Bảo vệ các vùng đất ngập nước cho thế hệ mai sau
Khởi nguồn của những vùng đất trù phú
Việt Nam hiện có tổng diện tích đất ngập nước khoảng 11,85 triệu ha (không kể diện tích sông suối ngập nước theo mùa và điểm nước nóng, nước khoáng và đảo Hoàng Sa, Trường Sa), chiếm 37% tổng diện tích đất tự nhiên của cả nước. Các dòng sông tạo nên các vùng đồng bằng châu thổ rộng lớn và phì nhiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp như đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long. Các vùng đất ngập nước ven biển cung cấp nguồn lợi thủy sản cho nhiều cộng đồng dân cư sống xung quanh từ nhiều đời nay. Cùng với giá trị kinh tế không nhỏ, các hệ sinh thái đất ngập nước còn có vai trò điều hòa môi trường, hỗ trợ chống lại các tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu; là nguồn cội của nhiều giá trị lịch sử, văn hóa lâu đời trong cộng đồng dân cư.
Một góc Vườn quốc gia Cát Tiên (tỉnh Đồng Nai). Ảnh: Ban quản lý Vườn quốc gia Cát Tiên |
Trong nhiều năm qua, công tác quản lý đất ngập nước ở Việt Nam đặt mục tiêu bảo tồn, phát triển bền vững cũng như duy trì đặc tính sinh thái của hệ sinh thái đất ngập nước, trong đó tập trung cho các vùng đất ngập nước có hệ sinh thái đặc thù, đa dạng sinh học cao, có chức năng duy trì nguồn nước và cân bằng sinh thái, có tầm quan trọng quốc tế, quốc gia.
Sau 35 năm tham gia Công ước Ramsar và 20 năm thực hiện Nghị định số 109/2003/NĐ-CP bảo tồn phát triển bền vững vùng đất ngập nước, đến nay, Việt Nam đã có 9 khu bảo tồn được công nhận là vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (khu Ramsar) với tổng diện tích hơn 120 nghìn ha, bao gồm: 7 vườn quốc gia (Xuân Thủy, tỉnh Nam Định; Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn; Bầu Sấu - Cát Tiên, tỉnh Đồng Nai; Tràm Chim, tỉnh Đồng Tháp, Mũi Cà Mau, tỉnh Cà Mau; Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang) và 2 khu bảo tồn thiên nhiên (Láng Sen, tỉnh Long An và Vân Long, tỉnh Ninh Bình). Cùng với 9 khu ramsar hiện có, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức thẩm định Hồ sơ Ramsar Bắc Đồng Nai và nhận được đề xuất đề cử Khu Ramsar Cần Giờ.
Đến nay, 23 tỉnh thành phố trên cả nước đã có quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học và xác định rõ nhiều vùng đất ngập nước quan trọng cần được bảo vệ, quản lý dưới hình thức khu bảo tồn. Tổng cộng có 47 khu ĐNN quan trọng được đưa vào quy hoạch thành lập khu bảo tồn đến năm 2030 theo Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước.
Diện tích các kiểu ĐNN chính theo 8 vùng sinh thái của Việt Nam và tỷ lệ % diện tích đất ngập nước theo các vùng (b). Ảnh: Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học |
Theo Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Bộ Tài nguyên và Môi trường), tương tự xu hướng chung của thế giới, diện tích các kiểu đất ngập nước tự nhiên ở Việt Nam đang có xu hướng giảm trong khi diện tích các kiểu đất ngập nước nhân tạo đang có xu hướng tăng. Diện tích các kiểu đất ngập nước tự nhiên hoặc hệ sinh thái của chúng như rạn san hô, thảm cỏ biển, hồ tự nhiên, đầm lầy cây bụi chiếm ưu thế, đầm lầy cây gỗ chiếm ưu thế, bãi triều tự nhiên đang có xu hướng giảm mạnh trong những năm qua, thay vào đó là diện tích đất trồng lúa, hồ chứa nhân tạo, ao nuôi trồng thủy sản nước mặn nhân tạo đang có xu hướng gia tăng. Điều này thể hiện quá trình khai thác, sử dụng và chuyển đổi mạnh mẽ giữa các vùng đất ngập nước, đặc biệt trong những năm trở lại đây dưới tác động từ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của con người và biến đổi khí hậu diễn ra gay gắt hơn.
Bên cạnh xu hướng suy giảm về diện tích, chất lượng môi trường, đa dạng sinh học tại các vùng đất ngập nước cũng đang có xu hướng suy giảm nghiêm trọng. Vùng ngập lũ Đồng Tháp Mười là vùng đất ngập nước tự nhiên theo mùa với những sinh cảnh rất đặc trưng như: rừng tràm, đồng cỏ năng ống, năng kim, những cánh đồng lúa ma và những đầm sen rộng lớn. Nhiều năm trôi qua, sinh cảnh nơi đây đã nhường chỗ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp và trở thành vựa lúa lớn nhất cả nước. Số lượng và sự đa dạng các loài chim, cá bị suy giảm nghiêm trọng do mất đi môi trường sống. Những khu vực còn lại như vườn quốc Tràm Chim, khu bảo tồn Gáo Giồng, Xẻo Quýt ở tỉnh Đồng Tháp, khu bảo tồn Láng Sen ở tỉnh Long An đã được bảo tồn và bảo vệ nhờ những cố gắng, nỗ lực của các nhà khoa học cũng như chính quyền địa phương để gìn giữ những giá trị của Đồng Tháp Mười năm xưa.
Cần hài hòa phát triển và bảo tồn
Nhân dịp hưởng ứng Ngày đất ngập nước năm 2024, Công ước về các vùng Đất ngập nước (Công ước Ramsar) với phương châm “bảo tồn và sử dụng khôn khéo các vùng đất ngập nước thông qua các hành động của địa phương, khu vực, quốc gia và hợp tác quốc tế nhằm góp phần đạt được mục tiêu phát triển bền vững trên toàn thế giới” một lần nữa được nhấn mạnh.
Bảo tồn khôn khéo thể hiện ở việc các quốc gia các thành viên của Công ước, trong đó có Việt Nam cần đưa ra các giải pháp hài hòa trong việc sử dụng các vùng đất ngập nước để phát triển kinh tế xã hội và sinh kế bền vững với bảo tồn, duy trì giá trị và chức năng sống còn của đất ngập nước; hài hòa giữa bảo tồn đất ngập nước và bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu. Công ước yêu cầu các quốc gia cần xây dựng và thực hiện thể chế chính sách, quy hoạch sử dụng bền vững, sử dụng khôn khéo vùng đất ngập nước và lồng ghép vào chính sách phát triển nói chung ở các cấp, các ngành và địa phương.
Đàn cò thìa mỏ đen quý hiếm tại Vườn quốc gia Xuân Thủy (tỉnh Nam Định) . Ảnh: Phạm Hồng Phương |
Thời gian qua, với vai trò cơ quan quản lý và phát triển các hệ sinh thái trên các vùng đất ngập nước tự nhiên, Bộ Tài nguyên và Môi trường, trực tiếp là Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học đã từng bước xây dựng hành lang pháp lý liên quan. Riêng năm 2023, Cục đã triển khai thực hiện đề án phục hồi các hệ sinh thái đất ngập nước bị suy thoái. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng hệ thống thông tin đa thời gian về đất ngập nước và khu bảo tồn thiên nhiên; khảo sát đo đạc, thành lập các loại bản đồ phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững vùng đất ngập nước khu vực các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Long An và TP Hồ Chí Minh.
Năm qua, Cục cũng đã khảo sát thực tế để tham mưu Bộ đề nghị Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Thái Bình rà soát, xác định, bảo đảm diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải, tỉnh Thái Bình theo diện tích đã được quy hoạch và quy định của pháp luật.
Để đảm bảo thực hiện hiệu quả Công ước Ramsar, trong thời gian tới, Bộ TN&MT dự kiến sẽ ban hành các Quyết định về việc thành lập và tổ chức hoạt động Mạng lưới các khu Ramsar Việt Nam và Danh mục vùng đất ngập nước quan trọng trên phạm vi toàn quốc. Qua đó, tăng cường tính thực thi pháp luật và đảm bảo các nguồn lực để triển khai thực hiện các hoạt động về bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học tại các vùng đất ngập nước trên toàn quốc.
Vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp) có hệ chim phong phú bậc nhất Việt Nam |
Năm 2024, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học sẽ hướng dẫn các địa phương, tổ chức, cá nhân thực hiện quy định pháp luật; đồng thời, bảo đảm tiến độ công tác kiểm tra chấp hành pháp luật về bảo tồn và sử dụng các vùng đất ngập nước, bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ tại các khu bảo tồn thiên nhiên trên địa bàn các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương.
Ngày Đất ngập nước Thế giới là sáng kiến của Công ước Ramsar nhằm mục đích nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò của các vùng đất ngập nước đối với nhân loại và hành tinh, từ đó có các hành động thúc đẩy việc bảo tồn, sử dụng hợp lý và phục hồi đất ngập nước.
Nguồn: Bảo vệ các vùng đất ngập nước cho thế hệ mai sau