Bà Đỗ Nguyệt Ánh được vinh danh Nữ Doanh nhân ASEAN tiêu biểu năm 2023
Bà Lê Hồng Thuỷ Tiên được vinh danh Nữ doanh nhân ASEAN 2023 Nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo bất ngờ thăm các em nhỏ tại Làng SOS |
Tại Gala Dinner Wealead – Hành trình 1 năm cùng doanh nhân nữ diễn ra vào tối 22/9 vừa qua, bà Đỗ Nguyệt Ánh – lãnh đạo cao nhất của EVNNPC đã được vinh danh Nữ Doanh nhân ASEAN năm 2023, là 1 trong 6 nữ doanh nhân của Việt Nam được vinh danh lần này.
Lễ công bố Giải thưởng ASEAN 2023 và trao tặng danh hiệu Nữ Doanh nhân ASEAN tiêu biểu năm 2023 của Mạng lưới Doanh nhân nữ ASEAN (AWEN). |
Với những kết quả đạt được, bà Đỗ Nguyệt Ánh được đánh giá cao không chỉ về quá trình 28 năm cống hiến, đóng góp cho sự phát triển của ngành Điện, mà còn về những nỗ lực, tâm huyết của bà cho sự phát triển bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ.
Giữ nguồn sáng cho 27 tỉnh/thành phố miền Bắc
Dưới sự điều hành của bà Đỗ Nguyệt Ánh, EVNNPC không ngừng đổi mới phát triển, góp phần cùng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện tốt vai trò chủ đạo của một ngành kinh tế mũi nhọn trong nhiệm vụ đảm bảo an ninh năng lượng Quốc gia. EVNNPC là doanh nghiệp có nhiệm vụ kinh doanh và phân phối điện năng trên địa bàn 27 tỉnh, thành phố miền Bắc, với hơn 11 triệu khách hàng.
Giai đoạn 2018 – 2022, tổng sản lượng điện thương phẩm của EVNNPC là 377.645 triệu kWh với tỷ lệ tăng bình quân là 8,61%, đáp ứng hiệu quả nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đặc biệt, miền Bắc là khu vực có mức độ tiêu thụ điện cao nhất toàn quốc, trong đó 65% sản lượng điện thương phẩm là nhằm phục vụ sản xuất công nghiệp. Đây cũng là nơi quy tụ của những “đại bàng lớn” như Sam sung, LG, Canon, Sumitomo, VSIP, Foxconn… do đó do đó việc đảm bảo nguồn điện chất lượng cao luôn là một trong những nội dung được ưu tiên hàng đầu.
Cũng trong giai đoạn 2018 – 2022, tỷ lệ tổn thất điện năng của EVNNPC giảm từ 5,1% xuống 4,1%, góp phần nâng cao hiệu quả hệ thống điện, tiết kiệm tài nguyên nguồn lực xã hội. Chỉ số tiếp cận điện năng của EVNNPC đã giảm từ 5,81 ngày năm 2018 xuống 3,76 ngày năm 2022, góp phần thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Dấn thân vào nghề từ khi còn rất trẻ, trải qua gần 30 năm cống hiến cho ngành Điện, dù ở cương vị nào bà Đỗ Nguyệt Ánh cũng để lại dấu ấn nổi bật trong quá trình xây dựng và phát triển của Tổng công ty. Hàng loạt công trình lớn như: kéo cáp ngầm đưa điện lưới Quốc gia ra đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh hay các công trình cấp điện cho các khu công nghiệp, các doanh nghiệp lớn… - vốn là niềm tự hào của người điện lực – cũng đều có sự đóng góp chỉ đạo điều hành của “người nữ tướng” tài ba này.
Năm 2021, năm 2022, EVNNPC liên tục được tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch Ratings chứng nhận kết quả xếp hạng nhà phát hành nợ dài hạn (IDR) ở mức “BB/Triển vọng Tích cực”, bằng với xếp hạng quốc gia của Việt Nam và công ty mẹ EVN, cao hơn mức xếp hạng tín nhiệm năm 2020 “BB/Triển vọng Ổn định”.
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung Tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam trao kỷ niệm chương và tặng hoa chúc mừng bà Đỗ Nguyệt Ánh. |
Tích cực thực hiện công tác an sinh xã hội, trách nhiệm với cộng đồng
Song song với công tác kinh doanh và phân phối điện năng, công tác an sinh xã hội và thực hiện trách nhiệm với cộng đồng luôn là tôn chỉ hành động và được Tổng công ty thường xuyên thực hiện.
Dưới sự chỉ đạo điều hành của bà Đỗ Nguyệt Ánh, EVNNPC coi hoạt động vì cộng đồng, an sinh xã hội là trách nhiệm của mình, đồng thời khuyến khích và tạo điều kiện cho các đơn vị thành viên, các cá nhân thực hiện các hoạt động xã hội thiện nguyện như đền ơn đáp nghĩa, hỗ trợ người nghèo và bảo vệ môi trường...
Đặc biệt, EVNNPC luôn là điểm sáng của ngành Điện về điện khí hóa nông thôn, đến nay 100% các xã (4.467 xã), 99,23% hộ dân nông thôn (7.995.041/8.057.061 hộ) trên địa bàn EVNNPC quản lý đã có điện lưới Quốc gia, góp phần tích cực vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, định canh định cư, xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế.
Theo đánh giá của các tổ chức thế giới như Ngân hàng thế giới (World Bank) hay Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) thì kết quả này nằm ở Top đầu của thế giới, một loạt quốc gia phát triển cũng chưa đạt được tỷ lệ này, do đó giá trị an sinh xã hội mà EVNNPC đem lại cho cộng đồng là rất lớn.
EVNNPC cũng thường xuyên thực hiện các chương trình vì cộng đồng như: ủng hộ Quỹ Vì người nghèo; xây dựng trường học, nhà ở tại vùng miền núi; hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa cho các gia đình Thương binh liệt sỹ, nuôi dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng; thực hiện các chương trình từ thiện cộng đồng như “Thắp sáng đường quê”...
Trong đợt dịch Covid-19, Tổng công ty đã thực hiện giảm giá điện cho các đối tượng khách hàng bị ảnh hưởng bởi với tổng số tiền 4.396,3 tỷ đồng; lắp đặt mới hệ thống điện sinh hoạt cho 1.500 hộ nghèo, 62 cơ sở y tế, 18 trường học; miễn phí lắp đặt công tơ, vệ sinh trạm biến áp cho hơn 1.000 doanh nghiệp; hỗ trợ dân nghèo khu vực miền núi thắp sáng phục vụ sinh hoạt với 1.091 điểm cột đèn đường; hỗ trợ 340 đối tượng là trẻ em bị mồ côi vì Covid-19, người già neo đơn không có người nương tựa bởi dịch Covid-19; tặng gần 100 máy tính bảng cho học sinh, sinh viên nghèo; tổ chức thăm hỏi, tặng quà, tri ân 09 mẹ Việt Nam Anh hùng và hơn 1.000 gia đình chính sách.
Tấm gương bền bỉ không ngừng phấn đấu vì sự tiến bộ của phụ nữ và quyền bình đẳng giới
Đứng đầu Tổng công ty Điện lực miền Bắc - một doanh nghiệp lớn Top 10 Việt Nam với trên 26.000 nhân viên, và thuộc ngành kinh tế kĩ thuật có quy mô, sự phức tạp, thường là nam giới đứng đầu tổ chức, hơn ai hết, bà Đỗ Nguyệt Ánh hiểu được một số khó khăn trong công việc của phụ nữ trong ngành nhưng cũng biết rõ lợi thế của phụ nữ ngành Điện.
Vì thế, ở EVNNPC, nữ giới hay nam giới đều được làm trong môi trường chuyên nghiệp, có sự phân công chức năng nhiệm vụ, trách nhiệm từ cá nhân đến tập thể một cách rõ ràng, có chế độ khen thưởng kịp thời, công bằng, minh bạch. Do đó, Tổng công ty đã tạo được môi trường tốt nhất để cán bộ công nhân viên và người lao động hoàn thành nhiệm vụ cũng như luôn tạo ra động lực, cơ hội phát triển nếu cá nhân thực sự xứng đáng, có năng lực và nỗ lực cống hiến.
Bà Đỗ Nguyệt Ánh cho biết, chưa bao giờ nữ giới được tham gia lãnh đạo, quản lý nhiều như bây giờ, đặc biệt trong ngành Điện. Tại EVN, những năm gần đây, công tác vì sự tiến bộ phụ nữ đã được triển khai sâu rộng và mang tính thiết thực cao. Các ban Vì sự tiến bộ phụ nữ ở các cấp đã có chương trình hành động cụ thể hàng năm.
Công tác bình đẳng giới đã có nhiều thành quả tích cực. Trong đó, giao chỉ tiêu nữ giới tham gia lãnh đạo, quản lý, tỷ lệ cán bộ nữ được đào tạo, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia tiếp cận các khâu là bước tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực bình đẳng giới… Tất cả những chương trình đó đã được thay đổi về chất tại tất cả các đơn vị, đặc biệt là ở EVNNPC.
EVNNPC tự hào là một trong những đơn vị thực hiện tốt công tác bình đẳng giới trong EVN, lao động nữ của Tổng công ty luôn giữ ở mức ổn định đạt tỷ lệ trên 26%, ở mức cao hơn so với các đơn vị khác trong cùng Tập đoàn, tỷ lệ nữ làm công tác quản lý/lãnh đạo của Tổng công ty cũng thuộc hàng đầu (trên 14%).
Vai trò của lao động nữ trong Tổng công ty được nâng lên rõ rệt, lao động nữ có việc làm ổn định, chất lượng lao động nữ ngày càng cao, lao động nữ ngày càng tự tin, năng động, phát huy nhiều sáng kiến sáng tạo không thua kém gì nam giới, dần khẳng định được vị trí của mình góp phần không nhỏ vào những thành quả Tổng công ty đạt được trong thời gian qua.
Nguồn:Bà Đỗ Nguyệt Ánh được vinh danh Nữ Doanh nhân ASEAN tiêu biểu năm 2023