“Bài toán” giá điện
Đó là quan điểm nhất quán của Chính phủ về vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng, được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ trong báo cáo trước Quốc hội.
Thực tế, để bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất các tháng cuối năm 2023 và năm 2024, đồng thời chuẩn bị cho kế hoạch 5 năm, 10 năm tiếp theo, mới đây, Chính phủ cũng đã có hàng loạt chỉ đạo cụ thể.
Một số giải pháp chính được nhắc tới là tổ chức sản xuất, khai thác tối đa nguồn than trong nước đảm bảo cung cấp đủ than cho sản xuất điện năm 2024; chuẩn bị tốt các điều kiện của các nhà máy nhiệt điện để đảm bảo sản xuất an toàn, ổn định và hạn chế tối đa các sự cố tổ máy trong những tháng cao điểm. Cùng với đó, tiết kiệm để giữ mực nước bảo đảm khai thác tối đa công suất phát điện vào cao điểm các tháng mùa hè, có tính toán dự phòng cao nhất trong tháng cao điểm mùa khô năm 2024; nhập khẩu điện và khẩn trương xây dựng đường dây 500 kV mạch 3 đoạn Quảng Trạch - Phố Nối…
Có thể thấy, ngoài yếu tố mới là xây dựng đường dây 500 kV mạch 3 kéo dài, hay nhập khẩu thêm điện, thì các giải pháp còn lại đều nhằm phát huy tốt nhất công suất trang thiết bị, máy móc và hạ tầng đã có.
Đây là nỗ lực lớn của Chính phủ, song muốn cung ứng thêm điện cho nhu cầu phát triển kinh tế thì việc bổ sung nguồn điện mới, nhất là nguồn điện ở khu vực miền Bắc cần được quan tâm nhiều hơn, bởi ngay cả khi đạt được mục tiêu đưa đường dây 500 kV mạch 3 kéo dài vào vận hành từ tháng 6/2024 nhằm đưa điện từ miền Nam ra miền Bắc, thì cũng chỉ giải được bài toán ngắn hạn.
Lý do là, tại khu vực phía Nam, nhu cầu tiêu dùng điện cũng đang gia tăng. Trong điều kiện các nguồn điện mới “vắng bóng”, thì nguồn cung tại khu vực này cũng chỉ đủ đáp ứng nhu cầu điện tại chỗ, khó dư cung để tải ra Bắc sau năm 2025.
Riêng với khu vực phía Bắc, dù một số nhà máy điện khí LNG đã được cấp chủ trương đầu tư cách đây 2 - 3 năm, nhưng khó triển khai trên thực tế. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là tính kinh tế. Khi giá mua điện không đủ để nhà đầu tư thu hồi vốn và có lợi nhuận nhất định, thì việc triển khai xây dựng sẽ là bài toán khó, đòi hỏi các bên tham gia phải thống nhất được đáp án chung, trong đó có vấn đề giá điện, nhất là khi quy mô các dự án này lên đến hàng tỷ USD.
Trong khi đó, nhìn lại Quy hoạch Điện VII điều chỉnh (ban hành năm 2016), có 850 MW điện mặt trời trong quy hoạch đến năm 2030, nhưng kết thúc năm 2020, hệ thống đã có gần 20.000 MW điện mặt trời. Sở dĩ xuất hiện tình trạng “chạy đua” xây dựng nhà máy điện mặt trời là bởi giá điện đã hấp dẫn các nhà đầu tư tư nhân.
Có lẽ, chính sự hợp lý khi đưa ra lời giải cho bài toán giá điện là một trong những yếu tố quan trọng trong thu hút vốn đầu tư vào ngành điện. Đó là chưa kể, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng không thể “kham” mãi được việc mua điện giá cao, bán điện giá thấp, bởi theo EVN, giá điện tăng 3% từ tháng 5/2023 chỉ giúp Tập đoàn thu thêm được 8.000 tỷ đồng trong năm 2023. Trước đó, năm 2022, EVN lỗ hơn 26.000 tỷ đồng. Như vậy, khoản thu thêm từ tăng giá điện năm 2023 chưa đủ bù lỗ của năm 2022 trong bối cảnh mức lỗ trong năm 2023 của EVN dự kiến xấp xỉ năm 2022 vì các chi phí nhiên liệu đầu vào cho sản xuất điện vẫn ở mức cao và vẫn phải mua cao - bán thấp.
Vừa qua, Phó thủ tướng phụ trách ngành đã yêu cầu Bộ Công thương xây dựng lại Kế hoạch Triển khai Quy hoạch Điện VIII để Quy hoạch mang tính khả thi hơn. Có thể thấy, với tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải tương đương 134,7 tỷ USD trong giai đoạn 2021 - 2030, thì rất cần sự tham gia của nguồn vốn tư nhân để thực hiện thành công các mục tiêu tại Quy hoạch Điện VIII. Nhưng trước khi quyết định rót vốn, nhà đầu tư cần thấy được tính khả thi, tính kinh tế của dự án, có nghĩa, giá điện vẫn là một trong những vấn đề đầu tiên cần giải quyết nếu muốn thu hút nguồn lực đầu tư phát triển ngành điện.
Nguồn:“Bài toán” giá điện