Hà Nội: 17°C
Thừa Thiên Huế: 18°C
TP Hồ Chí Minh: 28°C
Quảng Ninh: 16°C
Hải Phòng: 17°C

Yếu tố đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

Du lịch hiện nay được xem là một ngành kinh tế mũi nhọn, bởi mang lại nguồn thu nhập lớn cho nền kinh tế, tạo việc làm, phát triển các ngành dịch vụ, cơ sở vật chất, hạ tầng, thúc đẩy hòa bình, giao lưu văn hóa.

Với lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, sự đa dạng về văn hóa, sự phát triển của các làng nghề truyền thống…, trong những năm qua, ngành du lịch Việt Nam đã phát triển nhanh chóng và đạt được thành quả quan trọng.

Theo số liệu thống kê, năm 2024, khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 17,5 triệu lượt, tăng 39,5% so với năm 2023. Tổng số khách du lịch nội địa đạt 110 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng. Tăng trưởng du lịch đóng góp tích cực vào tăng trưởng khu vực dịch vụ cũng như toàn nền kinh tế năm 2024. Sự phát triển của ngành du lịch tác động lan tỏa đến sự phát triển của nhiều ngành, lĩnh vực khác.

Doanh thu của các ngành dịch vụ năm 2024 đã ghi nhận mức tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 4.921,7 nghìn tỷ đồng, tăng 8,3% so với năm trước; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 733,9 nghìn tỷ đồng, tăng 12,9%; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 62,5 nghìn tỷ đồng, tăng 16,0%; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 672,9 nghìn tỷ đồng, tăng 9,0%. Kết quả này là do chính sách thị thực thuận lợi, các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh cùng với những giải thưởng du lịch danh giá được các tổ chức quốc tế trao tặng là động lực chính thu hút khách quốc tế đến Việt Nam tăng cao trong năm 2024.

Yếu tố đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn
Nông nghiệp, nông thôn - sản phẩm du lịch độc đáo ngày càng được nhiều khách lựa chọn.

Theo các chuyên gia, về nền tảng, Việt Nam có lợi thế lớn, đây được xem là tiềm năng để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Theo đó, lợi thế về địa lý, tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan, danh lam thắng cảnh tạo cho Việt Nam một nét đặc sắc riêng. Sự đa dạng về địa hình, địa chất, hệ sinh thái của Việt Nam có cả ở ngoài vùng biển, vùng đồng bằng, vùng núi, trung du, lợi thế này có khả năng hấp dẫn được nhiều khách du lịch đến từ các khu vực khác nhau trên thế giới. Đáng chú ý, thời gian qua, nhiều điểm du lịch mới được mở ra đã thu hút đông đảo du khách tham quan.

Các điểm du lịch ở các tỉnh thuộc vùng núi phía Bắc như Hà Giang đã tạo dựng được thương hiệu là điểm đến mới quyến rũ qua việc tổ chức Lễ hội hoa tam giác mạch; Yên Bái với lễ hội “Mùa vàng Mù Căng Chải”, tâm điểm là sự kiện “Bay trên Mùa vàng”; vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng với hang Sơn Đoòng tạo sức hút lớn đối với du khách quốc tế và quan tâm của khách nội địa; Các điểm du lịch biển ở vùng Duyên hải Bắc Bộ, miền Trung, Nam Trung Bộ, Phú Quốc, Côn Đảo có nhiều đổi mới về quản lý và cung cấp dịch vụ, tạo sức hấp dẫn mới đối với khách du lịch trong nước và quốc tế...; vườn quốc gia Cúc Phương, rừng quốc gia U Minh, Phong Nha - Kẻ Bàng, khu danh thắng Tràng An, vịnh Hạ Long, các đảo Cô Tô, Phú Quốc, Côn Đảo, các vườn quốc gia và công viên địa chất và hàng nghìn ki-lô-mét bờ biển với rất nhiều bãi biển đẹp, tạo ra một lợi thế không nhỏ cho phát triển các loại hình du lịch tham quan thắng cảnh tại Việt Nam.

Theo các chuyên gia, truyền thống văn hóa đặc sắc của các dân tộc Việt Nam, các lễ hội, di tích lịch sử, cách mạng, khảo cổ, là một lợi thế tuyệt vời để phát triển du lịch theo sở thích của những du khách muốn tìm hiểu về truyền thống văn hóa Việt Nam. Loại hình du lịch này còn góp phần giúp cho hình ảnh của Việt Nam nhanh chóng đến với thế giới.

Theo thống kê, trên cả nước có hàng nghìn di tích được xếp hạng (trong đó có di tích lịch sử, di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích khảo cổ, di tích danh lam thắng cảnh và di sản phi vật thể. Việt Nam hiện có trên 10 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, như: Nhã nhạc Cung đình Huế; Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên; Dân ca Quan họ Bắc Ninh; Ca Trù; Hội Gióng ở đền Phù Đổng và Đền Sóc; Tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ; Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ; Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh; Nghi lễ và trò chơi kéo co; Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt; Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ; Hát Xoan; Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái và mới đây nhất là Nghệ thuật Xòe Thái. Như vậy, tham quan các di tích lịch sử và thưởng thức các loại hình văn hóa nghệ thuật phong phú đa dạng của Việt Nam cũng là một trong nhưng lợi thế để thu hút khách nước ngoài và trong nước, góp phần quan trọng thúc đẩy du lịch Việt Nam tiếp tục phát triển.

Các làng nghề đặc trưng về thủ công mỹ nghệ và một số nghề truyền thống khác cũng là những điểm đến du lịch có khả năng thu hút khách tham quan, mang lại những giá trị kinh tế cao cho người dân địa phương nói riêng và cho nền kinh tế Việt Nam nói chung. Việt Nam có nhiều làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống, như gốm Bát Tràng, làng khảm trai Chuyên Mỹ (thành phố Hà Nội), gốm Phù Lãng (tỉnh Bắc Ninh), gốm Thổ Hà (tỉnh Bắc Giang), làng cói Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình), làng đá mỹ nghệ Non Nước (thành phố Đà Nẵng), làng gốm Bàu Trúc (tỉnh Ninh Thuận), làng dệt vải Bảy Hiền,... Một số ngành nghề khác như nghề nuôi ong (Hòa Bình), trồng cây kiểng (Hưng Yên), nghề làm kẹo dừa (Bến Tre) là điểm đến tham quan du lịch yêu thích của rất nhiều du khách trong và ngoài nước.

Tham quan làng nghề, một mặt giúp giới thiệu sản phẩm cho các làng nghề, mặt khác có thể bán sản phẩm trực tiếp cho du khách yêu thích các món đồ đặc trưng mang về làm kỷ niệm, hơn nữa có thể thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam mang lại những nguồn lợi lớn cho doanh nghiệp nói riêng và cho nền kinh tế Việt Nam nói chung.

Các chuyên gia cho rằng, ngoài những lợi thế kể trên, nguồn lực con người cũng rất quan trọng cho phát triển du lịch Việt Nam. Quy mô dân số cả nước đạt khoảng 100 triệu người; lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên khoảng trên 50,6 triệu người. Lực lượng lao động to lớn là một trong những lợi thế không hề nhỏ để phát triển kinh tế nói chung và ngành Du lịch nói riêng. Trong đó, bên cạnh đội ngũ trí thức, các nhà quản lý, các hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp được đào tạo bài bản, công phu. Đội ngũ nghệ nhân dân gian trong các lĩnh vực âm nhạc, hội họa, làm nghề truyền thống... Tất cả đều tích cực tham gia quảng bá và giới thiệu những sản phẩm du lịch đặc sắc với những sắc thái riêng của từng loại hình du lịch tại Việt Nam, giữ gìn và phát huy di sản văn hóa, phát triển các ngành Du lịch, thủ công mỹ nghệ, âm nhạc... Người dân Việt Nam thân thiện mến khách cũng sẽ là những lợi thế giúp cho ngành Du lịch tiếp tục phát triển.

Để phát huy giá trị, tiềm năng to lớn, cũng như để du lịch phát triển mạnh, theo hướng bền vững, ngày 13/6/2024, Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, có năng lực phát triển du lịch cao trên thế giới. Đến năm 2030, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh; trở thành điểm đến có năng lực phát triển hàng đầu thế giới.

Cụ thể, tại giai đoạn đến năm 2030: Khách du lịch (Năm 2025 phấn đấu đón từ 25 - 28 triệu lượt khách quốc tế; 130 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 8 - 9%/năm. Đến năm 2030, đón 35 triệu lượt khách quốc tế, tốc độ tăng trưởng từ 13 - 15%/năm; đón 160 triệu lượt khách nội địa, tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 4 - 5%/năm). Đóng góp của du lịch trong GDP (Năm 2025 đóng góp trực tiếp 8 - 9% trong GDP; đến năm 2030 đóng góp trực tiếp từ 13 - 14% trong GDP). Nhu cầu buồng lưu trú (Năm 2025 khoảng 1,3 triệu buồng; đến năm khoảng 2 triệu buồng). Tạo việc làm (Năm 2025 tạo ra khoảng 6,3 triệu việc làm, trong đó khoảng 2,1 triệu việc làm trực tiếp; đến năm 2030 tạo ra khoảng 10,5 triệu việc làm, trong đó khoảng 3,5 triệu việc làm trực tiếp).

Về văn hóa - xã hội: Du lịch góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá, tạo sinh kế cho cộng đồng, góp phần thực hiện thắng lợi các chương trình mục tiêu quốc gia; nâng cao dân trí và đời sống tinh thần của người dân.

Về môi trường: Phát triển du lịch bền vững gắn với bảo vệ môi trường; ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Đến năm 2030, 100% các khu, điểm du lịch; các cơ sở lưu trú du lịch và các cơ sở kinh doanh dịch vụ khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy. Về an ninh, quốc phòng: Góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, giữ vững an ninh, trật tự và an toàn xã hội.

Đến năm 2045: Khẳng định vai trò động lực của nền kinh tế; điểm đến nổi bật toàn cầu, trong nhóm quốc gia phát triển du lịch hàng đầu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Về các chỉ tiêu chính: Phấn đấu đón 70 triệu khách quốc tế; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 7.300 nghìn tỷ đồng; đóng góp 17 - 18% trong GDP.

Nguồn: Yếu tố đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

Ngọc Hân
thiennhienmoitruong.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin mới nhất

Thị trường chứng khoán ngày 31/3: Phiên cuối tháng 3 chìm trong sắc đỏ, thanh khoản tăng trở lại

Thị trường chứng khoán ngày 31/3: Phiên cuối tháng 3 chìm trong sắc đỏ, thanh khoản tăng trở lại
Phiên giao dịch đầu tuần, cũng là phiên cuối cùng của tháng 3, chứng kiến sự điều chỉnh mạnh của thị trường. Áp lực bán từ khối ngoại và tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước thềm kết thúc quý I/2025 đã tạo ra lực cản đối với đà tăng của thị trường.

Tử vi vòng quay công nghệ ngày 1/4/2025: Tuổi Ngọ gặp vất vả, tuổi Tý thuận lợi

Tử vi vòng quay công nghệ ngày 1/4/2025: Tuổi Ngọ gặp vất vả, tuổi Tý thuận lợi
Những bí ẩn của khoa học đời sống là "món ăn" tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống của con người. Tử vi vòng quay công nghệ xem tử vi 12 con giáp ngày 1/4/2025 cho tất cả các tuổi nhằm dự đoán vận hạn về công danh, tiền bạc, tình duyên, sức khỏe...

Lâm Đồng: Nhiều thách thức trong quản lý, khai thác tài nguyên nước

Lâm Đồng: Nhiều thách thức trong quản lý, khai thác tài nguyên nước
Thời gian tới, tỉnh Lâm Đồng tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp công trình để bảo vệ, cải thiện chất lượng các nguồn nước mặt. Trong đó, tập trung hoàn thiện hệ thống thoát nước và xử lý nước thải tại các khu, cụm công nghiệp, cải tạo nâng cấp các bãi rác và hệ thống xử lý nước rỉ rác...

Động đất tại Myanmar: 1.700 người thiệt mạng, WHO kêu gọi viện trợ khẩn cấp

Động đất tại Myanmar: 1.700 người thiệt mạng, WHO kêu gọi viện trợ khẩn cấp
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá trận động đất ở Myanmar là tình trạng khẩn cấp ở cấp độ cao nhất, đồng thời kêu gọi tài trợ khẩn cấp 8 triệu USD để cứu người và ngăn chặn dịch bệnh bùng phát tại quốc gia này trong 1 tháng tới.

Ngôi sao Việt kiều đắt giá sắp được dự World Cup 2026 là ai?

Ngôi sao Việt kiều đắt giá sắp được dự World Cup 2026 là ai?
Cầu thủ Việt kiều đắt giá nhất với giá trị chuyển nhượng hơn 330 tỷ đồng đang đứng trước cơ hội lớn được dự World Cup 2026.