Báo động tình trạng cạn kiệt tại các hồ chứa nước lớn
Bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia Nhiều thách thức trong bảo đảm an ninh nguồn nước ở Việt Nam |
Các chuyên gia quốc tế cho biết, hơn một nửa số hồ lớn trên thế giới đã thu hẹp kể từ đầu những năm 1990, chủ yếu do biến đổi khí hậu, làm gia tăng mối lo ngại về nguồn nước cho nông nghiệp, thủy điện và con người. Ngoài ra một số nguồn nước ngọt quan trọng nhất thế giới - từ Biển Caspi nằm giữa châu Âu và châu Á đến hồ Titicaca của Nam Mỹ - mất nước với tốc độ lũy kế khoảng 22 tỷ tấn mỗi năm trong gần ba thập kỷ. Lượng nước này nhiều gấp khoảng 17 lần thể tích hồ Mead, hồ chứa lớn nhất nước Mỹ.
Báo động tình trạng cạn kiệt tại các hồ chứa nước lớn |
Theo Fangfang Yao, nhà thủy văn học bề mặt tại Đại học Virginia, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, 56% sự sụt giảm ở các hồ tự nhiên bắt nguồn từ việc con người tiêu thụ và khí hậu ấm lên, trong đó nguyên nhân thứ hai chiếm phần lớn hơn. Gần 2 tỷ người sống xung quanh các hồ đang khô cạn chịu ảnh hưởng trực tiếp.
Các nhà khoa học khí hậu thường cho rằng những khu vực khô cằn trên thế giới sẽ trở nên khô hơn do biến đổi khí hậu, trong khi những nơi ẩm ướt sẽ trở nên ẩm ướt hơn. Tuy nhiên, nghiên cứu mới phát hiện, những vùng ẩm ướt cũng mất đi lượng nước đáng kể.
Nhóm chuyên gia sử dụng phép đo đạc vệ tinh kết hợp với các mô hình thủy văn và khí hậu để đánh giá gần 2.000 hồ lớn. Họ nhận thấy, việc con người sử dụng nước thiếu tính bền vững, lượng mưa và dòng chảy thay đổi, quá trình bồi lắng và nhiệt độ tăng cao đã khiến mực nước hồ toàn cầu giảm. Trong đó, 53% số hồ giảm trong giai đoạn 1992 - 2020. Chỉ khoảng 1/4 số hồ trong nghiên cứu có mực nước tăng, thường do xây đập ở những vùng xa xôi như cao nguyên Thanh Tạng.
Các nhà khoa học từ lâu đã cảnh báo cần phải ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu vượt quá 1,5 độ C để tránh những hậu quả thảm khốc nhất của biến đổi khí hậu. Thế giới hiện đang nóng lên với tốc độ khoảng 1,1 độ C. Nghiên cứu cho thấy, việc con người sử dụng thiếu tính bền vững khiến nhiều hồ khô cạn, chẳng hạn như Biển Aral ở Trung Á và Biển Chết ở Trung Đông. Trong khi đó, các hồ ở Afghanistan, Ai Cập, Mông Cổ chịu tác động từ nhiệt độ tăng, có thể dẫn đến tăng lượng nước mất vào khí quyển.
Nguồn:Báo động tình trạng cạn kiệt tại các hồ chứa nước lớn