Báo chí thế giới thay đổi ra sao trong kỷ nguyên số?
Tỷ lệ các mạng xã hội mà người dùng sử dụng để theo dõi tin tức trong 1 tuần, giai đoạn 2014-2024 (Nguồn: Viện Reuters) |
Ấn bản thứ 13 của Báo cáo Tin tức Kỹ thuật số 2024 (Digital News Report 2024) do Viện Reuters về Nghiên cứu Báo chí công bố mới đây đã thu thập dữ liệu từ 6 châu lục và 47 thị trường để phác họa sự thay đổi và phát triển của môi trường truyền thông báo chí thế giới.
Mạng xã hội dần thay thế kênh tin tức truyền thống
Dữ liệu thu thập được từ khắp các thị trường tin tức trên thế giới của Viện Reuters cho thấy một bức tranh u ám cho các tòa soạn truyền thống trên thế giới, với chỉ khoảng 1/5 số người được hỏi xác định các trang web hoặc ứng dụng tin tức là nguồn tin tức trực tuyến chính của họ – giảm tới 10 điểm phần trăm so với năm 2018.
“Dù báo chí đang gặp khó khăn, nhưng ở nhiều quốc gia trên thế giới, các phương tiện truyền thông tin tức vẫn sinh lời, độc lập và được tin cậy rộng rãi,” ông Nic Newman, đồng tác giả báo cáo và là một nhà báo kỳ cựu cho nhiều tờ báo lớn, cho biết và nhấn mạnh, ngay cả ở những quốc gia này, những thách thức xung quanh tốc độ thay đổi, vai trò của nền tảng và cách thích ứng với môi trường kỹ thuật số dường như ngày càng trở nên phức tạp và rời rạc hơn mỗi năm.
Thậm chí, sự cạnh tranh của các mạng xã hội trong vai trò truyền dẫn thông tin cũng diễn ra sự cạnh tranh gay gắt. Ở nhiều quốc gia, đặc biệt là bên ngoài châu Âu và Hoa Kỳ, báo cáo năm nay nhận thấy việc sử dụng Facebook để cập nhật tin tức ngày càng giảm đáng kể - giảm 4% ở tất cả các quốc gia trong năm 2023. Thay vào đó, một loạt các lựa chọn thay thế đang nổi lên, từ ứng dụng nhắn tin Whatsapp cho tới video của TikTok và YouTube.
Hiện nay, việc tiêu thụ tin tức trên các nền tảng trực tuyến đang ngày càng trở nên đa dạng, với sự cạnh tranh của 6 mạng xã hội có ít nhất 10% các đối tượng được khảo sát. Cách đây 10 năm, chỉ có 2 mạng xã hội chiếm đa số thị phần người dùng.
YouTube được gần 1/3 (31%) người dùng được khảo sát cho biết sử dụng để nắm tin tức mỗi tuần, WhatsApp chiếm khoảng 1/5 (21%), trong khi TikTok (13%) đã lần đầu tiên vượt qua X (10%).
Podcast tin tức vẫn là một điểm sáng đối với các nhà xuất bản, thu hút khán giả trẻ, có trình độ học vấn cao nhưng nhìn chung chỉ là một hoạt động thiểu số.
Nhận định về sự thay đổi này, Nic Newman nói rằng video đang trở thành một nguồn tin tức trực tuyến quan trọng hơn, đặc biệt là với các nhóm trẻ. Với 72% coi việc xem video tin tức từ các nền tảng trực tuyến thay vì các trang web của nhà xuất bản (22%), các chuyên gia trong ngành nhận thấy thách thức ngày càng tăng cho các tòa soạn truyền thống trong việc kết nối độc giả và tìm kiếm lợi nhuận.
Từng được kỳ vọng sẽ cung cấp thêm giải pháp tài chính cho các tờ báo, đăng ký thuê bao tin tức tăng trưởng tương đối ít – điều đang diễn ra kể cả các tờ báo lớn.
Sự trỗi dậy của mạng xã hội và AI thay đổi đáng kể sự phát triển và tương lai ngành báo chí |
Báo cáo năm nay cho biết chỉ có 17% trả tiền cho các dịch vụ tin tức trực tuyến trong năm qua. Phần lớn lượt đăng ký chỉ thuộc về một số “thương hiệu quốc gia hạng sang” trong lĩnh vực phương tiện truyền thông kỹ thuật số, như Newman nhận định.
Ở một số quốc gia, nhiều tờ báo phải giảm giá mạnh, với khoảng 41% cho biết họ hiện trả phí ít hơn giá gốc. Triển vọng thu hút người đăng ký mới cũng ngày càng hạn chế do người dân tiếp tục miễn cưỡng trả tiền cho tin tức khi có quá nhiều nguồn tin tức miễn phí.
Hơn một nửa trong số những người không đăng ký nói rằng họ sẽ không trả gì cho tin tức trực tuyến. Hầu hết số còn lại chỉ sẵn sàng trả vài USD mỗi tháng cho dịch vụ này. Trong số 20 quốc gia giàu có nhất, các nước Bắc Âu như Na Uy (40%) và Thụy Điển (31%) có tỷ lệ người trả tiền cao nhất, trong đó Nhật Bản (9%) và Vương quốc Anh (8%) nằm trong số thấp nhất.
AI và tin giả nêu bật thách thức
Theo báo cáo năm 2024, những chủ đề được quan tâm nhất dễ thấy là bầu cử, cũng như các cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine hay Gaza. Cùng với đó, bối cảnh kinh tế thế giới không chắc chắn được thể hiện ở sự tràn ngập các tin tức khắp nơi về việc sa thải, đóng cửa và các khoản cắt giảm khác.
Tuy nhiên, cũng bởi tính chất nhạy cảm của các chủ đề, cuộc khảo sát của Viện Reuters cho thấy các phương tiện truyền thông tin tức ngày càng bị thách thức bởi thông tin sai lệch và xuyên tạc gia tăng.
Theo các chuyên gia, các công ty tư nhân về mạng xã hội, công cụ tìm kiếm hay công nghệ khác không có bất kỳ nghĩa vụ nào đối với tin tức khiến việc nhiều người dùng tiếp nhận thông tin từ các nền tảng của họ có thể gây ra hậu quả không chỉ đối với ngành tin tức mà còn đối với xã hội ở nhiều quốc gia.
Một nguy cơ khác được bàn luận nhiều hơn là AI. Những tiến bộ nhanh chóng của AI trong ngành truyền thông báo chí có thể làm giảm hơn nữa lưu lượng truy cập đến các trang web và ứng dụng tin tức. Điều này theo các chuyên gia sẽ tiếp tục làm tăng thêm sự “không chắc chắn” cho môi trường thông tin trong vài năm tới.
Nguồn: Báo chí thế giới thay đổi ra sao trong kỷ nguyên số?