Xe điện hết nóng
Tesla gặp khó |
Tesla đang gặp khó; quí 1-2024 hãng này bán được 387.000 xe, giảm 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Giá cổ phiếu hãng xe điện có thị phần lớn nhất này đã giảm hơn 35% từ đầu năm 2024 đến nay. Để đối phó, Tesla tuyên bố sẽ sa thải 10% nhân sự, gây nên một cú sốc cho thị trường. Khác với giai đoạn trước, gần đây Tesla hầu như không có những đột phá gì về sản phẩm mới.
Hãng từ bỏ kế hoạch ra đời một mẫu xe giá rẻ do cạnh tranh không lại với xe điện Trung Quốc ở mảng thị trường này. Chiếc xe bán tải điện Cybertruck ra mắt sau nhiều năm chờ đợi đã gây thất vọng. Công nghệ xe tự lái được quảng bá từ lâu vẫn còn nhiều trục trặc. Quan trọng hơn hết, sếp của Tesla, Elon Musk, lại liên tục gây ra nhiều tai tiếng trong vai trò ông chủ mới của mạng xã hội X, quen thuộc hơn với tên cũ – Twitter.
Cách đây hai năm, thị phần của Tesla là 65% tổng xe điện bán ra ở Mỹ – nay tỷ lệ này giảm còn 51%. Trong khi đó chính sách của các nước nhìn chung là thuận lợi cho xe điện, như chính quyền Tổng thống Biden đang hoàn chỉnh chính sách buộc các hãng phải sản xuất chủ yếu là xe điện hay xe lai trước năm 2032 để bảo vệ môi trường.
Hiện nay xe điện chỉ chiếm 7,6% tổng số xe bán ra ở nước này nên lẽ ra dư địa tăng trưởng vẫn còn rất lớn. Khi không khai thác được lợi thế này, chẳng lạ gì giá trị vốn hóa của Tesla đã giảm một phần ba trong năm nay, xuống còn chưa đến 550 tỉ đô la. Mặc dù giá trị vốn hóa này cao hơn hẳn các hãng xe truyền thống khác nhưng bản thân nó đã giảm còn một nửa so với mức kỷ lục 1.200 tỉ đô la vào năm 2021. Elon Musk nay chỉ còn là người giàu thứ ba trên thế giới sau nhiều năm giữ ngôi vị đầu bảng.
Các hãng xe điện khác còn khó hơn
Khi Tesla đang ở đỉnh cao, sự thành công của nó đã kéo theo nhiều hãng xe điện muốn trở thành một Tesla thứ nhì. Cách đây chừng ba năm, vốn đầu tư mạo hiểm thi nhau rót vào các công ty như thế. Hai công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực xe điện chứng kiến giá trị vốn hóa cứ tăng vọt theo thời gian – Lucid Motors được định giá vượt quá 90 tỉ đô la; Rivian 150 tỉ đô la. Thị giá của cả hai đều hơn hẳn hãng xe Ford 120 tuổi, năm 2021 bán được 4 triệu xe trong khi Lucid chỉ bán được 125 xe và Rivian có khá hơn – bán được 920 xe!
Tính đến cuối năm 2021, tổng giá trị vốn hóa của năm hãng xe điện muốn nối gót Tesla lên đến 400 tỉ đô la. Nhưng nay con số này đã tụt xuống còn 69 tỉ đô la và đang còn giảm nữa. Fisker, một hãng xe điện Mỹ 8 tuổi và HiPhi, hãng xe điện Trung Quốc 5 tuổi tuyên bố ngừng sản xuất. Giá cổ phiếu Fisker đã ngưng giao dịch và có khả năng bị hủy niêm yết; HiPhi có lẽ sẽ phải bán cho một hãng xe Trung Quốc khác.
Faraday Future đang trên bờ vực phá sản vì năm ngoái chỉ bán được 11 xe điện hạng sang. Lordstown, một hãng xe Mỹ khác, thành lập năm 2018 để làm xe điện bán tải và SUV đã sập tiệm vào năm 2023. Ngay cả những hãng xe có thị giá cao nói ở trên cũng gặp khó: Rivian bán được 50.000 xe nhưng thị giá chỉ còn một phần mười lăm so với mức đỉnh vào năm 2021; Lucid bán được 6.000 xe, thị giá cũng giảm còn một phần mười lăm.
Chung quy là do mô hình kinh doanh
Các hãng xe truyền thống cần dựa vào quy mô sản xuất để làm ra lãi. Các hãng xe điện không nhắm đến mục tiêu này, họ nghĩ xây dựng doanh nghiệp như một công ty công nghệ, thay vì hãng sản xuất, sẽ nhanh chóng giúp họ thâm nhập thị trường, đạt mức có lãi ngay từ sớm. Các hãng xe điện nhắm đến chuyện giảm chi phí bằng cách tổ chức lại sản xuất; có thể mua từ hãng khác các bộ phận quan trọng của xe, kể cả dàn pin hay động cơ điện. Họ lập luận, nhờ thế họ sẽ rảnh tay tập trung vào lợi thế như làm phần mềm tinh tế giúp xe của họ nổi trội hơn so với đối thủ, như có hệ thống giải trí xuất sắc hơn, có hệ thống đèn thay đổi tùy vào tâm trạng người lái. Có hãng như Fisker thuê ngoài cả khâu dập thân xe.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy mô hình kinh doanh kiểu này không bền, chỉ duy trì tăng trưởng một thời gian ngắn. Cuối cùng thành công cũng chỉ đến với hãng nào bán được ít nhất 500.000 xe mỗi năm mới mong bắt đầu có lãi. Khả năng sống sót trên thị trường xe điện bằng cách chỉ sản xuất loại xe hạng sang, mức lãi cao nên không cần số lượng là rất thấp. Một trường hợp điển hình là Faraday Future chỉ bán xe có giá khởi điểm từ 250.000 đô la; với doanh thu từ 11 xe bán được năm ngoái làm sao tránh cảnh sớm phá sản.
Hiện nay các hãng xe điện đang tìm cách thay đổi mô hình kinh doanh. Rivian vừa công bố ba mẫu xe giá rẻ, sẽ ra mắt vào năm 2026; Nio cũng dự tính bổ sung thêm hai nhãn xe giá rẻ, Alps và Firefly. Ngay cả hãng Lucid, trước đây bán toàn xe đắt, cỡ từ 250.000 đô la trở lên, nay cũng tuyên bố sẽ cho ra mắt mẫu xe giá từ 50.000 đô la trong vài năm tới. Cuối năm ngoái, Leapmotor bán 20% cổ phần cho hãng xe truyền thống Stellantis (chủ sở hữu các nhãn hiệu nổi tiếng Citroen, Chrysler, Fiat hay Peugeot) để hai bên hợp tác làm xe điện giá rẻ.
Trước đây Tesla thành công nhờ nhấn mạnh đến công nghệ; xe của Tesla giá đắt nhưng hình thức đẹp, công nghệ vượt trội, quãng đường đi được mỗi lần sạc ngày càng tăng. Các hãng xe điện khác bắt chước nhưng không đem lại điều gì nổi bật, họ không có sản phẩm độc đáo trong khi giá quá đắt nên thất bại là điều đương nhiên.
Ngày nay người tiêu dùng không còn đi tìm xe điện “độc đáo” nữa; họ kỳ vọng vào xe điện ổn định, giá phải chăng, quãng đường đi được thỏa mãn nhu cầu hàng ngày. Vì thế các hãng xe truyền thống quay sang làm xe điện lại đạt được những kết quả khả quan. Quí 1-2024 hãng Ford bán được 20.223 xe điện, tăng 86% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị phần của hãng Ford tăng từ 4,2% năm ngoái lên 7,4%, giúp Ford trở thành hãng bán được nhiều xe điện lớn thứ nhì nước Mỹ. Tuy nhiên Ford cũng vừa tuyên bố kế hoạch sản xuất xe điện chậm lại so với trước để đối phó với nhu cầu thị trường đang chựng lại.
Yếu tố chính trị
Xe điện bớt nóng so với các năm trước một phần cũng do yếu tố chính trị của nước Mỹ khi đảng Dân chủ muốn đẩy mạnh việc phát triển xe điện để dần thay thế xe xăng, còn đảng Cộng hòa phản đối các chính sách như thế. Chính quyền Tổng thống Biden vừa công bố hàng loạt quy định nhằm bảo đảm đến năm 2032 đa số xe hơi và xe tải nhẹ bán ra ở Mỹ sẽ là xe điện hay xe lai điện.
Các quy định này không hẳn là lệnh cấm bán xe chạy xăng; chúng chỉ đòi hỏi các nhà sản xuất tuân thủ các giới hạn phát thải ngày càng nghiêm khắc trong giai đoạn từ 2027-2032. Mục đích cuối cùng là đến năm 2032, chừng 56% xe hơi bán ra là xe điện, thêm chừng 16% nữa là xe lai (hybrid).
Đối thủ của ông Biden, ứng cử viên Tổng thống Donald Trump lên án quy định mới, xem chúng là lệnh cấm xe chạy xăng, cáo buộc chúng sẽ “giết chết” ngành công nghiệp xe hơi Mỹ. Ông cho rằng loạt quy định mới sẽ xóa sổ nhiều công ăn việc làm và gián tiếp khuyến khích xe điện giá rẻ từ Trung Quốc tràn ngập thị trường Mỹ. Viễn cảnh một thị trường xe hơi tương lai toàn xe điện cũng khá xa vời với các vùng nông thôn Mỹ, nơi cơ sở hạ tầng sạc xe điện hầu như chưa vươn tới, người dân lại quen với các xe chạy xăng tiện dụng.
Thượng nghị sĩ Shelley Moore Capito phát biểu, xem như đại diện cho tiếng nói của phe Cộng hòa trước chủ trương của phe Dân chủ: “Chính quyền Biden đang quyết định giùm cho dân Mỹ loại xe nào họ được phép mua hay lái”. Nói cách khác, chính sách mới của ông Biden có những yếu tố phe bảo thủ thường chống đối: sự can thiệp sâu của nhà nước, sự ép buộc người dân Mỹ từ bỏ các tiện nghi nhân danh bảo vệ môi trường. Một khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy 70% người dân theo phe Cộng hòa cho biết họ không cân nhắc mua xe điện trong khi 56% người dân theo phe Dân chủ lại bảo sẽ mua.
Nguồn: Xe điện hết nóng