Ấn Độ phát minh ra giống lúa mới để ứng phó với biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu đang khiến thời tiết toàn cầu ngày càng khó đoán. Tại Ấn Độ nói riêng, khu vực phía nam của đất nước này đang trở nên khô cằn hơn gây ảnh hưởng trực tiếp đến hàng ngàn héc ta lúa cũng như đời sống của người dân.
Ông Ravinder Reddy, nông dân tại làng Rayanpet cho biết, thời tiết ngày càng trở nên thất thường khiến chất lượng nông sản ngày càng giảm sút. Thậm chí có nhiều hạt giống không thể nảy mầm do mưa quá nhiều hoặc do hạn hán kéo dài.
Trong bối cảnh ấy, theo tờ AP, các tổ chức nghiên cứu nông nghiệp ở Ấn Độ đã làm việc trong nhiều năm để tạo ra các giống lúa có thể chịu đựng tốt hơn sự thay đổi thất thường của khí hậu. Giống lúa này đã được thử nghiệm tại chính làng Rayanpet và thu được kết quả khá tích cực.
Cụ thể, giống lúa mới cho năng suất cao hơn, cần ít nước tưới hơn và có khả năng kháng bệnh tốt hơn giống cũ. Theo tính toán của các tổ chức nghiên cứu nông nghiệp ở Ấn Độ, trong vòng năm năm tới, giống lúa mới sẽ được các nông dân trồng rộng rãi.
Ấn Độ đang trồng thử nghiệm giống lúa mới |
Ấn Độ là một trong những nước sản xuất, tiêu thụ lúa mì và gạo lớn nhất thế giới. Các tổ chức nghiên cứu tại quốc gia này từ lâu đã nỗ lực sản xuất các loại hạt giống mới giúp tăng năng suất, chịu được hạn hán hoặc kháng bệnh. Đây là nhu cầu ngày càng tăng khi biến đổi khí hậu dẫn đến thời tiết khắc nghiệt và khó lường hơn.
Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc công bố đầu năm nay, hơn 700 triệu người trên thế giới đang rơi vào tình trạng thiếu lương thực. Do đó, việc đưa vào trồng rộng rãi các loại hạt giống mới, không chỉ tại Ấn Độ mà còn nhiều quốc gia khác tại châu Phi, Trung Mỹ cũng như châu Á là hoạt động cấp thiết.
Nguồn: Ấn Độ phát minh ra giống lúa mới để ứng phó với biến đổi khí hậu