Bác bỏ mọi xuyên tạc về quyền của người dân tộc thiểu số ở Việt Nam
Không thể xuyên tạc, phủ nhận công tác phòng, chống lãng phí của Đảng và Nhà nước Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc |
Việt Nam có 54 dân tộc anh em; trong đó, dân tộc thiểu số chiếm khoảng 14,7% dân số cả nước; mỗi dân tộc có những bản sắc văn hóa riêng, đa dạng, phong phú và thống nhất, hòa hợp trong tình đoàn kết, cùng cội nguồn con Lạc, cháu Hồng. Trong suốt tiến trình cách mạng Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm tới người dân tộc thiểu số với những chính sách đồng bộ, được luật hóa, tạo điều kiện tốt nhất để đồng bào phát triển toàn diện, góp phần gìn giữ, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, vì sự phát triển của đất nước.
![]() |
Cử tri huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2016-2021. Nguồn: baotuyenquang.com.vn |
Thế nhưng, các thế lực thù địch, phản động vẫn lợi dụng vấn đề dân tộc để chống phá cách mạng nước ta. Đặc biệt, chúng chĩa mũi nhọn vào xuyên tạc về quyền của người dân tộc thiểu số ở Việt Nam, với những luận điệu hết sức thâm hiểm, phản động, như: Đảng, Nhà nước đối xử bất công bằng, không chăm lo phát triển đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, khiến cho cuộc sống của đồng bào khó khăn, thiếu thốn, nghèo đói; người Thượng bị người Kinh cướp đất; chính quyền của người Kinh ngược đãi đồng bào dân tộc thiểu số, không chú ý đến việc chăm sóc sức khỏe, nâng cao dân trí ở vùng dân tộc thiểu số để “dễ bề cai trị”,… nhằm kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi, gây mâu thuẫn, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đây là những luận điệu hoàn toàn sai trái, vô căn cứ, phủ nhận đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm, bảo vệ quyền của người dân tộc thiếu số ở Việt Nam. Trên thực tế, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn đặc biệt quan tâm, bảo vệ, đảm bảo quyền của người dân tộc thiểu số, điều này được thể hiện trên những vấn đề sau:
Thứ nhất, quan điểm, chủ trương của Đảng trong xây dựng và thực hiện chính sách dân tộc luôn nhất quán. Qua các thời kỳ, với nhiệm vụ cách mạng khác nhau, nhưng quan điểm, chủ trương xuyên suốt của Đảng về vấn đề dân tộc, đại đoàn kết dân tộc, công tác dân tộc và chính sách dân tộc: “… luôn luôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng. Thực hiện tốt chính sách dân tộc bình đẳng, đoàn kết, giúp nhau cùng phát triển”1. Trong văn kiện các kỳ đại hội Đảng đều nhấn mạnh nguyên tắc đoàn kết, bình đẳng giữa các dân tộc và khẳng định đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của nước ta. Tại Đại hội XIII, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Tập trung hoàn thiện và triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc trên tất cả các lĩnh vực, nhất là các chính sách đặc thù giải quyết những khó khăn của đồng bào dân tộc thiểu số”2. Nghị quyết số 42-NQ/TW, ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới” xác định rõ mục tiêu: “Có ít nhất 75% người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, 80% các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hoá, nghe, xem các kênh phát thanh, truyền hình của quốc gia và địa phương”. Bộ Chính trị (khóa VI) cũng ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 27/11/1989 về “Một số chủ trương, chính sách lớn phát triển kinh tế - xã hội miền núi”; Nghị quyết số 43-NQ/TW, ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII) về “tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”; Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 12/3/2003 về “Công tác dân tộc” khẳng định: “Các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp nhau cùng phát triển”3; Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc trong tình hình mới” với nhiều điểm mới, mang tính đột phá cho giai đoạn 2021 - 2030. Như vậy, về mặt chủ trương, đường lối, Đảng ta luôn đặc biệt quan tâm, chăm lo tới việc thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc và đại đoàn kết dân tộc.
Thứ hai, quyền của người dân tộc thiểu số ở Việt Nam luôn được bảo đảm bằng cơ sở pháp lý. Điều 5 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 khẳng định: “(1). Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam; (2). Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc; (3). Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình; (4). Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước”. Như vậy, quyền bình đẳng trước pháp luật của mọi công dân Việt Nam, không phân biệt dân tộc thiểu số hay đa số, chủng tộc, tôn giáo, không phân biệt đối xử, được hiến định trong Hiến pháp.
Cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Hiến pháp, quyền của người dân tộc thiểu số được thể hiện trong nhiều văn bản luật. Điều 61 Luật Giáo dục năm 2019 quy định: “Nhà nước thành lập trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường dự bị đại học cho người học là người dân tộc thiểu số, người học thuộc gia đình định cư lâu dài tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”. Quyền của đồng bào dân tộc thiểu số được bảo đảm trong Luật Đất đai, như: quyền trong sử dụng đất, chính sách hỗ trợ đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số, ưu tiên cấp đất ở, đất sản xuất cho các đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện khó khăn, bảo đảm quyền sử dụng đất của đồng bào dân tộc thiểu số, hạn chế chuyển nhượng đất nhằm đảm bảo an sinh và phát triển bền vững, chính sách hỗ trợ khi mất đất hoặc thiếu đất, bảo đảm quyền lợi lâu dài cho đồng bào dân tộc thiểu số. “Đồng bào dân tộc thiểu số không phải là cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhưng thuộc đối tượng giao đất không thu tiền sử dụng đất”4. Đồng thời, Nhà nước có các quy định cụ thể trong việc giao rừng, giao đất lâm nghiệp cho cộng đồng dân cư, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số.
Cùng với đó, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, nghị định, thông tư về công tác dân tộc, như: Nghị định số 05/2011/NĐ-CP, ngày 14/01/2011 của Chính phủ về “công tác dân tộc”, quy định rõ các nguyên tắc cơ bản trong “Thực hiện chính sách dân tộc theo nguyên tắc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển; đảm bảo và thực hiện chính sách phát triển toàn diện, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số”; Quyết định số 66/2013/QĐ-TTg, ngày 11/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ “Quy định chính sách hỗ trợ chi phí học tập đối với sinh viên là người dân tộc thiểu số học tại các cơ sở giáo dục đại học”, v.v. Đối với Quốc hội, đã ban hành Nghị quyết số 88/2019/QH14, ngày 18/11/2019 phê duyệt “Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030” và Nghị quyết số 120/2020/QH14, ngày 19/6/2020 phê duyệt “Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”, v.v. Đây là minh chứng không thể xuyên tạc về việc bảo đảm quyền của người dân tộc thiểu số ở Việt Nam bằng pháp luật.
Thứ ba, những thành tựu đạt được trong bảo đảm quyền của người dân tộc thiểu số ở Việt Nam là không thể xuyên tạc, phủ nhận. Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 12/3/2003 về “Công tác dân tộc” khẳng định: đến năm 2019, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, từng bước hoàn thiện đã làm thay đổi cơ bản diện mạo vùng dân tộc thiểu số: 100% huyện có đường đến trung tâm huyện; 98,4% xã có đường ô tô đến trung tâm xã; 100% xã được tiếp cận với điện lưới quốc gia; tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng điện đạt 93,9%; 100% xã có trường tiểu học và trung học cơ sở, 99,7% xã có trường mầm non, mẫu giáo; 99,3% xã có trạm y tế; gần 100% số xã có nhà văn hóa hoặc điểm bưu điện văn hóa; Đảng, Nhà nước luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi và tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của đồng bào dân tộc thiểu số, v.v. Bình quân toàn vùng dân tộc thiểu số tỷ lệ hộ nghèo giảm 02% - 03%/năm; riêng các xã đặc biệt khó khăn, giảm 03% - 04%/năm; các huyện nghèo giảm 05% - 06%/năm. Giai đoạn 2015 - 2018, có 1.052 xã (trong đó có 106 xã đặc biệt khó khăn), 27 huyện vùng dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới.
Từ năm 2021 đến năm 2023, Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số đã đầu tư 4.092 công trình cơ sở hạ tầng cho vùng dân tộc thiểu số (trong đó: 1.717 công trình đường giao thông thôn, bản; 37 cầu giao thông nông thôn; xây mới và cải tạo sửa chữa 114 chợ, 94 công trình trường học, 315 công trình thuỷ lợi; 40 công trình điện; 302 nhà văn hóa; 44 trạm y tế; 34 công trình nước sinh hoạt; duy tu, bảo dưỡng trên 200 công trình hạ tầng các loại, v.v.). Hỗ trợ đất ở cho 489 hộ, đất sản xuất cho 641 hộ, chuyển đổi nghề cho 14.119 hộ, nước sinh hoạt cho 102.989 hộ; đầu tư xây dựng 492 công trình nước sinh hoạt tập trung; hỗ trợ triển khai 445 mô hình phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, 402 mô hình phát triển sản xuất theo cộng đồng, 249 mô hình khởi nghiệp; hỗ trợ đào tạo nghề cho 64.195 người; xây dựng 08 mô hình bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch. Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số được bố trí hơn 137.664 tỉ đồng thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025. Ngoài ra, số đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ ngày càng tăng; riêng số đại biểu là người dân tộc thiểu số trong Quốc hội khóa XV chiếm tới 17,8 %.
Như vậy, cả về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và trên thực tế về bảo đảm, bảo vệ quyền của người dân tộc thiểu số ở Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ đói nghèo giảm nhanh. Thành tựu đó là minh chứng sinh động nhất bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc, vô căn cứ về quyền của người dân tộc thiểu số ở Việt Nam.
_______________________
1 - Chính sách và pháp luật của Đảng và Nhà nước về vấn đề dân tộc, Nxb Văn hoá dân tộc, H. 2000, tr. 127.
2 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 140 - 141.
3 - ĐCSVN – Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về “Công tác dân tộc”.
4 - Luật Đất đai 2024, Khoản 7, Điều 118.
Nguồn: Bác bỏ mọi xuyên tạc về quyền của người dân tộc thiểu số ở Việt Nam
Có thể bạn quan tâm
Tin mới nhất
BP bỏ mục tiêu năng lượng tái tạo, quay trở lại dầu khí

Điểm tin ngân hàng ngày 25/2: Cựu nhân viên SeABank tiếp tay cho nhóm lừa đảo chiếm đoạt hơn 4 tỷ đồng

Điểm tin xây dựng - bất động sản ngày 25/2: Dự báo thị trường bất động sản Cần Thơ tăng trưởng mạnh

Nhận định phiên giao dịch ngày 25/2: Có thể kiểm định lại mốc 1.300 trong những phiên tới

Giá vàng hôm nay 25/2: thế giới tiến gần đến ngưỡng 3.000 USD/ounce
