Bà Rịa-Vũng Tàu: Khoa học công nghệ thay đổi cách nghĩ, cách làm trong sản xuất
Bà Rịa-Vũng Tàu: Đòn bẩy hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp Bà Rịa-Vũng Tàu: Dầm mình trong mưa khơi thông dòng chảy |
Sở KH-CN và Phân viện quy hoạch và thiết kế nông nghiệp đề xuất các mô hình ứng dụng KH-CN giai đoạn 2022-2026 phải phù hợp với thế mạnh kinh tế của từng địa phương. Trong ảnh: Sản xuất rau xanh tại xã Tân Hải (TX. Phú Mỹ). |
Nhiều thành tựu quan trọng
Theo ông Phạm Quang Nhật, Giám đốc Sở KH-CN, thời gian qua Sở KH-CN cùng các sở, ngành liên quan phối hợp với các địa phương triển khai nhiều đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm, mô hình ứng dụng tiến bộ KH-CN để áp dụng vào sản xuất, kinh doanh đến người dân, DN trong tỉnh. Từ đó, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hoá và đã đạt được một số kết quả nhất định trên các lĩnh vực.
Cụ thể, lĩnh vực công nghiệp, xu hướng ứng dụng KH-CN vào sản xuất là các DN tự đầu tư dây chuyền sản xuất tự động hóa được ưu tiên. Trong du lịch, việc ứng dụng tiến bộ KH-CN của các DN khá nhanh, nhất là công nghệ thông tin. Hầu hết các DN đều có website và ngành du lịch đã phát triển đồng loạt hệ sinh thái truyền thông trực tuyến gồm: website, facebook, instagram, youtube… Từ đó, các hoạt động du lịch trực tuyến, không gian trải nghiệm du lịch thực tế ảo ra đời nhằm đáp ứng thị hiếu, tăng cường trải nghiệm cho du khách và cải thiện môi trường du lịch. Ngành du lịch đang có tốc độ chuyển đổi số đáp ứng với yêu cầu phát triển.
Lĩnh vực nông nghiệp cũng đạt nhiều thành tựu quan trọng như: Thu hút được 497 DN, nhà đầu tư, tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt hơn 4.837 tỷ đồng/năm, chiếm 32,79% tổng giá trị sản xuất lĩnh vực nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản).
Theo nhận định của các chuyên gia, trong lĩnh vực trồng trọt của tỉnh hiện nay, nhiều cơ sở đầu tư chuyển đổi sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp và có những thành công đáng khích lệ, đó là việc dần tích hợp công nghệ như (cơ giới hóa, tự động hóa các khâu của quá trình sản xuất, thu hoạch, sơ chế bảo quản, chế biến), công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới. Nhóm công nghệ, kỹ thuật được ứng dụng nhiều nhất là nhóm kỹ thuật canh tác (nhà màng, nhà lưới, tưới tiết kiệm có điều khiển tự động, bán tự động và kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn).
Lĩnh vực chăn nuôi có số lượng cơ sở, quy mô ứng dụng tiến bộ KH-CN cao. Toàn tỉnh có 127 cơ sở ứng dụng tiến bộ KH-CN trong sản xuất chăn nuôi với 6 sản phẩm ứng dụng. Các lĩnh vực nuôi trồng, khai thác thủy sản, chế biến và bảo quản nông sản cũng đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tạo đà cho sự phát triển kinh tế của địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, quá trình ứng dụng KH-CN của tỉnh có một số vấn đề cần quan tâm cải thiện như: Các mô hình ứng dụng tiến bộ KH-CN vào sản xuất và đời sống còn nhỏ lẻ, sự lan tỏa chưa cao và chưa được nhân rộng, chưa có mô hình ứng dụng mang tính đột phá có tầm ảnh hưởng mạnh, sức lan tỏa lớn đến phát triển kinh tế của địa phương. Nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ KH-CN, công nghệ cao vào nông nghiệp nhưng phần lớn các mô hình ứng dụng từng phần, chưa đồng bộ, ứng dụng chủ yếu các công nghệ phần cứng. Còn ít các mô hình về tự động hóa, các công nghệ chủ chốt trong cách mạng công nghiệp 4.0 chưa được ứng dụng phổ biến trong nông nghiệp (IoT, đèn Led, robot AI, thiết bị không người lái,…).
Trồng cây ăn trái được xác định là thế mạnh của vùng Sông Xoài, TX. Phú Mỹ. Trong ảnh: Trung tâm Giống cây ăn quả miền Nam ứng dụng KH-CN cây đầu dòng trồng cây ăn trái cho năng suất cao, chất lượng vượt trội. |
Đề xuất 20 mô hình mới
Theo ông Phạm Quang Nhật, để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác ứng dụng chuyển giao tiến bộ KH-CN, UBND tỉnh đã giao Sở KH-CN xây dựng Đề án “Ứng dụng tiến bộ KH-CN giai đoạn 2022 - 2026 trên địa bàn tỉnh” nhằm nghiên cứu đánh giá thực trạng, tiềm năng phát triển và ứng dụng tiến bộ KH-CN trên địa bàn tỉnh. Từ đó, lựa chọn thực hiện các nhiệm vụ KH-CN phù hợp, thúc đẩy việc ứng dụng KH-CN có trọng tâm, trọng điểm.
Đồng thời tăng cường tiếp cận, triển khai các giải pháp ứng dụng KH-CN hiện đại, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, sản phẩm có thế mạnh của tỉnh nói chung và các địa phương nói riêng. Xây dựng chuỗi các nhiệm vụ ứng dụng KH-CN có tính hệ thống, đột phá, có tầm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế từng địa phương, tập trung vào những đối tượng cụ thể để tạo hiệu quả thiết thực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và trên địa bàn toàn tỉnh.
Phát biểu tại hội thảo góp ý “Đề án ứng dụng tiến bộ KH-CN giai đoạn 2022-2026 trên địa bàn tỉnh” diễn ra ngày 2/12 tại TP. Bà Rịa, ông Nguyễn Tấn Trung, Phó Viện trưởng Phân viện quy hoạch và thiết kế nông nghiệp cho rằng, giai đoạn 2022-2026, Bà Rịa-Vũng Tàu cần lựa chọn những nhiệm vụ, mô hình ứng dụng tiến bộ KH-CN gắn với giải quyết các nút thắt trong quá trình từ sản xuất, thu hoạch, chế biến bảo quản và tiêu thụ các sản phẩm nông sản chủ lực của các địa phương.
Đối với các địa phương, việc thúc đẩy ứng dụng KH-CN dựa vào tình hình thực tế và phát huy thế mạnh của từng địa bàn. Chẳng hạn, TP. Bà Rịa nên thúc đẩy ứng dụng KH-CN vào các đề án nhóm cây hàng năm và phát huy được giá trị của ngành nghề nông thôn như rượu Hòa Long. TP. Vũng Tàu cần phải đẩy mạnh ứng dụng KH-CN vào lĩnh vực khai thác hải sản; nuôi trên biển. Huyện Long Điền đề xuất ứng dụng KH-CN vào sản xuất cây lúa, cây rau, hoa lan; phát triển các nghề truyền thống như bánh tráng, bánh hỏi, bún… |
Từ đó, Phân viện quy hoạch và thiết kế nông nghiệp đề xuất giai đoạn 2022-2026 tập trung thực hiện 20 mô hình ứng dụng KH- CN chia theo 4 nhóm: nhóm mô hình ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; nhóm mô hình ứng dụng công nghệ sinh học; nhóm mô hình ứng dụng công nghệ chế biến, bảo quản sản phẩm chủ lực và nhóm mô hình ứng dụng công nghệ khác.
Theo Sở KH-CN, các mô hình đề xuất như trên mang tính đại diện, có tác dụng làm thay đổi cách làm, cách nghĩ của nhiều hộ và khả năng nhân rộng mô hình ứng dụng tiến bộ KH-CN dễ dàng, thuận lợi, góp phần giải quyết gia tăng giá trị sản lượng, xây dựng thương hiệu, giải quyết ô nhiễm môi trường, xây dựng chuỗi giá trị, chuỗi liên kết, kết nối du lịch, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Nguồn: Khoa học công nghệ thay đổi cách nghĩ, cách làm trong sản xuất