Bà Rịa-Vũng Tàu: Nhọc nhằn khai thác tràm mưu sinh
Bà Rịa-Vũng Tàu: Khoa học công nghệ thay đổi cách nghĩ, cách làm trong sản xuất Bà Rịa-Vũng Tàu: Đòn bẩy hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp |
Nghề khai thác tràm rất vất vả và nguy hiểm rình rập. |
Vắt sức trên rẫy tràm
6 giờ sáng, trời còn mù sương, nhóm khai thác tràm gồm 6 người của anh Thời (xã Bình Trung, huyện Châu Đức) bắt đầu một ngày làm việc. Địa điểm khai thác của họ là vườn tràm khoảng 5 sào nằm ngoài cánh đồng thôn 3, xã Bình Trung. “Chúng tôi gom tiền mua rồi tổ chức khai thác chứ không đi làm công. Bình thường mỗi sào tràm tùy độ lớn, cây dày mà chủ bán với giá khoảng 7-10 triệu đồng/sào. Năm nay giá tràm tăng cao nên chúng tôi mua 12-15 triệu đồng/sào”, anh Thời thông tin.
Nhóm người nhanh chóng chia nhau làm nhiệm vụ. 2 người dùng máy cưa cắt hạ cây. Những người còn lại thì đảm nhận việc xô cây, rong cành lá và cắt khúc. Tiếng máy cưa gầm rú, cây ngã đổ rào rào vang dội cả khu vực.
“Lúc cưa cũng phải quan sát để mạch cưa đi đúng hướng. Đồng thời phải xô cây ngã, đổ đúng chiều thuận tiện việc bóc vỏ và bảo đảm an toàn cho người khác”, anh Huệ, một người trong nhóm khai thác nói.
Sau khoảng 1 tiếng cưa hạ cây, họ tiến hành lột vỏ tràm. Dụng cụ rạch vỏ tràm là đoản dao khá sắc bén nên họ cẩn thận mang thêm bao tay. Tay thoăn thoắt rạch và nạy mảng vỏ bung ra, họ nắm lấy thớ vỏ dậy mạnh để tước khỏi thân cây tràm. Chỉ trong tích tắc những khúc tràm thô ráp bị lột sạch vỏ, trắng phau.
“Vỏ tràm dày nên cũng dễ bóc, nhưng gặp cây bị “sáp”, vỏ dính chặt vào phần thịt cây thì phải dùng dao róc rất mất thời gian. Cả ngày tay nâng khúc tràm lên bóc vỏ, tối về tay run không cầm nổi đũa ăn cơm”, anh Tân, một người trong nhóm khai thác tràm tâm sự.
Gần cuối ngày, tràm lột sạch vỏ được tập kết thành từng đống lớn và bốc lên xe chở tới nhà máy chế biến. Thân tràm bóc vỏ rất trơn khiến cho việc bốc vác chất lên xe dễ xảy ra tai nạn. “Bị khúc cây va đập bầm tím, chảy máu là chuyện khó tránh khỏi”, anh Thời vừa nói vừa xòe bàn tay thâm đen vì mủ tràm.
Công việc khai thác tràm tuy vất vả nhưng mang lại thu nhập khá cho người dân lúc nông nhàn. |
Nguy hiểm rình rập
Những rẫy tràm đến độ tuổi khai thác đều từ 5-7 năm tuổi. Cây phát triển cao từ 20-30m, cành lá dày rậm rịt nên có nhiều muỗi, kiến bù nhọt và ong vàng làm tổ. Trước khi vào khai thác, nhóm người làm tràm phải mua nhiều bình xịt côn trùng đuổi kiến, ong rồi mới có thể bắt đầu công việc.
Theo anh Thời, anh may mắn mua được vườn ở địa điểm sát đường, đi lại dễ dàng, khai thác vận chuyển đỡ vất vả. Đối với những khu vực khó đi lại, thì phải “mở đường” cho xe chở ra vào. Thậm chí gặp nơi đất lún, lúc xe ra bị kẹt phải thuê máy cày, xe kéo tới lôi ra hoặc bốc cả xe tràm xuống, vừa mất thêm chi phí vừa mất thời gian.
Không chỉ vất vả, việc khai thác tràm cũng luôn trong tình trạng nguy hiểm rình rập. Cây ngã đè trúng người, dao cắt chém vào tay và nguy hiểm nhất là do máy cưa gây ra. “Làm việc nặng nhọc nên nhiều lúc cũng mơ màng. Chẳng may cưa vào tay, chân là chuyện thường tình, có điều nhẹ hay nặng thôi. Hôm trước có người trong nhóm lúc cưa cây ngã đổ đè trúng máy cưa khiến văng ra đập vào đầu gối. May là lúc đó dừng cưa rồi nhưng cũng bị thương phải khâu gần chục mũi”, anh Thời kể.
Giữa cái nắng cháy da thịt, những người khai thác tràm cởi trần, mồ hôi đầm đìa. Họ phải cởi áo bởi mồ hôi ướt, áo dính vào người khó chịu. Thêm vào đó là kiến, sâu bám vào áo sẽ gây ngứa thêm. Bữa ăn của những người khai thác tràm cũng tạm bợ dưới tán cây. Ai nấy đều cố ăn vội hộp cơm để nhanh chóng ra làm việc cho kịp chuyến xe tới chở cây.
Giá tràm lột vỏ nhập cho nhà máy dao động từ 1.300-1.700 đồng/kg, còn tràm “đen” (chưa lột vỏ) bán giá thấp hơn, khoảng 1.000-1.300 đồng/kg. Làm quần quật từ sáng tới tối, nhóm 6 người của anh Thời khai thác được 1 xe tràm khoảng 10 tấn. Tính công mỗi người được 350-400 ngàn đồng/ngày. “Chúng tôi tranh thủ mấy tháng nông nhàn mùa khô khai thác tràm. Công việc tuy vất vả nhưng phải cố gắng làm để có tiền chăm lo cho gia đình”, anh Tân tâm sự.
Nguồn: Nhọc nhằn khai thác tràm mưu sinh