Bánh tét ngày Tết của người dân Nam Bộ
Nếu như ở miền Bắc nổi tiếng với bánh chưng xanh thì ở vùng đất phương Nam lại nức tiếng với hương vị dân dã, mộc mạc của bánh tét. Vào những ngày cận Tết Nguyên đán ở vùng đất Nam bộ, được ngồi quây quần bên gia đình, thưởng thức khoanh bánh tét dẻo thơm của nếp và béo bùi của đậu mỡ hay vị ngọt của chuối khiến cho ai đều cảm thấy năm mới trọn vẹn hơn.
Trong những ngày Tết, nhà nào cũng có cặp bánh tét trên bàn thờ để dâng lên tổ tiên. Bánh tét được gói bằng lá chuối với nhân gạo nếp, đỗ xanh và thịt lợn, nhưng được gói thành hình trụ dài. Bên cạnh đó, người dân còn sử dụng thêm hạt điều, nhân chay hoặc nhân ngọt để làm phong phú thêm món ăn này. Mang ý nghĩa của sự hội tụ tinh hoa đất trời, bánh Tét là món ăn không thể thiếu trong tất cả các mâm cỗ ngày Tết của các gia đình ở miền Nam.
Cũng như bánh chưng ở miền Bắc, bánh tét là món ăn truyền thống, không thể thiếu đối với người dân miền Nam trong những ngày Tết.
Tại đồng bằng sông Cửu Long có rất nhiều làng bánh tét nổi tiếng ở các tỉnh Bến Tre, Cần Thơ, Hậu Giang… Từng địa phương lại có các cách làm ra bánh tét khác nhau. Ở Tiền Giang, khi làm bánh tét nhân mỡ, lấy mỡ ướp với tí đường, củ hành tím rồi phơi trong thau nhôm chừng vài tiếng. Ngoài bánh tét nhân mỡ, nơi đây người ta còn làm bánh tét nhân thịt ba rọi, tôm khô và hột vịt. Do gạo nếp được ngâm nước lá dứa, nên khi ăn bánh có mùi thơm nhẹ.
Ở tỉnh Bến Tre có loại bánh tét không nhân. Bánh được làm toàn bằng gạo nếp trộn chung với đậu đen hay đậu phộng và nước cốt dừa, ăn rất béo mà thơm. Còn bánh tét ở Trà Vinh phần nếp bánh lại có màu xanh, nhân đậu xanh, trong cùng là thịt mỡ và hột vịt muối. Nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên không sử dụng phẩm màu thay thế. Màu xanh của gạo được sử dụng từ nước lá Bồ Ngót, kết hợp với lá Dứa, tạo ra hương thơm thanh nhẹ. Nhân bánh là sự kết hợp giữa đậu xanh với thịt và trứng muối tạo vị béo ngậy hoặc bánh Tét nhân chuối, có vị ngọt tự nhiên của quả chuối cũng khá lạ miệng.
Bánh tét phổ biến là nhân đậu xanh thịt mỡ và nhân chuối. Ảnh minh họa. |
Gạo nếp làm bánh phải làm từ nếp Long An mới có được độ dẻo, độ xốp cần thiết. Đậu xanh phải được đãi vỏ nhiều lần trước khi trộn với thịt, mỡ heo để làm nhân. Riêng tôm khô phải sử dụng tôm đất từ biển Trà Vinh mới có mùi vị thơm ngon và màu hồng đẹp. Phần làm trứng vịt muối cũng lắm kỳ công và phải muối đúng cách, đúng thời gian mới đạt chuẩn. Công đoạn khó nhất là việc "tạo màu" vào nếp nấu chín để có được những đòn bánh tét đẹp, bắt mắt, thơm ngon. Theo những người sành ăn, sau khi lột lớp lá ra, người dùng lấy sợi chỉ để cắt bánh thành từng khoanh để bánh không bị bung ra như dùng dao.
Ngày nay, phong tục gói bánh tét ngày Tết vẫn được nhiều gia đình phát huy, lưu giữ. Khoảng ngày 29 hoặc 30 Tết, nhiều gia đình sau khi chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu là bắt tay và gói bánh tét. Khi gói xong vừa luộc bánh vừa đón giao thừa. Trong thời gian gói bánh, luộc bánh cũng là thời điểm để cả gia đình quây quần bên nhau sau những tháng ngày lao động mệt nhọc để cùng nhau đón mừng năm mới. Tết Ất Tỵ đang cận kề, trong không khí ấp ám, sum vầy, trong các mâm cơm của người miền Nam không thể thiếu nón ăn này và bánh tét trở thành nét truyền thống của mỗi gia đình người dân Nam Bộ./.
Nguồn: Bánh tét ngày Tết của người dân Nam Bộ