Xử nghiêm doanh nghiệp chậm đóng phí xử lý chất thải
* Hai trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất
Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR) gồm 02 trách nhiệm cụ thể: trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì (Điều 54) và trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải (Điều 55).
Đối với trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì thì doanh nghiệp có lộ trình thực hiện, cụ thể một số sản phẩm, bao bì sẽ bắt đầu từ ngày 01/01/2024 và một số sản phẩm sẽ thực hiện từ ngày 01/01/2025 hoặc từ 01/01/2027. Riêng đối với trách nhiệm thu gom, tái chế chất thải thì không quy định lộ trình và doanh nghiệp sẽ thực hiện trách nhiệm này kể từ ngày 01/01/2022.
Đối với trách nhiệm xử lý chất thải, Điều 55 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định nhà sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm, bao bì chứa chất độc hại, khó có khả năng tái chế hoặc gây khó khăn cho thu gom, xử lý sau tiêu dùng thì phải có trách nhiệm đóng góp tiền vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ các hoạt động thu gom, xử lý chất thải. Theo đó, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ đã quy định 13 nhóm sản phẩm, bao bì thuộc đối tượng thực hiện trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải, bao gồm: thuốc bảo vệ thực vật; kẹo cao su; pin sử dụng một lần; tã, bỉm, băng vệ sinh, khăn ướt; đồ nhựa dùng một lần; một số sản phẩm dùng một lần có thành phần nhựa tổng hợp; đồ nội thất có thành phần nhựa tổng hợp; đồ chơi trẻ em có thành phần nhựa tổng hợp; quần áo, phụ kiện có thành phần nhựa tổng hợp; đồ da, giày giéo có thành phần nhựa tổng hợp; túi ni lông khó phân hủy kích thước nhỏ.
Sau ngày 20/4, còn nhiều doanh nghiệp chưa đóng tiền vào Quỹ Bảo vệ môi trường để thực hiện trách nhiệm xử lý chất thải. Ảnh minh họa |
* Sẽ có chế tài đối với doanh nghiệp phớt lờ quy định
Tại cuộc họp trực tuyến với đại diện các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu lớn thuộc đối tượng thực hiện trách nhiệm xử lý chất thải theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường mới đây, ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT cho biết, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm, bao bì thuộc 13 nhóm sản phẩm, bao bì quy định tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP phải nộp bản kê khai trước ngày 31/3/2022 và nộp tiền hỗ trợ xử lý chất thải trước ngày 20/4/2022 về Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam. Theo báo cáo của Quỹ BVMT Việt Nam đến nay cơ bản các nhà sản xuất, nhập khẩu đã thực hiện đúng trách nhiệm này nhưng vẫn còn một số nhà sản xuất, nhập khẩu, kể cả các doanh nghiệp lớn chưa nghiêm túc thực hiện.
Hiện, Bộ TN&MT đã có danh sách các doanh nghiệp này và sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử lý ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, dự kiến cuối tháng 5 năm nay.
Cũng theo ông Phan Tuấn Hùng, hành vi không kê khai, không nộp tiền hỗ trợ xử lý chất thải trước ngày Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường ban hành vẫn bị xử phạt bởi đây là các hành vi vi phạm đang được thực hiện và thời hiệu xử phạt là 2 năm kể từ thời điểm phát hiện hành vi vi phạm.
Việc thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, việc này nhằm bảo đảm sự tuân thủ và nghiêm minh của pháp luật mà còn là bảo đảm sự công bằng, bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Không thể để tình trạng trong cùng một ngành hàng mà doanh nghiệp này thực hiện trong khi đó doanh nghiệp kia không thực hiện, Vụ trưởng Vụ Pháp chế nhấn mạnh.
Ngoài ra, các chuyên gia môi trường cho rằng, việc trốn tránh không thực hiện hoặc trì hoãn thực hiện trách nhiệm này không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn cho thấy một số doanh nghiệp còn thiếu trách nhiệm đối với môi trường và cộng đồng; nên cần thiết phải công khai tên những doanh nghiệp này cho cộng đồng, người tiêu dùng biết và có thái độ với các sản phẩm của các doanh nghiệp này sản xuất, nhập khẩu.
Tại cuộc họp, đại diện Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT đã tiếp nhận và giải đáp trực tiếp các câu hỏi, thắc mắc của các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện quy định trách nhiệm xử lý chất thải. Theo kế hoạch, Bộ TN&MT sẽ tiếp tục tổ chức các hội thảo phổ biến quy định này ở quy mô lớn hơn với sự tham gia của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong thời gian tới.
Theo dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, mức xử phạt tiền cao nhất đối với hành vi không đóng tiền hỗ trợ thu gom, xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu là 2 tỷ đồng. Ngoài ra còn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp số tiền phải nộp và công khai thông tin hành vi vi phạm trên Cổng thông tin điện tử EPR quốc gia. |
Nguồn: Xử nghiêm doanh nghiệp chậm đóng phí xử lý chất thải