trên cơ sở tổng kết thực tiễn và tạo được sự đồng thuận xã hội rộng rãi.

Bên cạnh đó, cần ban hành các văn bản dưới luật (nghị định, thông tư…) để hướng dẫn cụ thể việc sắp xếp, chuyển giao chức năng nhiệm vụ, phân bổ ngân sách, xử lý cán bộ dôi dư, bảo đảm quyền lợi người dân, cũng như thiết lập cơ chế giám sát độc lập quá trình cải cách. Định hướng cải cách tổ chức bộ máy theo tinh thần Kết luận số 126-KL/TW và Kết luận số 127-KL/TW không chỉ là việc tinh giản tổ chức, cắt giảm đầu mối mà còn là một tiến trình cải cách tổng thể, sâu rộng, toàn diện và có tính chiến lược lâu dài. Đây là bước khởi đầu cho quá trình kiến tạo một nền hành chính hiện đại, hiệu quả, phục vụ, phản ứng nhanh với yêu cầu của người dân và thời đại.

4. Kết luận

Kết luận số 126-KL/TW và Kết luận số 127-KL/TW của Bộ Chính trị là định hướng quan trọng để tiếp tục đổi mới tổ chức bộ máy hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Đây không chỉ là bước tiếp nối quá trình thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW mà còn thể hiện quyết tâm chính trị trong việc xây dựng mô hình tổ chức phù hợp với yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Việc triển khai hai kết luận này một cách đồng bộ, bài bản và có lộ trình sẽ góp phần tạo dựng một bộ máy hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, gắn bó chặt chẽ với Nhân dân và phục vụ hiệu quả sự nghiệp phát triển đất nước.

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Chính trị (2025). Kết luận số 126-KL/TW ngày 14/02/2025 về tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

2. Bộ Chính trị (2025). Kết luận số 127-KL/TW ngày 28/02/2025 về việc tổ chức lại hệ thống chính trị, chính quyền, tư pháp, quốc phòng – an ninh theo mô hình tổ chức mới.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2017). Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

4. Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW tính đến năm 2024. https://moha.gov.vn/tin-tuc-su-kien/tin-hoat-dong-cua-bo-noi-vu/ban-chi-dao-ve-tong-ket-thuc-hien-nghi-quyet-so-18-d610-t56825.html?

5. Muốn phát triển nhanh, bền vững thì không thể duy trì một bộ máy kém hiệu quả.https://nvsk.vnanet.vn/toan-van-phat-bieu-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tai-hoi-nghi-chinh-phu-voi-cac-dia-phuong-3-1-2023-1-40332.vna?

Nguồn: Xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị kiến tạo và phục vụ trong kỷ nguyên vươn mình

TS. Phạm Đình Khuê - Trường Đại học Kiến Trúc Hà Nội
www.quanlynhanuoc.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin mới nhất

Quảng Ninh: Khám phá du lịch vùng cao Hạ Long

Quảng Ninh: Khám phá du lịch vùng cao Hạ Long
Nhắc đến TP Hạ Long, người ta thường liên tưởng ngay đến kỳ quan Vịnh Hạ Long, một trong những điểm đến nổi tiếng bậc nhất trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, sau khi sáp nhập huyện Hoành Bồ vào cuối năm 2019, thành phố này không chỉ mang dáng dấp của một đô thị biển hiện đại mà còn sở hữu một “vùng lõi xanh” phong phú nơi núi rừng, suối thác và những bản làng yên bình. Một mảnh đất đầy tiềm năng cho phát triển du lịch sinh thái và nông nghiệp.

Giá cà phê hôm nay 16/6: Thị trường trong nước ổn định

Giá cà phê hôm nay 16/6: Thị trường trong nước ổn định
Giá cà phê khu vực Tây Nguyên có xu hướng ổn định và đi ngang so với phiên giảm nhẹ hôm qua. Hiện giá thu mua cà phê trung bình tại các địa bàn trọng điểm ở mức 112.300 đồng/kg.

Giá tiêu hôm nay 16/6: Giá thu mua trung bình 137.200 đồng/kg

Giá tiêu hôm nay 16/6: Giá thu mua trung bình 137.200 đồng/kg
Thị trường trong nước ổn định và đi ngang so với phiên giao dịch hôm qua. Hiện giá thu mua tiêu trung bình tại các địa bàn trọng điểm 137.200 đồng/kg.

Điểm tin ngân hàng ngày 16/6: Eximbank dự kiến huy động 10.000 tỷ đồng trái phiếu

Điểm tin ngân hàng ngày 16/6:  Eximbank dự kiến huy động 10.000 tỷ đồng trái phiếu
Trái phiếu thứ cấp của ngân hàng Việt Á (VAB) được xếp hạng khá; Agribank rao bán khoản nợ hơn 154 tỷ đồng thế chấp bằng dự án nhà ở xã hội tại Bắc Ninh;17 cá nhân muốn mua toàn bộ 750 triệu cổ phiếu NCB chào bán riêng lẻ; Thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam tăng kỷ lục…là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật

Giá xăng dầu hôm nay 16/6: Giá xăng dầu thế giới tăng bùng nổ

Giá xăng dầu hôm nay 16/6: Giá xăng dầu thế giới tăng bùng nổ
Giá xăng dầu thế giới tăng bùng nổ, kéo theo đợt điều chỉnh tăng giá xăng dầu trong nước. Theo Oilprice và Reuters, thị trường dầu mỏ toàn cầu đang chứng kiến một trong những đợt tăng giá mạnh nhất trong hơn hai tháng trở lại đây.