Bản tin Năng lượng xanh: Bất ổn thị trường năng lượng làm rung chuyển kế hoạch điện xanh của EU
Bản tin Năng lượng xanh: An ninh năng lượng đang thúc đẩy đầu tư vào năng lượng sạch-IEA Bản tin Năng lượng xanh: Chính phủ Mỹ đang khẩn trương tìm cách phát triển HALEU |
Kế hoạch của châu Âu tăng gần gấp đôi sản lượng điện tái tạo vào năm 2030
Sự gián đoạn nguồn cung khí đốt từ Nga đã thúc đẩy Liên minh châu Âu (EU) tiến nhanh tới năng lượng không có carbon. EU đang đàm phán về một mục tiêu ràng buộc pháp lý để tạo ra 45% năng lượng từ các nguồn tái tạo vào năm 2030, tăng so với mục tiêu hiện tại là 32% và công suất tái tạo khoảng 22% trong năm 2021.
Tuy nhiên, ngay cả khi 27 nước thành viên EU đạt được thỏa thuận về kế hoạch này, để thực thi kế hoạch, EU phải vượt qua vấn đề chi phí gia tăng và những bất ổn liên quan đến cải cách thị trường điện do gia tăng giá cả liên quan đến xung đột ở Ukraine.
Giá năng lượng tăng đã tác động lên tất cả các chi phí, bao gồm cả vật liệu cần thiết cho cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo, do vậy các mô hình đầu tư xây dựng dựa trên định giá thấp đối với điện được sản xuất từ năng lượng tái tạo đang bị nghi ngờ về tính kinh tế.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự đoán xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga giảm sẽ thúc đẩy các khoản đầu tư xanh, nhưng đồng thời cũng cảnh báo về việc tăng đột biến chi phí cho các công nghệ năng lượng sạch.
Các nhà phát triển cho biết chi phí xây dựng các trang trại điện gió đã tăng tới 15% ở một số nơi trên thế giới. Công ty điện EDP của Bồ Đào Nha tính toán chi phí phát triển các dự án năng lượng tái tạo đã tăng từ 5 - 15%, phản ánh giá các mặt hàng như thép và nhôm cao hơn. Báo cáo tài chính của Công ty Vestas của Đan Mạch cho biết trong quý III đã bán các tuabin gió trên bờ với giá cao hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thách thức đối với các dự án năng lượng điện sạch ở châu Âu cũng tăng lên sau khi đạo luật giảm lạm phát trị giá 430 tỷ USD của Mỹ cung cấp sự hỗ trợ của nhà nước cho các cơ sở năng lượng tái tạo, điều mà các quan chức EU lo ngại có thể cản trở nỗ lực mở rộng ngành công nghiệp nội địa của châu Âu.
Mỹ dự kiến đề xuất sáng kiến thúc đẩy các công ty tài trợ cho quá trình chuyển đổi năng lượng tại Hội nghị COP27
Các nguồn thạo tin cho biết Mỹ muốn thông qua thị trường carbon để thúc đẩy các doanh nghiệp tài trợ cho các quốc gia chấm dứt sử dụng than. Dự kiến Mỹ sẽ công bố đề xuất này vào thứ Tư (9/11) tại Hội nghị Thượng đỉnh COP27 của Liên hợp quốc tại Ai Cập.
Sáng kiến đề xuất rằng các công ty sẽ mua tín chỉ carbon và số tiền thu được sẽ được sử dụng để tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo ở các quốc gia đang tìm cách thay thế nhiên liệu hóa thạch như than đá.
Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu John Kerry đã đưa ra đề xuất này để thăm dò các công ty trong các lĩnh vực ngân hàng, hàng tiêu dùng, vận chuyển và hàng không. Ý tưởng là các công ty sẽ tham gia một cách tự nguyện vào sáng kiến này.
Các thị trường carbon tự nguyện đang mở rộng nhanh chóng, theo đó các khoản tín dụng được tạo ra từ các hoạt động như trồng cây, dự án điện mặt trời. Theo nhà cung cấp dữ liệu Ecosystems Marketplace, thị trường tự nguyện được định giá khoảng 2 tỷ USD vào năm 2021, tăng gần gấp 4 lần so với năm trước.
Động lực để một công ty tham gia vào sáng kiến tín chỉ carbon là nó có thể giúp công ty giảm bảng cân đối phát thải của chính mình, nếu như công ty hoạt động tại một quốc gia đang loại bỏ dần than.
Nguồn:Bản tin Năng lượng xanh: Bất ổn thị trường năng lượng làm rung chuyển kế hoạch điện xanh của EU