Bảo tồn, sử dụng bề vững tài nguyên tại các khu dự trữ sinh quyển
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng phức tạp, bên cạnh đó tình trạng khai thác tài nguyên trái phép cũng là một thách thức lớn đối với các cấp quản lý nhà nước, do đó, nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng vi phạm đến tài nguyên thiên nhiên nhất là tại các khu dự trữ sinh quyển đã được Đảng và nhà nước đặc biệt quan tâm.
Cùng với đó, việc tăng cường khuyến khích các ngành, đơn vị khai thác sử dụng tài nguyên áp dụng hệ thống quản lý môi trường để giảm thiểu ô nhiễm trong hoạt động phát triển kinh tế đã góp phần chuyển đổi nhận thức, ý thức của người dân, doanh nghiệp. Đáng chú ý, mới đây Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổng kết Dự án "Lồng ghép quản lý tài nguyên thiên nhiên và các mục tiêu về bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quản lý các khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam" (Dự án BR).
Dự án, được tài trợ bởi Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF), là một phần trong nỗ lực của Việt Nam hướng tới thực hiện Khung đa dạng sinh học toàn cầu Kunming-Montreal (GBF) đến năm 2030. Khởi động từ năm 2019, dự án BR đã được triển khai tại 3 khu dự trữ sinh quyển thế giới (KDTSQTG): Tây Nghệ An, Cù Lao Chàm - Hội An và Đồng Nai.
Trong bối cảnh thách thức từ hoạt động phát triển kinh tế - xã hội đe dọa đến tính bền vững của đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái tại các KDTSQTG, dự án đã hỗ trợ hoàn thiện khung thể chế và chính sách, tăng cường phối hợp giữa các bên trong quá trình lập quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, thúc đẩy quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững, thúc đẩy bảo tồn và phục hồi đa dạng sinh học, và đẩy mạnh các mô hình sinh kế cộng đồng bền vững tại các KDTSQTG.
Dự án BR đã đạt được những kết quả đáng kể, quản lý hiệu quả gần 2,1 triệu ha diện tích tại ba khu dự trữ sinh quyển, phục hồi và quản lý rừng bền vững cho hơn 4.000 ha rừng suy thoái và bảo vệ và sử dụng bền vững tài nguyên của 62.940 ha khu vực dành riêng có giá trị bảo tồn cao. Gần 2.900 hộ gia đình, trong đó 40% người hưởng lợi là phụ nữ, đã tăng thu nhập ít nhất 20% thông qua các hoạt động như du lịch sinh thái, trồng cây dược liệu, và chăn nuôi thân thiện môi trường. Ngoài ra, hơn 4.200 người, trong đó 43% là phụ nữ, đã được đào tạo về bảo tồn và quản lý tài nguyên thiên nhiên.
Du khách tham quan, du lịch tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An, Quảng Nam. (Ảnh: BDT). |
Dự án cũng đã đạt được bước tiến trong việc thúc đẩy tích hợp Đánh giá tác động đa dạng sinh học (BIA) vào các đánh giá tác động môi trường (EIA) tại ba KDTSQ. Cùng với đó, 62.5% cơ sở du lịch lựa chọn được cấp chứng nhận cơ sở du lịch thân thiện đa dạng sinh học. Các kết quả đạt được từ dự án là minh chứng cho cam kết của Việt Nam đối với các mục tiêu GBF bao gồm mục tiêu về quy hoạch không gian và bảo vệ hệ sinh thái, phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái, tích hợp đa dạng sinh học vào chính sách quốc gia và các ngành kinh tế, và đảm bảo sự tham gia của cộng đồng. Lãnh đạo Cục bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, khẳng định, sau 5 năm triển khai, Dự án BR, đã hoàn thành các mục tiêu, chỉ số đầu ra của dự án theo Văn kiện dự án đã được phê duyệt.
Các kết quả đạt được của Dự án BR đã góp phần tăng cường hiệu quả quản lý các KDTSQ tại Việt Nam và thúc đẩy thực hiện các chức năng KDTSQ trước các áp lực của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế - xã hội đất nước cũng như tác động của biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng khốc liệt trên toàn cầu. Đại diện UNDP tại Việt Nam, nhấn mạnh, chúng ta cần đặt con người vào trung tâm của mọi nỗ lực bảo tồn thiên nhiên.
Bằng cách trao quyền cho các cộng đồng, thúc đẩy sinh kế bền vững, tin rằng có thể tạo nên một tương lai nơi con người và thiên nhiên sống hài hòa với nhau. Tiếp nối những thành công của dự án BR, UNDP cam kết thúc đẩy cuộc sống hòa hợp giữa con người và thiên nhiên.
UNDP sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Bộ TN&MT và các bên liên quan tại Việt Nam để triển khai các dự án trong tương lai như dự án "Thúc đẩy bảo tồn loài hoang dã và du lịch có trách nhiệm dựa vào thiên nhiên vì sự phát triển bền vững ở Việt Nam", dự án "Quản lí rừng và đất rừng bền vững ở cảnh quan lưu vực sông Ba"…Những nỗ lực này sẽ tiếp tục củng cố vai trò của Việt Nam trong thực hiện các cam kết quốc tế và trong nước về bảo tồn đa dạng sinh học và quản lí tài nguyên thiên nhiên.
Các khu dự trữ sinh quyển, lần đầu được UNESCO đề xuất vào năm 1971, nhằm công nhận các khu vực có giá trị cao về thiên nhiên và văn hóa. Các khu này được xem như "phòng thí nghiệm" cho phát triển bền vững, nơi thử nghiệm các phương pháp quản lý tương tác giữa hệ sinh thái và các hoạt động kinh tế - xã hội, thúc đẩy sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học do phát triển thiếu bền vững, các KDTSQTG tại Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ hệ sinh thái và hỗ trợ hàng triệu người dân và hệ động thực vật bản địa.
Hiện nay, Việt Nam có một hệ thống gồm 11 Khu dự trữ Sinh quyển Thế giới được UNESCO công nhận. Đây là danh hiệu UNESCO trao tặng cho các khu vực có giá trị đặc biệt về thiên nhiên và đa dạng sinh học. Các Khu dự trữ Sinh quyển Thế giới ở Việt Nam gồm Khu dự trữ Sinh quyển Rừng ngập mặn Cần Giờ (2000); Khu dự trữ Sinh quyển Đồng Nai (2011); Khu dự trữ Sinh quyển Cát Bà (2004).
Ngoài ra còn có Khu dự trữ Sinh quyển châu thổ sông Hồng (2004); Khu dự trữ Sinh quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang (2006); Khu dự trữ Sinh quyển miền tây Nghệ An (2007); Khu dự trữ Sinh quyển Mũi Cà Mau (2009); Khu dự trữ Sinh quyển Cù Lao Chàm (2009); Khu dự trữ Sinh quyển Langbian (2015); Khu dự trữ Sinh quyển Núi Chúa (2021); Khu dự trữ Sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng (2021). Đây được xem là nơi phát triển các mô hình về sự chung sống hài hòa giữa con người và thiên nhiên, trong đó, bảo tồn thiên nhiên đi đôi với phát triển đời sống kinh tế - xã hội bền vững cho cộng đồng địa phương.
Nguồn: Bảo tồn, sử dụng bề vững tài nguyên tại các khu dự trữ sinh quyển