Áp lực chi phí đè nặng làm giảm triển vọng doanh nghiệp ngành dược
Trái chiều lợi nhuận doanh nghiệp ngành dược
Trong báo cáo gần đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định lợi nhuận ròng quý 2/2023 toàn thị trường sẽ giảm 4% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, ngành công nghệ thông tin và dược phẩm sẽ là điểm sáng trong quý 2/2023 với mức tăng trưởng dự báo bền bỉ từ 20%-25% so với quý 2/2022, dẫn dắt bởi FPT, DHG, DBD, IMP.
Thực tế cho thấy, kết thúc quý 2/2023, trong khi kết quả kinh doanh của nhiều nhóm ngành "thụt lùi" so với cùng kỳ thì đa phần các doanh nghiệp ngành dược phẩm lại tỏa sáng, ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh nhờ triển vọng khả quan của ngành.
Điển hình như CTCP Dược Hậu Giang (Mã: DHG) quý 2/2023 ghi nhận lợi nhuận cao nhất trên sàn chứng khoán. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế công ty đạt 263 tỷ đồng tăng 12% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng, Dược Hậu Giang thu về 2.381 tỷ đồng doanh thu, tăng 15% so với cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế và sau thuế lần lượt đạt 680 tỷ và 624 tỷ, tương ứng tăng 24% và 27% so với cùng kỳ.
Quý vừa qua, CTCP Dược phẩm Imexpharm (Mã: IMP) cũng đạt mức lợi nhuận cao kỷ lục (80 tỷ đồng) kể từ khi lên sàn. Sau 6 tháng đầu năm, Imexpharm đạt 925 tỷ đồng doanh thu, tăng 37,6% so với cùng kỳ, 199 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và 158 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt và 58,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Không chỉ Imexpharm và Dược Hậu Giang, nhiều doanh nghiệp dược phẩm khác cũng ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan trong quý 2/2023 và 6 tháng đầu năm như Tổng công ty Dược Việt Nam - CTCP (Vinapharm – Mã: DVN); Dược phẩm Hà Tây (mã DHT); Dược phẩm Trung ương 3 (DP3);…
Trái lại với bức tranh tích cực của ngành, có một số doanh nghiệp ngành dược ghi nhận lợi nhuận quý 2 "thụt lùi" so với cùng kỳ, thậm chí là thua lỗ nặng do áp lực chi phí đè nặng.
Điển hình tại CTCP Dược Lâm Đồng - Ladophar (Mã: LDP) đã ghi nhận 5 quý lỗ liên tiếp, kể từ quý 2/2022. Cuối năm 2021, Ladophar chính thức về tay nhóm Louis Holdings. Đến tháng 4/2022, sau vụ việc ông Đỗ Thành Nhân bị bắt thì tình hình kinh doanh của Ladophar bắt đầu lao dốc. Năm ngoái, công ty lỗ luỹ kế gần 39 tỷ đồng.
Cùng cảnh ngộ, Hóa - Dược phẩm Mekophar (mã MKP) báo lợi nhuận quý 2/2023 tăng trưởng âm với mức lỗ sau thuế 104 triệu đồng, trong khi cùng kỳ vẫn có lãi dù mức lãi chỉ 763 triệu đồng. Quý đầu năm, hoạt động kinh doanh của Mekophar cũng khá ảm đạm với LNST vỏn vẹn 4,5 tỷ đồng. Kết quả, 6 tháng đầu năm lãi sau thuế của công ty đạt 4,4 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 23,2 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái.
Quý 2/2023, Công ty Cổ phần Traphaco (mã: TRA) báo doanh thu thuần giảm 12% xuống 518 tỷ đồng, mặc dù công ty đã tiết giảm các chi phí nhưng lãi sau thuế vẫn thu hẹp 5% xuống 78,5 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Traphaco đạt 1.136 tỷ đồng, giảm 6% so cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, trong kỳ doanh nghiệp đã chi 83,6 tỷ đồng cho quảng cáo, tăng 12% so với cùng kỳ nhưng các chi phí đều ở mức cao khiến doanh nghiệp báo báo lãi sau thuế giảm 8% so với cùng kỳ xuống 158 tỷ đồng.
Một doanh nghiệp ngành dược khác là Dược phẩm Cửu Long (mã: DCL) báo lãi sau thuế quý 2 giảm 32% xuống 17,8 tỷ đồng dù doanh thu tăng 23%. Nửa đầu năm, Dược Cửu Long báo doanh thu thuần giảm 16% so với cùng kỳ xuống 495,5 tỷ đồng, dù đã tiết giảm các chi phí nhưng giá vốn hàng bán tăng 30% lên 402 tỷ đồng khiến doanh nghiệp báo lợi nhuận sau thuế gần 32,5 tỷ đồng, thu hẹp 18% so với cùng kỳ.
Ngành dược còn triển vọng?
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thị trường chăm sóc sức khỏe của Việt Nam năm 2022 đạt hơn 20 tỷ USD, chiếm 6% GDP, dự báo tăng đến 23,3 tỷ USD vào năm 2025 và 33,8 tỷ USD năm 2030. Riêng về thị trường dược phẩm, Việt Nam đang trên đà tăng trưởng với tổng giá trị từ 3,4 tỷ USD năm 2015 lên đến gần 7 tỷ USD năm 2022.
Theo BMI Research dự báo, thị trường dược phẩm Việt Nam sẽ đạt 16,1 tỷ USD vào năm 2026, với tỉ lệ tăng trưởng kép lên tới 11% tính theo đồng Việt Nam. Dự báo đến năm 2030, tổng giá trị thị trường thuốc của Việt Nam sẽ lên đến trên 13 tỷ USD, tiền thuốc bình quân đầu người năm 2022 đạt khoảng 75 USD.
Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn 2040 được Chính phủ phê duyệt tháng 3/2021 đặt mục tiêu đến năm 2025 thuốc sản xuất trong nước đạt 75% số lượng sử dụng và 60% giá trị thị trường.
Mục tiêu đến năm 2030, thuốc sản xuất trong nước đạt 80% số lượng sử dụng và 70% giá trị thị trường. Đồng thời, cấp giấy chứng nhận sản xuất ít nhất 100 thuốc phát minh còn bản quyền, vaccine, sinh phẩm y tế và thuốc mà Việt Nam chưa sản xuất được.
Trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao trong khu vực, phấn đấu giá trị xuất khẩu thuốc sản xuất trong nước đạt khoảng 1 tỷ USD.
Đây sẽ là tiền đề để quy hoạch và phát triển nguồn dược liệu nước ta trong thời gian tới đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước.
Ở một diễn biến khác, trong báo cáo phân tích về ngành dược cuối tháng 3, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, thị phần kênh OTC (kênh bán lẻ ở tiệm thuốc) sẽ bị thu hẹp khi Bộ Y tế ban hành chính sách mới tạo điều kiện cho kênh ETC (kênh đấu thầu tại cơ sở và bệnh viện) phát triển trong dài hạn.
Còn theo dự báo của Fitch Solutions, doanh thu kênh ETC sẽ 5,46 tỷ USD (tăng 7%) cho năm 2023 và 6,81 tỷ USD (tăng 7,7%) cho năm 2026, tốc độ tăng trưởng kép 5 năm đạt 8% dựa trên cơ sở về việc mở rộng độ bao phủ của bảo hiểm y tế toàn dân và dự báo tốc độ tăng trưởng nhanh của thuốc biệt dược gốc, thuốc generics đã được cấp giấy phép sản xuất.
Nguồn: Áp lực chi phí đè nặng làm giảm triển vọng doanh nghiệp ngành dược