Vi phạm an toàn thực phẩm: Không chỉ xử phạt theo hành vi
Bà Trần Việt Nga, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế - Ảnh: VGP/HM |
Liên quan đến việc đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội Xuân 2025 cũng như những quy định về vi phạm an toàn thực phẩm, Phóng viên Báo điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với bà Trần Việt Nga, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế.
Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, đối với lĩnh vực an toàn thực phẩm, việc triển khai xử phạt sẽ quy định theo hành vi. Trong đó, các hành vi có mức xử phạt cao nhất đối với cá nhân lên tới 100 triệu đồng, đối với tổ chức mức cao nhất tới 200 triệu đồng.
Theo quy định của Luật An toàn thực phẩm, nếu hành vi vi phạm chưa tương xứng mức xử phạt với vi phạm về an toàn thực phẩm thì có thể xử phạt tối đa 7 lần giá trị của hàng hoá vi phạm.
Cụ thể, theo các quy định tại Nghị định 115/2018/NĐ-CP và Nghị định 124/2021/NĐ-CP sửa đổi thì những hành vi được xác định là rất nghiêm trọng đối với sức khoẻ của con người sẽ bị phạt hành chính tối đa 7 lần giá trị hàng hoá.
Thực tế, Cục An toàn thực phẩm đã nhiều lần xử phạt và áp dụng mức xử phạt này, có đơn vị Cục An toàn thực phẩm phải ra quyết định xử phạt tới gần 11 tỷ đồng.
Những thực phẩm tiêu thụ nhiều ngày Tết |
Những vi phạm phổ biến của hộ kinh doanh gia đình, nhỏ lẻ
Đối với các hộ kinh doanh gia đình, cá nhân thì vi phạm an toàn thực phẩm nào được ghi nhận nhiều nhất, thưa Bà?
Bà Trần Việt Nga: Trong năm 2024, theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm , vi phạm nhiều nhất trong lĩnh vực an toàn thực phẩm là vi phạm về quảng cáo. Cũng trong năm này, số vụ ngộ độc do thức ăn đường phố cũng xảy ra nhiều hơn so với 2023 với số lượng người mắc lớn.
Đối với các hộ kinh doanh gia đình, nhất là hộ kinh doanh nhỏ lẻ, nguồn nguyên liệu cung cấp để chế biến thực phẩm thường là mua tự do, không có hợp đồng, hoá đơn mua bán do số lượng họ mua ít. Vì vậy, khi xảy ra vấn đề liên quan ngộ độc, không thể truy xuất nguồn gốc thực phẩm…
Trong khi, theo quy định, tất cả những cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm thì đều phải có hồ sơ ghi chép nguyên liệu và phải mua ở nơi có nguồn gốc an toàn. Ví dụ, rau cũng phải mua ở nơi có chứng nhận, có kiểm soát.
Đối với các hộ gia đình, điều kiện vệ sinh trong quá trình chế biến cũng vô cùng quan trọng và cần phải lưu ý, đặc biệt là việc thực hành của người chế biến, như rửa tay trước khi chế biến, chế biến riêng thực phẩm sống, thực phẩm chín… Sức khoẻ của người chế biến, người bán hàng cũng phải đảm bảo không mắc bệnh truyền nhiễm, chân tay không bị mụn, nhọt…
Đây là những điều kiện rất nhỏ nhưng lại rất quan trọng vì đó chính là những nguy cơ lớn đối với an toàn thực phẩm. Vì vậy, từng hộ cá nhân, từng đơn vị, từng doanh nghiệp cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn thực phẩm từ khâu thiết bị, dụng cụ để chế biến đến điều kiện của người trực tiếp chế biến như sức khoẻ, kiến thức về an toàn thực phẩm, cũng như đảm bảo nguồn gốc của các nguyên liệu sử dụng…
Các đoàn sẽ triển khai thanh kiểm tra về an toàn thực phẩm trong thời gian trước, trong và sau Tết. |
Bà vừa có khuyến cáo đối với cơ sở kinh doanh hộ gia đình, nhỏ lẻ, còn đối với người dân, bà có khuyến cáo như thế nào trong vấn đề an toàn thực phẩm, thưa bà?
Bà Trần Việt Nga: Trong dịp Tết, người Việt thường mua và dự trữ rất nhiều thực phẩm như giò, chả, thịt... Những thực phẩm này cần phải bảo quản trong điều kiện nhiệt độ lạnh. Vì vậy, khuyến cáo đầu tiên của tôi đối với người dân chỉ nên lựa chọn mua thực phẩm cần thiết, sắp xếp thực phẩm và bảo quản đúng cách.
Đối với thực phẩm phải bảo quản trong điều kiện nhiệt lạnh, nếu người dân chất kín thì nhiệt độ trong tủ lạnh cũng sẽ không đảm bảo để bảo quản thực phẩm tốt nhất có thể.
Người dân cũng không nên để các loại rau, củ, quả… quá lâu, sẽ không còn đảm bảo chất lượng.
Đối với thực phẩm còn lại từ bữa trước, theo khuyến cáo của tổ chức WHO, khi sử dụng lại thì phải đun sôi kỹ 5 phút, sau đó mới ăn lại.
Trong thời gian qua, có nhiều vấn đề liên quan đến bảo quản thực phẩm trong nhiệt độ lạnh, đông đá, Cục An toàn thực phẩm cũng đã có nhiều khuyến cáo với người tiêu dùng. Đó là thói quen đóng gói chân không, sau đó để tủ lạnh trong thời gian dài mới mang ra chế biến, đây cũng là nguy cơ cao bị ngộ độc thực phẩm.
Hiện nay, các cửa hàng tiện ích, siêu thị mở rất sớm sau dịp nghỉ Tết, vì vậy người dân không nên tích trữ nhiều thực phẩm, mua ồ ạt và không có nguồn gốc.
Tập trung thanh, kiểm tra các mặt hàng tiêu thụ nhiều dịp Tết
Vậy trong dịp Tết và mùa lễ hội Xuân 2025 này, Bộ Y tế có những biện pháp như thế nào để đảm bảo thực phẩm an toàn tới tay người tiêu dùng, thưa Bà?
Bà Trần Việt Nga: Ngay từ tháng 12/2024, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm đã ban hành kế hoạch triển khai các hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết và mùa lễ hội Xuân. Trong kế hoạch này, có 2 chiến dịch quan trọng.
Thứ nhất, chiến dịch truyền thông. Kế hoạch tập trung truyền thông tới người dân các phương thức lựa chọn, chế biến thực phẩm an toàn, truyền thông các quy định về an toàn thực phẩm, các điều kiện về an toàn thực phẩm và các mức xử phạt liên quan đến an toàn thực phẩm để người dân hiểu và nắm được các vi phạm cũng mức xử phạt tương ứng.
Thứ hai, tập trung hoạt động thanh, kiểm tra. Riêng Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm đã tổ chức 5 đoàn liên ngành đi kiểm tra, thanh tra tại10 tỉnh, thành.
Trong đó, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế chủ trì 1 đoàn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì 2 đoàn và Bộ Công thương chủ trì 2 đoàn. Tham gia các đoàn còn có các thành viên của Ban Chỉ đạo liên ngành như công an, khoa học công nghệ…
Các đoàn sẽ kiểm tra thực hiện kế hoạch triển khai các hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết và mùa lễ hội Xuân của Ban Chỉ đạo liên ngành địa phương. Theo đó, các địa phương căn cứ vào kế hoạch của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương để ban hành kế hoạch của địa phương; các huyện, xã, phường cũng phải có kế hoạch để triển khai.
Các đoàn thanh, kiểm tra sẽ tập trung vào những mặt hàng nào, cơ sở kinh doanh nào, thưa bà?
Bà Trần Việt Nga: Ban Chỉ đạo liên ngành địa phương sẽ trực tiếp kiểm tra các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Trong đó, tập trung nhiều nhóm hàng tiêu thụ nhiều trong dịp Tết như bánh kẹo, giò chả, rượu, các siêu thị, cửa hàng tạp hoá phục vụ Tết…
Các đoàn sẽ triển khai thanh kiểm tra trong thời gian trước, trong và sau Tết, trong các lễ hội Xuân đầu năm. Ngay thời điểm sau Tết, các địa phương sẽ có báo cáo sơ bộ gửi về Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm.
Vì vậy, đối với doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm thực phẩm nói chung, sản phẩm phục vụ Tết nói riêng, Cục An toàn thực phẩm kêu gọi lương tâm của các cơ sở kinh doanh trước tiên, đồng thời yêu cầu các cơ sở nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật trong đảm bảo an toàn thực phẩm.
Đặc biệt, nguồn gốc của thực phẩm, nguyên liệu sử dụng và đưa vào chế biến phải rõ ràng, bảo quản đúng cách, chỉ được sử dụng phụ gia trong danh mục được phép của Bộ Y tế, tuân thủ các điều kiện về chế biến, bảo quản, sản xuất…
Những sản phẩm dễ hư hỏng như giò, chả, xúc xích… thì điều kiện kinh doanh và bảo quản thực phẩm rất quan trọng, các đơn vị kinh doanh cần phải lưu ý.
Đối với các đơn vị kinh doanh các thực phẩm bao gói sẵn như bánh, mứt, kẹo… phải tuân thủ quy định về hạn sử dụng, nguồn gốc xuất xứ và có hoá đơn, chứng từ đầy đủ...
Xin trân trọng cảm ơn bà!
Nguồn: Vi phạm an toàn thực phẩm: Không chỉ xử phạt theo hành vi