Ai cấp phép cho đổ thải tràn xuống sông Tiên Yên?
Quảng Hòa (Cao Bằng): Hàng nghìn m² đất nông nghiệp bị “hô biến” thành bãi đổ thải |
Toàn cảnh bãi thải số 1, khổng lồ đã đổ xuống xâm lấn dòng sông Tiên Yên (huyện Tiên Yên, Quảng Ninh) |
Bao đất đá thải, họ đổ cả vào đây
Trao đổi với phóng viên về tình trạng đổ thải, anh Nguyễn Văn Dũng và rất nhiều người dân sống ở khu vực gần cảng Mũi Chùa, xã Tiên Lãng, huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) đều bức xúc cho biết: Tất cả đất đá thải của dự án đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái. Họ xúc, đào, hạ cốt ở 1 số quả đồi, rồi chở cả về đây đổ. Nhất là lúc làm mấy đầu cầu, đường dẫn lên cao tốc, tốc độ “xẻ núi, bạt đồi” của các nhà thầu càng tăng. Và cuối cùng là giờ tràn hết xuống sông.
Cũng theo bà con nhân dân địa phương cho biết: Trước đây cũng là khu vực “tránh bão”, nên một số tàu thuyền đánh cá ngoài cửa biển thường xuyên về đây neo đậu. Có một số khu được các hộ dân tận dụng mặt nước để nuôi trồng thủy sản. Nhưng giờ thì thôi rồi, ô nhiễm nặng!
Thu hẹp dòng chảy, ngay cửa biển Mũi Chùa của cửa sông Tiên Yên. Ai đã cấp phép cho việc đổ thải này. |
Cũng theo ý kiến của anh Nguyễn Văn Dũng, khu vực hành lang sông Tiên Yên phải được bảo vệ nghiêm ngặt, nhằm giữ gìn môi trường, giữ những vạt rừng sú, vẹt phía ngoài. Nhưng, không hiểu vì sao chính quyền huyện Tiên Yên “buông lỏng” và cho quy hoạch khu vực hành lang cửa sông Tiên Yên làm bãi đổ thải cho dự án đường cao tốc. Giờ hệ lụy là gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến dòng chẩy của sông.
“Mục sở thị” tại hiện trường, phóng viên nhận thấy những tố cáo của người dân khu vực Mũi Chùa, xã Tiên Lãng có cơ sở. Dẫn phóng viên đi thực địa bằng xe máy, phóng viên quan sát thấy cả 1 dải theo dọc bờ dòng sông Tiên Yên dài khoảng gần 1 km đã bị “san thành bình địa. Chỗ thì cho đánh đống lên như ngọn đồi, chỗ thì tập kết xe máy, đất đá thải đổ bừa phứa. Và “tổng lực” thi công ở đây là Công ty CP Licogi 16 (TCT xây dựng và phát triển hạ tầng - Licogi)
Qua điều tra, phóng viên được biết: dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT). Công trình do liên danh 3 đơn vị gồm: Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển hạ tầng Long Vân, Công ty CP MT Vân Đồn, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Công Thành góp vốn đầu tư. Sau đó thành lập chung doanh nghiệp của dự án mang tên Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển hạ tầng Vân Đồn. Tổng vốn đầu tư cho dự án khoảng trên 11 ngàn tỷ đồng, dự kiến thi công trong 2 năm. Sau khi hoàn thành, tuyến đường sẽ rút ngắn thời gian Vân Đồn đi Móng Cái từ 2 giờ xuống còn gần 50 phút.
Nhiều sai phạm...
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thế Nam, Chủ tịch UBND xã Tiên Lãng cho biết: “Khu vực bãi đổ thải của dự án đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, trước đấy vào mùa mưa bão. UBND xã vận động tầu thuyền đánh cá vào đây để tránh bão. Còn ngày thường cũng có tầu, thuyền vào đấy neo đậu để cung cấp nhu yếu phẩm và bán hải sản. Chỗ giờ đã là bãi thải, thì cách đây 10 năm, có 1 số hộ dân tự đầu tư đắp ao nuôi trồng thả cá...
Ai sẽ đảm bảo, dòng sông không bị bồi lắng và ô nhiễm. Ai đã cấp phép cho việc đổ thải này ? |
Ông Mai Quang Vinh, Trưởng phòng TN&MT huyện Tiên Yên cho biết: Qua kiểm tra, đơn vị thi công dự án đường Cao tốc Vân Đồn – Móng Cái đã đổ thải vượt quy hoạch. Trước, UBND tỉnh đã cho chủ trương là cho sử dụng phần đất thải vượt của bãi thải để phục vụ thi công san lấp một số dự án trên địa bàn huyện. Tỉnh cho huyện lựa chọn một đơn vị, huyện đã lựa chọn được một đơn vị, huyện đang hoàn tất các thủ tục giao cho đơn vị đấy sử dụng phần thải thừa. Còn mặt bằng của bãi thải, mà đã đổ rồi, UBND huyện đã quy hoạch làm khu thương mại dịch vụ nghỉ dưỡng, nhà hàng ăn uống, khách sạn... Sau này có đơn vị nào muốn vào đầu tư thì sẽ đấu giá theo quy định...
Tuy nhiên, khi được hỏi là với số lượng đất thải quá lớn, 1 phần trôi xuống cửa sông Tiên Yên thì sau này, huyện xử lý như thế nào. Thì người lãnh đạo Phòng Tài nguyên và môi trường chưa trả lời rõ.
Số lượng đất thải vượt 200 nghìn m3, trôi xuống sông Tiên Yên |
Qua tìm hiểu trong một số văn bản giấy tờ của huyện cung cấp, phóng viên được biết: Trong biên bản làm việc về việc xem xét giải quyết đề nghị của UBND huyện Tiên Yên và Công an tỉnh Quảng Ninh đối với nguồn vật liệu đất san lấp phục vụ một số dự án trên địa bàn huyện Tiên Yên tại điểm đổ thải số 1 tại xã Tiên Lãng, huyện Tiên Yên, do Ban QLDA ĐTXD các công trình giao thông tỉnh Quảng Ninh quản lý, sử dụng làm bãi đổ thải và tập kết tạm đất đá dư thừa từ dự án tuyến đường cao tốc Vân Đồn – Tiên Yên.
Tuy nhiên, Ban QLDA ĐTXD các công trình giao thông tỉnh Quảng Ninh vẫn chưa hoàn thiện thủ tục thuê đất theo quy định. Tổng khối lượng đổ thải đã được phê duyệt 197.835m3. Cao độ san nền thấp nhất +3,3m, lớn nhất +4,4m. Thời gian bắt đầu đổ thải: từ tháng 3/2021. Nhưng thực tế, tại hiện trạng, đá đá vẫn đang đổ thải. Vã cũng theo báo cáo của Ban QLDA ĐTXD các công trình giao thông tỉnh Quảng Ninh thì hồ sơ thiết kế dự án, khối lượng đã đổ thải đến thời điểm báo cáo là khoảng 400.000 m3. Vượt 200.000m3 tại đây.
Phân tích về tình trạng đất thải vượt mức, so với tính toán, Kỹ sư Nguyễn Đăng Tâm, từng công tác tại TCT Sông Đà phân tích: việc tính toán “trội” khối lượng gấp đôi, cho thấy trình độ tính toán quá kém, đơn vị tư vấn thiết kế không “tiên lượng” được cụ thể, khiến cho xác suất quá lớn. Khiến cho vị trí đổ thải, bãi thải bị phình quá lớn. Nếu không có giải pháp ổn thỏa, hơn 20 vạn khối đất này này sẽ rất nguy hại cho môi trường.
Đã đến lúc các ngành chức năng cần phải làm rõ, việc đất thải đổ xuống sông Tiên Yên có nguy hại không? Có ảnh hưởng không? Ai sẽ phải chịu trách nhiệm khi môi trường của sông bị bồi lắng do chính các nhà thầu đổ xuống. Trách nhiệm của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển hạ tầng Vân Đồn (chủ đầu tư) và Nhà thầu – Cty CP Licogi 16 ở đâu, khi cố tình để đất thải tràn xuống mà không chen chắn?…
Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục phản ánh khi có phản hồi từ các cơ quan có thẩm quyền.
Nguồn:Tiên Yên – Quảng Ninh: Ai cấp phép cho đổ thải tràn xuống sông Tiên Yên?