Yếu tố tạo đột phá trong phát triển bền vững ở Việt Nam
Hợp tác vì sự phát triển bền vững ở lưu vực sông Mê Kông Giải pháp giảm phát thải khí nhà kính để phát triển bền vững |
Ảnh minh họa. |
Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh bền vững trong giai đoạn mới, ngày 1/10/2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050”.
Theo đó, Việt Nam đặt ra các mục tiêu cụ thể như: giảm ít nhất 15% khí nhà kính đến năm 2030 và giảm thêm 30% đến năm 2050; đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế; áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số; phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Cam kết cho tương lai
Phát biểu tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tại Vương quốc Anh ngày 1/11/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, biến đổi khí hậu thực sự trở thành thách thức lớn nhất đối với nhân loại. Các hiện tượng thời tiết cực đoan và tình trạng nước biển dâng đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, đến sự phát triển bền vững, thậm chí đe dọa sự tồn vong của nhiều quốc gia và cộng đồng dân cư của chúng ta.
Thủ tướng nhấn mạnh, là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất do biến đổi khí hậu, Việt Nam đang hết sức nỗ lực vừa ứng phó với biến đổi khí hậu, vừa phát triển kinh tế để vươn lên, bảo đảm cuộc sống ngày càng tốt hơn cho mọi người dân, đồng thời đóng góp có trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế.
Là nước đang phát triển, mới bắt đầu tiến trình công nghiệp hóa trong hơn ba thập kỷ qua nhưng Việt Nam có lợi thế về năng lượng tái tạo, sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Sau phát biểu của Thủ tướng tại COP26, Quyền Trưởng đại diện thường trú Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam Terence Jones bày tỏ ấn tượng với cam kết của Việt Nam, cho rằng tuyên bố này đã khuyến khích các quốc gia khác nâng cao mức cam kết giảm phát thải khí nhà kính. Đại diện UNDP ấn tượng với việc Việt Nam tập trung vào cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm, công bằng, công lý về biến đổi khí hậu để mọi người đều được hưởng lợi.
Theo đánh giá của Bộ trưởng, Chủ tịch COP26 Alok Sharma mới đây, Việt Nam đã quyết định đúng đắn khi đưa ra cam kết phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050 tại COP26, đồng thời, đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam thúc đẩy triển khai cam kết này, nhất là việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia thực hiện cam kết tại Hội nghị COP26 do Thủ tướng Phạm Minh Chính làm Trưởng ban.
Chủ tịch COP26 cho biết, tại cuộc họp tháng 3/2022, theo đề xuất của Anh, các thành viên G7 thống nhất đưa Việt Nam vào danh sách các nước ưu tiên hợp tác năng lượng của G7. Trên cơ sở đó, Chủ tịch COP26 mong muốn G7 và Việt Nam sớm đạt thỏa thuận hợp tác về chuyển đổi năng lượng công bằng, bền vững.
Xu hướng tất yếu
Mỹ là một trong những nước tiếp cận sớm chính sách tăng trưởng xanh để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua các chính sách phát triển năng lượng sạch, tiết kiệm năng lượng, giảm bớt ô nhiễm môi trường và tái tạo năng lượng. Chính phủ Mỹ cũng đã thông qua một loạt tiêu chuẩn mới về khí thải như yêu cầu các công ty sản xuất ô tô chuyển sang các mẫu xe kết hợp sử dụng cả điện và xăng dầu, cải tiến động cơ để tiết kiệm nhiên liệu...
Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng xanh là ưu tiên hàng đầu và “mạnh tay” chi cho bảo vệ môi trường trong những năm gần đây. Nền kinh tế số hai thế giới đề ra các mục tiêu cụ thể cắt giảm phát thải carbon, đề ra mục tiêu giảm 10% khí nhà kính và đẩy mạnh năng lực sản xuất điện không dùng nhiên liệu hóa thạch. Thông qua chương trình “1000 doanh nghiệp”, Trung Quốc đã đầu tư lớn ngân sách vào cải thiện hiệu quả năng lượng, hỗ trợ tài chính cho người tiêu dùng khi lựa chọn sử dụng các sản phẩm tiết kiệm năng lượng và thành lập Quỹ chuyên biệt để xử lý chất thải.
Từ năm 2003, Nhật Bản đã ban hành “Chiến lược năng lượng sinh khối” và xây dựng các mô hình đô thị thông minh, đô thị xanh và sinh thái. Để giảm lượng khí thải, từ năm 2008, Nhật Bản đưa ra “Kế hoạch hành động cho một xã hội carbon thấp”, đặt trọng tâm vào sản xuất năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời; phát triển các phương tiện vận tải không dùng xăng, thiết kế thế hệ xe mới sử dụng năng lượng điện; thực hiện lối sống giảm khí thải CO2, giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch và tiết kiệm năng lượng để giảm khí nhà kính. Nhật Bản đã đạt mục tiêu giảm 25% lượng khí thải nhà kính từ năm 2020. Hiện xứ anh đào đang phấn đấu cho mục tiêu giảm 80% lượng khí thải nhà kính vào năm 2050, giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
Vương quốc Anh đề ra chiến lược dài hạn theo hướng xanh, cung cấp một gói các biện pháp cho từng lĩnh vực, đẩy việc sử dụng các phương tiện có lượng khí thải thấp. Chính phủ Anh đưa ra chiến lược và tầm nhìn cho từng lĩnh vực cụ thể, xác định các cơ hội và sau đó đưa ra các mục tiêu. Việc liên kết với các kế hoạch ngành khác được nêu trong Chiến lược dài hạn theo hướng xanh.
Hàn Quốc có những chính sách về tăng trưởng xanh từ rất sớm như Chiến lược tăng trưởng xanh thông qua tháng 9/2008. Chính phủ Hàn Quốc đã tiến hành một loạt các hành động, bao gồm: gói kích cầu “Hiệp định tăng trưởng xanh mới”, “Kế hoạch nghiên cứu và phát triển toàn diện về công nghệ xanh”. Luật khung về tăng trưởng xanh cũng được chính phủ nước này công bố thi hành vào tháng 1/2010.
Ngày 10/5, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42 tại Indonesia đã thông qua Tuyên bố của các nhà lãnh đạo về phát triển hệ sinh thái xe điện khu vực. Tuyên bố nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc sử dụng xe điện như một phần nỗ lực của ASEAN nhằm giảm phát thải khí nhà kính, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng, khử carbon trong giao thông đường bộ, đạt mục tiêu trung hòa carbon, cải thiện an ninh năng lượng ở từng nước và trong toàn khu vực.
Nỗ lực của Việt Nam
Hiện nay, nhận thức của người dân, doanh nghiệp, cộng đồng về vai trò, ý nghĩa của tăng trưởng xanh đã được nâng lên rõ rệt, từng bước thay đổi hành vi sản xuất, sinh hoạt, tiêu dùng và có nhiều hành động thiết thực đóng góp vào thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia của Chính phủ.
Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên với chủ đề “Cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong thúc đẩy tăng trưởng xanh” diễn ra ngày 19/3 tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo, tăng trưởng xanh cần lộ trình phù hợp, tính đến điều kiện và năng lực khác nhau, tính khả thi của từng vùng miền, địa phương và doanh nghiệp.
Thủ tướng khuyến khích sự hưởng ứng và tham gia của tất cả các chủ thể trong xã hội, nhất là doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các dự án theo hình thức đối tác công-tư (PPP) trong tăng trưởng xanh; thúc đẩy các mô hình sản xuất kinh doanh, hình thành các chuỗi giá trị và ngành nghề mới thông qua xanh hóa sản xuất công - nông nghiệp và dịch vụ, khuyến khích phát triển hệ thống phân phối xanh và tiêu dùng xanh.
Việc nhận thức đầy đủ về vai trò của tăng trưởng xanh là động lực chính để phát triển bền vững và là công cụ hữu hiệu giúp Chính phủ cân đối nguồn lực trong nước và quốc tế hiệu quả, gắn kết chặt chẽ với các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội bền vững sẽ góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội đang là mục tiêu mà Việt Nam hướng tới.
Với nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, với định hướng triển khai thực hiện có chủ đích rõ ràng, tăng trưởng xanh của Việt Nam trong thời gian tới chắc chắn sẽ tiếp tục đóng góp tích cực vào công cuộc tái cấu trúc nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Trong bối cảnh của những thay đổi “vô tiền khoáng hậu” trên thế giới, đặc biệt là có sự tác động vô cùng mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, tăng trưởng xanh tiếp tục vừa là mục tiêu, vừa là phương pháp tiếp cận để tận dụng triệt để các hiệu ứng tích cực, góp phần tạo nên những đột phá trong triển khai thực hiện thành công mục tiêu phát triển nhanh và bền vững trong những thập kỷ tới, thực hiện cam kết của Việt Nam với quốc tế về cắt giảm khí nhà kính tại COP26.
Nguồn:Yếu tố tạo đột phá trong phát triển bền vững ở Việt Nam