Báo động về tốc độ “xanh hoá” cực nhanh tại Nam Cực
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học tại trường Đại học Exeter và Hertfordshire ở Anh, được công bố trên tạp chí Nature Geoscience ngày 4/10, thảm thực vật trên Bán đảo Nam Cực, chủ yếu là rêu, đã lan rộng gấp 10 lần trong 40 năm. Bán đảo này là dãy núi dài hướng về phía Bắc đến mũi Nam Mỹ, đang ấm lên nhanh hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu.
Nghiên cứu cũng cho thấy, thảm thực vật bao phủ chưa đến 1 km2 Bán đảo Nam Cực vào năm 1986 đã lan ra hơn 12 km2 vào năm 2021. Tốc độ mà khu vực bị “phủ xanh” cũng đã tăng tốc hơn 30% trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến năm 2021.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Anh, biến đổi khí hậu đã khiến diện tích thảm thực vật tại Nam Cực tăng lên với tốc độ mạnh mẽ trong vòng vài chục năm qua |
Thomas Roland – Tác giả chính của nghiên đang làm việc trong Đại học Exeter, cho hay, trong khi cảnh quan phần lớn là tuyết, băng và đá, khu vực xanh mướt nhỏ bé này đã phát triển đáng kể kể từ giữa những năm 1980. “Những phát hiện của chúng tôi cho thấy ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đang vượt quá giới hạn. Ngay cả trên Bán đảo Nam Cực – khu vực xa xôi, biệt lập, cảnh quan cũng đang thay đổi.”, ông Thomas Roland thông tin.
Đáng chú ý, hiện tượng “xanh hóa” Nam Cực trùng khớp với thời điểm các nhà khoa học ghi nhận tình trạng tan băng đáng báo động tại vùng đất này. Tất cả các hiện tượng kể trên đều liên quan đến tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu.
Nguồn: Báo động về tốc độ “xanh hoá” cực nhanh tại Nam Cực