Bắc Kạn hướng tới bán tín chỉ carbon, điện sinh khối và du lịch
Mỗi năm Việt Nam sẽ có khoảng 10,8 triệu tín chỉ carbon được cung cấp Phát triển thị trường carbon từ rừng ngập mặn tại Việt Nam |
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Bắc Kạn đạt mức tăng trưởng GRDP 5,7%, xếp thứ 34/63 cả nước, 6/14 tỉnh trung du và miền núi Bắc Bộ.
Trong bối cảnh ngành công nghiệp cả nước chững lại, Bắc Kạn ghi nhận sự phục hồi và phát triển ở ngành này khi tăng trưởng gần 11%. Nông nghiệp tăng 5,35%. Dịch vụ tăng 5,14%.
Đặc biệt, du lịch của tỉnh phục hồi nhanh khi đón 571.000 lượt khách trong nửa đầu năm nay, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ, đạt 74% kế hoạch đề ra. Doanh thu từ khách du lịch đạt 400 tỷ đồng.
Một số dự án giao thông kết nối vùng, phục vụ phát triển du lịch được tập trung thực hiện, như tuyến đường thành phố Bắc Kạn - hồ Ba Bể kết nối Na Hang (Tuyên Quang); cải tạo, nâng cấp các tuyến đường Quảng Khê - Khang Ninh, huyện Ba Bể; xây dựng hạ tầng giao thông quanh hồ Ba Bể để khai thác du lịch, chuẩn bị đầu tư tuyến Quốc lộ 3 mới từ Chợ Mới đến thành phố Bắc Kạn.
Đây là những dự án rất quan trọng của tỉnh, sau khi hoàn thành sẽ kết nối các tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên (70 km) và Thái Nguyên - Chợ Mới (40 km) để tạo nên trục giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối tỉnh Bắc Kạn với Thủ đô Hà Nội, Vùng đồng bằng sông Hồng và các cảng biển phía bắc; kết nối tuyến đường Bắc Kạn-hồ Ba Bể - Na Hang (Tuyên Quang) và hệ thống đường địa phương.
Thủ tục hành chính và môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện. Chỉ số PCI năm 2022 đạt 65,15 điểm, tăng 13 bậc, đứng thứ 35/63 tỉnh, thành phố, nằm trong nhóm các tỉnh có chất lượng điều hành kinh tế khá của cả nước. Chỉ số PAPI năm 2022 tăng 4 bậc, xếp thứ 30/63 tỉnh, thành phố.
Bắc Kạn là địa phương có lợi thế lớn về tài nguyên thiên nhiên đa dạng, thích hợp cho sản xuất nông lâm nghiệp, trồng cây công nghiệp, cây ăn quả và phục hồi rừng. Đất đai tương đối màu mỡ, nhiều nơi tầng đất dày, có lượng mùn cao.
Tỉnh có tiềm năng, lợi thế phát triển một nền nông nghiệp sinh thái, tạo ra các sản phẩm tập trung phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu với khí hậu thuận lợi để phát triển cây trồng, vật nuôi đa dạng, nhất là cây công nghiệp, cây ăn quả, chăn nuôi đại gia súc.
Tiềm năng phát triển du lịch, nhất là du lịch trải nghiệm, tham quan, khám phá, du lịch cộng đồng… với những phong tục tập quán phong phú, đa dạng của 7 dân tộc (Tày, Nùng, Kinh, Dao, Mông, Hoa, Sán Chay), biểu trưng nhất là văn hóa Tày Nùng. Đặc biệt, tỉnh có hồ Ba Bể nổi tiếng - "viên ngọc xanh giữa đại ngàn Việt Bắc", di tích quốc gia đặc biệt, hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất Việt Nam và là 1 trong 20 hồ nước ngọt lớn nhất thế giới.
Thủ tướng Phạm minh Chính tại buổi làm việc với Ban thường vụ tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Nhật Bắc. |
Với những thế mạnh trên, tại buổi làm việc với Ban thường vụ tỉnh ủy Bắc Kạn ngày 16/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu đổi mới tư duy, đặc biệt là 2 đột phá gồm phát triển kinh tế rừng, công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên cơ sở khai thác thế mạnh từ rừng gắn với bảo vệ rừng (với 3 định hướng gồm bán tín chỉ carbon, điện sinh khối, phát triển ngành công nghiệp các sản phẩm từ rừng theo hướng vừa là thực phẩm, vừa là mỹ phẩm, vừa là dược phẩm).
Thứ hai, tập trung phát triển du lịch với lợi thế trung tâm của vùng và hồ Ba Bể; phối hợp với các bộ ngành để có cơ chế, chính sách phù hợp để huy động nguồn lực phát triển. Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ người dâ.
Thủ tướng cho biết thêm đã chỉ đạo và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã đề xuất thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 156/2018/NĐ-CP.
“Nếu chúng ta đàm phán, tham gia được thị trường carbon quốc tế, bán được tín chỉ carbon rừng với giá cả hợp lý sẽ góp phần tăng thu nhập cho các chủ rừng, người dân và doanh nghiệp thông qua nguồn thu từ kết quả giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện sinh kế; góp phần bảo vệ diện tích rừng hiện có và nâng cao độ che phủ của rừng”, theo Thủ tướng.
Nguồn:Bắc Kạn hướng tới bán tín chỉ carbon, điện sinh khối và du lịch